Chủ đề: Hướng Dẫn Sống Thao Luyện Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19 (12/4/2020)

Tâm tình sống thao luyện của Tuần IV: Chúa Phục Sinh

 

Anh chị em thân mến,

 

Như tôi đã đề cập, việc đào luyện nên môn đệ Đức Giêsu trong Linh Thao thuộc cấp độ siêu nhiên kéo dài ba Tuần thao luyện khi chiêm niệm cuộc đời Đức Giêsu: Tuần hai về thời thơ ấu và công khai – Tuần ba về cuộc khổ nạn – Tuần bốn về việc Phục Sinh của Chúa.

 

Hành trình đào luyện này khởi đi từ Nguyên Lý và Nền Tảng Siêu Nhiên với nội dung: “Theo Ta trong đau khổ, ở với Ta trong vinh quang” (LT 955). Chúng ta đã được đào luyện vế thứ nhất của nội dung đó, kèm theo ý hướng được trắc nghiệm trong Tuần thao luyện vừa qua, khi sống với Chúa trong cuộc khổ nạn của Ngài.

 

Tối nay, chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội cử hành Lễ Vọng Phục Sinh và cuộc thao luyện của chúng ta bước sang Tuần bốn, tức là đào luyện vế thứ hai của Nguyên Lý Nền Tảng siêu nhiên đó: “ở với Ta trong vinh quang” theo ý hướng được phê chuẩn.

 

Để giúp anh chị em bước vào cuộc thao luyện cho có ích lợi, tôi xin trình bày hai điều: mục đích và tâm tình sống của việc đào luyện Tuần bốn.

 

1/ Mục đích việc đào luyện

 

Mục đích việc đào luyện của Tuần bốn liên quan đến mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa được tập trung vào ơn xin của bài chiêm niệm đầu tiên, Chúa hiện ra cho Đức Mẹ: “Cầu xin điều tôi muốn. Ở đây là xin ơn được hoan lạc và vui mừng mãnh liệt vì sự vinh quang và vui mừng dường ấy của Đức Kitô Chúa chúng ta” (LT 221).

 

Vậy mệnh đề: “Ở với Ta trong vinh quang” theo ý hướng được phê chuẩn có nghĩa gì? Chắc chắn, ý hướng “được trắc nghiệm” của Tuần ba nhắm thẳng vào thao viên, nơi đó họ vừa được thúc đẩy sống tình yêu nên một với Đức Giêsu, vừa thấy khoảng cách của mình với Ngài khi chiêm niệm cuộc khổ nạn của Ngài. Việc sắp xếp các Mầu Nhiệm trong 7 ngày đã cho thấy ý nghĩa đó (x. LT 190; 200; 208). Ngược lại, ý hướng “được chuẩn nhận” của Tuần bốn không nhắm thẳng vào thao viên, mà gián tiếp qua trung gian mầu nhiệm phục sinh của Đức Giêsu.

 

Quả vậy, ơn xin cho chúng ta xác tín như thế, thao viên xin có được sự vui mừng và hoan lạc mãnh liệt, nhưng lý do để có được sự vui mừng và hoan lạc đó lại không phải ở nơi họ mà nơi Đức Kitô. Tại sao? Thưa, Vì Ngài đã sống mầu nhiệm hiến tế và Ngài đã được Thiên Chúa phê chuẩn, khi cho Ngài từ cõi chết chỗi dậy (x. Pl 2,6-11). Như vậy, “sự vinh quang và vui mừng của Đức Kitô, Chúa chúng ta” là cơ sở mà thao viên xin cảm nhận được, để nhờ đó họ có thể vượt qua những chao đảo và thử thách mà họ vừa trải qua trong Tuần Ba, và cũng nhờ đó mà họ dám dấn thân đi theo sống sự hiến tế với Chúa cách can đảm và triệt để hơn, để làm cho niềm vui Phục Sinh của Chúa trở nên niềm vui của chính mình. Bởi lẽ, thánh Phaolô đã nói: “Nếu Đức Kitô không chỗi dậy, thì đức tin của anh em trở nên hão huyền và anh em vẫn phải sống trong tội lỗi” (1Cr 15,17).

 

2/ Tâm tình sống đào luyện của Tuần bốn

 

Các bài gợi ý là những bài chiêm niệm như ở Tuần Hai và Tuần ba, nhưng tâm tình sống có khác với Tuần Ba ở những điểm sau:

 

– Khi thức dậy, để tâm đến cuộc chiêm niệm tôi phải làm, ước ao được cảm kích và hoan lạc vì sự vui mừng và hoan lạc dường ấy của Đức Kitô, Chúa chúng ta.

 

– Hướng tâm hồn và tư tưởng vào những điều có thể gây nên niềm vui thiêng liêng như sự vinh quang, phục sinh…

 

– Vận dụng khung cảnh hay bầu khí giúp mình cảm nhận được niềm vui trong Đấng Tạo Dựng và cứu chuộc mình.

 

– Thay vì làm việc hãm mình đền tội, hãy nhắm đến sự tiết độ và trung dung trong mọi sự trừ khi luật kiêng thịt và ăn chay đòi buộc.

 

Chúc anh chị em được tràn đầy niềm vui và ơn sủng của Chúa Kitô, Đấng đã Phục sinh từ cõi chết, Alleluia!

 

Cho vinh danh Chúa hơn.

 

Lm. Giuse Lê Quang Chủng, SJ.

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Thánh lễ khấn lần đầu của thầy Gioan Vũ Đức Ba

Hôm nay ngày 18 tháng 01 năm 2025, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Dòng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *