Nhân dịp kỷ niệm 400 năm Dòng Tên đến loan báo Tin Mừng trên Đất Việt, ngày 12.07.2014 tại Hội trường Học viện thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam số 19, đường 5, KP. 2, P. Linh Trung, Q. Thủ Đức, TP.HCM sẽ diễn ra buổi hội thảo về đề tài:
– Kiến tạo Không gian thánh – Bài học rút ra từ Sách Giáo lý (Cathechismus) của cha Đắc Lộ do linh mục Antôn Phạm Trung Hưng, S.J. trình bày.
– Cái nhìn về các tôn giáo theo Sách Giáo lý (Cathechismus) của cha Đắc Lộ do linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J. trình bày.
XIN GIỚI THIỆU ĐẾN QUÝ BẠN ĐỌC ĐẠI Ý CỦA 2 ĐỀ TÀI THUYẾT TRÌNH NÀY
Kiến Tạo Không Gian Thánh:
Bài học rút ra từ sách Giáo lý (Cathechismus) của Cha Đắc Lộ
“Dòng Tên còn được biết như một hội dòng của các giáo lý viên. Những văn kiện sơ khai của Dòng không những nhắm tới tầm quan trọng của việc dạy giáo lý mà còn nhấn mạnh đến phương pháp dạy giáo lý, cụ thể là khuyến khích và nuôi dưỡng mối tương quan thâm sâu cách cá vị và trực tiếp của con người với Thiên Chúa trong Đức Kitô. Được đào luyện trong truyền thống linh đạo I.Nhã, cha Đắc Lộ đã áp dụng phương pháp ‘đặt khung cảnh’ của Linh Thao trong Phép Giảng Tám Ngày để giúp người Việt vào đầu thế kỷ thứ mười bảy đi sâu vào đời sống đức tin cá vị và mật thiết với Thiên Chúa. Cũng qua đó, phương pháp giáo lý của Cha cũng là nền tảng của hội nhập đức tin Kitô giáo vào văn hóa Việt Nam.”
Câu hỏi suy tư
Trong bối cảnh văn hóa xã hội Việt Nam ngày hôm nay, các giáo lý viên gặp những thách đố gì? Chúng ta áp dụng được gì từ những bài học rút ra từ Phép Giảng Tám Ngày của Cha Đắc Lộ cho việc giảng dạy giáo lý của mình?
—————-
Cái nhìn về các tôn giáo theo Sách Giáo lý (Cathechismus) của cha Đắc Lộ
Đắc Lộ là một thừa sai Tây phương đến đất An Nam truyền bá một tôn giáo mới vào tiền bán thế kỷ 17. “Phép Giảng Tám Ngày” là một cuốn sách giáo lý nhằm dạy cho những ai muốn chịu phép rửa tội mà vào đạo thánh Đức Chúa Trời. Đối với Đắc Lộ, chỉ Kitô giáo mới là đạo thật, giúp con người được ơn tha tội và có sự sống vĩnh hằng. Chính từ xác tín này mà Đắc Lộ nhìn các tôn giáo trên đất An Nam: đạo thờ ông bà của người Việt, cũng như đạo Nho, đạo Lão, đạo Phật. Khi giảng cho người dự tòng, Đắc Lộ muốn đề cao cái hay của đạo mới, nên nhấn mạnh đến những điều mà Ông cho là không đúng, không hay nơi các tôn giáo khác. Hơn nữa, cái nhìn của Đắc Lộ, một thừa sai Tây phương ở thế kỷ 17, cũng chịu ảnh hưởng của nền thần học thời đó về ơn cứu độ. Đối với chúng ta hôm nay, cái nhìn này có những giới hạn và sai sót, cả trong nội dung lẫn cách trình bày. Chúng ta phải đợi Công Đồng Chung Vaticanô II mới có được cái nhìn tích cực hơn về các tôn giáo ngoài Kitô giáo.
Câu hỏi suy tư
Trong bối cảnh đa nguyên tôn giáo tại Việt Nam, chúng ta rút ra được bài học gì về đối thoại liên tôn từ cái nhìn về các tôn giáo theo sách Giáo lý của cha Đắc Lộ? Làm thế nào để thúc đẩy và nâng cao đối thoại liên tôn tại Việt Nam hôm nay?
(Chỉnh Trần, SJ)