THỜI GIAN BIỂU 1 | THỜI GIAN BIỂU 2 |
05h00: thức dậy 05h15: đọc kinh – cầu nguyện 06h00: thánh lễ 06h45: ăn sáng 07h15: lao động 08h00: đi học 11h15: xét mình trưa 11h30: ăn trưa 12h30: nghỉ trưa 13h30: học bài 16h15: thể thao hoặc lao động 17h15: tắm giặt 17h30: Đọc sách 18h30: ăn tối 20h00: đọc kinh tối 20h30: học bài 22h15: xét mình tối 22h30: đi ngủ | 05h00: thức dậy 05h15: cầu nguyện 05h45: ăn sáng 06h00: làm việc 10h00: ăn trưa – sinh hoạt 10h40: đi học 12h40: sinh hoạt 13h00: làm việc 16h00: ăn tối – sinh hoạt 17h00: làm việc 19h00: ăn nhẹ 19h15: nghe đọc sách/ huấn đức đọc kinh tối 19h30: trở về phòng 19h35: thay quần áo 19h40: lên giường 19h45: tắt đèn đi ngủ
|
Nếu chỉ nhìn lướt qua hai thời gian biểu trên đây, thật không dễ để phân biệt bên nào của “nhà tu” bên nào của “nhà tù”! Nhiều người khi tiếp xúc với anh em chúng tôi cũng thường phán một câu xanh rờn: “Đi tu như thầy thì sướng nhưng chắc cũng không thua gì ở tù!” (Ý họ “ở tù” là “mất tự do”). Lạ ghê, mất tự do mà lại sung sướng! Chắc hẳn lời ‘còm-men’ đó chứa đựng ẩn ý thâm sâu về giá trị đời tu trong mắt họ, sướng vì được gần Chúa! Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ muốn bàn đến chuyện tự do còn hay mất của ông thầy Dòng Tên mà thôi. Vậy mấy ông có đang thật ‘ở tu’ hay chỉ ‘ở tù’ trá hình?
Đây là nhà tu hay nhà tù?!
Ngắm bốn bức tường cao và cánh cổng khép, nhìn qua thời gian biểu và ngẫm chuyện đi đâu làm gì cũng phải xin phép, khối kẻ phán luôn: “Đích thị mấy ổng đang ‘ở tù’!” Nhưng “người lạ ơi”, từ từ chớ vội kết luận, mấy ổng thật đang ‘ở tu’ đấy!
Làm sao ‘ở tù’ cho được khi ông thầy có thể ra ngoài 1 tiếng khi có việc cần? Cuối tuần, họ còn rong ruổi khắp cùng ngõ hẻm để thăm viếng người khác gọi là “làm tông đồ”. Mất tự do sao được khi thầy nào cũng có thể mời gia đình và người thân đến dùng cơm ‘nhà Chúa’ với Học Viện; và họ cũng có thể gặp khách vào thời gian thích hợp. Có ‘ở tù’ chăng khi mấy ông thầy được đi đây đi đó nghỉ ngơi sau mỗi học kỳ? Đó là chưa kể những chuyến du hành vào vùng trời tri thức triết – thần mênh mông và đầy hấp dẫn.
Cuộc đời là những chuyến đi…
Có thật mất tự do khi họ được đọc báo, lướt web, thăm email và ghé facebook mỗi ngày? Cả chuyện xem thời sự, coi phim chung, và đặc biệt đồng hành cùng đội bóng U23 Việt Nam tiến vào chung kết, để rồi mỗi người được các bề trên ‘thưởng nóng’ bằng kem và bánh sau mỗi chiến thắng của đội nhà?
Thế bóng đang lên!
