Chúng ta là tội nhân

RepentCrossĐã có lần nào trong đời, khi đối diện với Chúa, bạn nhận ra mình là một tội nhân? Nếu đã có kinh nghiệm ấy thì thật là diễm phúc cho bạn! Vì chỉ khi nhận ra mình như thế, bạn mới thật sự cảm nghiệm Thiên Chúa là Đấng thương xót như thế nào!

Khi nhận ra mình có tội, chúng ta thường rơi vào những thái độ: Sợ hãi, hối hận, tìm cách giải quyết… Thái độ mà chúng ta có sẽ quyết định hành động của chúng ta và quyết định cả đời sống của chúng ta nữa! Phạm tội thì rất dễ, nhưng quyết định và hành động đúng sau đó thì rất khó! Nhìn lại hình ảnh của Giakêu, người thu thuế; khi được đối diện với Đức Giêsu, tình thương của Ngài đã chạm đến cái sâu thẳm của tâm hồn ông, khiến ông nhận ra mình là một kẻ tội lỗi và đã quyết định đền bù tội lỗi ấy. Có thể nói Giakêu đã quyết định thật thua thiệt! Xét theo lẽ người đời thì không cần phải chịu thiệt đến như vậy! Nhưng một khi khám phá ra sự thâm sâu của lòng thương xót mà Đức Giêsu đã dành cho ông, ông đã sẵn sàng giũ bỏ con người cũ của mình, để bắt đầu một cuộc sống mới. Cái thua thiệt đó chẳng còn giá trị gì đối với điều mà ông đón nhận được, đó là được chính Thiên Chúa đến thăm nhà ông. Cuộc sống của chúng ta đôi lúc cũng phải trả giá bằng chính những thua thiệt khi chúng ta chân chính hơn trong công việc, khi chúng ta công bằng hơn trong hành xử và khi chúng ta không tham lam những của công. Sự trả giá đó là điều phải làm để chúng ta đón nhận điều cao quý hơn là chính Thiên Chúa! Nhìn lại hình ảnh của Maria Madalena, một phụ nữ phạm tội ngoại tình; khi đối diện với Đức Giêsu, bà đã đụng chạm đến cái sâu thẳm của sự tha thứ. Sự tha thứ của Đức Giêsu như là một sự phá vỡ những nguyên tắc của lề luật. Chính sự tha thứ ấy đã làm cho bà thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình. Cuộc đời của một con người chỉ biết đổi chác, được biến đổi thành con người biết yêu và yêu hết lòng. Để chấp nhận sự biến đổi ấy, bà phải chấp nhận mất đi những lợi nhuận để nuôi sống mình hằng ngày, bà sẵn sàng đón nhận một cuộc sống vất vả hơn với một công việc chân chính. Sự chấp nhận thiệt thòi ấy được đánh đổi bằng một điều quý giá hơn rất nhiều, đó chính là bài học về tình yêu và sự tha thứ.

Khi đối diện với Thiên Chúa, điều quan trọng nhất là chúng ta biết nhận ra mình là ai và thái độ sau đó là gì. Khi chúng ta thấy mình giống như một người Pharisieu cầu nguyện trong đền thờ, chỉ thấy những việc tốt mà mình đã làm, chỉ biết kết án những người tội lỗi hơn mình, thì chúng ta chẳng thể nào đụng chạm đến được lòng thương xót của Thiên Chúa. Và như thế, chúng ta dễ dàng có thái độ kiêu ngạo, ngay cả lúc cần phải khiêm tốn để nhìn lại chính mình. Khi chúng ta thấy mình giống như những người Do Thái, lúc thì đón nhận những gì Chúa Giêsu giảng dạy với một thái độ ăn năn sám hối, lúc thì sẵn sàng hùa theo đám đông để kết án Ngài, chúng ta chẳng hiểu được thế nào là sự cần thiết của hoán cải, thế nào là quay trở về, thế nào là cảm nhận được yêu thương và tha thứ. Sự thiếu hiểu biết ấy dẫn chúng ta đến một lối sống thờ ơ, lãnh đạm, chẳng còn biết đến sự tội là gì. Chỉ khi nào chúng ta thật sự khiêm tốn nhận ra tội lỗi của mình như Giakêu hay Maria Madalena, thì khi ấy chúng ta mới được gặp gỡ chính Thiên Chúa, là Đấng biến đổi cuộc đời mình. Sự biến đổi của Ngài khởi đi từ việc Ngài nhìn nhận chúng ta là những người con yêu của Ngài; rồi Ngài vực chúng ta ra khỏi hố sâu tội lỗi để nâng chúng ta lên, xứng đáng với phẩm giá con người; kế đến Ngài sửa dạy chúng ta và giúp chúng ta hiểu được đường ngay nẻo chính; cốt lõi nhất chính là đưa chúng ta vào tình yêu của Ngài và sống trong ân sủng của Ngài. Để được như thế, Ngài mời gọi chúng ta hãy bắt chước gương của Giakêu và Maria Madalena, sẵn sàng giũ bỏ con người cũ của mình để được biến đổi. Thiên Chúa thật vui mừng khi chúng ta biết nhận ra mình là kẻ có tội và quay trở về! Khi đã nhận ra mình là tội nhân thì chắc chắn chúng ta hiểu được Thiên Chúa là ai và lòng thương xót của Ngài như thế nào!

Lạy Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, xin cho chúng con luôn biết khiêm tốn trước những bất toàn của mình, luôn biết cúi đầu trước những sai phạm của mình, luôn biết sám hối trước những lầm lỗi của mình và luôn biết can đảm trở về đón nhận sự bao dung tha thứ của Ngài. Xin cho chúng con biết học nơi Ngài lòng quảng đại, vị tha để chúng con cũng thực thi điều ấy với anh em mình.

Therese Trần Thị Kim Thoa

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Gia đình trong Năm Thánh 2025 | Suy tư Tin Mừng Lễ Thánh Gia Thất

    Thánh sử Luca hôm nay (Lc 2,41-52) kể lại một sự kiện đặc …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *