[Chuyền đề Năm Inhã] Thánh Ignatio, con người của sứ mạng

Lm. Fx. Nguyễn Hai Tính, S.J.

Khi nói về sứ mạng, chúng ta nghĩ ngay đến việc phục vụ người khác, mà ngôn ngữ nhà đạo hay gọi là việc phục vụ các linh hồn. Phục vụ các linh hồn có nghĩa là gì? Cụm từ này không có nghĩa là chúng ta không phục vụ thân xác con người, mà chỉ phục vụ linh hồn họ mà thôi. Từ “linh hồn” ở đây có nghĩa là “con người”, được nhìn trong chiều kích thiêng liêng, cá vị, cao quý của họ. Kitô giáo không gọi những con người là những cá thể vô danh trong cộng đồng nhân loại, cũng không coi họ chỉ là những cái tên hay con số, càng không coi họ chỉ là công cụ sản xuất như một số triết thuyết quan niệm. Kitô giáo nhìn con người với sự tôn trọng cao nhất: họ là những ngôi vị độc đáo, duy nhất, không thể thay thế và được đi vào tương quan thần thiêng với Thiên Chúa.

Việc phục vụ các linh hồn là việc thiết yếu trong đời sống Kito hữu. Giáo hội dạy chúng ta rằng, chúng ta giữ đạo không chỉ để mình ta lên thiên đàng. Đời sống đạo bao hàm việc phục vụ và cứu giúp người khác. Vậy để hiểu rõ hơn sứ mạng của Kito hữu, nhân dịp năm thánh Ignatio, chúng ta cùng tìm hiểu thánh nhân là con người của sứ mạng, tức là người phục vụ người khác như thế nào. Xin trình bày điều này qua ba điểm: động lực, cách thức và đối tượng mà thánh Ignatio phục vụ hay thi hành sứ mạng.

1. Động lực: phục vụ con người vì Đức Kitô

Điều thúc đẩy thánh Ignatio phục vụ người khác, đó chính là tình yêu đối với Đức Kito. Đến nỗi có thể nói, thánh nhân thi hành sứ mạng không phải chỉ là phục vụ con người, mà chính là để phục vụ Đức Kito. Nếu như trước khi hoán cải, thánh nhân chỉ muốn làm hiệp sĩ, phục vụ vua quan, là chủ của mình, thì sau khi hoán cải, ngài chỉ muốn phục vụ Đức Kito mà thôi.

Mọi việc ngài làm cho tha nhân chính là để phục vụ Đức Kito. Hay nói cách khác, ngài phục vụ các linh hồn là vì Đức Kito và cho Đức Kito; ngài phục vụ họ như phục vụ Đức Kito vậy. Điều này rất chính đáng, vì như trong Phúc âm Mattheu chương 25 Chúa Giêsu nói: khi các người làm một việc bé nhỏ cho một trong những người bé nhỏ thì là làm cho chính Ta.

Chính vì khao khát phục vụ Đức Kito và phục vụ con người mà thánh Ignatio mới có lối sống và làm các việc như Chúa Giêsu sống và làm xưa kia ở Palestine: sống nghèo, phiêu bạt nhiều nơi, rao giảng Lời Chúa, chăm sóc người bệnh, quy tụ anh em, v.v. Ngài còn muốn sống suốt đời và chết ở đất Palestine như Chúa Giêsu xưa kia.

2. Cách thức: Khi nói về cách thức thi hành sứ mạng, chúng ta có thể nói hai điểm về thánh Ignatio.

a. Phục vụ dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội

Lòng yêu mến Đức Kito đích thực luôn dẫn đến sự gắn bó với Giáo Hội – Hiền Thê và Nhiệm Thể của Ngài. Quả thế, cả đời thánh Ignatio muốn cải tổ Giáo Hội, nhưng ước muốn này không bao giờ đặt ngài ở vị thế chống lại Giáo Hội; mà ngược lạ, ngài luôn cải tổ Giáo Hội với tư cách là người trong nhà, người con của Giáo Hội và thánh nhân cũng dạy các tu sĩ Dòng Tên làm như thế.

Ví dụ, ngay từ sau khi hoán cải, ngài đã xác quyết Ý Chúa muốn ngài ở lại trên đất Palestine để rao giảng và phục vụ con người. Ngài đã kiên trì chờ đợi, tìm đủ mọi cách, vượt mọi gian khó để đến được Đất Thánh, rồi lại cương quyết ở lại. Nhưng khi nghe cha bề trên phụ trách Đất Thánh ra lệnh cho ngài phải rời Đất Thánh, thì ngài ngoan ngoãn nghe lời, xác định đó là lệnh Chúa nói qua miệng cha bề trên. Khi khuyên dạy các tu sĩ Dòng Tên, ngài luôn nhấn mạnh yếu tố sentire cum ecclesia, tức là cùng suy nghĩ và cảm thức với Giáo Hội.

Khi không thể đi Đất Thánh như tiếng gọi bên trong thúc giục, thánh Ignatio và các bạn đã tìm đến Toà Thánh, đặt mình dưới chân ĐGH để Ngài sai họ đi bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì họ cũng đi và cũng làm.

b. Phục vụ bằng mọi cách, mọi lúc mọi nơi

Đặc tính thứ hai của việc thánh Ignatio thi hành sứ mạng đó là ngài sẵn sàng làm bất cứ điều gì, bất cứ sứ vụ gì, ở bất cứ lúc nào và nơi nào. Ngài và tu sĩ Dòng Tên không chọn một hoặc hai sứ vụ đặc thù nhưng có thể làm mọi việc từ rao giảng, dạy học ở đại học, dự công đồng cho tới việc dạy giáo lý cho trẻ em, thăm viếng người nghèo, người bệnh, v.v. Hiện tại, nếu có ai hỏi sứ vụ đặc thù của Dòng Tên là gì, chúng tôi có thể trả lời là Dòng Tên không có sứ vụ đặc thù, mà tuỳ hoàn cảnh, chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì để phục vụ con người, theo như Đức Kito và Giáo Hội mời gọi. Lịch sử Dòng Tên đã cho thấy điều đó: tuy Dòng vẫn có truyền thống mở trường, dạy học và giáo dục thanh thiếu niên, nhưng các tu sĩ của Dòng có thể làm mọi việc từ truyền giáo ở vùng Nam Mỹ và Đông Á, cho tới làm thiên văn học ở Rôma; từ việc chăm lo cho người cùi ở Trung Quốc cho tới việc dạy vẽ cho các hoạ sĩ triều đình ở Bắc Kinh, v.v.

Bất cứ ở đâu, thánh Ignatio cũng giảng tĩnh tâm và đi thăm viếng người nghèo, người bệnh. Ngay cả khi đang chờ tàu để đi Đất Thánh, hay khi về quê nhà để dưỡng bệnh, ngài cũng làm như thế. Ngài cũng khuyên các tu sĩ Dòng Tên như vậy, ngay cả khi đi dự công đồng Trento, họ cũng phải dạy giáo lý cho trẻ em và thăm viếng người nghèo.

3. Đối tượng: phục vụ người thiếu thốn nhất

 Tuy có thể làm bất cứ việc gì, thánh Ignatio và các tu sĩ Dòng Tên cũng ý thức khả năng và nguồn lực giới hạn của mình, nên không thể phục vụ đại trà mọi người mà buộc phải chọn đối tượng. Thánh Ignatio đã có tiêu chuẩn là chọn những ai cần tới ngài nhất, tức là những người nghèo, thiếu thốn nhất; ở những nơi vùng sâu vùng xa, ít người tới nhất.

Tiêu chuẩn này giải thích tại sao ngài hay đi thăm người bệnh, mở nhà lưu trú và giáo dục các cô gái điếm ở thành phố Rôma, những người mà đa số ai cũng sợ tiếp xúc; ngài cũng hay trú ngụ ở các bệnh xá, và muốn đi Đất Thánh giữa lúc chiến tranh, nơi mà ít người muốn đến.

Đây cũng là tiêu chuẩn của Dòng Tên, đặc biệt được nhấn mạnh trong những thập kỷ gần đây: Dòng chọn đồng hành với những người yếu thế, bị gạt ra bên lề xã hội như di dân, người nghèo, người tị nạn, v.v. Dòng cũng muốn đi vào các vùng biên cương, nơi mà ít người hoặc không có ai đi vào để phục vụ con người ở đó. Quả thế, trong các thập kỷ qua, Dòng đã thiết lập mạng lưới JRS phục vụ những người tị nạn trên khắp toàn cầu. Dòng cũng xác định trong mười năm tới, ưu tiên phục vụ người yếu thế và người trẻ.

Vậy tóm lại, thánh Ignatio thi hành sứ mạng vì Đức Kito, dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội; ngài sẵn sàng làm bất cứ việc gì ở mọi lúc mọi nơi, và đặc biệt chú tâm tới người nghèo và những ai ở vùng sâu vùng xa.

Ngắm nhìn thánh Ignatio như con người của sứ mạng như trên, chúng ta cũng cần suy gẫm một chút, liên hệ tới chính tinh thần sứ mạng của chúng ta ngày nay.

Thứ nhất, chúng ta có thể xét xem mình có khao khát phục vụ Đức Kito nơi con người không? Nhiều khi ta cũng muốn giúp đỡ người khác, nhưng chỉ vì lòng thương cảm nhân bản bình thường, hay tệ hơn chỉ để đỡ áy náy lương tâm, chứ không vì Đức Kito. Chúng ta làm từ thiện cũng đơn thuần như các phật tử hay nhiều người không có tôn giáo. Lúc đó, chúng ta không thực sự thi hành sứ mạng, mà chỉ làm việc từ thiện ở chiều kích nhân bản mà thôi.

Thứ đến, chúng ta cũng xét xem mình có phục vụ theo hướng dẫn của Giáo Hội, với tư cách là người của Giáo Hội không? Rất nhiều khi ta phục vụ việc chung vì những lợi ích hay danh tiếng cá nhân ta; ta sống và làm việc như bao người vô tín khác. Lúc đó, ta không thực sự thi hành sứ mạng của Giáo Hội, với tư cách là thành viên Giáo Hội.

Cuối cùng, chúng ta có sẵn sàng làm những việc ít người hoặc không ai làm chăng? Thường ta dễ có khuynh hướng phục vụ hay làm việc thiện theo phong trào. Lúc đó, mọi việc sẽ dễ dàng và được nhiều người tán dương hay chấp nhận. Nhưng làm việc ít người làm, quan tâm đến người xấu xố không ai thương, việc đó khó khăn hơn. Sứ mạng không phải lúc nào cũng dễ dàng và được nhiều người đồng ý. Sứ mạng nhiều khi cần phải đi ngược dòng trào lưu.

Thánh Ignatio có thể giúp chúng ta suy xét về ba điều đó.

Kiểm tra tương tự

App Hành hương Dòng Tên có phiên bản tiếng Việt

App Hành hương Dòng Tên (Jesuit Pilgrimage), được phát hành từ cuối năm 2022 để …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *