Phải chăng học triết chỉ thuần lý trí? Không hẳn vậy. Mấy ông thầy Dòng Tên sẽ chứng minh cho bạn thấy, bên cạnh lý trí còn có một yếu tố vô cùng quan trọng: Con tim! Học triết bằng con tim, tại sao không?
Học và yêu
Lý do đơn giản, người học phải vừa học vừa yêu môn triết. Một người có thể chọn học mà không yêu hay yêu mà không học, nhưng nếu yêu và học đi cùng nhau thì người học mới có thể phát huy hết tiềm năng của mình. Có người yêu trước học sau, có người yêu sau học trước, nhưng quan trọng là họ đã yêu. Học và yêu hòa quyện làm một, như thể café và sữa ngọt quyện hòa bất khả phân đôi.
Cha Luis David, SJ, giáo sư Triết trường đại học Ateneo, Philippin trò chuyện với các học viên.
Người học cũng cần yêu mến giáo sư dạy triết. “Muốn sang thì bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy,” đó không chỉ là thái độ của bậc phụ huynh mà còn là của người học trò đối với thầy giáo. Yêu mến có thể hiểu đơn giản là sự đón nhận. Chỉ khi người học đón nhận người dạy, lòng trí họ mới có thể mở ra và thâu nhận trọn vẹn những gì được truyền đạt.
Cha Paul McNellis, SJ, giáo sư Triết trường đại học Boston, Hoa Kỳ đang chủ trì một cuộc luận bàn triết học trong lớp.
Còn nữa, người học cũng phải yêu lấy triết gia và “con đẻ” của các ngài, tức là các tác phẩm. Nếu vị giáo sư được xem là vị thầy trung gian, thì triết gia cùng triết phẩm của họ là vị thầy trực tiếp đối với người học triết. Bởi lẽ người học được mời gọi làm việc trực tiếp với bản văn. Để làm được điều đó, nhất thiết người học phải yêu lấy triết gia.
Một góc thư viện Triết của Học Viện Dòng Tên, nơi lưu giữ những “đứa con tinh thần” của các triết gia Đông Tây kim cổ.
Tình yêu khởi sự cho việc học triết. Cả việc lựa chọn đề tài để nghiên cứu triết học, đó cũng phải là chọn lựa của điều mình được đánh động, điều mình thích và ưng ý. Đó chẳng phải là diễn tả khác của tình yêu đó sao?
Các học viên Triết chăm chú lắng nghe thuyết trình triết học.
Lý trí và con tim
Đi vào chi tiết hơn một chút, học triết cũng có nghĩa là hành triết. Trừ Logic Học dường như chỉ thuần lập luận, Siêu Hình, Hữu Thể, Hiện Sinh và các ngành khác đòi ta phải suy tư. Suy tư giải gỡ được những vấn nạn mà logic phải dừng bước. Suy bằng đầu, tư bằng tim. Hành triết không chỉ đơn giản là lập luận cho hợp lý, nhưng còn là ngụp lặn trong khung trời tư tưởng của triết gia, cảm nhận điều triết gia đã nói đã viết, và tái diễn lại bằng ngôn từ của mỗi người. Đó là cách người học phả làn gió mới là chính nhận định cá nhân, tức là cái hiểu và cái cảm của mình.
Một học viên năm cuối đang bảo vệ Luận văn Tốt nghiệp Triết học của mình.
Nói được, học triết là một hành trình hóa thân thành chính triết gia, trở thành đồng sáng tạo viên với triết gia qua việc hiểu và phóng tác thêm với những gì mình hiểu. Đó là một cuộc khải nghĩa thứ thiệt, để rồi người đọc hiểu như tác giả hiểu và thậm chí hiểu đạt mức hơn, theo lời Schleiermacher có nói. Suy tư còn là vận dụng trực giác để hiểu, đặc biệt với những tư tưởng siêu hình, ví dụ Eidos Thiện của Plato, Bản thể của Aristotle, hay Dasein của Heidegger.
Cha Phaolô Đậu Văn Hồng, giáo sư triết Tây, cha Giuse Vũ Uyên Thi, SJ, giám học, giáo sư triết Tây và cha Barnaba Vũ Minh Trí, SJ, giáo sư triết Đông đang chất vấn các học viên trong buổi bảo vệ Luận văn.
Thật ra, không phải lúc nào công việc của lý trí và con tim cũng thuận buồn xuôi gió. Có khi người học phải trăn trở, thậm chí đau đớn quằn quại để có thể “hạ sinh” bài viết của mình. Điều này đòi hỏi họ phải “cưu mang” đủ lâu và đủ sâu. Cưu mang không chỉ trong đầu nhưng còn trong con tim. Hình ảnh cung lòng hay dạ mẹ nơi chứa giữ bào thai diễn tả khối óc và con tim của người học triết. Nói đúng hơn, “cưu mang” triết học là ấp ủ với cả con người. Càng khổ cực lúc cưu mang, càng đau đớn khi sinh hạ, đứa con tinh thần càng trở nên quý giá.
Một góc học tập, nơi “cưu mang” triết học của học viên Dòng Tên.
Có thể điểm số không cao, nhưng một khi đã nỗ lực hết mình, bài nghiên cứu xứng đáng với điểm 10 của sự cố gắng. Thành quả hành triết không chỉ phụ thuộc vào nội dung và cách lập luận chặt chẽ của lý trí, đó còn là diễn tả sống động về độ nhạy bén thuộc chiều kích thấu cảm sâu xa. Đó là công việc của con tim. Thiếu phần cảm, bài viết như thể thân xác thiếu mất linh hồn.
Và đây là nơi họ thực hiện cuộc “hạ sinh” – biến ý tưởng thành lời qua… bàn phím!
Nói lý trí và con tim ta có nguy cơ rơi vào nhị nguyên thuyết, phân tách hữu thể người làm đôi. Thật ra, lý trí và con tim cũng chỉ là một, là một trong con người. Học triết bằng cả khối óc và con tim, bằng trọn vẹn con người, xem ra đó là cách mấy ông thầy Dòng Tên chọn lựa.
Các giáo sư chụp hình chung với các học viên sau khi kết thúc bảo vệ Luận văn.
Suy cho cùng, học triết hay hành triết cũng là cuộc sống của mỗi người đấy thôi. Và chắc hẳn để sống tròn sống đầy, ai cũng phải cần lấy cho mình một con tim.
Jos. Nguyễn Minh Vương, SJ.