Bóng người đã đi qua, còn đó những dấu chân! Trọn vẹn 2 ngày 2 đêm với chuyến thiện nguyện làng Lao- xã Cát Thịnh- huyện Văn Chấn- tỉnh Yên Bái như cơn gió thoáng qua. Những trải nghiệm ấy còn như in đậm trong trái tim và tâm trí mỗi người trong nhóm thiện nguyện Phan-xi-cô chúng tôi.
Những ngày cuối tuần thường thì mình dành để đi chơi với người yêu, đi ăn với bạn bè, hay shopping với người thân. Lần đầu tiên nghe đến làng Lao- Cát Thịnh- Văn Chấn- Yên Bái với những tâm tư cùng tấm hính kèm theo, trào dâng trong lòng chúng tôi một niềm khao khát đến với họ. Chợt nhớ câu Kinh Thánh: “ Mỗi lần các ngươi làm như thế cho các anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Thế là, chẳng quen chẳng biết, chằng họ hàng thân thích, chưa một lần gặp mặt hay trò chuyện với họ; chúng tôi nhấc mình ra khỏi những thú vui thường ngày, khỏi những thói quen khó bỏ, khỏi thế giới công nghệ hiện đại. Quyết tâm lên đường với những gì đã chuẩn bị và những vật chất ân nhân giúp đỡ!
Chưa đi, tưởng chừng 30km cũng không quá khó khăn. Những bước chân đầu tiên nhanh nhẹn lắm, nhưng được một chặng đường khoảng 2km chúng tôi đã thấm mệt và cảm thấy hơi kiệt sức rồi. Dừng chân, chúng tôi cùng uống nước, ăn bánh kẹo và lương thực đi đường để hồi sức. thỏa thuê bên những con suối mát lành Thiên Chúa ban tặng hưởng dùng, mỗi chặng nghỉ ngơi chúng tôi lại cùng nhau hát thánh ca, nhảy cử điệu về tình yêu của Chúa khiến tinh thần của chúng tôi càng hăng say hơn vì có Chúa đồng hành.
Có những con đường hẹp chỉ vừa một người đi, nhưng trơn trượt, bùn lầy và dốc đứng, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, quá nguy hiểm, lo sợ phần nào, có những lúc tưởng chừng như quỵ ngã, thở hổn hển khi leo lên những con dốc đứng ấy. Thế mà, từng ngày người dân làng Lao vẫn dầm mưa dãi nắng trên lưng núi, ngọn đồi không có cái để che đầu, cũng không có lương thực hay nước uống dự trữ đi đường. Nghĩ tới họ, chúng tôi lại cố gắng cất bước thật nhanh. Nhìn thấy ngôi làng đằng xa xa nằm chênh vênh trên những sườn đồi dốc núi và những đứa trẻ đen đúa, lem nhem chơi bên đống đất,… lòng chúng tôi lại trực trào nước mắt. Ngôi nhà lá lụp xụp kia làm sao đứng vững sau mỗi trận gió lớn? Những đứa bé không quần, không áo, không mũ nón kia làm sao sống sót qua những tháng ngày mùa đông giá lạnh??? Cuộc sống của họ cũng chênh vênh như những con đường và ngôi nhà kia sao? Bao nhiêu cảm xúc vui buồn lẫn lộn và không ít những câu hỏi đặt ra trong đầu….
Lên tới cổng trời rồi, chúng tôi lăn ra nghỉ ngơi, đúng là lần đầu tiên chèo đèo, lội suối 30km,…ai cũng thấm mệt, nhưng rất hạnh phúc, chúng tôi cảm nhận được mình đang đụng chạm tới Chúa, làn mây là là dưới chân, sự bao la hùng vĩ của đất trời rừng núi, sự hiệp nhất và giúp nhau vượt qua khó khăn, đặc biệt là chúng tôi vượt qua được chính mình nữa. Quãng đường dài chừng 30km với khoảng hơn 9 giờ đồng hồ “quốc bộ”, nhưng nhìn nét mặt rạng rỡ như “khát người” của dân bản Lao, mọi mệt nhọc dường như tan biến, chúng tôi thấy niềm hạnh phúc của họ khi nhìn thấy chúng tôi- những người anh chị em con cùng một Cha trên trời, nay được hội ngộ. Cùng nhau đọc kinh, cùng nhau ca hát, nhảy múa trong nhà nguyện tạm bợ trên núi. Người H’Mông cũng có những lời kinh, câu ca, điệu múa hết sức dễ thương.
