Điều gì làm nên sự khác biệt nơi Dòng Tên? (3)

Đức Giáo Hoàng Phaolô III trao cho Thánh Inhã trọng sắc (Regimini Militantis Ecclesiae) thành lập Dòng Tên ngày 27.09.1540

Tác giả: Hồng Y Avery Dulles, S.J.

Sự khôn ngoan từ các vị Giáo Hoàng gần đây

Hôm nay nhiệm vụ của tôi là nói về đặc sủng I-nhã, nên tôi sẽ chuyển ngay sang thế kỷ 20th và những năm sau Công Đồng Vatican II. Các vị Giáo Hoàng với tư cách là bề trên tối thượng của tất cả Giêsu hữu đã trao cho chúng tôi những chỉ dẫn khôn ngoan trong việc áp dụng đặc sủng I-nhã vào thời đại ngày nay. Các ngài đã ngỏ lời trong cả bốn Tổng Hội của Dòng được tổ chức từ năm 1965. Trên lý thuyết đặc sủng Dòng Tên có liên hệ mật thiết với sứ vụ của Dòng nên tôi sẽ đặc biệt xem xét những chỉ dẫn của các vị Giáo hoàng gần đây.

Nhắn gửi tới Tổng Hội 31 vào ngày 7 tháng 5, 1966, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI gửi lời chúc mừng hội Dòng là “đoàn ngũ luôn trung thành với nhiệm vụ bảo vệ Đức tin Công Giáo và Tòa Thánh”. Đức Thánh Cha đã nhân dịp này trao cho các Giêsu hữu sứ vụ mới: tạo lập một “lập trường kiên vững và hiệp nhất chống lại chủ nghĩa vô thần” vốn đang nhanh chóng lan rộng vào thời ấy, “thường giả danh là tiến bộ xã hội, khoa học hay văn hóa”.

Trong một bài huấn dụ trước phiên họp thứ hai của Dòng vào ngày 16 tháng 11 năm 1966, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đặt ra câu hỏi về việc liệu các Giêsu hữu có đang chấp nhận những chuẩn mực tự nhiên cho hoạt động tông đồ của mình và khơi lên truyền thống trung thành đối với Toà Thánh, vốn rất thiết thân với Thánh I-nhã. Trong “Sắc lệnh về Sứ vụ của Dòng Tên hiện nay” Tổng Hội 31 đã chấp nhận nhiệm vụ đương đầu với chủ nghĩa vô thần và hoàn toàn dâng Dòng Tên cho Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng.

Trong bài huấn dụ tại Tổng Hội 32 vào ngày 3 tháng 12 năm 1974, Đức Phaolô VI đã đề cập đến “ơn gọi và đặc sủng riêng của Giêsu hữu”, được lưu truyền bởi một truyền thống xuyên suốt, luôn hoà hợp với ý muốn của Thiên Chúa và Giáo hội. Trong một nhận xét xác đáng, ngài nhắc các Giêsu hữu về bốn khía cạnh chính trong ơn gọi của họ: là một tu sĩ, lo việc tông đồ, là một tư tế và hiệp thông với Giám mục Roma. Ngài khuyên họ đừng bị quyến rũ bởi viễn tượng hào nhoáng của chủ nghĩa nhân văn thế tục và theo đuổi sự mới lạ chỉ vì lợi ích của riêng nó. Trong lá thư sau đó ngài nhắc lại điều mà ngài đã nhắc trước đó rằng Dòng Tên nên giữ nguyên đặc tính tu sĩ và tư tế, tránh những phương thức hoạt động chỉ thích hợp cho các tổ chức thế tục và phong trào giáo dân. Theo ngài, vai trò của một linh mục Dòng Tên phải được phân biệt rạch ròi với vai trò của giáo dân.

Đáp lại, Tổng Hội 32 tái khẳng định mạnh mẽ sự kính trọng và trung thành của Dòng đối với Tòa Thánh và với huấn quyền của Giáo Hội. Tổng Hội nhấn mạnh đặc tính tư tế của Dòng, đồng thời công nhận giá trị cộng tác của các Trợ sĩ thế vụ.

Vào ngày 2 tháng 9 năm 1983, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có một bài giảng tại Tổng Hội 33. Ngài nói rằng, linh đạo I-nhã là một đặc sủng đặc biệt đã biến Dòng Tên thành khí cụ ưu việt của Giáo Hội về mọi mặt. Sau khi lập lại huấn lệnh của Đức Phaolô VI về nhiệm vụ chống lại chủ nghĩa vô thần, ngài nói về mối nguy khi nhầm lẫn giữa tác vụ của tư tế của Dòng với sứ vụ của giáo dân. Ngài cho rằng: “Sự hiểu biết sâu xa, tình yêu mạnh mẽ, và tương quan mật thiết với Thiên Chúa là linh hồn cho ơn gọi của anh em”.

Trong bài phát biểu tại Tổng Hội 34 vào ngày 5 tháng 1 năm 1995, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc đến nét nổi bật của đặc sủng I-nhã trong việc trung thành với Đấng kế vị thánh Phêrô, là điều làm cho Dòng Tên “hoàn toàn thuộc về Giáo hội, trong và cho Giáo hội”. Ngài nói rằng đặc sủng của Dòng nên hướng các Giêsu hữu đến việc chọn Chúa và thánh ý của Người lên trên hết. Điều này cho thấy vai trò nền tảng của cầu nguyện và đời sống thiêng liêng. Ngài muốn các Giêsu hữu đang noi gương thánh Phanxico Xavie trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, hãy đứng ở hàng ngũ tiên phong trong công cuộc tân phúc Âm hóa, thúc đẩy một tương quan nội tâm sâu sắc với Chúa Giêsu, người rao giảng Tin Mừng đầu tiên. Đức Thánh Cha nói rằng trong những trường đại học của mình, các Giêsu hữu nên dạy những kiến thức rõ ràng, chắc chắn và có hệ thống về giáo lý Công Giáo. Họ nên hết sức để ý tránh gây bối rối cho học viên bằng những lời dạy chưa chắc chắn, đi ngược lại với giáo lý của Giáo hội về đức tin và đạo đức.

Trong bài phát biểu vào ngày 22 tháng 4 năm 2006 nhân kỷ niệm năm thánh hiện tại, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khích lệ Dòng tiếp tục truyền thống đào tạo vững chắc về triết học và thần học để làm cơ sở cho việc đối thoại với văn hóa hiện đại. Ngài nói rằng Dòng Tên được thừa hưởng một di sản phi thường về sự thánh thiện của Thánh I-nhã, lòng nhiệt thành truyền giáo của thánh Phanxicô Xaviê và việc tông đồ của Peter Faber, trong số các nhà lãnh đạo Cải Cách. Trong nhiều bài phát biểu của mình, Đức Benedicto XVI có cùng quan điểm với Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II trong việc nhấn mạnh rằng nhiệm vụ chính yếu và không thể thay thế của linh mục là trở thành chuyên viên về đời sống thiêng liêng và làm nhân chứng cho chân lý mạc khải. Ngài tin rằng việc thúc đẩy công bằng xã hội trước hết là trách nhiệm của người giáo dân.

(Còn tiếp)

Nguồn: https://www.americamagazine.org/faith/2007/01/15/what-distinguishes-jesuits
Chuyển ngữ: Huy Văn
Hiệu đính: Trung Thu

Kiểm tra tương tự

Năm Thánh, lịch sử và nguồn gốc từ Thánh Kinh

  Trên tờ L’Osservatore Romano, Đức hồng y Ravasi, học giả Kinh Thánh, truy tầm …

App Hành hương Dòng Tên có phiên bản tiếng Việt

App Hành hương Dòng Tên (Jesuit Pilgrimage), được phát hành từ cuối năm 2022 để …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *