(Lc 11, 29-32)
MM Tân, SJ.
Gio-na là một dấu lạ cho dân thành Ninive,
Ông đã làm gì mà có thể trở thành dấu lạ?
Kêu gọi mọi người sám hối.
Vua salomon thì tài trí, để hàng quyền quí như nữ hoàng Phương Nam phải nể phục.
Còn Đức Giê-su, người mà dân làng Nagiaret quen biết, có gì khác lạ đâu?
Người ta muốn Chúa làm phép lạ, dọc suốt quãng đường rao giản Tin Mừng,
Nếu ngày nào cũng có người nhận được ơn lạ thì thiên hạ theo đông lắm.
Đám đông đói khổ, bệnh tật, mới lẽo đẽo theo Chúa, chứ người giầu sang, được mấy ai đâu.
Cuộc sống mà bao lâu hai chân còn chạm đất thì vẫn phải nuôi cái bụng,
và nghĩ theo cái bụng là lẽ đương nhiên : cơm ăn, áo mặc, khỏe mạnh, bằng an, chỉ nhiêu đó thôi.
Hình ảnh mái nhà Nagiaret để Chúa lớn lên suốt quãng đời thơ ấu, mấy ai thích đâu.
Cũng may, Thánh gia cũng tạm đủ ăn đủ mặc, để những năm tháng đầu đời phận người, Hài Nhi ngày càng lớn lên (Lc 2, 40)….ngày càng thêm cao lớn (Lc 2,52), nhưng nhiêu đó cũng có gì lạ lùng đâu.
Cái hình ảnh người đi loan báo Tin Mừng mà lại không có chỗ dựa đầu, trong khi con chồn có tổ, con cáo cũng còn có hang (Lc 9,58), bước đường như thế thì dấu lạ ở đâu?
Thực ra, Nagiaret là một dấu lạ ít ai ngờ.
Vì ở đó, trong trái tim từng người, một không gian nội tâm luôn mở ra cho Thiên Chúa Cha hành động và Thánh Thần hướng dẫn.
Vì thế Nagiaret đã trở thành mái nhà của khôn ngoan và ân nghĩa Thiên Chúa.
Một mái nhà kỳ diệu, nhà của Thiên Chúa ở giữa con cái loài người:
“Hài nhi lớn lên, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa của Thiên Chúa.
“Còn Đức Giê-su, ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn, thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta”.
Hôm nay, trên đường rao giảng Tin Mừng, Chúa đòi người môn đệ một con tim biết lắng nghe :
Như nữ hoàng Phương Nam, đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của Salomon;
Như dân thành Ninive, đã sám hối khi nghe ông Giona giảng.
NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, chỉ những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người mới được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn.
Họ đã nhận được dấu lạ, và phép lạ diễn ra.
Và những cảnh sống bình thương trở thành phi thường.
Thế còn những gia đình trong cảnh khó khăn thì sao?
Những cảnh sống không bình thường sẽ trở thành bình thường và rồi phi thường.
Chúng ta thử làm quen với một gia đình : một mẹ già, hai vợ chồng với một bé gái sau đây xem sao nhé.
Đôi trai gái quen nhau trong một bữa tiệc : chàng quê tận Bắc Giang, còn nàng quê Bắc Ninh,
người con gái từ nhỏ dễ bệnh, vì thế đã mấy lần chàng trai xin cưới mà cha mẹ nàng không bằng lòng. Cuối cùng chàng đã ở lì suốt hai tuần lễ tại nhà nàng, và rồi được chấp thuận, đám cưới cũng diễn ra sau khi chàng xin vào đạo.
Theo nàng vào nhà thờ để cử hành hôn lễ, chàng chưa hiểu biết đạo là mấy, nhưng tin vào những lời thề hứa, tin vào tình yêu và lòng chung thủy của người bạn đời, và đặc biệt tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng đã kết hợp anh chị nên một:
“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”.
Tin rằng nếu Thiên Chúa kết hợp thì Người cũng sẽ vun trồng cho gia đình anh chị sinh hoa kết trái trong Thiên Chúa và giữa mọi người.
Với niềm tin này, anh chị có quyền nhìn về phía trước, và đón bé gái đầu lòng cất tiếng khóc chào đời.
Thế nhưng gia đình thanh thản chẳng được bao lâu thì chị vợ bệnh cũ tái phát : bệnh tim phá ra thận, có bác sĩ nói một quả thận hư làm xơ vữa động mạch tim, phải cắt bỏ để giữ an toàn cho quả thận còn lại. Người nói phải cắt, người lại bảo không. Và anh chồng đã quyết định theo lời mách bảo của con tim là cắm sổ đỏ vay lấy 30 triệu để lo mổ thận cho vợ.
Tuy việc làm vẹn nghĩa trọn tình nhưng kết quả lại không vẹn toàn : sau khi cắt bỏ một bên thận thì chẳng bao lâu, trái thận thứ hai cũng phải mổ bỏ. Từ đây, cứ cách ngày anh lại phải đưa chị đi chạy thận nhân tạo.
Thấm thoắt thế là đã 4 năm, bốn mùa xuân hạ thu đông, dù trời lạnh cắt da hay nắng cháy thì 5 giờ sáng, cách ngày, anh lại phải đưa vợ đi chạy thận, vì phải đi cách ngày, do đó anh chị không thể xa nhà quá 2 ngày; còn anh đi phụ hồ cách ngày, chẳng được bao nhiêu tiền, có chỗ còn không thèm mướn nữa.
Hai vợ chồng nghèo, nghèo lắm, đến nỗi ngày chạy thận, buổi trưa anh chỉ mua một suất cơm, đợi vợ ăn nếu còn dư thì ăn, còn chị dù đã nghe chồng nói cứ ăn hết đi, mình chịu đói được, nhưng lỡ nào cơ chứ, có còn thèm ăn thì cũng phải chừa lại phần chồng.
Bữa cơm như thế mà vợ chồng đều no,
vì “người ta sống đâu chỉ nhờ cơm bánh”.
Cơm ăn, nước uống, thuốc men, mẹ cha anh chị em có thể phụ giúp được,
Thế nhưng khi một người khát tình yêu, niềm tin và hy vọng thì ai có thể trao đây.
“Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1Ga 4,7),
Gia đình cần cộng đoàn giáo xứ, cần nhà thờ để cùng với dân Chúa chia sẻ và tuyên xưng niềm tin, cùng họp nhau cầu nguyện và con cái lớn lên có bạn cùng lớp giáo lý.
Thế nhưng để nhập vào một xứ đạo thì đôi khi không đơn giản tí nào.
Gia đình anh chị ở gần giáo xứ Bâm, trong giáo xứ này anh cũng có ít bạn bè thân quen, nhưng ngôi nhà thì lại nằm trên phần đất thuộc giáo xứ Thanh Giã, anh xin được nhập vào giáo xứ Bâm cho gần nhà gần bạn thì không được chấp nhận. Mẹ anh, người mẹ đơn thân, hồi nhỏ cũng đã được lãnh nhận bí tích rửa tội, nhưng lâu rồi đã bỏ nhà thờ, nay muốn quay lại, thấy chỉ chuyện nhập xứ thôi mà không đạt ý nguyện, bà quyết định bỏ luôn và yêu cầu con cái nếu trong nhà có đám tang thì không được mời bên đạo tới.
Hằng ngày mỗi khi thấy anh chị đi nhà thờ, bà cụ cũng có ý mỉa mai, ngăn cản, theo bà thì đạo Công giáo chỉ nói chứ thực hành khác xa.
Nằm giữa hai giáo xứ mà vẫn trơ trụi giữa trời, rõ khổ.
Những tương quan va chạm rất thực trong một cộng đoàn giáo xứ đáng lẽ sẽ giúp mọi người mỗi ngày trở nên mềm mại, khiêm tốn để tiếp tục đi ra các ngả đường, gặp gỡ để rồi sánh bước đồng hành với mọi người, Thế nhưng…
Đi ra, điểm xuất phát có lẽ là phải hạ bớt bức tường cơ cấu, chấp nhận phiêu lưu và ham sáng tạo.
Ngoài kia ngập tràn tiếng gọi.