“Chúng ta đã có Giáo hoàng”: Lịch sử của một nghi lễ trọng đại

 

Trong những ngày Giáo hội chờ đợi có tân Giáo hoàng, rất nhiều người mong thời khắc câu này vang lên từ ban công đền thờ thánh Phêrô: “Habemus Papam – Chúng ta đã có Giáo hoàng”[1]. Chắc chắn lời công bố này sẽ khiến hàng tỉ con tim reo mừng trong xúc động hồi hộp. Thực ra trước đó, làn khỏi trắng trên ống khói nhà nguyện Sistine đã là tín hiệu báo tin vui. Tuy vậy, chúng ta chỉ chính thức gặp được vị tân Giáo hoàng sau lời tuyên bố đó. Có thể nói, cụm từ Habemus Papam đã trở thành một biểu tượng tôn giáo và văn hóa sâu sắc, đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử của Giáo hội Công giáo – sự khởi đầu của triều đại mới nơi người kế vị thánh Phêrô.

  1. Lịch sử của công thức Habemus Papam

Cụm từ Habemus Papam không tồn tại trong các văn kiện thời kỳ Giáo hội sơ khai. Các công đồng trước thế kỷ thứ X cũng không thấy. Theo sử liệu, cụm từ này được hình thành và duy trì như một công thức nghi lễ từ khoảng thế kỷ XIV – tức là cuối thời Trung Cổ. Lý do có lẽ vì thời gian này giáo triều Rôma có nhiều cải tổ về lễ nghi mang tính hệ thống hơn. Sau đó, việc sử dụng công thức công bố này được ghi nhận từ cuộc bầu chọn Đức Hồng y Odo Colonna làm Giáo hoàng Martinô V (Martin V)[2] năm 1417. Sau đó, đến thế kỷ XVI–XVII, việc công bố “Habemus Papam” bằng tiếng La-tinh đã được chuẩn hóa để trở thành một phần nghi thức long trọng trong phụng vụ Giáo hội[3].

 

Theo truyền thống, sau khi Mật nghị (Conclave, bắt đầu ngày 07-05-2025) đã bầu chọn ra được một vị Giáo hoàng, Hồng y niên trưởng (Cardinale Protodiacono) sẽ xuất hiện tại ban công chính của đền thờ thánh Phêrô để đọc công bố chính thức, bắt đầu bằng câu:

 

“Annuntio vobis gaudium magnum: Habemus Papam!” Eminentissimum ac reverendissimum dominum, dominum [tên], Sanctae Romanae Ecclesiae Cardinalem [Họ], qui sibi nomen imposuit [tên Giáo hoàng].”

Tạm dịch: “Tôi loan báo cho anh chị em một niềm vui trọng đại: Chúng ta đã có Giáo hoàng!” Vị rất đáng kính và rất khả ái, [tên khai sinh], Đức Hồng y của Hội thánh Rôma, người đã chọn cho mình danh hiệu là [tên Giáo hoàng].”

 

Tuy không được giải thích cụ thể trong các tài liệu lịch sử Giáo hội, vài điều trong công thức trên mang những điểm tương đồng với truyền thống cổ xưa của Kitô giáo. Chẳng hạn như khi loan báo một tin mừng hay khi giới thiệu một nhân vật được Thiên Chúa tuyển chọn, thường có lời loan báo kiểu này. Ví dụ, trong trình thuật Giáng sinh, sứ thần nói với các mục đồng rằng: “Tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại (gaudium magnum), cũng là tin mừng cho toàn dân. (Lc 2,10).

Tông huấn Universi Dominici Gregis (1996) của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II về việc hướng dẫn tiến trình bầu Giáo hoàng không nhắc đến cụm từ này. Tuy nhiên, tông huấn mô tả việc công bố Giáo hoàng như một cử chỉ long trọng mang tính nghi lễ dành cho dân Chúa: Vị Hồng y trưởng đẳng Phó tế sẽ loan báo cho dân chúng đang chờ đợi rằng cuộc bầu chọn đã hoàn tất, đồng thời công bố tông hiệu của vị tân Giáo hoàng. Ngay sau đó, vị tân Giáo hoàng ban phép lành tòa thánh Urbi et Orbi từ ban công vương cung thánh đường Vatican.” (Universi Dominici Gregis số 83. Dù không được nêu rõ trong bộ Giáo luật 1983, việc công bố Habemus Papam đã là một phần không thể thiếu trong truyền thống Giáo hội.

 

Như thế, Habemus Papam không phải là một điều luật buộc, mà là một truyền thống có tính “quy phạm” – vừa cổ truyền, vừa được thấm nhuần trong cảm thức đức tin của dân Chúa (sensus fidelium).

  1. Ý nghĩa thần học

Dĩ nhiên “Habemus Papam” không phải là lời tuyên xưng đức tin. Dù sao qua lời này, chúng ta chung vui với Giáo hội và tiếp tục tin tưởng vào vị tân Giáo hoàng. Thần học về Giáo hoàng luận (Pontificatus) vốn dựa trên nền tảng Phêrô: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,18). Như vậy, khi công bố Habemus Papam, Giáo hội không chỉ loan báo danh tính một vị Hồng y được bầu làm Giáo hoàng, mà sâu xa hơn, Giáo hội tuyên xưng rằng: sứ vụ Phêrô vẫn đang tiếp diễn. Lời tuyên bố này tiếp tục khẳng định sự trung thành của Giáo hội với ý định của Đức Kitô.

 

 

Dưới góc nhìn thần học, “Habemus Papam” không phải là một sự khởi đầu hoàn toàn mới, nhưng là sự tiếp nối của một sứ vụ tông truyền được ban phát từ Đức Kitô qua thánh Phêrô và các vị kế nhiệm. Vị tân Giáo hoàng không đơn thuần là một người được bầu chọn, mà là một “người được Thiên Chúa chỉ định thông qua cơ chế Giáo hội” (Deus Providebit). Có lẽ vì điều này mà nhiều tín hữu mong chờ thời khắc câu “Chúng ta đã có Giáo hoàng!” vang lên!

 

Cụm từ Habemus Papam còn nói lên vai trò của Giáo hoàng như nguyên lý hữu hình cho sự hiệp nhất của Hội thánh toàn cầu. Theo Công đồng Vaticanô II (1962-65), vị Giám mục Rôma “làm đầu trong tình bác ái” (presidet caritati) đối với toàn thể Giáo hội (x. Lumen Gentium, số 23). Khi công bố “Chúng ta đã có Giáo hoàng”, Giáo hội không chỉ định danh một cá nhân, mà xác định một trung tâm hiệp thông mang tính mục vụ. Từ đây Giáo hội như một bí tích với vị đại diện của Chúa Kitô trên trần gian[4].

 

Mặc dù đây không phải là phụng vụ chính thức, tôi xin mạo muội chỉ ra vài điểm rất gần với cấu trúc phụng vụ bí tích mà Giáo hội cử hành: từ địa điểm (ban công vương cung thánh đường thánh Phêrô), nghi thức xuất hiện, cách thức xưng hô, cho đến việc công bố tên mới của Giáo hoàng. Tên được chọn (qui sibi nomen imposuit…) giống như Cựu Ước (Áp-ram trở thành Áp-ra-ham) và Tân Ước (Simon trở thành Kê-pha). Từ đây vị tân Giáo hoàng sẽ bước vào một ơn gọi mới với một căn tính mới trong lòng Hội thánh.

 

Có lẽ chúng ta sẽ đoán được ít nhiều đường hướng mục vụ của vị Giáo hoàng mới theo tông hiệu của ngài. Ví dụ:

  • “Gioan Phaolô II” gợi nhớ về sự tiếp nối giữa hai vị tiền nhiệm.
  • “Bênêđictô XVI” gợi nhắc về thánh Bênêđictô, cha đẻ đời sống đan tu phương Tây, và về triều đại Bênêđictô XV, một Giáo hoàng thời chiến.
  • “Phanxicô” lần đầu tiên trong lịch sử, biểu tượng cho sự nghèo khó, khiêm nhường và canh tân Hội thánh.
  1. Trong truyền thông hiện đại

Sự kiện Habemus Papam đã vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo để trở thành một hiện tượng truyền thông và văn hóa đại chúng. Cụm từ này xuất hiện trong:

 

  • Các bản tin toàn cầu mỗi lần có Giáo hoàng mới.
  • Bộ phim Habemus Papam của đạo diễn Nanni Moretti (2011) đưa ra góc nhìn nhân văn và hiện sinh về sự giằng xé nội tâm của vị Giáo hoàng mới được bầu.
  • Văn chương, báo chí, và thậm chí cả các tác phẩm biếm họa cũng có đề cập đến.

 

Điều này cũng đặt ra một vấn đề mục vụ: Làm thế nào để khoảnh khắc linh thiêng này không bị thương mại hóa hoặc mất đi chiều sâu thiêng liêng của nó? Tuy vậy, nhờ vào truyền thông ngày nay, sau lời Habemus Papam vang lên, cả thế giới đều vui mừng vì đã có tân Giáo hoàng. Là những người Công giáo, ước gì tin vui này giúp chúng ta tiếp tục tin tưởng vào sức mạnh dẫn dắt của Thiên Chúa qua người kế nhiệm thánh Phêrô.

Tạm kết 

Với chút chia sẻ tìm hiểu trên đây, có lẽ cụm từ Habemus Papam không chỉ là lời công bố đơn thuần. Đó là một tuyên bố đức tin, là một hành vi phụng vụ, và là một biểu tượng sống động về sự trung thành của Giáo hội với Đức Kitô qua dòng lịch sử. Dù với nghi thức rất ngắn ngủi, Habemus Papam có thể đưa chúng ta đến mấy điều này: hành vi thần học, mầu nhiệm hiệp thông, và niềm tin rằng Đức Giêsu Kitô vẫn đang dẫn dắt Hội thánh qua một con người mỏng giòn nhưng được Chúa chọn làm đấng kế vị thánh Phêrô.

 

Trong lúc chờ câu này vang lên trong vài ngày tới, hy vọng toàn thể Hội thánh được mời gọi canh tân niềm tin vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và cùng nhau bước vào một hành trình mới với vị mục tử được Chúa chọn.

 

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.

 

[1] Đầy đủ: “Annuntio vobis gaudium magnum: Habemus Papam” (Tôi loan báo cho anh chị em một niềm vui lớn: Chúng ta đã có Giáo hoàng)

[2] https://www.archivioradiovaticana.va/storico/2013/03/13/origins_of__the_annuntio_vobis_gaudium_magnum_habemus_papam__/en1-673025

[3] Chẳng hạn trong hai tài liệu này: 1. Các Ordo Rituum Conclavis (Nghi thức Mật nghị Hồng y) từ thế kỷ XVII trở đi. 2. Các sách nghi lễ Giáo triều Rôma (Ceremoniale Romanum).

[4] Lumen Gentium rằng: “Trong Đức Kitô, Giáo Hội như là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người, vì thế Giáo Hội muốn trình bày rõ ràng hơn cho các tín hữu và cho toàn thế giới chính bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình.”(LG 1).

Kiểm tra tương tự

ĐTC Lêô XIV – Truyền giáo là ơn gọi dành cho mọi Kitô hữu

Đức Thánh Cha nói khi còn thi hành thừa tác vụ ở Peru, ngài thấy …

Dòng Tên vì Công Bằng Khí Hậu – Chiến dịch SB62 và COP30

  Chúng ta không thể nào phủ nhận về cuộc khủng hoảng khí hậu được …