Còn tỉ tỉ những điều lớn nhỏ khác chưa kể hết, nhưng dù gì chúng cũng chỉ là những điều bên ngoài. Tự do bên trong mới là yếu tố quyết định ông thầy Dòng Tên biết mình đang thật ‘ở tu’ hay chăng. Nói như cha Karl Rahner, SJ, tự do không phải là chọn hay bỏ một đối tượng, nhưng là thực hiện với trọn trách nhiệm và ý thức. Tự do nội tâm có thể hiểu như việc tôi ý thức đủ những gì mình làm mang ý nghĩa cao quý, và đưa đến các giá trị trổi vượt. Tự do nội tâm là tình trạng của một tâm hồn thanh thoát, không lăn tăn về bất cứ thứ gì khác ngoài việc sống Thánh Ý từng phút giây. Đó cũng là khi tôi “sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian”, đang khi dùng đến mọi tạo vật tốt lành như phương tiện vẫn hướng lòng về Thiên Chúa. Chỉ khi đó, việc giữ giờ và mọi khuôn phép trở nên phương thế giúp ông thầy sống tròn sống đầy và có thể chu toàn những bổn phận và trách nhiệm.
Xét mình 2 lần mỗi ngày để nhận ra ý Chúa
Điều ghi nhận cuối, có ai cảm thấy mất tự do khi đang ‘ở nhà’ mình chăng? Nhà tu đích thực là nhà, nơi ông thầy được nuôi dưỡng, huấn luyện và tu hành. Đó là nơi của tình gia đình-huynh đệ-bạn hữu. Nhà tu cũng là nhà Chúa nơi đầy ắp tình mến nghĩa thiết của Đức Kitô. Bạn thấy đấy, ‘ở tu’ khác xa ‘ở tù’!
Một bữa cơm trưa cộng đoàn
Nói đi cũng cần nói lại, hầu chắc cũng có vài trường hợp cảm thấy mình ‘ở tù’ trong đời tu, đơn giản vì họ cảm thấy mình đã không còn thuộc về nơi ấy. Thân xác ở trong nội vi mà lòng trí đã ‘thoát ly’ và đi hoang đến tận nơi nào. Cũng có thể ‘ở tù’ chỉ là cảm giác tạm thời vào những hôm đuối sức, hoặc trong lúc ông thầy đang trải qua những ngày sầu khổ vì đủ thứ lý do: chuyện học hành, các mối tương quan, những yếu đuối và vấp ngã, xao xuyến và thổn thức bất chợt… Họ sẽ sớm vượt qua và lại thấy mình sung sướng vì “một ngày tại khuôn viên thánh điện quý hơn cả ngàn ngày” (Tv 84,11).
Cách vượt qua sầu khổ là… cầu nguyện nhiều hơn!
Và lạ lùng nhất, một ông thầy Dòng Tên lý tưởng sẽ tình nguyện “dành cả thanh xuân” để được ‘bóc lịch’ đếm ngày trôi vì Chúa Giêsu. Thánh Inhã trong những ngày đầu hoán cái đã trải qua kinh nghiệm tù đày chỉ vì ngài làm theo Thánh Ý. Và ngài ‘nói mạnh’: “Tôi vào đây vì lòng yêu mến ai thì Đấng ấy sẽ kéo tôi ra, nếu điều ấy phụng sự Ngài” (Tự Thuật, số 60). ‘Ở tù’ vì Chúa Giêsu là tình nguyện ‘trao nộp’ tự do của mình cho Ngài, để rồi trọn cuộc đời sẽ được Ngài nắm tay dẫn lối. Đó chẳng phải là điều cô thiếu nữ Maria ở cái tuổi trăng tròn đã làm hay sao?
Cộng đoàn Học Viện đang lặp lại lời khấn (11.2017)
“Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu và trọn cả ý muốn của con…,” cứ hỏi mà xem, bạn sẽ ‘mồm chữ A mắt chữ O’ khi biết ông thầy Dòng Tên nào cũng lẩm bẩm lời Kinh Dâng Hiến ấy hằng ngày!!!
Jos. Nguyễn Minh Vương, SJ
Chú thích:
Thời gian biểu 1: Lịch sinh hoạt của Học Viện thánh Giuse, Dòng Tên Việt Nam
Thời gian biểu 2: Lịch sinh hoạt mùa hè của “Nhà dành cho tù nhân trẻ” ở Pari năm 1765 do Léon Faucher soạn thảo. X. Michel Foucault, Discipline and Punish, Alan Sheridan dịch (New York: Vintage Books, 1995), 6-7.