Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
Giữa dòng đời hôm nay, người người sẽ trở nên lạc lõng nếu không update, không cập nhật hoá được những trào lưu sống của thời đại internet và robot. Con người được mời gọi và một cách gián tiếp “bị bắt buộc” chạy theo làn sóng của máy kiếm tìm Google, của Youtube, của Instagram, của Facebook, của Twitter, đến nỗi có một số người đã “chìm sâu” vào trong đó và được những làn sóng hiện đại này hướng dẫn cuộc sống của họ, và đi sâu vào trong suy nghĩ của họ, trong lời họ nói, cũng như trong cả những hành vi thường ngày của cuộc sống.
Rồi một cuộc số người chú ý đến một khuynh hướng mới. Đó là trí tuệ nhân tạo (AI: Artificial Intelligence) và người máy – robot. Trong bức tranh mới của cuộc sống hôm nay, chúng ta từ từ thấy các nhà máy tự động hoàn toàn trong sản xuất, các xe vận tải không người lái, các sân bay, bến cảng sẽ có những nhân viên “ảo”, bệnh viện hay nhà thương hoạt động bằng những robot bác sĩ … được kết nối và điều khiển thông qua một “trí tuệ nhân tạo AI”, sẽ ngày càng trở nên phổ biến. Các viễn cảnh trong một bộ phim khoa học không còn quá xa lạ.
Có lần tờ báo La Croix đưa tin về sáng kiến của một mục sư người Đức về robot – mục sư. Nhân dịp kỷ niệm 500 năm Cuộc Cải Cách Tin Lành, vị mục sư đã lắp đặt một robot-mục sư tại nhà thờ Wittenberg (Sachsen-Anhalt), với mục đích khơi lên cuộc tranh luận về tương lai của Giáo hội trong thời đại của trí tuệ nhân tạo. Robot-mục sư đầu tiên có tên BlessU-2. Với giọng nam hay nữ, bằng tiếng Đức, tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha hoặc tiếng Ba Lan, robot đa ngữ này có thể đọc các trích đoạn Kinh Thánh và kết thúc với một câu thân mật: “Xin Chúa chúc lành cho bạn và gìn giữ bạn!” Khi đọc lời chúc lành, robot-mục sư cũng đưa hai tay lên, lòng bàn tay phát ra ánh sáng trắng, và cử động cặp lông mày.
Rồi còn thế hệ kế tiếp “5G” của mạng lưới điện thoại và internet mới. Rồi cụm từ “xã hội 5.0” được nhắc đến với những viễn tượng đầy hứa hẹn. Những trào lưu sống hiện đại này đưa lại cho con người những thách đố, đặt ra những điều kiện cho sự phát triển và sự sống còn của con người. Vì thế, con người mỗi ngày rơi vào những áp lực thật lớn. Ai update được, thì có thể sống vui, thoải mái và cũng có thể trở nên giàu có cũng như nỗi tiếng. Nhưng chiều ngược lại cũng xảy ra nhiều. Ai update không được, thì không chỉ bị tụt hậu, mà còn có thể rơi vào dòng sông “depression” và rồi tự đào thải giữa một xã hội phát triển quá nhanh và quá hiện đại này.
Giữa thế giới của Google, của Youtube, của Instagram, của Facebook, của Twitter và trong xã hội 5.0 cùng với làn sóng 5G của những chiếc điện thoại, những đòi hỏi và điều kiện của Chúa Giê-su đưa ra cho người môn đệ còn có hợp thời hay không?