Không ca thán về sự khốn khổ, cũng không đòi hỏi phải sống đầy đủ, nụ cười trên môi và ánh mắt của họ phản chiếu một cuộc sống đơn sơ, chân thành, chất phác, luôn vui vẻ và hạnh phúc. Ông trùm giáo họ làng Lao nói với chúng tôi: “ Sống trên này thì gần Chúa lắm!”. Tiền đối với chúng ta là thước đo giá trị, thì đối với họ, có chút tiền muốn mua cái gì cũng đâu có chỗ để tiêu. Cuộc sống nơi đây như biệt lập với thế giới: không điện, không trường, không trạm y tế. Nếu người dân nơi đây mắc bệnh thì chỉ chấp nhận cái chết thôi, có những người bệnh chưa nặng lắm, thì còn cố gắng cứu chữa, nhưng cũng cần khoảng chục người thay nhau khiêng người bệnh, ra được tới xuôi thì cũng kiệt sức mà chết. Mỗi gia đình ở bản Lao cũng có khoảng 6-10 người con, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhưng trình độ dân trí thấp, không có điều kiện học hành, không được tiếp xúc với thế giới văn minh, nên họ sinh con và nuôi con “hoang dã” lắm. Còn các em nhỏ từ 6 tuổi đến tuổi đi học thì phải tự đi đường rừng núi hiểm trở như thế vượt qua những con đường hiểm hóc hơn 30km để xuống xuôi học chữ, có khi một tháng hai tháng rồi về gia đình; bé tí xíu, nheo nhóc vậy đó nhưng cũng phải vật lộn với cuộc sống một mình nơi đất khách quê người. Chỉ cần nghĩ tới thôi, chứ không cần chứng kiến chúng tôi đã chảy nước mắt ra rồi.
Chúng tôi thấy mình hạnh phúc quá, có cơm dư gạo thừa, được bao bọc chở che từng chút một, được yêu thương chăm sóc từng li từng tí, thế mà đôi lúc vẫn còn thấy khổ, thấy tủi thân, thấy bố mẹ chưa chiều chuộng cho đủ. Quả thật, Chúa ban cho chúng ta quá nhiều, nhưng chưa nhận ra cho đủ vì thường nhật cuộc sống cứ diễn ra như thế, chẳng có cái đụng chạm nào, cũng cứ vô tư nhận mà không cần biết ơn mỗi giây phút sống. Lần đầu tiên trải nghiệm được sâu thẳm nỗi cùng khổ của con người. Ôi, con nghèo quá Chúa ơi! Nghèo sự hiện diện của Chúa và tha nhân, khát tình yêu thương phục vụ; đói tinh thần hy sinh và khiêm tốn. Đến với họ, chúng tôi mới chính là những người nghèo thực sự. Chúng tôi cho họ được vài tạ gạo, vài tạ muối, một ít quần áo, một ít tiền đã thấm vào đâu với khoảng trên dưới 70 hộ gia đình nơi ấy…Ăn vài ngày rồi cũng hết, mặc vài tháng rồi cũng rách…Tự nhủ: “ Mình cho họ điều gì khác đây? Hay cũng chỉ biết mà để đấy…
…Những ánh mắt, những nụ cười họ trao tặng sao mà thắm thiết và da diết thế. Từng cụ già, từng em bé, từng cử chỉ yêu thương và những bữa ăn thân tình họ chuẩn bị cho chúng tôi sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí và con tim này. Chính niềm khao khát ấy bừng lên trong chúng tôi tinh thần tông đồ luôn hăng say lên đường đến với những “người bạn của Chúa”…. Giúp họ canh tác, làm đường, quy hoạch môi trường sống (chứ không để người và súc vật sống chung),…
Ước mong chúng tôi sẽ là những cánh tay nối dài của Thiên Chúa, để cùng chia sẻ, cùng giúp đỡ và yêu thương họ đến cùng như Thiên Chúa là tình yêu đã cúi mình làm đầy tớ phục vụ anh em mình trong tinh thần khiêm tốn. Nhớ làng Lao….
Một số hình ảnh: https://plus.google.com/u/0/photos/110522046721037375253/albums/6133845666917338385
Kính thư
Nhóm thiện nguyện Phan-xi-cô