Trong tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” và các Sứ Điệp Truyền Giáo hằng năm, Đức Thánh Cha Phanxicô thường lặp đi lặp lại lời mời gọi “hãy đi ra các vùng ngoại biên” hoặc các “biên cương mới” (EG 19, 20; x. Các Sứ Điệp Truyền Giáo năm 2020, 2021, 2022). Vậy, phải hiểu “vùng ngoại biên” này là gì? Ai có thể đi ra vùng ngoại biên này? Ai thích hợp làm việc này? Tại sao phải làm việc này càng sớm càng tốt?
1. “Vùng ngoại biên” là gì?
“Vùng ngoại biên” này có thể hiểu theo hai nghĩa: địa lý và thể lý, hoặc hiện sinh và tâm linh.
Về địa lý, mỗi Kitô hữu phải cố gắng ra khỏi ngôi nhà riêng của mình để đi ra ngoài xã hội nơi mà có nhiều người đang gặp đau khổ, bệnh tật, chịu bất công, bị đàn áp, thất vọng, lạc mất niềm tin và lẽ sống, hoặc chưa từng được nghe biết Tin Mừng. Bước ra khỏi nhà riêng, khỏi phòng làm việc, khỏi nhà xứ, khỏi tu viện hoặc cộng đoàn tu trì để gặp gỡ đủ mọi hạng người thì đó chính là “biên cương mới” của chính mình. Nếu chịu khó đi xa, rong ruổi trên các nẻo đường để gặp gỡ người khác và chia sẻ cho họ niềm vui Tin Mừng của mình thì đó chính là “vùng ngoại biên”. Nếu sẵn sàng buông lỏng để Thánh Thần dẫn dắt đi tới những vùng đất mới nơi có nhiều người đang sống trong khổ cực, lầm than, thiếu ăn, thất học, chưa nghe biết Tin Mừng… thì đó cũng chính là “vùng ngoại vi” của chúng ta. Và chắc chắn “vùng ngoại vi” thường làm cho chúng ta có cảm giác thiếu an toàn, phải ăn uống ngủ nghỉ thất thường, thậm chí phải sống nghèo như những người ở vùng ngoại vi, phải thiếu thốn như họ, phải lao động như họ, phải chịu cảnh bị đối xử bất công như họ,… Nhưng những nơi này lại cần sự hiện diện của chúng ta và giúp chúng ta nên giống Chúa Giêsu hơn, bắt gặp khuôn mặt của Ngài dễ hơn, khám phá sự hiện diện của Ngài giữa dân chúng cách thiết thực hơn, vì chính Chúa Giêsu là người tiên phong đi tới vùng ngoại vi trước chúng ta. Toàn bộ bốn Tin Mừng đều thuật lại rằng Chúa Giêsu rong ruổi khắp nơi, hết làng này tới làng khác, luôn ý thức phải đi ra khỏi nơi cũ để đến nơi mới vì có nhiều người đang cần được nghe biết Tin Mừng.
Về thể lý hoặc tâm linh, “vùng ngoại biên” chính là việc thay đổi lối suy nghĩ và lối sống cũ trong con người chúng ta; nói cách khác, đó là việc “ra khỏi chính mình”, chế ngự thói quen xấu (cố thủ ở một nơi, ngại đi ra, ngại gặp gỡ, ngại kết thân với người khác), vượt thắng nỗi sợ hãi khi phải dấn thân và đối diện thách đố, loại bỏ những quyến luyến lệch lạc và bám víu vào những sự thế gian (tiền của, danh vọng, địa vị,…), chiến thắng lối sống hưởng thụ và chủ nghĩa cá nhân,…
Chiều kích thể lý hoặc tâm linh của ý niệm “vùng ngoại biên” thách đố con người chúng ta nhất, bởi lẽ nó ăn sâu vào tiềm thức, lối nghĩ, cách sống, kiểu huấn luyện; nó hình thành nên văn hóa, cung cách hành xử và cách hiện hữu của chúng ta. Vì thế, không dễ để ngày một ngày hai có thể thoát ra khỏi chính mình, để đi ra vùng ngoại biên. Hơn thế nữa, có thể khẳng định rằng chúng ta chỉ có thể can đảm đi ra “vùng ngoại biên” khi để Chúa dẫn dắt đời mình, khi kín múc tràn ngập tình yêu và ơn sủng Chúa qua việc cầu nguyện lâu giờ, khi cảm nhận sự thúc đẩy của Lời Chúa trong sâu thẳm cõi lòng, khi để Lời Chúa chất vấn, lột trần sự thật về mình và nhận ra lời mời gọi thân thương của Chúa, như “anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loại thụ tạo” (Mc 16:15) và “đừng mang theo túi tiền, bao bị, gậy gộc, cũng đừng mặc hai áo…” (x. Mt 10:10).
Gộp chung hai nghĩa trên lại, có thể nói “vùng ngoại biên” chính là việc mà người môn đệ truyền giáo sẽ phải ra khỏi chính mình và căn phòng của mình để lên đường, đi đến bất cứ đâu, gặp bất cứ ai vào bất lúc nào để san sẻ niềm vui Tin Mừng cho người mình gặp, chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Chúa cho người khác để giúp họ cũng trở thành môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô (x. EG 127).
2. Ai phù hợp đi tới “vùng ngoại biên”?
Thứ nhất, những ai mang trên mình danh hiệu “Kitô Hữu” đều có nghĩa vụ phải lên đường loan báo Tin Mừng vì đó là lệnh truyền của Chúa Phục Sinh (x. Mc 16:15). Việc lên đường cũng nói lên việc sống đúng căn tính và sứ mạng của mỗi Kitô hữu, đến nỗi Giáo hội khẳng định rằng việc lên đường loan báo Tin Mừng là bản chất của Giáo hội (x. AG 2, LG 1). Ngày nào Giáo hội đóng cửa ở nhà, ngày đó Giáo hội không còn là chính mình, thậm chí Giáo hội đang chết dần chết mòn. Trong Sứ điệp về Truyền giáo năm 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài còn tâm niệm rằng “Sứ mạng này luôn là dấu ấn của Giáo hội, vì ‘Giáo hội tồn tại để truyền giáo’ (Thánh Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, 14).”
Thứ hai, dù không phải ai cũng có đặc sủng “Truyền giáo Ad Gentes”, nghĩa là rong ruổi khắp nơi để loan báo Tin Mừng và mở mang Nước Chúa, nhưng không có nghĩa là mỗi Kitô hữu không có nghĩa vụ và bổn phận phải loan báo Tin Mừng. Đến với “vùng ngoại vi” là lời mời gọi ra khỏi chính mình, ra khỏi căn phòng của mình, ra khỏi nhà xứ hoặc cộng đoàn của mình, để gặp gỡ những anh chị em đang sống quanh mình, đang có những cảnh đời khổ đau cùng khốn, đang bị tẩy não bởi chủ nghĩa vô thần hoặc bất khả tri, đang chịu nhiều bất công bởi xã hội gian dối, đang sầu khổ và lung lay ơn gọi vì chịu bách hại hoặc hiểu lầm,… Ngay cả thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, dù ở trong bốn bức tường của Tu viện Dòng kín, vẫn khắc khoải và khát khao được đi truyền giáo nhưng không được, nên ngài đã sống tinh thần truyền giáo bằng lời cầu nguyện cho các nhà thừa sai và cầu nguyện cho sứ mạng cao quý này. Vì lẽ đó, ai cũng có thể đi đến những “vùng ngoại biên” để loan báo Tin Mừng.
Sau cùng, trong hoàn cảnh của Giáo hội Việt Nam hôm nay, các linh mục và tu sĩ nên là những người tiên phong đi đến các vùng ngoại vi như chính Giêsu đã làm gương trong vai trò là người mục tử: Mục tử đi trước và chiên theo sau (x. Ga 10:4)! Các linh mục và tu sĩ trong các Giáo phận và Dòng tu ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Hằng năm vào mỗi mùa hè, giống như hiện tượng “trăm hoa đua nở”, các Giáo phận và Dòng tu có nhiều tân linh mục và các tân khấn sinh. Một vài Giáo phận có nhiều linh mục làm cha phó hoặc cha phụ tá nhiều năm trời. Một số Dòng tu có nhiều tu sĩ thiếu sứ mạng để dấn thân. Dẫn tới tình trạng sống co cụm, chỉ biết làm mục vụ Bí tích hoặc coi trẻ hoặc làm nông để kinh tài cho Dòng. Dần dà thiên chức linh mục và ơn gọi dâng hiến trở thành một “ngành nghề” hoặc giống như các nhân viên văn phòng. Thậm chí, nhiều linh mục và tu sĩ có thể ở trong tình trạng “nhàn cư vi bất thiện”, và trong tương lai nhiều Giáo phận và Dòng tu có thể phải giải quyết hậu quả đáng tiếc của sự “nhàn rỗi” này! Trong khi có nhiều nơi và nhiều gia đình, nhiều xóm làng… cần sự hiện diện của linh mục tu sĩ, cần được linh mục tu sĩ đồng hành và nâng đỡ cả vật chất lẫn tinh thần. Có nhiều nơi có thể phát triển thành giáo điểm nhưng lại thiếu người sẵn sàng hiện diện để hình thành và phát triển.
Các linh mục và tu sĩ là những người dễ dàng đi tiên phong tới vùng ngoại vi vì họ không vướng bận gia đình hoặc bận tâm tới việc mưu sinh, “không có gì để mất”, có điều kiện để ở lại với Chúa lâu giờ rồi từ những gì tai đã nghe, mắt để thấy… có thể nói ra và san sẻ lại cho những người đang cần được biết Tin Mừng giải thoát (x. Cv 4:20)! Các linh mục và tu sĩ được huấn luyện đầy đủ, có cơ hội học hành và tiếp cận những điều mới mẻ từ các giáo huấn của Hội Thánh, có môi trường sống lành mạnh, biết tự chủ bản thân, biết tự huấn luyện mình và cập nhật mọi thông tin đa chiều từ Giáo hội và xã hội, được giáo dân yêu thương và tôn trọng, nên việc họ dấn thân đi bất cứ đâu và làm bất kỳ việc gì là điều hợp lý, không có gì phải đắn đo suy nghĩ; ngược lại, họ cần tâm niệm rằng “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (GS 1).
Sự hiện diện của linh mục và tu sĩ với đời sống nghèo khổ và gần gũi dân chúng chính là chứng từ sống động nhất cho sự hiện diện của Chúa Kitô và Hội Thánh. Đây đó trên mạng xã hội vẫn có những clip rất đáng yêu và ý nghĩa về các sinh hoạt của tu sĩ kèm theo những dòng chữ đầy chứng từ của Niềm Vui Tin Mừng: “Ở đâu có tu sĩ, ở đấy có niềm vui”! Liệu mỗi Giáo phận và mỗi Dòng tu gửi người hoặc khích lệ các linh mục và tu sĩ của mình lên đường, đi ra các vùng ngoại vi hay không? Đồng thời, tại chính các Chủng viện và Học viện của các Dòng tu, những người đang chịu trách nhiệm huấn luyện các môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô có chú trọng đến việc giới thiệu cho học viên hoặc chủng sinh các vùng ngoại vi mới, các biên cương mới và thúc đẩy họ cộng tác với ơn Chúa để ra khỏi chính mình? Thiên chức Linh mục hoặc được Khấn Trọn trong Dòng không phải là cùng đích nhưng là phương tiện giúp phục vụ các linh hồn tốt hơn, đa dạng hơn, sáng tạo hơn, v.v..
Bản thân người viết cảm nhận rằng trên các vùng đất Tây nguyên, anh chị em sắc tộc thiểu số là những người luôn sẵn sàng đi ra các “biên cương mới” khi họ nhận được lệnh truyền, sự đồng hành và cộng tác của các mục tử. Có đôi lúc người viết thấy tủi hổ đan xen một chút nhục nhã khi bản thân ngại lên đường, khi thấy các anh chị em sắc tộc rong ruổi khắp nơi bất chấp gian nan, hiểm nguy, bắt bớ, nóng lạnh,… Thật nghịch lý và bất công khi mọi người đều hưởng ơn Chúa như nhau, dù điều kiện sống khác nhau, nhưng có người lại hăm hở lên đường, trong khi có người lại chọn sự an toàn giả tạo, niềm vui chóng qua, sự hào nhoáng bên ngoài… là những thứ ngăn cản bước chân và đôi tay của họ, thậm chí bóp nghẹt con tim vốn dĩ rất yêu Chúa và sứ mạng Ngài trao, dập tắt ngọn lửa đã từng cháy bừng tình yêu ra đi loan báo Tin Mừng!
3. Tại sao phải cấp bách lên đường để đi tới “vùng ngoại biên” này?
Trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, công nghệ…, nhất là trong thế giới Toàn Cầu Hóa chịu ảnh hưởng bởi đô thị hóa, hiện đại hóa và công nghiệp hóa, con người đang ngày càng phụ thuộc vào công nghệ, đề cao khoa học kỹ thuật, đánh mất niềm tin và lẽ sống, giới trẻ thiếu lý tưởng sống, môi sinh chịu ảnh hưởng xấu, bệnh tật và đại dịch lan tràn, chiến tranh gây chết chóc và ly tán, nạn thất nghiệp và di dân,… Hơn bao giờ hết, con người ngày nay rất cần được nghe biết Tin Mừng, được Tin Mừng hoá bản thân, được có chỗ dựa tinh thần, được sống quân bình giữa trí tuệ – thân xác (cảm xúc, sinh lý) – tinh thần và tâm linh, được nhận biết Thiên Chúa thật giữa làn sóng sống ảo và chịu tác động bởi nhiều “tôn giáo” không giúp con người được giải thoát thật sự.
Bên cạnh đó, nếu xét về tỷ lệ gia tăng tín hữu Công giáo tại Việt Nam, so sánh giữa trước Công đồng Vatican II (trước năm 1963) và hiện tại, thì tỷ lệ này không tăng, ngược lại có giảm chút ít. Sứ mạng truyền giáo tại Việt Nam có vẻ “giậm chậm tại chỗ”, thậm chí dường như ít được chú trọng. Ngày nay, giới linh mục, tu sĩ và giáo dân có xu hướng thích làm bác ái xã hội hơn là truyền giáo Ad Gentes. Việc làm từ thiện hay bác ái xã hội, tự bản chất, là điều tốt và rất nên làm. Tuy nhiên, nếu làm bác ái xã hội mà thiếu chiều sâu, thiếu cảm thức truyền giáo, tức là “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, làm với tâm thức giới thiệu khuôn mặt Chúa cho người khác, làm với ý hướng giúp người nhận cảm thụ tình yêu của Chúa và Giáo hội dành cho họ… thì tốt biết mấy! Ngược lại, việc bác ái xã hội lại trở nên công cụ để khoe khoang hoặc đánh bóng tên tuổi, “chính mình được nổi lên, còn Chúa thì nhỏ lại” sẽ nguy hiểm biết bao và thiếu chứng từ Tin Mừng dường nào!
Mảnh đất hình chữ S còn rất nhiều nơi và nhiều người cần nghe biết Tin Mừng. Tỷ lệ dân số Công giáo chiếm khoảng 7% dân số cả nước. Mới đây người viết được nghe một đấng bản quyền của một Giáo phận nọ kể rằng Giáo phận của ngài khá rộng (58.000km vuông) và trải dài trên mười tỉnh thành với 31 sắc tộc hiện diện trong khoảng 160 giáo xứ, trên 750 giáo họ và giáo điểm của Giáo phận. Nơi xa nhất so với Tòa Giám Mục là khoảng 700 cây số. Số linh mục chưa tới 200 người nhưng một phần tư đến từ 12 Dòng tu. Giáo phận có một Dòng tu nữ với khoảng hơn 400 chị em, bên cạnh ba cộng đoàn nữ tu khác là Phaolô, Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô và Con Đức Mẹ Phù Hộ. Số giáo dân còn tương đối ít, khoảng 270.000 giáo dân trên tổng dân số khoảng 7.000.000 người (chưa tới 4%). Giáo dân người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 10% (chưa tới 27.000), chủ yếu là người H’Mông bên cạnh rất ít người Mường, Dao và Thái. Trong khi Giáo phận có tới 30 sắc tộc thiểu số hiện diện. Như thế, bên cạnh nhu cầu truyền giáo cho người Kinh thì nhu cầu truyền giáo cho người thiểu số cũng cần thiết và cấp bách. Đó mới chỉ là một trong hai mươi bảy Giáo phận của Giáo hội tại Việt Nam. Nhu cầu tái truyền giáo tại các Giáo phận thuộc Giáo Tỉnh Hà Nội cũng khá lớn vì giáo dân bỏ Đạo, lơ là đời sống đức tin, giữ Đạo chứ chưa sống Đạo… do chịu ảnh hưởng bởi thời cuộc khởi đi từ biến cố 1954 và 1975.
Với một vài nguyên nhân tiêu biểu kể trên, việc đi ra “vùng ngoài biên” là nhu cầu cấp bách và cấp thiết. Mỗi tín hữu phải ra khỏi chính mình, nỗ lực và can đảm đi ra khỏi nhà để gặp gỡ tha nhân. Đi ra “vùng ngoại biên” thì sẽ gặp nhiều biên cương mới, sẽ biết phải làm gì, sẽ được Chúa Thánh Thần soi sáng để biết “sáng tạo trong sự trung tín”, sẽ cảm nhận ơn gọi làm môn đệ truyền giáo thú vị dường bao!
4. Tạm kết
Một lần nữa, việc đi ra những “biên cương mới” không có gì là mới, bởi vì cách đây hai ngàn năm chính Thầy Giêsu đã rong ruổi rao giảng Nước Thiên Chúa. Thầy Giêsu gặp rất nhiều “biên cương mới” trong cuộc đời sứ mạng, nào là người phong, người mù, người tàn tật, nào là phải đối thoại với những kẻ chống đối hoặc cản phá, với những người khác ý thức hệ nhưng có cảm tình với nhau như ông Nicôđêmô (x. Ga 3:1-21), ông Simon (x. Lc 7:36-50), với người khác sắc tộc (x. Ga 4:5-42), với nhiều nơi và nhiều làng cần được Ngài đặt chân đến (x. Mc 1:38), thậm chí đi tới những nơi và gặp những người mà bản thân bị đe dọa tính mạng nữa (x. Ga 11:8, 11:53, 12:10-11).
Thực thế, trong Sứ Điệp Truyền Giáo Năm 2022 của ĐTC Phanxicô, ngài nói rằng “Đức Kitô là người đầu tiên được sai đi, Người chính là vị ‘thừa sai’ của Chúa Cha (x. Ga 20, 21); và trong tư cách này, Người là ‘chứng nhân trung thành’ của Chúa Cha (x. Kh 1, 5)”. Vì có kinh nghiệm được sai đi, nên Chúa Giêsu cũng đã từng sai các môn đệ cứ từng hai người một đi dọn đường để Ngài đến với dân (x. Lc 10:1) và gặp riêng các tông đồ để trao bài sai đặc biệt vì thách đố hơn, nguy hiểm hơn (x. Mt 28:16-20; Ga 21:19).
Phần chúng ta, những người sinh sau đẻ muộn, nếu đi ra những biên cương mới, chúng ta sẽ cảm nhận Chúa đã hiện diện ở đó rồi. Chúng ta chỉ là người đi gặt những gì người khác đã vất vả gieo trồng. Chúng ta chỉ là những người cộng tác với Chúa Thánh Thần để dọn đường cho Chúa Giêsu đi vào tâm hồn tha nhân, nhờ Ngài mà họ được chữa lành hoặc được băng bó vết thương. Nếu chúng ta đi ra những biên cương mới theo nghĩa địa lý, khi đó chúng ta lại thành những người đi gieo, những người dọn đường cho thế hệ sau, những người giống Chúa Giêsu nhất vì chính Ngài cũng là người gieo, cũng là người san sẻ lại cho nhân loại niềm vui Tin Mừng nhận từ Chúa Cha, cũng là người giúp nhiều người được no đầy Lời Hằng Sống nhận từ Chúa Cha. Đức Thánh Cha Phanxicô xác tín điều này khi ngài nói: “mọi môn đệ truyền giáo đều được kêu gọi trở nên giống như Chúa Giêsu và trong Người, nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, trở thành người bẻ bánh và là tấm bánh được bẻ ra cho thế giới” (Sứ điệp Truyền Giáo năm 2023).
Giáo hội đã tái sinh chúng ta để trở nên con Chúa Cha. Bây giờ, đã đến lúc chúng ta cần ý thức phải trở nên “người mẹ” của Giáo hội để cưu mang Giáo hội, làm cho Giáo hội lớn mạnh và phát triển bền vững. Để được như thế, không có cách nào khác tốt hơn, đó là phải ra khỏi chính mình để đi tới những “biên cương mới” là nơi có Chúa Giêsu đang hiện diện, đang chờ đợi chúng ta gặp Ngài, để cùng Ngài đưa nhiều con cái Cha về đoàn tụ trong ngôi nhà chung là Hội Thánh, cùng nhau ngợi khen, tôn kính và phụng sự Chúa Cha trong Thần Khí của Người.
Lễ Đức Mẹ Mân Côi Năm 2023
Giuse Đỗ Cao Bằng, SJ