Chúng ta cùng chiêm ngắm hình ảnh của Chúa Giê-su và những lời Người nói. Bối cảnh câu truyện là Chúa Giê-su đang đi trên đường, và ở đây là con đường Người lên Giê-ru-sa-lem. “Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem” (Lc 9,51). Như thế, con đường Chúa đi không phải là con đường dễ dàng và được trải nhung lụa. Ngược lại, con đường Chúa đi đầy chông gai và nhiều thách đố. Con đường này dẫn Chúa đến với thập giá, khổ đau và cái chết. Trên con đường đó, Luca nói rằng, có nhiều người đi với Chúa: “Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ” (Lc 14,25). Nhưng họ đi theo Chúa để làm gì? Họ đi tìm gì trên hành trình theo Chúa? Tìm cơm gạo ư? Tìm quyền lợi chăng? Tìm sự bảo đảm sao? Hay tìm một con đường dễ dàng đưa họ đạt được danh vọng, quyền lực, vinh quang và hạnh phúc theo lăng kính của cuộc đời? Chúa cũng đã từng hỏi các môn đệ: “Các anh đi tìm gì vậy?”. Một câu hỏi rất căn bản và quan trọng dành cho đời môn đệ. Câu hỏi này cần phải được lập đi lập lại luôn mãi trên hành trình theo Chúa, và người môn đệ cần phải thành tâm trả lời lại luôn mãi.
Có nhiều người đi với Chúa, nhưng thực ra ai trong số nhiều người đó có quyết định dứt khoát để bước theo Chúa trên đường thập giá? Có lẽ Chúa rất thực tế và Ngài không viễn vông, khi quay lại và nói với đám đông điều cần phải nói. Ngài nói điều gì? “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”. Hôm nay, trong thế giới của Google, Youtube, Facebook, Instagram, 5G và xã hội 5.0 lời của Chúa nói vẫn vang lên và đến với những ai tin vào Chúa, những ai muốn bước theo Chúa.
Hai câu nói này được diễn tả trong thể “điều kiện”, và hai câu nói tương hợp với nhau. Câu đầu tiên nói về sự dứt bỏ trên đường theo Chúa. Câu thứ hai nói về việc sẵn sàng vác thập giá theo Chúa. Ở cuối hai câu đều có cụm từ: “thì không thể làm môn đệ tôi được”. Nhưng từ ngữ môn đệ chỉ về ai vậy? Từ ngữ môn đệ ở đây chỉ về tất cả các Ki-tô hữu, những người tin vào Chúa Ki-tô và cố gắng sống đúng theo tinh thần của Chúa dạy. Như thế, từ ngữ môn đệ này không “gói gọn” cho nhóm người tu sĩ hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa.
“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được”. Với cụm từ “ai đến với tôi”, Chúa Giê-su muốn nói cho tất cả mọi người theo Chúa, không trừ một ai cả. Như thế, ai thực tâm muốn theo Chúa thì cần phải chú ý lắng nghe, và thành thật xét lại tâm tình và ý hướng cùng động lực của mình. Sau đó, Chúa diễn tả rõ ràng rằng, ai muốn làm người môn đệ, thì phải dứt bỏ nhiều điều. Trước hết dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em. Ở đây trong nghĩa đen là dứt bỏ những mối tương quan máu mủ trong gia đình, những mối tương quan quý giá nhất của đời người. Chúng ta nhớ lại lời Chúa nói: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37). Thánh Grêgôriô Cả giải thích câu “khó nghe” này, ngài viết: ”Ở đời này hãy yêu tất cả, kể cả kẻ thù, nhưng ta phải ghét những ai ngăn cản ta trên bước đường dẫn tới Chúa, dầu đó là người thân. Như vậy ta phải yêu người lân cận, phải có lòng bác ái đối với tất cả, với kẻ gần và người xa, nhưng không được vì yêu họ mà ta xa tình yêu Chúa”. Như thế, sứ điệp Chúa nói ở đây là: khi chọn lựa con đường theo Chúa, thì phải đặt Chúa là ưu tiên hàng đầu, là yêu Chúa trên hết mọi tình yêu con người, dù là tình cha hay tình mẹ, tình anh chị em trong gia đình hay là tình yêu đôi lứa. Một sự đòi hỏi dành cho người môn đệ và người tín hữu.
Tiếp đến Chúa còn mạnh mẽ hơn khi nói rằng, người nào theo Chúa còn phải dứt bỏ cả mạng sống mình nữa. Đó là một sự tự huỷ thực sự. Tự huỷ như chính Chúa đã tự huỷ theo tinh thần kenosis – làm cho mình trở nên trỗng rỗng hoàn toàn, để trao ban cho Chúa toàn bộ con người của mình. Có thể nói, đây là một điều kiện khó khăn, vì là con người ai cũng đi tìm cái tôi, nhất là trong thời đại Google, Youtube, Facebook, Instagram, 5G và xã hội 5.0, cái tôi luôn được đề cao.
Cái tôi được chú ý quá nhiều và được mọi người “đi tìm không ngưng nghỉ”, nên có thánh nhân nói rằng: “khi con người chết đi, thì 15 phút sau cái tôi mới chết”. Cái tôi luôn to lớn và luôn muốn là “cái rốn của vũ trụ”. Trong mọi câu chuyện, trong mọi hành động và trong mọi suy tưởng, cái tôi luôn chiếm một chỗ lớn và quan trọng. Đó là lẽ thường tình của cuộc đời.
Chúa đòi hỏi người môn đệ và người tín hữu muốn theo Chúa phải từ bỏ cái tôi này, vì chỉ khi từ bỏ được cái tôi này, họ mới trở nên tự do thực sự, không còn bám víu vào những điều mình thích, không còn màng tới điều mình muốn, và không còn loay hoay đau khổ và buồn bã chỉ vì cái tôi không được thoả mãn những gì “ấp ủ trong lòng”. Chúa đòi hỏi người môn đệ và người tín hữu muốn theo Chúa phải từ bỏ cái tôi này, để khôn ngoan tránh xa được những hứa hẹn hão huyền của những xu hướng sống hiện đại chỉ quy về cái tôi.
Nếu cái tôi vẫn còn, thì Chúa không thể lớn lên được. Chỉ khi nào người môn đệ và người tín hữu ý thức liên lỉ sống tinh thần: “Chúa phải lớn lên và tôi cần phải nhỏ lại”, thì lúc đó con đường theo Chúa mới tìm được ý nghĩa và giá trị đích thực.
Hơn nữa, khi để cho Chúa lớn hơn và cái tôi của người môn đệ và của người tín hữu nhỏ lại, là họ trở nên “rỗng tuếch” hoàn toàn. Lúc đó, họ sẵn sàng thưa với Chúa rằng: “Thầy đi đâu con xin được đi đấy, Thầy đón nhận gì xin cho con được đón nhận như Thầy. Xin cho con trở nên một với Thầy trên mọi chặng đường đời con đi. Chặng vui và chặng buồn, chặng thập giá và chặng vinh quang”.
Khi để cho Chúa lớn hơn, là người môn đệ khoét rỗng chính mình và chuẩn bị một chỗ khang trang trong tâm hồn của mình cho Chúa ngự, như anh Charles de Foucauld nói: “Tất cả chúng ta phải đi qua sa mạc để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Vì trong sa mạc, mỗi người sẽ khoét rỗng chính mình, loại ra khỏi mình những gì không phải là Thiên Chúa và những gì không thuộc về Ngài, chuẩn bị và trang hoàng tâm hồn chúng ta cho khang trang và thoáng mát cho Chúa ngự”.
Câu thứ hai Chúa Giê-su nói đụng tới thập giá: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”. Ở đây, chúng ta tự hỏi Chúa muốn nói gì qua lời kêu gọi này? Trong câu này, trước hết chúng ta thấy cụm từ “vác thập giá mình” “vắng bóng” yếu tố Ki-tô học, nhưng đọc kỹ và với cụm từ “đi theo tôi (theo Chúa)” thì chúng ta nhận ra rằng Chúa Giê-su mời gọi cùng đi chung đường với Chúa, nghĩa là đi theo Chúa. Trên đường đó, Chúa đã vác thập giá thì môn đệ cũng vác thập giá. Trên đường theo Chúa, môn đệ sống kết hiệp và hiệp nhất hoàn toàn với Chúa. Trái tim người môn đệ không sẻ chia với ai, mà chỉ dành cho Chúa. Và Chúa là chủ duy nhất đối với người môn đệ, nghĩa là người môn đệ không làm tôi hai chủ. Người môn đệ sẵn sàng đón nhận thập giá như Chúa đã đón nhận.
Nhưng chúng ta vác thập giá như thế nào? John Newton đề nghị với chúng ta cách vác thập giá: “Những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục… Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người lại không làm như thế: chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay và còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi”!
Hơn nữa, vác thập giá là sống tinh thần hiệp thông với Chúa, nghĩa là có Chúa có mình, cả hai cùng vác thập giá với nhau. Thánh Basil the Great nói rằng: “Điều mà Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta là chịu đóng đinh với Chúa Giê-su, chịu chết với Ngài và chịu mai táng với Ngài trong phép rửa”. Như thế, người môn đệ đón nhận thập giá mình để vác nhưng luôn hiệp thông với Chúa Giê-su, Đấng đã vác thập giá. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Chúa Giêsu chấp nhận tất cả khổ đau và tội lỗi của nhân loại với vòng tay rộng mở, mang trên vai Thánh Giá của chúng ta và nói với chúng ta rằng: Hãy can đảm! Các con không vác Thánh Giá một mình, Ta mang nó với các con. Ta đã vượt qua cái chết và Ta đã đến để ban cho các con hy vọng, để mang đến cho các con sự sống”.
Thế giới của Google, Youtube, Facebook, Instagram, 5G và xã hội 5.0 hứa hẹn nhiều viễn tượng rất đẹp có còn thập giá không? Với sự tân tiến của trí tuệ nhân tạo và với các người máy siêu thông minh, biết cảm thụ và nhận thức, có thể đưa ra các quyết định thay cho con người, thập giá sẽ bị “xoá bỏ” trong cuộc sống con người?
Thập giá vẫn còn, khi con người vẫn còn, vì nơi con người luôn chất chứa yếu đuối, ích kỷ, tham vọng, bất nhân, tàn ác và tội lỗi. Vì thế, con người dù muốn hay không vẫn phải vác lấy thập giá.
Thật vậy, Google, Youtube, Facebook, Instagram, G5 và xã hội 5.0 không thể “xoá bỏ” thập giá, và các khuynh hướng sống này cũng khó có thể làm cho thập giá nhẹ đi.
Vì thế, thập giá còn đó và con người dù thông minh và tiến bộ đến mấy vẫn tiếp tục sống với đau khổ.
Vì thế, lời mời gọi và đòi hỏi đầy khôn ngoan và yêu thương của Chúa Giê-su dành cho các môn đệ thời Google, Youtube, Facebook, Instagram, 5G và xã hội 5.0 vẫn luôn hợp thời, và vẫn luôn đòi update.
Update để làm gì? Update lời mời gọi trở nên người môn đệ của Chúa trong lòng thế giới đang cần đến những người thực sự tự do, không bám víu vào bất cứ thứ gì, chỉ bám chặt vào Chúa, bước theo Chúa và cùng Chúa đón nhận những vất vả, lầm than, khổ đau và thập giá trên đường. Update lời mà Chúa nói rõ rệt: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35). Nhưng không chỉ cập nhật hoá trên trí hiểu, trên môi miệng lời mời gọi yêu thương trên, mà người môn đệ cần cập nhập hoá – update tinh thần tình yêu vào trong chính suy tư, nụ cười, lời nói và cách sử xự cùng hành động để người ta có thể tìm thấy chính Chúa qua tinh thần yêu thương, hy sinh xả thân quên mình trong tự do của người môn đệ. Trên Google, Youtube, Facebook, Instagram, 5G và trong xã hội 5.0 người ta chào mời nhiều điều hấp dẫn lắm, vậy chúng ta là con cái của Chúa nên chào mời điều gì trên những mạng lưới đó? Là người môn đệ của Chúa, chúng ta cần chào mời món quà của tình yêu, món quà của lòng thương xót mà chính Chúa đã và đang tiếp tục ban tặng cho nhân loại. Hơn hết, trên Google, Youtube, Facebook, Instagram, 5G và trong xã hội 5.0 chúng ta cần giới thiệu dung mạo Thiên Chúa, Đấng Giàu Lòng Thương Xót cho mọi người. Thế giới hôm nay đang khát khao Thiên Chúa, đang cần đến “vị ngọt” thực sự của tình yêu đến từ trời cao. Khi sống đúng theo tinh thần tình yêu này, chúng ta trở nên những người môn đệ đích thực của Chúa, là ánh sáng chiếu soi thế giới, là muối đất cho đời; vâng giữa lòng thế giới và cuộc đời với Google, Youtube, Facebook, Instagram, 5G và trong xã hội 5.0 hiên đại.
Là người môn đệ sống xả thân vì tình yêu, thì người môn đệ chắc chắn sẽ vui vẻ đón nhận thập giá, vì yêu thương đích thực như Chúa Giê-su là dang rộng đôi tay để đón nhận vất vả và khổ đau, là sẵn sàng để cho người khác làm phiền đến mình, là sẵn sàng gật đầu đồng ý được bẻ ra và chia sẻ cho người khác, đặc biệt những người bất hạnh và khổ đau.
Update yêu thương là update thập giá và update thập giá là update khổ đau. Thật vậy, yêu thương, thập giá và đau khổ hình như thích đi chung với nhau. Nhưng ở đây chúng ta hỏi xem chúng ta nên vác thập giá thế nào, để tinh thần tình yêu và an bình vẫn được nở rộ? Có khuynh hướng văn minh hiện đại nào hướng dẫn chúng ta không? Chắc là cũng có chứ. Các nhà tâm lý trị liệu có thể đưa ra biết bao phương pháp hứa hẹn giúp con người biết “vác thập giá”, những phong trào hay tổ chức xã hội hay du lịch có thể chào hàng nhiều chương trình wellness, thư giãn, nghỉ ngơi và hưởng thụ để như muốn con người đừng “ngó” tới thập giá và “làm ngơ” với đau khổ. Ai muốn có thể theo lời chào mời đó. Kết quả thế nào, thì đoạn cuối mới tỏ.
Còn đối với người môn đệ và tín hữu của Chúa, chúng ta được mời hướng nhìn Chúa Giê-su. Người vác thập giá thế nào, thì chúng ta sẽ vác thập giá của mình giống như vậy. Karl Rahner suy tư như sau: “Chúng ta được kêu gọi tiếp nối Đức Ki-tô để sống cuộc đời bị đóng đinh và biến nó thành bản tuyên tín và hy vọng, thành sự kiên nhẫn và tình yêu. Như chính thánh Phao-lô đã nói trong thư gửi tín hữu Cô-lô-sê, rằng một tín hữu, dù là giáo sĩ hay giáo dân, phải ‚lấy vào thân cho đủ mức những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu’ (Cl 1, 24). Liệu chúng ta có dám tự nhủ rằng: tôi mang trong mình dấu tích của cái chết Đức Ki-tô như dấu chỉ của sự chọn lựa cá nhân trong đời tôi không?
Chúng ta có thể nhớ lại những gì chúng ta đã nói về ý nghĩa của việc hãm mình như là thực tập để sẵn sàng đi vào cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô. Lúc này chúng ta cũng tự vấn mình trước thập giá: đâu là chỗ, ít ra là chỗ tăm tối trong lúc này, trong đời tôi, nơi mà tôi đang cố trốn khỏi thập giá? Dù tôi coi việc tôi trốn chạy, phản kháng nội tâm hay để mình rơi vào trạng thái cay đắng là điều tự nhiên, nhưng tôi cũng chẳng coi chúng là hình bóng thập giá Đức Ki-tô. Tuy nhiên, chính trong những điều ấy mà thập giá Đức Ki-tô trở nên rất thực trong đời tôi và có thể chúc phúc cho tôi bằng ân sủng viên mãn của Người”.
Như thế, cùng với Đức Ki-tô vác thập giá, cùng với Đức Ki-tô chúng ta chịu đau khổ bởi thập giá, nhưng chính thái độ tưởng như “tiêu cực” đó lại là cơ hội để chúng ta được chúc phúc, bởi vì trong đó chất chứa tình yêu cùng hy sinh. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Không ai có thể tiếp cận và chạm vào Thánh Giá Chúa Giêsu mà không để lại một cái gì đó của chính họ dưới chân Thánh Giá, và không mang lấy một cái gì đó của Thánh Giá Chúa Giêsu vào cuộc sống riêng của mình.”
Thật vậy, là môn đệ và tín hữu của Chúa Giê-su, Đấng vác thập giá và chịu chết trên thập giá, mà lại chối từ thập giá, thì thật là “môn để giả hiệu”, là “tín hữu chỉ mang nhãn hiệu” mà thôi. Chúng ta nhớ lại một lời rất nổi tiếng của Đức Thánh Cha Phanxicô nói với hàng giáo phẩm: “Chúng ta có thể là những Giám mục, những Linh mục, Hồng y, Giáo Hoàng, nhưng chúng ta sẽ không là môn đệ của Chúa, nếu chúng ta để Thánh giá lại phía sau”.
“Vác thập giá đi! Dứt bỏ mình đi! Từ bỏ mọi người thân thuộc đi! Từ bỏ cả tài sản vật chất, danh vọng và quyền lực đi! Rồi theo Chúa và sẽ trở thành môn đệ đích thực và người tín hữu đúng nghĩa của Chúa”. Nói thì dễ, nhưng làm thì rất khó. Hiểu thì cũng dễ, nhưng để sống được điều mình hiểu mới là vấn đề nan giải.
Chúa Giê-su đã biết rõ điều đó, nên Người đã kêu gọi các môn đệ và các tín hữu theo Chúa đừng viễn vông mộng tưởng, đừng sống trong ảo ảnh với những việc đạo đức bên ngoài, hay với những công việc bác ái từ thiện theo kiểu “làm cho lương tâm được an”. Chúa đã nhắc nhớ những ai muốn theo Chúa cần phải biết chuẩn bị. Thật đẹp khi Chúa đã dùng hai dụ ngôn với hai hình ảnh để dạy dỗ người môn đệ và tín hữu ý thức chuẩn bị.
Dụ ngôn thứ nhất Chúa nói: “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc” (Lc 14,28-30).
Dụ ngôn nói về việc xây dựng. Ở đây là xây một cây tháp. Có thể lý do là để bảo vệ hoa màu trong ruộng nương trước sự phá phách và trộm cắp. Điều cần thiết với người xây dựng là sự chuẩn bị. Nghĩa là anh ta phải ngồi xuống tính toán phí tổn cho việc xây dựng, để xem coi khả năng tài chính có đủ để hoàn thành công trình hay không.
Như thế, việc đặt móng để xây tuỳ thuộc vào việc chuẩn bị và nhận định về khả năng tài chính. Sự nhận định chín chắn và tốt đẹp sẽ dẫn đến một quyết định đúng đắn, để qua đó tránh được tình trạng: đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc”.
Dụ ngôn thứ hai diễn tả về hình ảnh của cuộc giao chiến: “Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà” (Lc 14,31-32).
Trước khi vị vua đi giao chiến với vua khác – tương tự như dụ ngôn thứ nhất – thì cần phải chuẩn bị. Vua sẽ ngồi xuống để bàn tính chung với những cận thần về lực lượng quân lính có đủ để đánh trận hay không. Cụ thể nếu chỉ có một vạn quân mà phải đối đầu với hai vạn quân của đối phương thì thật là viễn vông. Sức lực không đủ, thì thất bại đã được nhìn thấy trước. Như thế, sự chuẩn bị và nhận định chín chắn và tốt đẹp sẽ dẫn đến một quyết định đúng đắn. Đó là “nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà”.
Qua hai dụ ngôn, chúng ta thấy Chúa Giê-su nhấn mạnh đến sự chuẩn bị, nhận định để đi đến quyết định. Đó là sự khôn ngoan của những môn đệ theo bước Chúa. Sức lực và khả năng cũng như tiềm lực có đủ không? Nếu thiếu những hành trang cần thiết thì phải quyết định thế nào? Hay nếu thấy thiều điều gì, nên bổ túc và trang bị điều đó. Để rồi khi lên đường sống đời phục vụ, người môn đệ sẽ không phải ngỡ ngàng và đối diện với những thất bại và ngõ cụt, người môn đệ không ngỡ ngàng với thập giá và đau khổ.
Vào thời của Đức Giêsu, có một câu tục ngữ: “Nếu bạn muốn săn sư tử, hãy phóng cái lao của bạn xuống đất. Nếu bạn không thể phóng cái lao thật sâu, thì đừng đi săn sư tử!”
Tục ngữ ca dao Việt Nam có nói về việc ý thức chuẩn bị, nhận định để đi đến quyết định cho đúng đắn với những từ ngữ ngắn gọn: “Xem giỏ bỏ thóc” và “Đừng vung tay quá trán”.
Vì vậy, chúng ta cũng thấy rằng, công việc huấn luyện cho người Giáo Dân làm việc tông đồ, huấn luyện cho các Linh Mục Tu Sĩ cả đời hiến dâng phục vụ cho Chúa và Giáo Hội quan trọng và cần thiết biết bao nhiêu. Đức Ki-tô chỉ thi hành sứ mạng chính thức có 03 năm, nhưng Ngài đã sống ẩn dật 30 năm để chuẩn bị sứ mạng quan trọng mà Chúa Cha trao phó, chuẩn bị cho con đường lên Giê-ru-sa-lem, đón nhận thập giá, đi con đường khổ nạn, chịu chết trên thập giá và sống lại.
Việc chuẩn bị quan trọng nhất là đời sống tinh thần, chuẩn bị trái tim có một thái độ dứt khoát từ bỏ mọi sự trên đường theo Chúa, vì như Chúa đã nói: “ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”.
Như thế, sứ điệp quan trọng và những đòi hỏi mà Chúa Giê-su nhắc nhớ người môn đệ và các tín hữu trong thời xa xưa, cũng như nhắc nhớ chúng ta sống trong thời Google, Youtube, Facebook, Instagram, 5G và xã hội 5.0 vẫn rất hợp thời và mời gọi chúng ta update lại mãi: luôn ý thức chuẩn bị con đường bước theo Chúa.
Sách Huấn Ca có nhắc nhớ rằng:
“Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa,
thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách.
Hãy giữ lòng cho ngay thẳng và cứ kiên trì,
đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ.
Hãy bám lấy Người chứ đừng lìa bỏ,
để cuối đời, con được cất nhắc lên.
Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy chấp nhận,
và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn.
Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa,
còn những người sáng giá
thì phải được thử trong lò ô nhục” (Hc 2,1-5).
Vâng, ai muốn dấn thân phục vụ Chúa, dù trong tư cách là Giáo Dân hay là Linh Mục hoặc Tu Sĩ đều phải biết chuẩn bị tâm hồn. Chúng ta không được phép chểnh mảng, ảo tưởng và tự lừa dối mình qua những hào nhoáng bên ngoài, qua thói tự kiêu của cái tôi.
Chúng ta không để ánh sáng chói loà đến từ Google, Youtube, Facebook, Instagram, 5G và xã hội 5.0 ru ngủ chúng ta, để rồi chúng ta quên đi thập giá, quên đi tinh thần biết từ bỏ để yêu thương, quên đi tinh thần biết tự huỷ, quên đi tinh thần của Chúa Giê-su, là cùng chia sẻ với Người trên Đường Khổ Nạn, để rồi cùng với Người bước vào vinh quang của Người.
Có một số người Giáo Dân dấn thân làm việc tông đồ 10 năm hoặc 20 năm thật tốt, nhưng vẫn thiếu thiện chí học hỏi và trau dồi. Họ còn nói rằng, tôi có đủ kinh nghiệm rồi, tôi biết hết rồi, tôi biết mọi sự cần làm rồi. Đó là một ảo tưởng và sai lầm đáng tiếc. Ai không học hỏi, thì tự dừng chân tại chỗ. Mà dừng chân là thụt lùi rồi. Xã hội và cả Giáo Hội hôm nay luôn đòi hỏi người làm việc tông đồ phải ý thức trau dồi và học hỏi thêm. Có rất nhiều vấn đề trong cuộc sống cần được update-cập nhật hoá. Cứ nhìn con cháu chúng ta tiến như thế nào và nếu chúng ta không chịu chuẩn bị, không chịu cập nhất hoá và học hỏi, thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc giáo dục Đức Tin cho các con các cháu.
Hơn nữa, chúng ta không thể là môn đệ Chúa, khi chỉ nghe Lời Chúa bằng lỗ tai, mà trái tim chẳng “đụng đậy” gì cả, và rồi cuộc sống vẫn “ngựa quen đường cũ”. Hành trình bước theo Chúa sẽ có khổ đau và vất vả, có từ bỏ và tự huỷ, có thập giá và Phục Sinh. Người môn đệ sẽ đối diện với biết bao thăng trầm, khi thì bị người ta sỉ vả khinh thường, khi thì có người mưu mô quyết hãm hại môn đệ Chúa bằng những mánh lới xảo quyệt và bất nhân, như kiểu “ném đá dấu tay” hay kiểu của thời hiện đại “mobbing” để làm cho người môn đệ mất uy tín và sẽ dễ dàng chùn bước.
Chỉ khi nào người môn đệ bám chặt vào Chúa, như cành nho bám vào chặt vào thân cây nho; chỉ khi nào người môn đệ ý thức từ bỏ hết những gì mình có, chỉ khi nào người môn đệ ý thức hiệp thông với Chúa Giê-su đón nhận thập giá và vác thập giá theo bước chân Người, chỉ khi nào người môn đệ ý thức biết tỉnh táo sống chuẩn bị, không để bất cứ gì ru ngủ và làm cho trở nên mù quáng, chỉ khi nào người môn đệ update thực sự tinh thần tình yêu của Chúa Giê-su, thì mới có thể sống đời môn đệ của Chúa, Đấng Yêu Thương đã như chiên hiền lành bị đem đi giết mà không hé răng để biện minh và để kêu đau.
Cuối cùng, qua lời của Chúa Giê-su, trong cầu nguyện chúng ta tự chất vấn bản thân: Nếu tôi muốn là người môn đệ đích thật của Chúa, nếu tôi muốn là người tín hữu chân chính trong thời đại Google, Youtube, Facebook, Instagram, 5G và xã hội 5.0 hôm nay, tôi cần phải tự hỏi mình:
- Tôi đang bám chặt vào của cải vật chất, gom góm tiếng thơm và danh vọng, gom góp quyền lực và sử dụng người này người khác cho bản thân?
- Tôi có tinh thần từ bỏ, dứt bỏ để trở nên người môn đệ tự do của Chúa như thế nào?
- Tinh thần tự huỷ của Chúa Giê-su có ý nghĩa và giá trị gì đối với tôi?
- Là môn đệ Chúa, tôi đang đi tìm gì vậy?
- Tôi đang đi tìm công việc của Chúa hay tôi đang đi tìm Chúa?
- Là môn đệ của Chúa, tôi nên ý thức sống chuẩn bị như thế nào, nên ý thức như thế nào trong việc học hỏi và trau dồi cũng như cập nhật hoá những điều cần thiết về Giáo Lý, Giáo Huấn của Hội Thánh, Thần Học, Thánh Kinh và những điều quan trọng cho đời sống tâm linh?
- Thập giá có đang được mang vác trên đôi vai tôi không?
- Thập giá có ý nghĩa gì với tôi?
- “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13, 35). Lời này của Chúa Giê-su có ý nghĩa gì với tôi?
Kết thúc bài chia sẻ này, chúng ta cùng đọc lại 14 bước theo Đức Giêsu của Đấng Đáng Kính Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận.
- Bước lang thang ra chuồng bò ở Be lem.
- Bước hồi hộp trốn sang Ai cập.
- Bước bồn chồn trở về Nazareth.
- Bước phấn khởi lên đền thánh với cha mẹ.
- Bước vất vả suốt 30 năm lao động.
- Bước yêu thương ba năm rao giảng Tin mừng.
- Bước thao thức kiếm tìm chiên lạc.
- Bước xót xa vào Giêrusalem đầm đìa nước mắt.
- Bước cô đơn ra trước tòa không một người thân.
- Bước ê chề vác Thánh giá lên đồi tử nạn.
- Bước thất bại chết chôn mồ kẻ khác, không tiền không bạc, không manh áo, không bạn hữu.
- Bước khải hòan sống lại, hãy vững lòng Thầy đã thắng thế gian.
- Bước khổng lồ đi khắp thế gian rao giảng Tin mừng.
- Bước liều mạng lăn xả vào thử thách, chấp nhận mọi hậu quả, vì Chúa đã dạy con liều mạng”