Trả lời những câu hỏi của vài nhà giáo dục được chọn ra từ hàng ngàn người tham dự với mình, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích ý tưởng của mình về những thách đố mà chúng ta đang đối diện trong lĩnh vực giáo dục.
Roberto Zappala tại Viện Gonzaga (Italy) hỏi: “Theo Cha, một tổ chức phải làm những gì để giúp tín hữu trở nên Kitô hữu đích thực?”
ĐTC Phanxicô trả lời: “Chúng con không thể nói về giáo dục Công giáo mà không nói gì về lòng nhân đạo, bởi căn tính Công giáo chính là Thiên Chúa đã trở nên người phàm.”
Ngài nói rằng việc giáo dục tín hữu trong đức tin không chỉ là việc dạy giáo lý nhưng hãy giúp người trẻ hiểu được thực tại và để khám phá siêu việt.
ĐTC Phanxicô nói: “Đối với cha, từ quan điểm Kitô giáo, cuộc khủng hoảng lớn nhất trong giáo dục là đóng kín sự siêu việt này. Chúng ta khép kín chính mình trước siêu việt.”
Đức Giáo Hoàng cũng đề cập đến việc những người nghèo ít được tiếp cận nhất với giáo dục. Ngài chỉ trích những quốc gia không nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục.
ĐTC Phanxicô nói: “Trong số những công nhân được trả ít tiền lương nhất, đó chính là những nhà giáo dục. Chúng con sẽ nói gì về điều này? Đơn giản là quốc gia ấy không quan tâm đến giáo dục. Nếu họ quan tâm, việc trả lương ít như vậy đã không xảy ra. Hiệp ước giáo dục bị phá vỡ và đấy là công việc của chúng ta: hãy tìm ra những cách thế mới.”
Giáo sư lúc nãy nói rằng, một nhà giáo dục tốt phải chịu rủi ro để dạy học sinh làm thế nào để chúng đi trên chính đôi chân của chúng. Giáo sư ấy nói thêm rằng sinh viên tốt thường là những người có cha mẹ không có nhiều tiền. Các trẻ em nghèo nhất kinh nghiệm được một cái gì đó tốt hơn so với những đứa trẻ không cảm nghiệm được khổ đau .
Đức Giáo Hoàng nói: “Các em ấy có một cái gì đó mà giới thanh niên trong các khu phố giàu sang hơn không có được. Đó không phải là lỗi của các em. Đó là một thực tế thuộc về xã hội. Các em có kinh nghiệm về sự sống sót, về sự khắc nghiệt, cả đói khát, và những bất công mà các em phải chịu. Lòng nhân đạo của các em đang bị tổn thương. TIA SÁNG- thực tế là chúng con hiểu rõ hơn từ những vùng ngoại biên hơn là từ các trung tâm; bởi trong trung tâm, chúng con luôn được bao bọc, luôn được bảo vệ.”
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề nghị rằng giáo dục không thể được giảm thiểu vào việc chỉ truyền tải những ý tưởng. Hơn hết, chúng ta phải tìm ra những cách thế mới để giúp người trẻ phát triển khả năng của chúng để suy tư, thực thi và yêu thương.
(Romereports, 23-11-2015)
Chuyển ngữ: Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.
[youtube]https://youtu.be/B1q5LAl98yw[/youtube]