Đức Giêsu Kitô, Sự Hoàn Thành Kế Hoạch Yêu Thương Của Chúa Cha (2)

Chúa Giêsu vác thập giá

Trước sự ngạc nhiên không ngừng của những người đã từng cảm nghiệm tình yêu khôn tả của Thiên Chúa (x. Rm 8,26), Tân Ước dựa vào mạc khải đầy đủ về tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, được bày tỏ trong cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô, để cho chúng ta hiểu đâu là ý nghĩa cuối cùng của mầu nhiệm Chúa Con Nhập thể và sứ mạng của Người giữa muôn người. Thánh Phaolô viết: “Nếu Thiên Chúa đã bênh vực chúng ta, ai dám chống lại chúng ta? Thiên Chúa đã không tha chính Con mình mà đã trao nộp Người vì tất cả chúng ta, chẳng lẽ Thiên Chúa sẽ không trao cho chúng ta mọi sự cùng với Người Con ấy?” (Rm 8,31-32). Thánh Gioan cũng nói tương tự như thế: “Tình yêu cốt ở điều này, là không phải chúng ta yêu Thiên Chúa nhưng chính Ngài yêu thương chúng ta trước và đã gửi Con mình đến đền tội thay cho chúng ta” (1 Ga 4,10).

Dung mạo Thiên Chúa, dần dần được tỏ lộ trong lịch sử cứu độ, chiếu sáng trong tất cả đường nét của mình nơi dung mạo Đức Giêsu Kitô, Đấng đã bị đóng đinh và đã sống lại từ cõi chết. Thiên Chúa ấy là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần; thật sự riêng biệt và thật sự là một, vì Thiên Chúa là sự hiệp thông vô tận của yêu thương.
Tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho nhân loại được mạc khải trước tiên như một tình yêu xuất phát từ Cha “ từ đó mọi sự được khơi nguồn; rồi như một tình yêu được truyền thông tự do cho Con, và đến lượt mình, Con cũng hiến thân cho Cha và cho loài người; cuối cùng như một thành quả luôn mới mẻ của tình yêu Thiên Chúa mà Thánh Thần sẽ đổ vào lòng con người (x. Rm 5,5).

Bằng lời nói và việc làm, cũng như một cách trọn vẹn và dứt khoát, bằng cái chết và sự sống lại của mình30, Đức Giêsu đã mạc khải cho nhân loại thấy Thiên Chúa là Cha và tất cả chúng ta đều được mời gọi trở nên con cái Ngài trong Thánh Thần (x. Rm 8,15; Gl 4,6), và từ đó trở nên anh chị em với nhau. Chính vì lý do này mà Giáo Hội tin chắc rằng “bí quyết, trung tâm và mục tiêu của toàn bộ lịch sử nhân loại đều ở nơi Đức Giêsu Kitô, là Chúa và là Thầy của mình”[1].

Khi suy niệm về món quà tặng không rất dồi dào là Chúa Con mà Thiên Chúa Cha đã ban, một điều mà Đức Giêsu đã giảng dạy và đã làm chứng bằng cách xả thân vì chúng ta, tông đồ Gioan đã khám phá ra ý nghĩa sâu xa nhất và hiệu quả hợp lý nhất của món quà ấy. “Hỡi các con yêu dấu, nếu Thiên Chúa yêu chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ; nếu chúng ta yêu thương nhau, Thiên Chúa sẽ ở trong chúng ta và tình yêu của Ngài đã trở nên tuyệt hảo nơi chúng ta” (1 Ga 4,11-12). Sự trao đổi trong tình yêu là điều được yêu cầu trong lệnh truyền mà Đức Giêsu gọi là “điều răn mới” và cũng là “điều răn của Người”: “đó là anh em hãy yêu thương nhau; như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng phải yêu thương nhau” (Ga 13,34). Yêu thương nhau chính là cách để chúng ta sống đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi trong Giáo Hội, Nhiệm Thể của Đức Kitô, và là cách để chúng ta làm thay đổi lịch sử cho tới khi lịch sử ấy hoàn thành mỹ mãn trong Giêrusalem thiên quốc.

Điều răn yêu thương nhau, tượng trưng cho luật sống của dân Chúa [2], phải là nguồn cảm hứng, nguồn thanh lọc và nâng cao mọi quan hệ nhân loại trong xã hội và trong chính trị. “Làm người có nghĩa là được mời gọi hiệp thông giữa người với người” [3], vì được làm hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi và giống Thiên Chúa Ba Ngôi, đó chính là nền tảng cho toàn bộ “đạo đức học của con người”, đạo đức học này đạt tới cao điểm trong điều răn yêu thương” [4]. Hiện tượng lệ thuộc nhau về văn hoá, xã hội, kinh tế và chính trị trong thế giới hiện nay làm tăng cường và làm rõ hơn mối dây thống nhất gia đình nhân loại, một lần nữa lại làm nổi bật trong ánh sáng của mạc khải “một mô hình mới của sự hợp nhất nhân loại, mô hình này hẳn phải tạo cảm hứng cho chúng ta liên đới với nhau. Mô hình hợp nhất ấy, phản ánh sự sống thân mật của Thiên Chúa “ một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi, đó chính là điều mà các Kitô hữu muốn diễn tả khi nói tới “hiệp thông”[5].

(Công Lý và Hòa Bình, Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, (Bản dịch tiếng Việt của linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn và nhóm dịch thuật), số 30-33)

Cầu nguyện

Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.

Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
núi đồi có sập xuống biển sâu,

dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,
núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng,
ta cũng chẳng sợ gì.
(Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi,
Thiên Chúa nhà Gia-cóp là thành bảo vệ ta.)

Một dòng sông chảy ra bao nhánh
đem niềm vui cho thành của Chúa Trời:
đây chính là đền thánh Ðấng Tối Cao.

Thiên Chúa ngự giữa thành, thành không lay chuyển;
ngay từ rạng đông, Thiên Chúa thương trợ giúp. (Tv 46,2-6)

……………..

[1] CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 10: AAS 58 (1966), 1033
[2] x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, 9: AAS 57 (1965), 12-14.
[3] Gioan Phaolô II, Tông thư Mulieris Dignitatem, 7: AAS 80 (1988), 1666.
[4] Ibid., 7: AAS 80 (1988), 1665-1666.
[5] Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 40: AAS 80 (1988), 569.

(Ban Tông đồ Xã hội)

Kiểm tra tương tự

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu Chăm Sóc Con Người

Yêu thương ai đó, chúng ta sẽ biết cách chăm sóc người ấy với nhiều …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *