Chuyện người đi xem tranh: bức tranh XỨ NỶ

Đã 4 tháng nay, tôi thích thú với bức tranh phố Nỷ đang được các nghệ nhân vẽ lên từng ngày, dĩ nhiên, bức tranh cuộc sống chỉ để ngắm, chứ có tiền cũng chẳng mua được.

Đó là một bức tranh họa cảnh ngôi nhà thờ họ Nỷ và ngôi chùa Nỷ nằm sát cạnh nhau, chỉ cách có mỗi cái ao. Tuy nhiên đường vào nhà thờ và chùa lại đôi ngả, còn cái ao “lạnh lẽo nước trong veo” kia thuộc khu xóm, lượn lờ trong nước chỉ có mấy chú “lòng tong bé tẹo teo”, chẳng ai chú ý, thật đáng tiếc,  ao tuy nhỏ,  nhưng dòng nước vô tình ngăn cách đôi bờ.

Đều đặn từ rất sớm, 4 giờ sáng, tiếng chuông chùa ngân vang, nhịp gõ theo lời kinh trước cửa Phật, như muốn lôi kéo tất cả bước qua ngũ giới, để tiến đến thọ trì bát quan trai giới,  để thêm một ngày, gieo thêm duyên giải thoát chứ không tiếp tục gieo duyên sinh tử, và như thế với công đức có thể đem trả nghiệp, trả bớt nợ nần cho oan gia trái chủ nếu có.

Thế nhưng nhân thế trong vòng luẩn quẩn sân si khó lường, nhiều  người vẫn chạy theo thói tham lam, quên chuyện vạn vật vô thường, dối mình trong thế giới hư ảo, dối đời, rồi ghen ghét đến độ ác độc, đây chính là lối mòn mang khuôn mặt quỷ dữ: gian tham, gian dối, gian ác.

Chỉ nửa giờ sau chuông chùa, từng hồi chuông nhà thờ đổ dồn, hối thúc  người tín hữu hướng lòng lên chốn trời cao, mau chân đến nhà thờ để cùng nhau tham dự bàn tiệc nước Trời. Thêm một hồi chuông nữa là lời kinh ban mai cùng với thánh lễ được tiến dâng. Thế nhưng đã 4 tháng rồi từ ngày có linh mục về ở luôn đây mà ngôi nhà thờ nhỏ xíu vẫn chưa đầy, đặc biệt luôn thiếu vắng thiếu nhi.

Bức tranh vẫn đang được vẽ thêm từng ngày : Ngôi chùa nằm tựa lưng trên những mái nhà nhấp nhô mờ ảo như muốn ẩn mình vào cõi vô thường, cảnh vật trước sau thanh tịnh; còn ngôi nhà thờ thì đổi thay từng ngày, cũng mới đây thôi, khi có linh mục về ở luôn với bà con thì phải xây thêm nhà xứ, sửa lại sân vườn, vì thế mỗi ngày có hơn chục thợ từ nhiều nơi đến giúp, thêm bà con trong giáo họ nữa. Cha quản nhiệm thì nửa thầy nửa thợ, tối ngày lo đẩy xe cút kít đi san lấp và dọn dẹp, thế mà lại đẹp.

Cảnh bà con về lễ gợi ra cho tôi những nét cần sửa lại, ai lại vẽ cảnh hai bà xóm dưới tươi cười chia nhau trái cam, trong khi mấy bà xóm trên thì nhíu mày, rồi cảnh ông này ngồi xuống là ông kia đứng lên. Cái trái cấm Ađam Evà hái ăn khi địa cầu còn trong cảnh hồng hoang, vậy mà vẫn có thể đeo đuổi con cháu mọi thời. Chuyện có lớn gì đâu, chỉ là những tình cảm nhỏ nhen, những câu nói “mát” qua lại làm “nóng” mặt nhau ngay cửa nhà thờ, để rồi bức tranh cứ được chỗ này thì lại hỏng chỗ kia. Cũng may những nét vẽ vẫn chưa hoàn tất, có thể sửa lại, chứ đâu phải cam chịu.

Nhưng ai là người có thể khai mở để vẽ cho bức tranh một con đường tiến lên phía trước, một con đường dẫn đến việc chữa lành, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau?

Và một biến cố đã diễn ra để lộ bàn tay vô hình vẫn âm thầm dõi theo, giúp điều chỉnh những nét vẽ cho bức tranh mỗi ngày thêm tươi đẹp :  Khởi đi từ việc cùng nhau tham dự bàn tiệc lời Chúa, đến việc học hỏi giúp nhau lắng nghe Chúa nói, hồi tâm để nhận biết Chúa có mặt giữa cảnh đời và ngay trong mái nhà của mình.  Nhờ vậy, tới khi phải cùng nhau dọn dẹp, trang trí, nấu nướng để sẵn sàng đón khách đến hiệp mừng lễ thánh bảo trợ 8/12 năm nay, lễ kính Đức Maria vô nhiễm nguyên tội, thì bức tranh tràn ngập sắc màu, phơi  bày một không gian của lòng thương xót và yêu thương, ở đó ngôi nhà thờ trở thành hồn sống động của mọi nhà.

Tôi chú ý đến những nhà chung quanh và những ngôi nhà chen mình phía bên kia cầu : từ nhà của ông trưởng ban hành giáo, đến nhà của anh chị bán ốc, cửa hàng gốm sứ, cửa hàng đồ chơi; từ nhà thuốc tây, cho tới nhà bán chăn nệm, rồi những ngôi nhà nằm lọt tõm trong xóm, tất cả như đang chen vai vươn tới trời cao, nhà nào cũng muốn bám chặt vào đôi tay quyền năng và ý muốn của Thiên Chúa. Phải thế chứ!

Ngắm nhìn toàn cảnh bức tranh, tôi thấy có gì chưa hài hòa khi họa cảnh nhà thờ đưa lưng về phía chánh điện chùa. Cũng may hiện phía đầu nhà thờ đã được khai quang, thêm cái nhà chòi  lá làm cho không gian vừa thoáng đãng, vừa êm đểm, bên đây có thể nhìn thấy bên kia, thấy thôi chứ chưa có dịp qua lại. Nhà thờ với nhà chùa xưa giờ vẫn vậy, thấy nhau mà chẳng thể gần nhau.

Thực ra phần nhà chùa được vẽ sau nhà thờ, thầy trụ trì khi thăm dò phong thổ để tìm hướng, đã quyết định xây chùa nhìn qua nhà thờ. Xem ra người của cõi vô thường đã muốn vượt qua những cái bình thường để buông mình vươn tới phi thường, để từ đây khi chạm chân vào Niết bàn là thấy Thiên đàng.

Bức tranh đã tương đối hoàn chỉnh, nhà thờ với mái chùa đã sát cánh bên nhau, những con tim biết lắng nghe sẽ cùng nhau tạo nên một thói quen, làm thành một nền văn hoá gặp gỡ đích thực, giúp nhau mở ra với siêu việt, chiếu toả ánh sáng cần thiết cho nhân trần.

Trước mắt phải giúp nhau “vượt qua tất cả các hình thức hiểu lầm, bất khoan dung, thành kiến ​​và chia rẽ.

Sao  có thể làm được điều đó?

Người nhà phật Lấy không giận thắng giận, lấy thiện thắng không thiện, lấy thí thắng gian tham, lấy chơn thắng hư ngụy” (Kinh Pháp Cú, XVII, 223).

Nhà thờ cất cao lời Kinh hòa bình : Lạy Chúa, xin làm cho con trở thành khí cụ bình an của Chúa. Nơi đâu có hận thù con sẽ đem đến yêu thương, nơi đâu có xúc phạm con sẽ đem đến tha thứ … Nơi đâu có bóng tối con sẽ mang lại ánh sáng, và nơi đâu có buồn sầu con sẽ mang lại niềm vui”.

Bức tranh đã có thêm những nét vẽ hài hòa tuyệt hảo, nhưng vẫn cứ dở dang và còn bề bộn lắm…

Huyền nhiệm cuộc sống là đây sao, huyền nhiệm của sự dang dở, để tất cả được hoàn tất trong Thiên Chúa.

                                                                                          MM Tân, SJ.

Kiểm tra tương tự

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *