Đọc Hồi Ký Thánh I-nhã, vị thánh ruột của tôi

Người Giáo Dân luôn đóng vai trò quan trọng đời sống của Giáo Hội địa phương và toàn cầu, vì thế việc thăng tiến đời sống Giáo Dân là một trong những công việc mục vụ luôn cần được chú ý. Chương trình Magis là một đóng góp nhỏ bé để đồng hành với anh chị em Giáo Dân trong việc trau dồi về Thánh Kinh, Thần Học Căn Bản và đặc biệt về đời sống Đức Tin và Tâm Linh. Thời gian qua, anh chị em tham dự chương trình đã tìm hiểu  thánh I-nhã qua việc đọc Hồi Ký của ngài, và qua việc viết lại cách sơ lược về thánh nhân, cũng như những cảm nhận cá nhân về thánh I-nhã và linh đạo của ngài. Dưới đây xin chia sẻ bài viết của chị Hồ Diệu Vân về thánh I-nhã, vị thánh ruột đối với chị (Lm.GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ).

—————

 

 

Maria Hồ Diệu Vân

 

Nhận được toàn bộ các bài đọc của khóa Magis 4 tôi liền in ra giấy và chọn đọc trước nhất tập hồi ký của thánh I-nhã. Hồi ký luôn là một thể văn hấp dẫn tôi vì nó kể chuyện con người thực. Đọc hồi ký ta luôn học được điều gì hay ho từ cuộc đời người khác.

Huống chi đây là hồi ký của thánh I-nhã, một trong những vị “thánh ruột” của tôi! Tối nào cầu nguyện trước khi ngủ tôi cũng thầm thì: “Lạy thánh Inhaxio Loyola xin cầu cho chúng con”. Nơi ngài tôi tìm được nhiều điểm tương đồng, nhất là việc “đi học khi đã già”. Vừa rồi gặp đợt nản lòng khi viết luận văn thạc sĩ, tôi được một cha dòng Tên cho biết thánh I-nhã xong cao học năm 45 tuổi! Điều này an ủi tôi kinh khủng. Tôi xin ngài giúp tôi “qua cầu trót lọt” như ngài.

Nay được đọc kỹ Hồi ký thánh I-nhã với đầy đủ chú thích, có hướng dẫn tìm hiểu, tôi phân tích được rõ ràng những yêu quý cảm tính của tôi ngày xưa với ngài. Bài này chia sẻ những tâm đắc, những bước tiến tới của tôi trong tình yêu mến vị “thánh ruột”. Hy vọng đó cũng là hành trình tôi lớn lên trong tình yêu Thiên Chúa.

 

1.    Chúa trong đời I-nhã

Làm sao có thể liệt kê hết sự hiện diện của Chúa trong đời một con người, hơn nữa lại là một thánh nhân như I-nhã! Chương này xin tóm tắt ba cột mốc quan trọng trong đời I-nhã[1] mà qua đó ta thấy rõ bàn tay Chúa đã dẫn dắt thánh nhân.

1.1  Qua cú sốc ở Pamplona, Chúa cho I-nhã nhận ra Chúa

Quan trọng nhất trong đời người có lẽ là việc TIN và NHẬN RA Chúa luôn đặt tay trên đầu mình. TIN và NHẬN RA là hai chuyện khác nhau. Bạn và tôi, cả cậu bé I-nhã sinh năm 1491 trong một gia đình công giáo ở Loyola, Tây Ban Nha, chắc đều được rửa tội từ nhỏ và TIN Chúa. Khi còn trẻ, chàng hiệp sỹ I-nhã “chỉ mải mê với những chuyện phù phiếm thế gian, ham mê võ nghệ với ước ao mãnh liệt và phù phiếm là được nổi tiếng” (Hk. 1).

Chỉ đến khi chàng tròn 30 tuổi thì mới gặp một cú sốc giúp NHẬN RA Chúa. Năm 1521, ở Pamplona, I-nhã bị đạn bắn vào chân, ngã gục. Trong những ngày dưỡng bệnh nhàm chán, không có truyện kiếm hiệp, I-nhã đọc tạm Cuộc đời Chúa Ki-tôHạnh các thánh.

Cuốn thứ nhất, Vida de Christo, có nhiều hình ảnh giúp chàng hiệp sỹ chiêm ngắm, tưởng tượng, mong muốn trở nên như Chúa Giê-su. Đây là những bước khởi đầu giúp I-nhã có kinh nghiệm về Thiên Chúa. I-nhã có ước mơ bắt chước vẻ bề ngoài của Chúa Ki-tô, ước ao và đến nơi Chúa sinh ra, nơi Chúa hoạt động, để thăm, để sờ chạm vào những nơi Chúa Giê-su đã sờ chạm, để đặt chân mình vào nơi Chúa đã đặt chân và cùng nhìn về nơi Chúa nhìn khi Ngài lên trời (Hk. 45, 47).

Cuốn thứ nhì, Flos Sanctorum, gợi cho chàng bắt chước các thánh. “Thánh Đa-minh đã làm điều này, vậy tôi cũng phải làm; thánh Phan-xi-cô đã làm điều kia, vậy tôi cũng phải làm”. Chàng muốn làm những việc thánh thiện như hành hương Giêrusalem.

Luồng tư tưởng về những chuyện thánh thiện nói trên luôn xuất hiện xen lẫn với các ý tưởng phù phiếm của thế gian, như mơ về nữ hoàng trong mộng, những điều cần làm cho nàng, những lời văn hoa, những chiến công dâng nàng (Hk. 7). I-nhã để ý thấy chuyện thế gian chỉ mang lại thích thú khi nghĩ đến chúng, còn sau đó là trống rỗng và buồn chán. Ngược lại, chuyện thánh thiện mang đến cảm giác an ủi, và sau đó vẫn thấy vui, thích, bình an. Như vậy, Chúa dùng biến cố I-nhã bị thương năm 30 tuổi để giúp chàng hiệp sĩ nhận ra Chúa, nghĩ đến những điều thánh thiện, và cũng bắt đầu dạy cho I-nhã kinh nghiệm về các tác nhân: con người chịu tác động của ma quỷ và của Thiên Chúa.

Chúa đặc biệt ưu ái I-nhã bằng cách ban những thị kiến để xác chuẩn các ước muốn thánh thiện. Ví dụ như vào một đêm không ngủ, I-nhã thấy hình ảnh Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng. Sau đó ngài cảm thấy ghê tởm tất cả những chuyện xác thịt trong cuộc sống quá khứ, cảm thấy tất cả những hình ảnh từng ghi khắc vào tâm hồn đều bị xóa bỏ. (Mục 3.2 sẽ nói kỹ hơn về các thị kiến).

Được các bác sĩ phẫu thuật chân và được Chúa “phẫu thuật thiêng liêng,”[2] I-nhã khỏe mạnh, rời bỏ gia đình, từ bỏ đam mê của quá khứ, đến sống khổ hạnh vài tháng trong một hang động ở thị trấn Manresa để cầu nguyện. Ở đây, Chúa còn ra tay mạnh hơn trên cuộc đời I-nhã.

1.2 Ở Manresa, Chúa dạy cậu học trò nhỏ

Máu hiệp sĩ vẫn chảy trong huyết quản, I-nhã muốn làm chuyện thánh thiện để ganh đua với các thánh. Đó chưa phải là lòng mến Chúa tinh tuyền. Ở Manresa Chúa thanh luyện tình yêu quy kỷ (lấy bản thân mình là trung tâm) của I-nhã.

Có một thời gian, tâm hồn sốt sắng của I-nhã bị bối rối lâu dài vì các tội cũ dù đã xưng nhiều lần (Hk. 22). Ngài hết sức chán ngán cuộc sống đang theo đuổi và bị cám dỗ bỏ cuộc rất mạnh. Sau đó ngài dùng kinh nghiệm về các tác nhân để suy xét, và được giải thoát khỏi các bối rối (Hk. 25). Trong chuyện này, I-nhã thấy rõ chính mình cũng như không ai khác có thể làm được gì: chính Chúa đã thương giải thoát ngài (Cthk. 165).

Tại Manresa Thiên Chúa dạy dỗ I-nhã như thầy giáo dạy cậu học trò (Hk 27). Chúa tỏ mình ra cho I-nhã là một Đấng Tạo Hóa nhưng trực tiếp đến và hành động với thọ tạo, với con người (Lt. 15). Ngài là Thiên Chúa của loài người, sống tự để mình ra nhưng không (self-emptying) và cam kết sống vĩnh cửu với người nghèo khổ (Lt. 111-190). Chúa ban năm ơn hiểu biết đặc biệt cho I-nhã tại Manresa (Hk. 28-30):

  1. Hiểu về mầu nhiệm Ba Ngôi như ba phím đàn của một hợp âm. Một hợp âm thường gồm ba nốt chính, thí dụ do-mi-sol hay fa-la-do. Mỗi phím đàn vẫn là một nốt riêng, nhưng ba phím làm thành một hợp âm: ba trong một, và một mà ba (Cthk 174);
  2. Hiểu về cách thức Thiên Chúa đã sáng tạo thế giới, như một vật thể trắng phát ra những tia sáng và Thiên Chúa làm thành ánh sáng;
  3. Từ bỏ những điều thái quá đã thực hành, bắt đầu cắt móng chân móng tay và hớt tóc;
  4. Thấy bằng con mắt nội tâm nhân tính của Đức Ki-tô, như một vật thể trắng, không phân biệt được các phần thân thể, thấy rất nhiều lần như vậy. I-nhã cũng thấy Đức Mẹ như vậy;
  5. Khi đang ngồi nghỉ bên sông Cardoner thì mắt tâm trí mở ra và I-nhã hiểu biết được nhiều điều. Ðây là cao điểm của “giáo án” mà thầy giáo” Thiên Chúa dành cho “học trò” I-nhã. Hình như những gì Thiên Chúa ban không phải là điều này hay điều kia, nhưng là một ánh sáng siêu nhiên mãnh liệt giúp thánh I-nhã xác tín về các chân lý đức tin đã được dạy trước đó, đồng thời xác tín về ơn gọi tông đồ ngài đã bắt đầu nhận ra. Có thể so sánh với kinh nghiệm Jordan: phần nào như Chúa Giêsu khi chịu phép rửa, thánh I-nhã được Thiên Chúa mạc khải cho biết kế hoạch cứu độ và vai trò mình phải thể hiện trong kế hoạch ấy (theo Cthk. 186).

Ở Manresa Chúa đã thương và đào tạo I-nhã thành con người hoàn toàn mới. Sau đó Chúa tiếp tục dẫn đưa I-nhã từng bước vào chương trình của người tông đồ Chúa Ki-tô, như được hành hương Giêrusalem, rao giảng thành công, thu hút được nhiều người đồng chí hướng, học đại học và cao học, được làm linh mục v.v. Một điểm mốc quan trọng cho thấy bàn tay Thiên Chúa dẫn đưa I-nhã là thị kiến La Storta.

1.3 Ở La Storta, Chúa gọi người tông đồ của Chúa Ki-tô vác thập giá

Khoảng giữa tháng 11 năm 1537, trên đường đến Roma từ phía Bắc, I-nhã hay được Thiên Chúa thăm viếng và ban nhiều tâm tình thiêng liêng, đặc biệt liên hệ với bí tích Thánh Thể. Một hôm, trong nhà nguyện La Storta cách Roma khoảng 15 km, I-nhã “cảm thấy một sự biến đổi trong tâm hồn” và thấy rõ Chúa Cha đặt mình với Ðức Kitô là Con của Người, đến nỗi “không bao giờ dám nghi ngờ việc Chúa Cha đã đặt mình với Con của Người”. (Hk. 96).

Thiên Chúa đã không thử thách I-nhã hơn nữa. Ngài đã dùng nhà nguyện nhỏ tại La Storta để nói cho I-nhã biết ý muốn của Ngài khi phán: “Ta muốn Con nhận người này làm kẻ phục vụ Con”, “Ta muốn con phục vụ chúng ta”, và “Ta sẽ phù hộ các con ở Rôma”.[3] Ngay lúc ấy, I-nhã có ấn tượng mạnh đến nỗi ngài nói với hai bạn cùng đi: “Tôi không biết chuyện gì sẽ đến với chúng ta . Có thể ở Rôma chúng ta sẽ bị đóng đinh vào Thánh Giá.” Thiên Chúa giờ đây đã giúp I-nhã xác định được rõ ràng ơn gọi của ngài và các bạn cùng chí hướng:

  1. Ơn ngài xin từ lâu đã được Thiên Chúa nhận lời, đó là được đặt với Chúa Con, được phục vụ Chúa Giêsu vác Thánh Giá;
  2. Thiên Chúa phê chuẩn danh hiệu Ðoàn Giêsu, vì ngài và các bạn cùng chí hướng được nhận làm bạn đồng hành với Chúa Giêsu;
  3. Ngài và các bạn cùng chí hướng không đi Giêrusalem nữa, nhưng đến Rôma, đặt mình dưới quyền sử dụng của Ðức Thánh Cha. (Cthk. 495).

Qua thị kiến La Storta, Chúa biến I-nhã hoàn toàn thành một tông đồ của Chúa, một bậc thầy trong việc phân định thần loại và một nhà thần bí thực tiễn. I-nhã có thể gặp gỡ Chúa trong giờ cầu nguyện và cả trong bất kỳ một sự vật, sự việc hay bất kỳ biến cố nào của đời sống.[4]

Ngoài ra, khi bàn về việc Thiên Chúa tác động lên cuộc đời I-nhã cũng nên nhắc đến việc Thiên Chúa luôn chăm sóc cho I-nhã cả về phần xác nữa. Những khi I-nhã bị bệnh, ăn xin, chịu cảnh tù đày, bị cướp, suýt chết ba lần, gặp nguy hiểm khi đi lại giữa các nơi v.v., Thiên Chúa luôn cho người giúp đỡ I-nhã. Và bản thân I-nhã được ơn đủ sức chịu đựng, cho tới khi ngài về với Chúa ngày 31 tháng bảy năm 1556, hưởng thọ 65 tuổi, khi đó Dòng Tên đã có 1.000 tu sĩ.

Trên đây ta đã nói về bàn tay Thiên Chúa trong cuộc đời I-nhã. Đó chỉ là một chiều, chiều kích Thiên Chúa cúi xuống con người. Nhưng Thiên Chúa sẽ bất lực nếu con người từ chối, không để cho Chúa tác động. I-nhã đã sống tinh thần từ bỏ và phó thác cho Chúa ra sao?

2. Đời I-nhã trong Chúa

Thiên Chúa vốn tôn trọng tự do của con người. Những gương thánh nhân đẹp nhất luôn là công trình kết hợp ăn ý và hài hòa giữa Thiên Chúa với con người. Nếu Chúa đưa tay dẫn dắt ở Pamplona, ở Mansera, ở La Storta, mà I-nhã không cộng tác, thì Chúa đã không hoàn tất được một công trình tuyệt vời là cuộc đời thánh ở I-nhã.

Như thế, qua ba mốc quan trọng nói trên của đời I-nhã, ta cũng có thể đọc thấy rõ nhất tinh thần từ bỏ và phó thác của ngài.

Không lặp lại, chương này sẽ phân tích thêm những chi tiết khác trong đời I-nhã để làm rõ chiều kích con người từ bỏ, phó thác, mở lòng nâng tâm hồn lên cùng Chúa.

2.1 Những hạt giống tích cực

Khi nói về chiều  kích con người, ta không thể tách riêng thánh nhân nào ra một mình khỏi mối liên đới với những người xung quanh. Trước 30 tuổi I-nhã vẫn chưa được Chúa “mở mắt”. Nhưng quãng đời ba mươi năm “chưa mở mắt” ấy mang nhiều không kể hết những hạt giống thương yêu tích cực của chiều kích con người trong I-nhã, trong gia đình và xã hội.

Hạt giống thứ nhất là đức tin và lòng đạo đức. Gia đình công giáo đạo đức đã ảnh hưởng rõ trên I-nhã qua tính ghét tội. “Khi đến ngày biết là sẽ bị tấn công, I-nhã xưng tội với một chiến hữu” (Hk. 1); “Từ khi bắt đầu phục vụ Chúa, cha đã nhiều lần xúc phạm Chúa, nhưng chưa bao giờ chiều theo một tội trọng nào” (Hk. 99). Giả sử I-nhã không lớn lên trong một gia đình đạo đức, giả sử I-nhã bị sốc rồi bỏ đạo, thì có lẽ Giáo hội công giáo đã không có Dòng Tên.

Hạt giống thứ nhì là dòng máu hiệp sĩ can đảm và kiên quyết. Sau này đã theo Chúa, I-nhã vẫn rất hiệp sĩ, can đảm và kiên quyết. Tính hiệp sĩ khi định đuổi theo và giết người Mô-rô để bảo vệ danh Đức Mẹ (Hk. 15); khi to tiếng la mắng những người lính ban đêm toan hãm hiếp hai mẹ con đến trọ qua đêm (Hk. 38); khi quở trách nghiêm khắc những người trên tàu đi Giêrusalem công khai làm điều dâm ô và tồi bại (Hk. 43); khi đặt mình và anh em Dòng Tên vâng phục Đức giáo hoàng v.v. Can đảm và kiên quyết khi chịu phẫu thuật kéo dài chân bị thương ra cho bằng chân kia; khi đã lớn tuổi mà đi học với thiếu nhi; khi chịu đói rét hay tù đày vì muốn yêu mến Chúa hơn nữa; khi liên lỉ và dai dẳng xin Chúa ban cho ơn được đặt ở với Chúa Con v.v.

Một hạt giống nho nhỏ nhưng vô cùng dễ thương và quen thuộc với văn hóa Việt Nam là I-nhã viết chữ đẹp, thích viết, thích đọc sách. Tính ham đọc đã dẫn I-nhã tới việc đọc Hạnh các thánh Cuộc đời Chúa Ki-tô, và về sau phải đi học khi đã lớn tuổi nhưng học hành tốt. Tính thích viết và luyện chữ đẹp chẳng những giữ bộ não được kích hoạt mà còn giúp I-nhã ghi lại các diễn biến trong tâm hồn mình, viết bộ Linh thao, soạn hiến chương nhà dòng… rất rõ ràng, làm cơ sở để sáng lập một dòng tu thật sự làm vinh danh Thiên Chúa.

Được nuôi dưỡng trong môi trường tốt đẹp, I-nhã đi theo Đức Ki-tô, kết hợp với Thiên Chúa rất hài hòa, từng bước từ bỏ và phó thác.

2.2 Từ bỏ, phó thác, theo Chúa cách sống động

Sau biến cố được Chúa “mở mắt”, được mời gọi phục vụ Đức Ki-tô, I-nhã từ một người ham mê danh vọng, theo đuổi ước mơ hiệp sĩ, đã bỏ tất cả để ra đi. Một quyết tâm từ bỏ lớn của ngài ngay bước đầu theo Chúa là từ bỏ danh vọng và giàu sang.

Vì gia đình quý tộc danh giá, họ hàng và gia nhân đi theo, chèo kéo (Hk. 13) nhưng I-nhã kiên quyết từ bỏ, và có lẽ cũng không dễ từ bỏ, nên “Ðêm ấy, kẻ ấy xin được thêm sức mạnh để thực hiện chuyến đi” (Hk. 13). I-nhã cố ý từ bỏ danh vọng, “không cho ai biết mình là ai, để người ta khỏi kính nể (Hk. 12). Dịp thử thánh danh vọng lại tới: khi chưa xa quê hương bao nhiêu thì vị công tước còn muốn trao cho kẻ ấy một chức vụ quan trọng, nếu kẻ ấy muốn nhận (Hk. 14). Nhưng I-nhã tiếp tục quyết tâm từ bỏ danh vọng, “Kẻ ấy không theo đường đến thẳng Barcelona vì sợ có thể gặp nhiều người quen biết và kính nể” (Hk. 18)…

Quyết tâm từ bỏ danh vọng ấy kéo dài suốt cuộc đời theo Chúa của I-nhã, và kinh nghiệm từ bỏ danh vọng được ngài truyền lại cho ta: “Thánh I-nhã chỉ cho cha (L. G. da Câmara) cách thắng được loại cám dỗ hư vinh. Ngài kể lại việc ngài phải mất hai năm chiến đấu mới thắng được. Thấy những điều mình kể giúp được cho cha L. G. da Câmara, ngài nhận ra nếu kể lại tiến trình ngài đã trải qua từ một kẻ ham danh đến một người hành hương, chẳng những ngài có thể giúp cha ấy mà giúp được nhiều người khác nữa” (trích trong Lời mở cuốn Hồi ký thánh I-nhã của dịch giả Hoàng Sóc Sơn).

Một từ bỏ quan trọng khác mà I-nhã suốt đời thực hành, là từ bỏ ý riêng. Thế kỷ 16 chuộng phong cách giữ đạo khổ hạnh, I-nhã để râu tóc và móng tay móng chân dài không cắt. Nhưng khi biết được ý Chúa, “kẻ ấy từ bỏ những điều thái quá trước kia đã thực hành, nên từ đây cắt móng chân móng tay và hớt tóc” (Hk. 29).

Một ý riêng, một khao khát thánh thiện cháy bỏng của I-nhã là được hành hương và ở lại Đất Thánh Giêrusalem. Qua nhiều vất vả, đến được Đất Thánh, thì bị cấm ở lại đó. Vị linh mục thẩm quyền “muốn lấy các trọng sắc của Tòa Thánh trao quyền ra vạ tuyệt thông cho kẻ ấy xem nữa, nhưng kẻ hành hương trả lời là không cần”, “kẻ ấy vâng lời. Xong chuyện này, kẻ ấy trở về nơi trọ. Vì ý Chúa không muốn cho mình ở lại trên Ðất Thánh” (Hk 47). I-nhã là như vậy, kiên quyết theo ý mình tới cùng nhưng khi rõ ý Chúa ở đường khác thì ngoan ngoãn vâng theo, “vì ý Chúa không muốn”.

Khi nào người ta có thể từ bỏ? Khi họ không sợ gì. Từ bỏ luôn gắn liền với tin tưởng phó thác. I-nhã luôn sống phó thác. Một chi tiết phó thác dễ thương và khó quên thuở ban đầu theo Chúa, là khi I-nhã không biết nên đuổi theo đánh anh chàng Mô-rô để bảo vệ danh dự Đức Mẹ, hay nên bỏ qua. I-nhã phó thác cho Chúa, buông dây cương để con lừa đi đường nào thì mình theo đường đó.

Khi chịu thử thách, gặp khó khăn, nhiều người nản, trách Chúa và bỏ cuộc. Nhưng I-nhã thì luôn phó thác, trông cậy vào Chúa. Chẳng hạn thời gian bị bệnh bối rối hành hạ lương tâm nhiều tháng, I-nhã phó thác, kiên quyết và tha thiết kêu gào thật lớn với Thiên Chúa, một lời nguyện từ thẳm sâu tâm hồn và làm rung động nhiều thế hệ sau này: “Lạy Chúa, xin cứu con! Không còn ai, không còn thụ tạo nào cứu chữa được con nữa. Nếu biết phải làm thế nào thì khó khăn đến đâu con cũng làm. Lạy Chúa, xin cho con biết phải tìm ở đâu. Dù có phải đi theo một con chó con để tìm được thuốc chữa trị, con cũng sẽ đi” (Hk. 23).

Khi không thấy, chưa thấy ý Chúa thì I-nhã làm sao? Ngài phó thác! Trong thời ban đầu của dòng Tên, cộng đoàn các bạn cùng chí hướng chưa có tên, chưa có đường hướng rõ ràng, I-nhã luôn quy về với Chúa và chờ đợi. Qua các dấu chỉ, ngài cùng nhóm phân định, cầu nguyện, chờ đợi và phó thác. Chúa không phụ ai phó thác vào Ngài, sau thị kiến La Storta thì I-nhã gần Chúa đến nỗi dễ dàng được gặp Chúa. “Bất cứ lúc nào muốn gặp Chúa, cha đều gặp được” (Hk. 99).

Để kết thúc chương này, tôi muốn thêm một chi tiết có thể gây ảnh hưởng trên những người hiện đại đang muốn sống chậm, sống tĩnh lại: I-nhã đã là một người sống ĐỘNG kinh khủng. Nhà thần bí hiện đại này không sống trong hang động suốt đời để gặp Chúa. Nếu xem bản đồ di chuyển của I-nhã (hình bên dưới)[5] vào thế kỷ thứ 16 thì tôi không cần phải sợ “rơi mất Chúa” do mình có khuynh hướng năng động.

 

Thế kỷ 16, đi lại khó khăn, phương tiện giao thông chưa phát triển, chiến tranh loạn lạc…, lại chỉ sinh sống nhờ xin ăn mà I-nhã tung hoành khắp châu Âu với ít nhất 21 chuyến đi lớn được ghi lại trong đời ngài!

Hy vọng bạn và tôi được I-nhã nâng đỡ bởi điều này! Vấn đề không phải là tĩnh hay động, chiêm niệm hay hoạt động, có tiền hay không tiền, đau yếu hay mạnh khỏe… Quan trọng nhất là nối kết với Thượng Đế, lấy Chúa làm trung tâm của đời mình. Đó là điểm quan trọng nhất trong Linh đạo I-nhã.

3. Những điểm nổi bật trong linh đạo I-nhã và các thị kiến quan trọng

Linh đạo I-nhã là con đường ngài đã đi để đến với Thiên Chúa. Đọc Hồi ký thánh I-nhã ta có thể nhận ra những điều nổi bật của linh đạo này.[6]

3.1 Những điểm nổi bật trong linh đạo I-nhã

  1. Lấy Thiên Chúa làm trung tâm cuộc đời.
  2. Luôn quy hướng về Chúa Ki-tô.
  3. Quyết tâm phục vụ Đức Ki-tô trong sứ mạng, qua giảng thuyết, ở Mọi Nơi Trên Thế Giới, trong Khó Nghèo Và Khiêm Nhường, để cứu vớt các linh hồn.
  4. Giữ BÌNH TÂM, không nghiêng chiều thái quá về bên nào cả.
  5. Phân định thiêng liêng, nhận ra tác động của thần lành và thần dữ

Không phải ngày một ngày hai mà I-nhã tìm ra được con đường nói trên. Đó là kết quả của một đời dài cầu nguyện, chịu thanh luyện, chờ đợi, tìm hiểu và phân định… Đặc biệt khi phân định, chọn lựa các điều quan trọng, I-nhã được Chúa cho thị kiến để xác chuẩn.

3.2 Các thị kiến quan trọng của I-nhã

Chúa ban cho I-nhã nhiều thị kiến. Một số thị kiến đọc được trong Hồi ký của ngài:

  1. Tại Loyola, I-nhã nhận được ơn khiết tịnh với thị kiến Mẹ Ma-ri-a bồng Chúa Giê-su Hài Đồng (Hk. 10).
  2. Thị kiến hiểu về mầu nhiệm Ba Ngôi (Hk. 28).
  3. Thị kiến hiểu về cách thức Thiên Chúa đã sáng tạo thế giới (Hk. 29).
  4. Thị kiến hiểu nhân tính của Đức Ki-tô (Hk. 29).
  5. Ơn soi sáng ở bên sông Cardoner mở mắt tâm trí và I-nhã hiểu biết được nhiều điều (Hk. 30).
  6. Thị kiến về Ðức Kitô trong cuộc Thương Khó: Ðức Kitô bị dẫn đi (Hk. 52).
  7. Thị kiến La Storta (đã nói ở mục 1.3)
  8. Thị kiến thấy Ðức Kitô như mặt trời (Hk. 99).

Đặc biệt I-nhã hay được Chúa ban cho thị kiến xác chuẩn (nguyên văn tiếng Latinh: venire in confirmatione). Khi phải nhận định điều gì, I-nhã suy nghĩ và cầu nguyện miệt mài. Ngài cân nhắc các lý do để đi đến quyết định theo những an ủi và sầu khổ. Cuối cùng, Chúa ban cho ngài các thị kiến để xác nhận điều ngài lựa chọn (Cthk. 514). Có hai thị kiến xác chuẩn quan trọng nhất là thị kiến Cardoner và thị kiến La Storta như đã nói trong mục 1.2 và 1.3.

Ơn soi sáng ở bên sông Cardoner như một mạc khải lớn của Thiên Chúa cho I-nhã để hiểu biết nhiều điều. Hiểu biết kế hoạch của Chúa rõ hơn, I-nhã cũng hiểu giá trị của mỗi người trước Thiên Chúa, hiểu tầm quan trọng của những người dấn thân phục vụ và đặt mình như khí cụ trong tay của Đấng Tạo Hóa và Cứu Chuộc nhân loại.

Trong thị kiến La Storta (hình bên dưới), I-nhã thấy Chúa Giêsu vác Thánh Giá và Chúa Cha ở bên cạnh đó nói với Ðức Kitô “Cha muốn Con nhận người này làm đầy tớ”, rồi Ðức Giêsu thực sự đón nhận I-nhã và nói: “Ta muốn con phục vụ Chúng Ta”.

Ơn soi sáng bên sông Cardoner và thị kiến La Storta là hai điều then chốt để hiểu thánh I-nhã và Dòng Tên. Như đã so sánh với kinh nghiệm được mạc khải khi Giêsu chịu phép rửa ở sông Jordan, thánh I-nhã ở sông Cardoner được Thiên Chúa mạc khải mầu nhiệm Nhập Thể, cho biết kế hoạch cứu độ và vai trò mình phải thể hiện trong kế hoạch ấy (theo Cthk. 186). Và thị kiến La Storta như là mầu nhiệm Vượt Qua giúp hiểu về Chúa Giêsu và Hội Thánh.

 

Tranh của họa sĩ Domenico Zampieri, được gọi là Domenichino. Thị kiến tại La Storta của thánh I-nhã về Chúa Kitô và Thiên Chúa Cha. Tranh dầu trên vải canvas vẽ khoảng năm 1622[7]

 

4. Chín điều tôi tâm đắc nhất

Đọc xong Hồi ký thánh I-nhã, tôi cảm thấy biết ơn vì được dịp học hỏi trực tiếp từ vị “thánh ruột” của mình, thoát khỏi tình trạng “vô tri bất mộ”. Bản văn tôi đọc đến trực tiếp từ thánh nhân. Tôi tự đọc và múc lấy những điểm mình thích thú. Tôi có thể cầu nguyện thỏa thích ngay khi được đánh động lúc đọc và viết bài. Vài điều thú vị tôi nhớ về I-nhã khi nghe các cha các thầy giảng đây đó, nay được kiểm chứng và tôi hiểu sâu hơn…

Đọc xong cuốn hồi ký tôi cũng ao ước được học kỹ hơn về linh đạo I-nhã, nhất là ở khía cạnh áp dụng linh đạo này cho người chọn bậc sống gia đình.

Nếu phải chọn chín điều tâm đắt nhất để kết thúc bài này, thì đó là:

  1. Lấy Thiên Chúa làm trung tâm đời mình
  2. Nhận Chúa Giê-su Ki-tô là thầy, là thần tượng, là vua.
  3. Theo Chúa tới mức nào đó, con người có thể bất cứ lúc nào “muốn gặp Chúa là gặp.
  4. Mầu nhiệm Ba Ngôi như ba phím đàn của một hợp âm, ba trong một và một mà ba.
  5. Phân định thần loại, nhận ra tác nhân Thiên Chúa, tác nhân ma quỷ.
  6. Bình tâm. Giữ mình cân bằng ở giữa hai thái cực, không nghiêng về bên nào.
  7. “Lạy Chúa, xin cứu con! Không còn ai, không còn thụ tạo nào cứu chữa được con nữa. Nếu biết phải làm thế nào thì khó khăn đến đâu con cũng làm. Lạy Chúa, xin cho con biết phải tìm ở đâu. Dù có phải đi theo một con chó con để tìm được thuốc chữa trị, con cũng sẽ đi” (Hk. 23).
  8. Từ bỏ. Cầu nguyện. Chờ đợi. Phó thác.
  9. I-nhã khao khát Chúa. Tôi khao khát Chúa.

 

—————————-

Tài liệu tham khảo:

Viết tắt các tác phẩm trích dẫn trong bài này:

  • : Hồi ký thánh I-nhã (hay Tự thuật), bản dịch Hoàng Sóc Sơn 2002
  • : Linh thao
  • : Chú thích hồi ký, Hoàng Sóc Sơn 2002.

[1] Đã tham khảo cách đặt tên ba mốc quan trọng này trong bài Dung mạo thiêng liêng của thánh I Nhã của tác giả Đào Anh Tuấn, SJ.
URL 10.06.19: https://dongten.net/2018/07/30/dung-mao-thieng-lieng-cua-thanh-inha/

[2] Từ của Đào Anh Tuấn, SJ.

[3] Đào Anh Tuấn, SJ.: Dung mạo thiêng liêng của thánh I Nhã.

[4] Đào Anh Tuấn, SJ.: Dung mạo thiêng liêng của thánh I Nhã.

[5] Hình lấy từ URL 15.06.19: https://de.wikipedia.org/wiki/Ignatius_von_Loyola

[6] Tham khảo Tập sinh khóa 2009-2011 và khóa 2010-2012 Nhà Tập Thánh Tâm, Tỉnh Dòng Tên Việt Nam. Linh đạo I-nhã, những nét đặc trưng cơ bản. URL 15.06.19: https://www.ngocthesj.com/linh-o-i-nh

[7] https://www.liturgicalartsjournal.com/2018/04/a-glimpse-into-grandeur-art-of-gesu_18.html


 

 

 

Kiểm tra tương tự

Cái chết

  Nghĩa tử là nghĩa tận. Cái chết chấm hết mọi thứ. Chết là xong… …

Mười hai vị thánh đã kết hôn

  Không phải tất cả các thánh đều là các linh mục hoặc nữ tu; …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *