Cuộc sống tĩnh lặng ở bệnh viện

 

Bệnh tật là điều chẳng ai muốn xảy đến với mình. Bị bệnh mà phải nhập viện điều trị thì lại càng không ai muốn, càng khó đón nhận hơn. Nhưng những ngày nằm viện điều trị, ít ngày đi thăm nuôi người thân,… vốn bị xem là “thời gian của đau khổ,” lại có thể trở thành “thời gian của ân sủng,” vì giữa dòng đời xô bồ, đôi lúc con người ta cũng cần một chút thời gian để nghỉ ngơi, để sống chậm, để nhìn lại những gì đã qua, những gì đang tới và cả ở trong tương lai xa lắc. Đôi lúc trong một bản nhạc sôi động lại có khoảng lặng để đọng lại chút dư âm cho người nghe. Khoảng lặng giúp ta nhận ra nhiều điều mà bình thường không thể nào thấy được. Có thời điểm thích hợp để động, thì cũng có thời điểm thích hợp để tĩnh. Có ngẫm thì mới thấm, có hiểu thì mới vương.

Bệnh viện có phần giống với tu viện. Ở đây, người ta học được cách coi trọng đúng mức những sự việc bình dị nhất: đi, thở, thấy. Chỉ có những sự việc bình dị là không bao giờ làm ta thất vọng. Khi vấn đề là hạnh phúc, ta không bao giờ biết bắt đầu một cách thật bình dị mặc dù hạnh phúc luôn bên cạnh ta.

Người ta chỉ vào bệnh viện khi sức khỏe đã không còn như bình thường, khi đôi chân đã không còn đứng vững, huống chi là đi lại băng băng như xưa. Vì thế, ta phải đi chậm, bước từng bước thật vững, có khi còn cần sự hỗ trợ của một chiếc gậy hay vịn vào tường, vào tay người khác mà bước đi. Trong từng bước đi, ta ý thức hơn về giới hạn và sự bất lực của bản thân, thấy mình cũng dễ tổn thương như bao thứ mỏng manh khác nên cũng cần sự giúp đỡ của người khác. Ta đi chậm và gặp được ánh mắt buồn của những người cùng cảnh ngộ nơi giường bệnh bên cạnh, dừng lại hỏi thăm và động viên nhau trong cuộc chiến bệnh tật. Không còn những tính toan, không còn bộ mặt gượng gạo mà ta vẫn khoác lên mỗi ngày, ta đến với nhau với cái chân thật nhất của mình, con tim hiểu thấu con tim, xa mà hóa gần, lạ thành quen. Đi để gặp gỡ, chứ không còn là để đuổi theo cái gì đó, cũng không còn vội vàng lướt qua nhau mà không kịp chào nhau một tiếng.

Ai cũng biết nếu không thở thì sẽ chết, ai cũng nghĩ thở là điều tự nhiên và không cần cố gắng để thở. Nhưng ngày nay, sự quẩn quanh, bế tắc của cơm-áo-gạo-tiền nhiều khi làm ta bất lực, khô khốc đến khó thở. Nhiều người thở rất yếu nên sức khoẻ kém cỏi, mang nhiều bệnh tật. Vào bệnh viện, ta còn bắt gặp những hơi thở nặng nhọc, khò khè của bệnh nhân lao phổi, ung thư phổi,… những hơi thở ngày càng yếu dần đi và sẽ tắt hẳn. Học cách thở tự nhiên và đúng không phải chuyện dễ, tập thở siêu nhiên lại càng khó. Thánh Phaolô tích cực mời gọi ta “hãy sống theo Thần Khí” (Gl 5,16) “hãy để cho Thần Khí hướng dẫn” (Gl 5,18), “hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5,25) thì ta sẽ được hưởng “hoa quả của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22). Trân trọng từng hơi thở Chúa ban; sống bình tâm, tự do với những đam mê, sở thích mời mọc,… và mỗi lần làm mọi việc vì tình yêu là mỗi lần ta thở được Thần Khí, được linh khí của Trời.

Với công nghệ, ta nghĩ mình thấy mọi sự. Nhưng cuộc đời chẳng đơn giản thế. Cảm nếm những giây phút tưởng chừng như buồn tẻ trong cái không gian chật chội và nồng mùi thuốc khử trùng, ta thấy mọi sự quả là “phù vân, tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2). Dành hết tuổi trẻ và sức lực đến mức lao lực để kiếm tiền nhưng tiền lại không mua được thanh xuân và sức khỏe. Nhiều thứ cứ tưởng như “thực” trong cuộc sống bỗng chốc biến thành “ảo, thành thứ yếu lúc đổ bệnh rồi đau đớn nằm xuống. Sự tĩnh lặng nơi bệnh viện cho ta cơ hội để tạm ở bên ngoài cuộc sống, để thấy được bức tranh toàn cảnh, trước khi để mình bị cuốn lại vào nhịp sống bận rộn nơi đó nhưng với một tâm thế mới: tự do hơn. Tĩnh lặng để thấy Chúa ở mọi nơi, mọi lúc, mọi người, mọi biến cố… Lắng xuống để thấy Chúa vẫn đang hiện diện và hoạt động quanh ta. Không lắng thì thấy thế giới toàn màu tối, toàn sự dữ, xấu xa, để rồi rơi vào thất vọng, chán chường.

Mùa Chay mở ra một không gian và thời gian tĩnh lặng như ở bệnh viện, vốn đặc biệt thích hợp để thinh lặng, để dừng lại, để đứng riêng ra một chỗ để học cách đi, thởthấy cho đúng. Dù thực tại cuộc sống vẫn sẽ tiếp tục với nhịp sống nhanh, vẫn đua chen giữa cái dòng đời xô bồ, ồn ào và tấp nập; nhưng trên con đường ta đang đi đôi khi cũng cần dừng bước để tìm khoảng lặng.

Một khoảng lặng để tập bước đi chậm hơn mà gặp gỡ người.

Một khoảng lặng để lắng nghe con tim lên tiếng.   

Một khoảng lặng không cần lớn nhưng đủ để yêu thương và giữ lấy yêu thương.

Lạy Chúa, “giữa những ồn ào của đám đông, giữa những sôi nổi của thành công và ê chề của thất bại, xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu” (x. Lm. Thái Nguyên, Một cõi riêng tư).

Gió Biển

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *