Đức Giáo Hoàng Phan-Xi-Cô, những kẻ dèm pha và chuyện ly khai

Tác giả: Christopher Lamb

Nguồn: Tạp chí The Tablet

Người lược dịch: Cao Gia An, S.J.

Giáo Hội Công Giáo không hề xa lạ với những vụ bất đồng ý kiến, những xung đột nội bộ và cả những cuộc ly khai. Thánh Phao-lô đã phải đối mặt với tình trạng chia rẽ trong cộng đoàn của các Ki-tô hữu đầu tiên trước những  vấn đề như cắt bì, giữ ngày Sa-bát, giữ Luật Mô-sê. Trong thư gởi tín hữu Ga-lát, thánh Phao-lô đã cảnh cáo: “Nếu anh em cắn xé lẫn nhau, chính anh em sẽ tiêu diệt nhau đấy!” (Gal 5,15). Đầu thế kỷ XXI, vị Giám mục thành Roma cũng đưa ra lời khuyên tương tự với những kẻ chống đối mình, đặt biệt là những người nổi lên từ trong lòng Giáo Hội và cứ muốn bước đi theo đường nẻo của riêng mình.

Đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sự hiệp nhất Giáo Hội đến từ một số nhóm trong chính Curia Roma, những nhóm bảo thủ ở Mỹ, và những trang mạng theo xu hướng truyền thống cực đoan trên khắp thế giới… Tất cả đều muốn chống lại cuộc cải tổ của Đức Giáo Hoàng. Một số người mở ra những tranh luận công khai với chủ đích chống đối triều Giáo Hoàng của Đức Phan-xi-cô. Một số người bảo thủ cực đoan thì đặt nghi vấn về tính hợp lệ trong việc bầu cử vị Giáo Hoàng gốc Châu Mỹ Latinh này. Họ cho rằng vị Giáo Hoàng này thật ra chẳng phải là Giáo Hoàng gì cả!

Áp lực không chỉ đến từ phía những người theo trường phái bảo thủ. Nước Đức, nơi được biết đến với khát mong cải tổ, đã khởi động việc áp dụng viễn tượng của Đức Giáo Hoàng trong tiến trình “con đường công nghị”. Đức Giáo Hoàng đã gởi thư khuyến cáo họ đừng chạy một mình quá xa, nhắc nhở họ quan tâm đến Giáo Hội hoàn vũ và việc hiệp nhất trong Giáo Hội.

Nói với các ký giả trên chuyến bay về Roma sau cuộc tông du Madagascar, Mozambique và Mauritius, Đức Giáo Hoàng đã lần đầu tiên đối mặt với chữ “ly khai” và đưa ra những phân tích về điều mà Ngài gọi là não trạng ly khai. Trước câu hỏi được nêu ra bởi ký giả Jason Horowitz, phóng viên thường trực của báo The New York Times tại Roma, xoay quanh những chống đối mà Đức Giáo Hoàng đang phải đối mặt từ phía những người bảo thủ trong Giáo Hội Mỹ, Đức Giáo Hoàng đã chỉ ra: “Thật ra, những lời chỉ trích không chỉ đến từ Mỹ. Hầu như mỗi nơi đều có một tí. Thậm chí cả trong Curia của Roma cũng có”. Nói với các ký giả, Đức Giáo Hoàng tâm sự rằng Ngài sẵn sàng đón nhận mọi lời chỉ trích, tuy nhiên Ngài thêm: “Nhưng tôi không thích những kẻ chỉ trích trốn dưới gầm bàn: Họ cười với bạn. Họ khoe răng ra trước mặt bạn, nhưng sau đó họ lại đâm sau lưng bạn”.

Nói về việc ly khai, Đức Giáo Hoàng nhắc lại những thí dụ trong lịch sử Giáo Hội, về những trường hợp phản đối trong cuộc bầu phiếu đối với tín điều vô ngộ tại Công Đồng Vatican I. “Họ chống lại quyết định của Công Đồng để đi theo đường riêng của họ, và giờ thì họ truyền chức cho nữ giới”. Từ việc không đồng thuận, các cuộc ly khai bắt đầu xé lẻ và làm phân mảnh hình ảnh của Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng nhận xét: “Các cuộc ly khai đều có chung một điểm này: họ tách mình ra khỏi dân Chúa, khỏi đức tin của cộng đồng dân Chúa. Bất cứ một cuộc ly khai nào cũng bắt nguồn từ việc chia rẽ của người cho rằng mình là tinh hoa trong Giáo Hội, nhưng lại khởi nguồn từ một ý thức hệ lạc xa với Giáo Lý của Giáo Hội”.

Trong thực tế, những kẻ bất đồng ý kiến mạnh mẽ nhất với Đức Giáo Hoàng phần lớn là những người Công Giáo bảo thủ và duy truyền thống. Tuy nhiên, trong số những kẻ bảo vệ Đức Giáo Hoàng mạnh mẽ nhất cũng có những nhà thần học theo xu hướng bảo thủ. Do vậy, vấn đề đằng sau đó phức tạp hơn nhiều so với những gì mà các nhà quan sát có thể nhận ra. Những kẻ chống đối từ trong lòng Vatican, không chỉ vì không ưa xu hướng tự do theo quan niệm của Đức Giáo Hoàng, họ cũng không thích một vị Giáo Hoàng lại dùng những từ ngữ quá thô và quá mạnh khi nói về những chứng “bệnh thiêng liêng” của nhiều thành viên trong Curia Roma, chẳng hạn ví von tình trạng giáo sĩ trị như một căn bệnh cùi hủi bám trên thiên chức linh mục.

Tại Mỹ, Đức Giáo Hoàng đã lên tiếng cảnh cáo về thực trạng mà Ngài gọi là các Giám mục hay các Linh mục “cứng nhắc”. Lời cảnh cáo ấy đã bị những người chỉ trích hiểu như là một lời công kích vào những cá nhân cụ thể. Những người xem mình là kẻ bảo vệ Giáo lý Giáo Hội cảm thấy bị đụng chạm. Họ chê Đức Giáo Hoàng về cách làm việc không theo khuôn khổ và thiếu rõ ràng. Họ tố Đức Giáo Hoàng tội làm suy yếu học thuyết của Giáo Hội.

Cả các chính trị gia Công Giáo đến từ những nước giàu và các nước có mối quan hệ tốt với Giáo Hội cũng bị chột dạ vì những phê bình của Đức Giáo Hoàng về thực trạng chủ nghĩa tư bản độc quyền và thái quá. Họ khó chịu khi Đức Giáo Hoàng đòi hỏi các chính phủ phải có hành động tận căn để giải quyết cuộc khủng hoảng về thay đổi khí hậu mà những người phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất là những người nghèo nhất. Họ phê bình Ngài về sự ủng hộ mà Ngài dành cho những người di dân. Họ cũng cho rằng Ngài đi quá xa trong việc vươn đến với thế giới Hồi Giáo.

Viết trên tạp chí America tuần rồi, một linh mục Dòng Tên Tây Ban Nha là cha Victor Codina, đã nhận định: “Thật ra, điều làm phiền lòng những kẻ chống đối Đức Giáo Hoàng chính là vì những suy tư thần học của Ngài bắt nguồn từ thực tế cuộc sống, bao gồm cả tình trạng bất công, nghèo đói, việc hủy hoại môi trường thiên nhiên và cả tình trạng giáo sĩ trị trong lòng Giáo Hội”. Giáo sư Massimo Faggioli, nhà sử học về Giáo Hội Ý và là giảng viên tại Đại Học Villanova thì nói rằng: “Có thể gọi những kẻ chống đối Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô là những người duy truyền thống theo kiểu mới. Đặc trưng của họ là những diễn giải tiêu cực về Công Đồng Vatican II.”

Những người bảo vệ Đức Giáo Hoàng chỉ ra rằng, mặc dù phải đứng ở đầu sóng để hứng chịu những chỉ trích hiểm độc, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô không tìm cách khóa miệng những người bất đồng ý kiến với mình. Ngược lại, Ngài kêu mời những kẻ dèm pha đến nói trực tiếp với mình. Cụm từ được sử dụng là parrhesia, một từ Hy-lạp với hàm nghĩa “nói thẳng thắn”. Từ sau khi Đức Phan-xi-cô được bầu làm Giáo Hoàng, liên tiếp nổ ra những cuộc tranh cãi và bất đồng trong lòng Giáo Hội, liên quan đến cả việc từ nhiệm của vị Giáo Hoàng tiền nhiệm. Đức Phan-xi-cô là vị Giáo Hoàng không tìm kiếm an toàn theo cách ẩn mình trong văn phòng làm việc của Tòa Thánh, không tìm cách dập tắt những quan điểm bất đồng. Đây là vị Giáo Hoàng đặt quyền bính của mình trên nền tảng là sự trung thành với những giá trị của Tin Mừng, bao hàm cả việc khiêm nhường và dám nhìn nhận những lỗi sai của mình.

Trên chuyến bay từ Antananarivo trở về, Đức Giáo Hoàng đã nói các phóng viên: “Những lời phê bình luôn hữu ích. Tôi học được nhiều từ những lời phê bình. Mặc dù đôi lúc lời phê bình có thể làm bạn nổi nóng, nhưng thật sự những lời phê bình rất quý”. Đức Giáo Hoàng mời gọi những người bất đồng ý kiến với mình nên đưa ra những phê bình mang tính xây dựng, với tinh thần đối thoại, chứ đừng đâm từ “dưới gầm bàn”, cũng đừng phê bình hiểm độc. Đức Giáo Hoàng còn cho rằng: những người chỉ phê bình theo kiểu nói cho đã và bất cần lời phản hồi, cũng chẳng cần đối thoại, thì thật sự không ích gì. Đấy là phương pháp: ”không đặt lợi ích của Giáo Hội ở trung tâm, nhưng chỉ muốn theo đuổi ý tưởng cứng nhắc của mình: hoặc tôi sẽ thay đổi được Đức Giáo Hoàng, hoặc tôi sẽ ly khai!”

Quả thật, trong 6 năm triều Giáo Hoàng của Đức Phan-xi-cô, đã có vô số những chỉ trích theo kiểu bất cần đối thoại. Chẳng hạn trường hợp nhóm 4 vị Hồng Y cho xuất bản kiến nghị dubia, với 5 câu hỏi liên quan đến giáo huấn về gia đình mà Đức Giáo Hoàng đã diễn đạt trong Tông Thư Amoris Laetitia. Theo họ, giáo huấn này sẽ mở đường cho những người Công Giáo đã ly dị tái hôn thỉnh thoảng được phép rước lễ. Đứng đầu nhóm này là Hồng Y Raymond Burke, người đã lớn tiếng dọa sẽ chỉnh đốn Đức Giáo Hoàng. Trong một phỏng vấn truyền hình gần đây, vị Hồng Y này đã khơi màu cho cuộc tranh luận về tính hợp lệ của cuộc bầu cử mà trong đó Đức Phan-xi-cô được bầu làm Giáo Hoàng.

Trường hợp của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò cũng là một điển hình của việc thiếu cởi mở và đối thoại. Ngày 26 tháng 10 năm 2018, vị Tổng Giám Mục này đệ đơn kêu gọi Đức Phan-xo-cô từ chức, nhưng sau đó chính vị này lại từ chối mọi cuộc phỏng vấn và đối thoại. Trong một lá thư của mình, vị Tổng Giám Mục này đã tố Đức Giáo Hoàng tội xử lý sai trường hợp những cáo giác về lạm dụng tình dục chống lại Đức cựu Hồng Y Theodore McCarrick, vì đã đứng về phía những người bị lạm dụng. Lá thư này lập tức được hãng truyền thông Catholic Media xuất bản và phát tán. Hãng truyền thông này vốn nổi tiếng về sự ác cảm với Đức Phan-xi-cô, nhất là trong chuyến thăm viếng của Đức Phan-xi-cô tới Ai-len và cuộc gặp gỡ Ngài dành cho những người bị lạm dụng. Phải chăng đây là những điển hình mà Đức Giáo Hoàng gọi là “phê bình hiểm độc”?

Trong lịch sử Giáo Hội, cuộc rạn vỡ gần đây nhất, diễn ra ngay sau Công Đồng Vatican II, là cuộc ly khai của Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre, chống lại việc cải cách phụng vụ và việc phát triển học thuyết của Giáo Hội về tự do tôn giáo và các mối tương quan giữa Giáo Hội Công giáo và người Do-thái.

Không chắc là những người chống đối Đức Phan-xi-cô ở Mỹ sẽ có thể đường đường chính chính tách ra thành một Giáo Hội mới. Nhưng nguy cơ nằm ở chỗ quan điểm của họ đang dần trở thành một cuộc ly khai, chỉ còn thiếu trên danh nghĩa.

Mặc dù nói rằng Ngài cầu nguyện để không phải xảy cuộc ly khai nào, Đức Giáo Hoàng vẫn khẳng định rằng Ngài không sợ tình trạng ly khai, bởi nói cho cùng ly khai vẫn là một lựa chọn mà Thiên Chúa mở ngỏ cho tự do của con người. Đức Phan-xi-cô đặt niềm tin tưởng rằng “chính cộng đoàn dân Chúa mới là những người sẽ luôn chỉnh sửa và giúp đỡ, chính họ là những người sẽ giữ Giáo hội khỏi rơi vào tình trạng ly khai.” Có thể nghe âm vang nơi đây những lời của Đức Hồng Y John Henry Newman, người sẽ được phong thánh vào tháng 10 tới đây. Trong bài viết, “Bàn về việc tham khảo ý kiến người giáo dân trong những vấn đề liên quan đến đức tin” (On Consulting the Faithful in Matters of Doctrine”), tác giả Newman đã chỉ ra rằng: trong những cuộc tranh luận chống Arian vào thế kỷ thứ IV ”Truyền thống liên quan đến tín điều vô ngộ của Giáo Hội được loan truyền bởi các tín hữu còn hơn là bởi Giám mục đoàn”. Hồng Y Newman khẳng định: “Cộng đoàn tín hữu chính là chứng nhân của một dòng truyền thống chất chứa những giáo lý đã được mạc khải”, và rằng: “Chính cảm thức đức tin của người giáo dân trong suốt dòng lịch sử mới là cung giọng bất khả ngộ của Giáo Hội”.

Đối diện với những chống đối nổi lên từ trong lòng Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng đặt tin tưởng vào cảm thức đức tin của người giáo dân bình dân, sensus fidei. “Khi bạn thấy một người Ki-tô hữu “cứng nhắc”, là Giám mục hay Linh mục, nên biết rằng vấn đề nằm ở đâu đó phía sau họ, chứ không phải là Tin Mừng của Chúa có vấn đề.” Đức Phan-xi-cô hiểu rằng sự cay đắng của những kẻ chống đối mình bắt nguồn từ chính những vấn đề cá nhân của họ: “Bởi thế, chúng ta cần tử tế với những người rơi vào cám dỗ của việc cứ thích tấn công. Họ đang sống qua một giai đoạn khó khăn. Chúng ta cần đồng hành với họ cách tử tế”.

Đức Phan-xi-cô muốn khuyên những kẻ chỉ trích học cách diễn tả việc bất đồng ý kiến cách tích cực: tranh luận cách cởi mở và chân thành, biết cách sống với mâu thuẫn và bất đồng mà không cần phải xét nát cơ thể của Giáo Hội.

Giống như Thánh Phao-lô, Đức Phan-xi-cô gởi đi thông điệp khuyến cáo những kẻ chống đối mình: “Người ta nhiệt thành với anh em không phải vì mục đích tốt. Chỉ là họ muốn ly gián anh em và tôi.”

 

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Niềm hy vọng cũng dành cho bạn!

  Thứ Ba ngày 24/12/2024, sau khi mở Cửa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *