Có sám hối, có sự sống

(Luca 13,1-9 – CN MC III – C)

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

Bài Tin Mừng

 

  • Bản dịch của nhóm các Giờ Kinh Phụng Vụ.

1 Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.2 Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao?3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao?5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy,7 nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?8 Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”

——————-

  • Bối cảnh sơ lược

Bài Tin Mừng này nằm trong bối cảnh ĐỨC GIÊ-SU LÊN GIÊ-RU-SA-LEM (Lc 9,51 – 19,27). Đây là cuộc hành trình Chúa Giê-su hướng về con đường khổ nạn và sự chết, để rồi Ngài sẽ phục sinh.

Cụ thể hơn, trước đó trong chương 12 Chúa Giê-su đã giảng lời những bài giúp ích cho mọi người, như lời động viên các môn đệ hãy nói công khai và đừng sợ (Lc 12,1-12); lời huấn giáo cho đám đông đừng thu tích của cải cho mình (Lc 12,13-21); tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng (Lc 12,22-32), bán của cải đi mà bố thí (Lc 12,33-34). Sau đó Chúa Giê-su cũng nói lên thái độ của Chúa trước cuộc thương khó (Lc 12,49-50).

Sau bài Tin Mừng nhắc nhớ về sự sám hối mà chúng ta tìm hiểu và suy niệm, Luca kể cho chúng ta nghe về việc Chúa chữa một phụ nữ còng lưng ngày Sa-bát và sau đó là một số dụ ngôn.

Ngoài ra, hai phần này bắt đầu chương 13 của Luca và các tác giả phúc âm khác không có ghi lại. Trước tiên Luca về hai biến cố bi thảm xảy ra trong thực tế mà nhiều người đương thời với Chúa Giê-su biết. Sau đó, Chúa Giê-su kêu gọi trực tiếp về việc hoán cải. Chúa Giê-su thêm vào dụ ngôn cây vả mà người chủ muốn chặt bỏ bởi vì nó không sinh trái; ở đây cũng là lời kêu gọi khẩn thiết thay đổi cuộc sống.

 

  • Cấu trúc đoạn Tin Mừng

Đoạn Tin Mừng có thể chia làm hai phần rõ rệt:

  1. Lời mời gọi sám hối: Nếu không sám hối, thì sẽ chết hết (câu 1-5)
  2. Dụ ngôn cây vả không ra trái (câu 6-9).

 

  • Tìm hiểu và suy niệm

1 Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.2 Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao?3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy

Trước tiên Luca về hai biến cố bi thảm xảy ra trong thực tế mà nhiều người đương thời với Chúa Giê-su biết. Biến cố đầu tiên là chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Như thế, những người Ga-li-lê ở đây là khách hành hương về Giê-ru-sa-lem để dự lễ. Nhưng lễ đó là lễ nào? Các nhà chú giải giả thiết là có thể dịp dâng chiên Vượt Qua. Tuy nhiên, biến cố đó chính xác là biến cố nào, các nhà chú giải không biết, dù cho với người Do-thái thì Phi-la-tô trong thời gian làm tổng trấn xứ Giu-đê, ông là người tàn ác và không nhượng bộ, và ông được biết tới với những vụ đàn áp đẫm máu.

Theo cha Piere Cardon, mặc dù chúng ta không có những nguồn khác nói về sự kiện này, nhưng một biến cố thuộc loại này không phải là khó tin trong tình hình cai trị tàn ác của Phi-la-tô thời đó. Đàng khác, người Ga-li-lê có xu hướng nổi dậy và tấn công, nhất là trong trường hợp những người Zelote mà đảng của phát triển tại Ga-li-lê và mục đích là dùng bạo lực để thay đổi chính trị. Những cuộc hành hương mừng lễ vượt qua mang lại cho họ một dịp để gây lộn xộn trong thành Giê-ru-sa-lem. Phi-la-tô là một người tàn ác và khắt khe. Hành vi đàn áp này càng ghê tởm hơn, khi ông trộn máu của những người đang dâng lễ với máu của những con chiên mà họ đang dâng hiến…Sự kiện được kể lại chắc đã có một tiếng vang lớn. Mọi người tỏ ra tức tối khi thấy máu người đổ ra trong đền thờ, thấy sự xúc phạm đến các lễ vật, và nhận thấy rằng người La-mã thậm chí không ngại xúc phạm những gì được hiến dâng cho Thiên Chúa.

Ngoài ra, Piere Cardon còn đưa ra một giả thiết, là nếu người ta dựa vào “cái nhìn chính trị” và kể cho Chúa Giê-su nghe biến cố đó để cố ý gài bẫy Chúa, thì Chúa trả lời sao đây. Nếu Chúa nói: “Những vụ tàn sát này rõ ràng là bất công, đàn áp, thì họ có thể tố cáo Ngài với chính quyền La-mã”. Nhưng Chúa Giê-su không rơi vào bẫy, Ngài từ chối tham gia lãnh vực chính trị trần tục, Ngài không bao giờ chọn lựa bạo lực làm phương tiện để mang lại hoà bình. Và nếu quan sát kỹ, chúng ta thấy Chúa Giê-su không bao giờ tỏ quan điểm trong những cuộc xung đột đối kháng và chia rẽ này. Cho nên Ngài đến để quy tụ và hợp nhất các con cái của Thiên Chúa bị phân tán (x.Ga 11,52). Điều này cũng giải thích việc từ chối dấn thân chính trị rõ ràng về phía những người mà Chúa Giê-su phái đi loan báo Phúc Âm cho khắp thế giới. Như thế, thay vì đi vào vết chân “chính trị”, Chúa Giê-su kêu gọi họ ăn năn hối cải theo tinh thần tôn giáo.

Luca diễn tả Chúa đã mở lời nói với họ: “Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”. Trước hết chúng ta dừng ở câu đầu tiên của Chúa Giê-su Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Câu này lột tẩy một thói quen là người ta dễ dàng nhìn đến tội lỗi và lẫm lỡ của người khác, còn bản thân mình thì không ý thức để sám hối ăn năn. Điều thứ hai mà qua câu này chúng ta thấy được, đó là thói quen suy nghĩ của người Do-thái, là sẽ không có hình phạt nếu không có tội. Như thế, họ tin rằng các tai hoạ xảy đến là hậu quả tội lỗi mà họ đã phạm trước đó. Sách Gióp có viết rằng:

Điều tôi thấy rành rành
là những người vun trồng tội ác và gieo tai rắc hoạ
cuối cùng chỉ gặt lấy hoạ tai”
(4,8) &

“Con cái anh mà đắc tội với Người,
Người bắt chúng phải gánh
những hậu quả do tội ác chính mình đã phạm”
(8,4).

Chúa Giê-su không theo cái nhìn này của người Do-thái. Với Ngài điều quan trọng là tinh thần sám hối và ăn năn. Vì thế, Chúa đã dựa vào điều người Do-thái thường nghĩ, để dạy dỗ họ tinh thần sống của Tin Mừng. Đó là Chúa mời gọi họ quan tâm đến sự hoán cải riêng thay vì quan tâm tới những lầm lỗi của người khác. Chúng ta nghe Chúa nói với các phụ nữ trên đàng Thánh Giá: Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23,28).

Về tinh thần mời gọi sám hối, cụ thể hơn, Chúa Giê-su đã nhắc đến biến cố thứ hai mà người Do-thái biết tới.

 

4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao?5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

Tháp Si-lô-ác được nhắc đến ở đây là tháp nào? Theo cha Pierre Cardon, Ở phía nam Giê-ru-sa-lem, bức tường thành chạy tới tận giếng Si-lô-ác. Có thể ở đây có một cái tháp trên tường thành; người ta giả thiết rằng tháp này ngã khi Phi-la-tô cho làm công trình dẫn nước. Các thính giả của Chúa Giê-su nhớ lại tai hoạ làm 18 cư dân thành Giê-ru-sa-lem bị chết. Tai nạn này là một thảm kịch mà con người không trực tiếp gây ra – ít ra là do sự cẩu thả của những thợ xây tháp.

Sau khi Chúa Giê-su đã nhắc đến biến cố đó, lần thứ hai Ngài kêu gọi sám hối: nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.

Chữ hết trong câu 5 này cũng đã được nhắc đến trong câu 3 trước đó và ở trong cùng một ý nghĩa: “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”. Điều này không chỉ nói lên sự liên hệ chặt chẽ giữa hai câu và hai biến cố, mà còn qua đó còn nhấn mạnh đến sứ điệp chính yếu là “sám hối hoặc là chết”, “có sám hối có sự sống”. Hơn nữa, còn ám chỉ đến cái chết không chỉ đến với một cá nhân, mà tất cả những ai không sám hối thì sẽ lãnh nhận hậu quả đau thương đó.

Ngoài ra, Pierre Cardon một lần nữa nhấn mạnh rằng, đối với Chúa Giê-su không có mối liên hệ giữa tai hoạ và tội lỗi. Việc tìm kiếm thủ phạm thì quá dễ để không hối hận gì. Lầm lỗi thuộc về ai? Chính những người khác phải chịu trách nhiệm…! Đối với Chúa Giê-su đây không phải chuyện nói về “những người khác”. Ngài đưa người ta về với lương tâm của chính mình: “các ông tham dự vào bạo lực”. Chính tâm lòng con người, hơn là các cơ cấu, phải thay đổi. Nơi chốn duy nhất mà tôi có quyền lực thực sự, chính là hạnh kiểm của cuộc đời tôi, của sự hoán cải của tôi. Trốn tránh trách nhiệm của mình bằng cách tố cáo những người khác là điều vô ích. Các thảm hoạ đặc biệt không chỉ ra trách nhiệm của cá nhân, nhưng chúng có thể được xem như là những cảnh báo về sự phán xét của Chúa. Tất cả đều là người tội lỗi, tất cả đều phải đương đầu với cái chết, tất cả đều được đặt dưới sự phán xét của Chúa. Dó đó tất cả mọi người đều cần hoán cải nếu muốn khỏi bị phán xét và lên án.

Mỗi dịp mùa Chay, Ki-tô hữu lại có cơ hội để suy tư và sống tinh thần sám hối thực sự. Tro xức trên đầu ngày thứ Tư lễ tro với câu nói: “Hãy trở về và tin vào Tin Mừng” hoặc “Hãy nhớ mình là bụi tro” đều mang một sứ điệp rõ ràng và mạnh mẽ: “sám hối”, và khi sám hối thì dẹp qua mọi thói kiêu căng, thói đạo đức giả… Và chúng ta sám hối, một đàng chúng ta ý thức thân phận mỏng dòn và yếu đuối của bản thân, một đàng khác chúng ta tin vào Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ chúng ta trong sứ điệp mùa Chay năm 2016, năm Thánh Lòng Thương Xót: “Lòng thương xót ‘diễn tả cách thức Thiên Chúa đến với tội nhân, trao cho họ một cơ hội mới để nhìn lại chính mình, để hoán cải và tin vào Thiên Chúa’ (Misericordiae Vultus, 21), và nhờ đó, có thể phục hồi lại mối tương quan với Người. Trong Chúa Giêsu chịu đóng đinh, Thiên Chúa đã bày tỏ khát khao của Ngài được đến gần với các tội nhân, dù họ có lạc xa Ngài đến thế nào đi nữa. Bằng cách này, Người hy vọng làm cho trái tim chai cứng của Tân Nương được mềm mại hơn” (số 2) và “chúng ta đừng lãng phí mùa Chay này, vì đây là thời gian thuận tiện cho việc hoán cải! Chúng ta cầu xin điều này nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã gặp được lòng thương xót lớn lao đã tuôn đổ dồi dào trên Mẹ, là người đầu tiên thừa nhận sự thấp hèn của mình (Lc 1, 48) và gọi mình là nữ tỳ hèn mọn của Thiên Chúa (x. Lc 1, 38)” (phần kết).

Ngoài ra, một suy tư khá hay của cha Pierre Cardon, là khi quan sát Chúa Giê-su và cách hành xử của Ngài, chúng ta thấy đứng trước sự ác, Chúa Giê-su đưa ra những lời kêu gọi. Cụ thể, kế bên tinh thần sám hối là căn bản và nền tảng, có hai thái độ cần tránh đi. Trước tiên là thái độ chìm đắm trong những giải thích về nguyên nhân của sự ác và tìm những câu trả lời gán trách nhiệm cho “những người khác”, nói họ còn tội lỗi hơn nữa, tại hoạ họ phải chịu còn lớn lao hơn nữa. Thái độ thứ hai cũng cần phải tránh, đó là những người tiêu cực quá ý thức về những giới hạn của con người, nên họ thất vọng hoàn toàn và không phấn đấu cố gắng và tiếp tục tin tưởng và cậy trông vào Thiên Chúa toàn năng và từ nhân.

Kế bên đó, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy mắt nhìn vào hoàn cảnh của người tội lỗi, và đừng quên rằng mỗi người chúng ta cũng là người tội lỗi, và vào thời gian luôn luôn thuận lợi, để tiếp nhận tin vui tình yêu của Thiên Chúa.

 

6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy,7 nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?8 Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”

Sau phần đối thoại trực tiếp với đám đông, Chúa Giê-su kể một dụ ngôn cho họ nghe. Ở đây, chúng ta hỏi dụ ngôn là gì? Frère Théophile Penndu giải thích như sau: “Dụ ngôn: Nguyên ngữ Hy Lạp là: Para Ballein: ném qua một bên, phóng chiếu, gợi chú ý để đi xa hơn… từ đó mà có từ Antenne Paraboles để trên mái nhà, bắt sóng và hình ảnh để chiếu to lên trên màn hình. Dụ ngôn là gì? Là một kiểu nói rất phổ biến trong thế giới Do-thái. Nó thường là một sự so sánh, một ẩn dụ, một hình ảnh được kể lại dưới hình thức một câu chuyện cụ thể và lôi cuốn mượn từ cuộc sống hằng ngày, với mục đích khiến cho người nghe suy nghĩ không phải về những ý tưởng trừu tượng mà về những thái độ sống”.

Ngoài ra, dụ ngôn có lợi gì? Frère Théophile Penndu giải thích tiếp: “Dụ ngôn là phương pháp sư phạm rất hiệu quả. Nó bắt người nghe phải có thái độ, có lập trường chứ không trung dung được…dụ ngôn khiến người nghe phải có lập trường, phải dấn thân vào một tình huống cụ thể. Nhưng câu chuyện kể khéo đến độ người nghe không biết là nói về mình. Một cách nào đó, các nhân vật trong dụ ngôn dấu mặt tới cuối mới lộ ra”.

Còn với Chúa Giê-su, Ngài dùng dụ ngôn nhứ thế nào? Theo Frère Théophile Penndu “Là nhà sư phạm lão luyện và tâm lý gia đại tài, Chúa Giêsu biết rằng thính giả của mình có những quan niệm rất sai về Thiên Chúa và về cách thế đi theo Người. Song Ngài không muốn chặn đầu họ ngay: ‘Ông lầm rồi, ông không hiểu gì cả…’ Ngài thích giúp họ dần dà khám phá ra sự thực về chính mình một cách bất ngờ khởi đi từ việc quan sát những sự kiện trong đời thường. Như vậy, Chúa Giêsu giúp họ nắm bắt được những thực tại thiêng liêng và đề cao những giá trị phổ quát về con người”.

Giờ đây, chúng ta đi vào dụ ngôn cây vả không trái mà Chúa Giê-su chỉ nói trong phúc âm của Luca (13,6-9).

Trong dụ ngôn này, chúng ta thấy có hai nhân vật. Người chủ vườn và người làm vườn. Hình ảnh được nói tới là một cây vả được trong vườn nhỏ của chủ vườn. Pierre Cardon giải thích rằng, trong những vườn nho ở Palestine, người ta tự ý trồng cam quýt hoặc cây ăn trái khác, nhất là cây vả. Các vườn nho được xem là những mảnh đất rất thuận tiện để trồng cây vả. thậm chí cây vả cũng phát triển tốt tại những thửa đất khá bạc màu; vườn nho là mảnh đất rất tốt. Việc chăm sóc cây vả cũng như các cây nho được ông chủ giao phó cho người làm vườn.

Giờ đây, đi vào diễn tiến của dụ ngôn, chúng ta đọc thấy: Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?” Như thế người chủ ra cây vả tìm trái, nhưng ông ta không tìm thấy trái nào cả. Đó là tình trạng của cây vả. Tình trạng này đã đưa lại tâm trạng thất vọng của ông chủ vườn. Lý do ông thất vọng là gì? Ông đã nhẫn nại đợi cây vả này trong vòng 03 năm và mong ngóng nó ra trái, nhưng cuối cùng ông đã thất vọng.

Về con số 03 năm, Pierre Cardon giải thích rất có lý, người ta đồng ý để ra ba năm cho cây phát triển. Trong ba năm này, không được thu hoạch trái. Ở đây, chúng ta đọc trong sách Lêvi 19,23-25: “23 Khi các ngươi đã vào đất và trồng bất cứ cây ăn trái nào, thì các ngươi sẽ kể trái nó là chưa cắt bì; trong ba năm các ngươi phải coi trái nó là chưa cắt bì, không được ăn.24 Năm thứ tư, mọi trái nó sẽ được thánh hiến trong một buổi lễ mừng ĐỨC CHÚA.25 Năm thứ năm, các ngươi được ăn trái nó; như thế hoa trái nó sẽ tăng thêm cho các ngươi. Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi”.

Như thế, ba năm cây vả lớn lên dù có trái thì người trồng vườn cũng không chú ý tới. Rồi tới năm thứ 4, tất cả các trái của cây vả được dâng lên cho Thiên Chúa. Nghĩa là từ năm thứ năm trở đi người chồng vườn mới chú ý đến hoa trái của cây vả. Theo sự giải thích này, thì cây vả đã trồng được 07 rồi, nghĩa là 04 năm đầu ông chủ không chú ý đến việc cây vả ra trái cộng với 03 năm liên tiếp ông chủ chú ý xem cây vả ra trái thế nào, thì đều không tìm thấy trái. 07 năm rồi mà không ra trái, thì tình hình có vẻ không hy vọng gì nữa. Nếu việc xác định biểu tượng trong dụ ngôn là đúng, thì có thể nói đã đủ thời gian để cây vả sinh hoa kết trái. Ông chủ đã đợi một cách kiên nhẫn; hơn cả thời gian bình thường để cây ra trái. Kết luận về điều này được nói lên trong phần kế tiếp, khi ông chủ vườn ra quyết định dứt khoát và nói với người làm vườn anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? Quyết định này của ông chủ, một cách nào đó có lý, vì cái cây xấu này không chỉ không sinh trái, mà còn choán chỗ những cây khác và làm đất bạc màu là thứ thể được dùng cho các cây khác. Cây vả hấp thụ nhiều yếu tố dinh dưỡng trong đất, cũng bằng các cây nho chung quanh nó hấp thụ. Có những cây vả không sinh trái, chẳng hạn phát sinh từ những hạt bị thoái hoá. Cho chặt cây vả là một hành động khôn ngoan. Cho nên tốt hơn là trồng một cây khác có khả năng sinh trái. Trước quyết định của ông chủ, người làm vườn phản ứng ra sao?

“Nhưng người làm vườn đáp: Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. Kiểu nói, “người làm vườn đáp” mà Luca sử dụng ở đây làm cho đối thoại trong dụ ngôn sống động hơn, nghĩa là Luca sử dụng chất liệu được một người chứng kiến Chúa Giê-su giảng nói lại với Người.

Trong Tân Ước từ ngữ “phân” chỉ được tìm thấy ở đây. Theo Pierre Cardon, đây không phải từ ngữ thường dùng trong minh hoạ tôn giáo. Người làm vườn có thể đề nghị xới đất chung quanh cây hoặc tưới nước cho cây, hoặc chăm sóc, tỉa cành lại cho cây. Ngoài ra, cây vả là cây cần chăm sóc rất ít. Do đó đây là một cách thức khác thường người thợ làm vườn muốn thực hiện như một cố gắng cuối cùng.

Nhưng chúng ta có bao giờ nghe rằng bằng cách bón phân cho một cái cây không sinh trái chúng ta có thể làm cho nó sinh trái hay không? Nếu cái cây đã “vô sinh”, thì nó không bao giờ ra hoa kết trái. Dù sao người làm vườn cũng mất công thử làm điều không thể xảy ra! Đây thực sự là một việc đối xử ân huệ dành cho cái cây không sinh trái. Trái với mọi hy vọng, người làm vườn vẫn còn hy vọng.

Như thế, trong dụ ngôn cây vả đây, lòng thương xót và sự phán xét được diễn tả thật sống động. Các lời này được nhân cách hoá bởi ông chủ và người làm vườn là những người tranh luận về cái cây không sinh trái. Sự căng thẳng này nằm trong thẳm sâu con tim của Thiên Chúa. Ở đây, chúng ta có thể đọc lời của tiên tri Hô-sê:

8 Hỡi Ép-ra-im, Ta từ chối ngươi sao nổi!
Hỡi Ít-ra-en, Ta trao nộp ngươi sao đành!
Làm sao Ta xử với ngươi như với Át-ma,
để ngươi nên giống như Xơ-vô-gim được?
Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi.

9 Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận,
sẽ không tiêu diệt Ép-ra-im nữa,
vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm.
Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh,
và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ” (11,8-9).

 

Trở về với dụ ngôn, chúng ta thấy thái độ đặc biệt người thợ làm vườn cho thấy Chúa Giê-su đưa ra một thái độ vượt lên trên trật tự loài người, thái độ của Thiên Chúa là Đấng không gì mà Ngài không làm được (x.Lc 18,27). Và Chúa Giê-su là trung gian. Sứ vụ của Chúa Giê-su là dấu chỉ đầy hiểu quả của sự lo lắng không mỏi mệt và lòng thương xót của Chúa Cha. Thiên Chúa không đành trừng phạt mà không thử hết mọi cách nhằm làm trái tim dân Ngài cảm động. Ngài muốn cứu thoát tất cả. Ngài chậm bất bình và đầy tình thương. Đây là niềm hy vọng của chúng ta.

Như thế, chúng ta được Chúa ban cho sứ điệp cao quý về lòng thương xót của Thiên Chúa, và sứ điệp là chúng ta cần chú trọng đến sự cấp bách của hoán cải và ăn năn.

 Câu cuối cùng của người làm vườn “may ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi”. Cách nói trong tiếng Hy-lạp “eis to mellon” được dịch là sang năm (cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là sau này). Nhưng chính xác có nghĩa là “trong tương lai”. Cho nên tiếng nói của bản văn càng nêu bật lời kêu cầu lòng thương xót và ân huệ của Thiên Chúa. Người làm vườn cầu xin lòng thương xót cho cây vả. Các yếu tố này được củng cố nếu người ta không xác định thời gian rõ rệt cho việc chặt cây. Thời gian phán xét trong tương lai vẫn không được xác định. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy từ ngữ “nếu không” cũng không được xác định. Theo Pierre Cardon, ý nghĩa rất rõ ràng; sau các “hành vi cứu độ” và sau thời gian đủ để đổi mới, cây vả phải đáp ứng. Nếu nó không có gì cả, sự chọn lựa duy nhất là phán xét.

Cuối cùng, dụ ngôn kết thúc với một sự bỏ ngỏ, cũng giống như một số dụ ngôn khác. Ông chủ có chấp nhận một kỳ hạn mới hay không? Cây vả sẽ sinh trái hay không? Chúng ta không biết.

Cuối cùng, yếu tố thời gian của giây phút hiện tại đóng vai trò quan trọng trong dụ ngôn này. Chúng ta ở vào giới hạn cuối cùng của khúc quanh quyết định xác định số phận của mỗi người; nếu chúng ta chậm trễ thay đổi cách sống và hoán cải, thì chúng ta sẽ chết mà không gì có thể cứu chữa được. Hạnh phúc thay những người mà ông chủ thấy sẵn sàng (x.Lc 12,37.38.40.43). Nhưng khốn thay những người khác vào thời hạn cuối cùng mà không sám hối. Thật vậy, có sám hối có sự sống không chỉ ở đời này và cả đời sau.

 

  • Câu hỏi gợi ý
  1. Cây vả không trái có thể là mỗi người. Chúng ta hãy nhớ lại lời Đức Giê-su. Tất cả những gì anh em muốn người khác làm cho mình, thì anh em hãy làm cho họ (x.Mt 7,12). Đó là khuôn vàng thước ngọc của tình yêu. Bạn hãy nhìn lại cây vả đời bạn, xem cây vả đang ra trái nhiều không, hay là đang cằn cỗi và không có trái? Để cây vả đời bạn có trái, bạn nên có thái độ tích cực nào?
  2. Chúng ta không nên lạm dụng sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Và dù vậy, cho tới nay chúng ta đã bỏ lỡ dịp tốt. Thiên Chúa đã kiên nhẫn với con người, không mất hy vọng và mặc dù các dấu hiệu không sinh hoa kết trái của họ. Vì thế, chúng ta nên ý thức đừng phí phạm thời gian nữa: bây giờ chính là thời cứu độ. Có bao giờ bạn cảm thấy mình lạm dụng sự kiên nhẫn của Chúa không? Tại sao? Đừng phí phạm thời gian nữa. Ngày hôm qua không bao giờ trở lại.
  1. “Có sám hối, có sự sống không chỉ ở đời này và cả đời sau”. Bạn có đồng ý với tư tưởng này không? Với bạn sám hối nghĩa là gì? Bạn đã và đang có hành động và cách sống sám hối như thế nào? Thánh Augustinô nói rằng, để dựng nên chúng ta, Chúa không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu chuộc chúng ta, Chúa cần chúng ta ưng thuận và cộng tác với Ngài. Sự cộng tác của chúng ta là yếu tố quan trọng để Chúa thương tha tội chúng ta và ban ơn cứu độ cho chúng ta. Sự cộng tác đó, là sự ăn năn sám hối thật tình của chúng ta.
  1. Trong Thánh Kinh có nhiều câu chuyện sám hối, như người phụ nữ tội lỗi sám hối và khóc bên chân Chúa (Lc 7), dụ ngôn người cha nhân hậu và người con hoang đàng (Lc 15), Da-kêu sám hối (Lc 19), như hình ảnh của Phê-rô khóc lóc sám hối (Lc 22) và như người trộm lành sám hối (Lc 23)…Bạn thích câu chuyện sám hối nào nhất trong Thánh Kinh? Bạn hãy lấy câu chuyện đó, cầu nguyện, suy niệm và tâm tình với Chúa.

 

  • Tham khảo
  • Pierre Cardon de Lichtbuer SJ, Các dụ ngôn về nước Trời, (cuốn 2),Tôn Giáo, t.819-863.
  • ĐTC. Phanxico, sứ điệp mùa Chay 2016.
  • Frere Théophile Penndu, Chúa Giê-su nói bằng dụ ngôn, Lm. Nguyễn Văn Diễm chuyển ngữ, phần giới thiệu tổng quát và dụ ngôn cây vả không trái (Lc 13,6-9).

 

  • Chuyện minh họa
  1. Ăn năn

Satan phàn nàn với Chúa: “Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân làm điều sai trái và Ngài lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần và Ngài vẫn nhận. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Ngài kết án tôi đời đời. “Chúa nói: “Đã bao giờ ngươi xin tha thứ hoặc ăn năn chưa?”.

  1. Cơ hội cuối cùng

Sau khi đánh tan một cuộc nổi loạn, nhà vua bắt những kẻ phản loạn về. Ông ra lệnh thắp lên một cây nến, rồi nói với họ: “Ai chịu đầu hàng và thề trung thành với ta thì sẽ được tha, bằng không sẽ bị giết Các ngươi hãy suy nghĩ. Khi cây nến tắt thì cuộc hành quyết sẽ bắt đầu”. Thiên Chúa cũng đối xử với tội nhân như vậy: Ngài cho họ một thời gian gia hạn. Tuy nhiên có một khác biệt quan trọng: không ai biết cây nến của đời mình còn dài hay ngắn. (GM Arthur Tonne).

  1. Hối cải hay không.

Chuyện cổ dân gian kể về hai người anh em nọ sống trong một ngôi làng miền Trung Âu đã bị bắt quả tang ăn trộm cừu của dân làng. Hình phạt cho họ là bị khắc hai chữ “ST” trên trán. “ST” có nghĩa là Sheep Thief ! Ăn trộm cừu ! Dấu khắc này là dấu sẹo trên trán phải mang suốt đời.

Đối với người em hình phạt này là tiêu hủy cuộc đời còn lại của chú. Chú càng phạm thêm nhiều tội ác hơn. Và cuối cùng chú đã bị chết trong tù ! Trái lại, người anh đã ăn năn hối cải và hoàn toàn thay đổi cuộc sống, từ tên tội phạm đã trở nên người hoàn lương, và sau cùng trở nên thánh thiện. Anh giúp đỡ mọi người, trong làng ai cũng thương mến. Năm tháng trôi qua, những người lớn tuổi thuộc thế hệ của anh chết gần hết. Một ngày nọ những người du khách vào làng nhìn thấy chữ “ST” trên trán ông lão bèn thắc mắc. Họ hỏi những người trẻ trong làng, nhưng chẳng ai biết thực sự nó có nghĩa là gì. Ai cũng trả lời rằng :”Điều đó đã xẩy ra bao nhiêu năm về trước rồi ! Nhưng theo họ nghĩ, chữ “ST” trên trán ông lão là một chữ viết tắt của chữ “Saint” = “Thánh”.

 

  1. Cây vĩ cầm đáng giá.

Cây vĩ cầm bị nứt bể rồi lại được dán lại. Người bán đấu giá nghĩ rằng chẳng nên phí thời giờ chăm chút cho nó làm gì. Nhưng ông ta vẫn tươi cười cầm nó lên và rao bán :

  • Nào, thưa quí vị, ai sẽ bắt đầu trả giá đầu tiên đây? Một đồng, một đồng, rồi tới hai đồng, chỉ có hai đồng thôi sao? Ai sẽ trả nó ba đồng đây? À, một người trả ba đồng, rồi hai người trả ba đồng, không còn ai nữa sao ?

Bỗng nhiên từ cuối phòng, một người đàn ông tóc hoa râm bước lên cầm lấy cây đàn, ông lau bụi chiếc đàn cũ kỹ rồi siết lại những sợi dây lỏng. Sau đó ông tấu lên một bản nhạc êm dịu, ngọt ngào, y như những bài ca của các thiên thần. Tiếng nhạc dừng lại, người bán đấu giá chậm rải nói:

  • Tôi sẽ ra giá bao nhiêu cho chiếc vĩ cầm cũ kỹ này đây ?

Đoạn ông vừa cầm cây đàn lên vừa nói :

  • Một ngàn đồng, và ai sẽ tăng lên 2000 ? Hai ngàn rồi ! Có ai chịu tăng lên ba ngàn không ? Một người chịu giá 3000, hai người chịu giá 3000, và còn nữa !!!

Đám đông hồ hởi reo vui nhưng có vài người trong họ la lên:

  • Chúng tôi hoàn toàn chẳng hiểu cái gì đã làm thay đổi giá trị cây vĩ cầm ấy !

Lập tức có tiếng đáp lại :

  • Chính nhờ đôi tay ông nhạc sĩ chạm vào đấy.

Quả thế nhiều người trong chúng ta đừng đi sai đường lạc lối, bị bầm dập vì tội lỗi và bị đám đông vô tâm rẻ rúng, khác nào cây vĩ cầm cũ mèm kia. Chỉ một tô cháo, một ly rượu, một cuộc chơi là đã đưa chúng ta sa chân hết lần này đến lần khác, và cuối cùng chúng ta hầu như bị hư hoại luôn. Nhưng vị Minh Sư đã đến, và lũ dân chúng khờ khạo hoàn toàn không thể hiểu nổi giá trị của linh hồn và sự đổi thay của nó, sau khi linh hồn đã được đôi tay của vị Minh Sư chạm đến (Tác giả vô danh) (Mark Link, Giảng lễ Chúa nhật , năm C, tr 75-76).

 

  1. Làm một anh thợ hàn còn hơn làm một nhà Khoa học

Nhà bác học Einstein: « Cha đẻ của nguyên tử lực” là một người Đức gốc Do thái. Ông  đã chạy trốn khỏi nước Đức và định cư tại Mỹ năm 1933 vì sự truy sát của Hitte. Năm 1939, Einsten đã trình lên Tổng thống Mỹ Roosevet, dự án chế tạo bom nguyên tử để đề phòng sự bành trướng của nước Đức. Dự án đã được Tổng thống phê duyệt. Năm 1941 bom nguyên tử đã ra đời và đã thử nghiệm thành công. Thế nhưng, tới năm 1945, sau khi hai quả bom nguyên tử nổ tại Hyrosima và Nagasaky, khiến hàng trăm ngàn người chết oan uổng, Einstein đã hối tiếc và nói rằng: “Nếu tôi có thể làm lại cuộc đời, thì tôi sẽ làm một anh thợ hàn còn hơn làm một nhà Khoa học.”

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 04-12-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 04/12/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​  Tin tưởng nơi …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 03-12-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 03/12/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​  Học nơi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *