Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ (23.11.2014 – Chúa Nhật XXXIV Thường Niên, năm A)

 

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ VUA VŨ TRỤ
(Mt 25, 31-46)

Hôm nay là Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ : Chúa Nhật cuối cùng nhắc nhớ chúng ta thời điểm cuối cùng của mọi sự, của thời gian và cũng nhắc nhở thời điểm kết thúc cuộc đời chúng ta. Hướng về điểm tận cùng, Giáo Hội mời gọi chúng ta tôn vinh Đức Giê-su Ki-tô là Vua Vũ Trụ, và cũng là Vua của mỗi người chúng ta, của cuộc đời chúng ta nữa, đời này và đời sau.

Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa hãy lôi kéo chúng ta, để chúng ta trở thành « thần dân » của Người, để chúng ta thuộc về Người, thay vì là « thần dân » của những điều trong thế giới này, thuộc về những gì trong cuộc đời này, chẳng hạn tiền tài, danh vọng hay những điều hư ảo.

Chúng ta cũng hãy phó thác những người thân yêu quá cố của chúng ta nữa nơi tình thương bao dung của Đức Giê-su Ki-tô Vua, như thánh Phao-lô xác tín trong bài đọc II :

Như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết,
thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô,
cũng được Thiên Chúa cho sống.

(1Cr 15, 22)

  1. Vua Vũ Trụ và điểm kết thúc

Trong Thánh Lễ Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta tôn vinh Đức Giê-su Ki-tô, là Vua Vũ Trụ, nghĩa là “Đấng nắm vương quyền”, như thánh Phao-lô nói trong bài đọc II: “

Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết.

(1Cr 15, 25-26)

Như thế, Thánh Lễ hôm nay đem lại cho chúng ta một niềm hi vọng rất lớn. Thật vậy, một đàng thời điểm cuối cùng của Phụng vụ năm A, từ Mùa Vọng năm 2013 đến hết tuần lễ này, nhắc nhớ chúng ta rằng, mọi sự, dù là trời dù là đất, dù có bền vững, dù có mới mẻ, dù còn trẻ trung, tất cả sẽ đi đến điểm kết thúc, trong đó có thế giới chúng ta đang sống, nhất là chính cuộc đời của chúng ta. Dù chúng ta ở lứa tuổi nào, rồi một ngày kia, chúng ta cũng sẽ đi đến điểm kết thúc là sự chết, giống như những người quá cố được an táng ở các nghĩa trang hay được lưu tồn trong các nhà hài cốt, mà chúng ta đã viếng thăm trong tháng 11 này, và nhất là giống như những người mới qua đời đang còn ở giữa chúng ta, vẫn chưa được mai táng.

Nhưng đàng khác, chúng ta có niềm hi vọng là Đức Giê-su Ki-tô, bởi vì Người đã vượt qua điểm tận cùng của mọi sự, Người đã chiến thắng cái chết, là điểm tới của tất cả chúng ta, để trở thành Vua của chúng ta, cả ở đời này lẫn đời sau. Vậy, chúng ta đừng tôn ai làm Vua, đừng biến điều gì làm chủ, làm chúa, làm thần tượng, hay làm cùng đích của chúng ta, dù đó là tiền của, phương tiện, bằng cấp, thành công, danh vọng, tiếng tăm. Bởi vì, cùng với chúng ta, tất cả rồi sẽ qua đi. Người Do thái đã tôn Đa vít làm vua, nhưng vua Đa vít cũng đã chết (x. 2Sm 5, 1-3). Vì thế, người Do-thái và chúng ta hôm nay được mời gọi hãy tôn thờ một Vị Vua duy nhất, mà vua Đa-vít chỉ là hình bóng thôi, đó là Đức Ki-tô Vua Muôn Loài.

Như thế, khi chúng ta tôn vinh Đức Ki tô là Vua, chúng ta không chỉ tôn vinh Người là Vua Vũ Trụ, nhưng còn là và nhất là Vua của cuộc đời của chúng ta, và không chỉ là Vua của cuộc đời mai sau, sau cái chết, nhưng còn là Vua của cuộc đời chóng qua của chúng ta hôm nay. Điều này sẽ biến đổi cuộc đời chúng ta, làm cho chúng ta bình tâm với mọi sự, tương đối hóa mọi sự, đem lại hướng đi và niềm hi vọng cho chúng ta ngay hôm nay.

Và để tôn vinh và đón nhận Đức Giê-su Ki-tô là Vua của cuộc đời chúng ta, trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, Người mời gọi mỗi người chúng ta sống ơn gọi trở nên “con chiên”, thay vì tự biến mình “con dê”!

 

  1. “Mục tử tách chiên và dê”

Trong cuộc phán xét, lúc đầu mọi người tụ tập không phân biệt, nhưng ngay sau đó Con Người đến trong vinh quang và tách cả loài người ra làm hai nhóm. Ở đây, Đức Giêsu dùng hình ảnh để diễn tả như trong các dụ ngôn : Con Người hành động giống như người mục tử tách chiên ra khỏi dê, sau đó đặt chiên ở bên phải và dê ở bên trái của mình.

Hình ảnh này thật an ủi chúng ta, bởi vì chắc chắn chúng ta không phải là « dê », chẳng phải là dê con hay dê cụ gì cả. Loài người chúng tự bản chất là « chiên », và con chiên là biểu tượng của sự hiền lành, vì chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được tái sinh trong máu của Con Chiên tinh tuyền, được kêu gọi trở thành môn đệ của Ngài. Vậy cái lũ dê kia ở đâu mà ra vậy ? Thế nào là chiên, thế nào là dê ? Đâu là đặc điểm của chiên và đâu là đặc điểm của dê ?

Đức Vua gọi những người ở bên phải là những người được chúc phúc của Chúa Cha ; họ được mời đến đón nhận Nước Trời, đã được chuẩn bị cho họ từ thủa tạo thiên lập địa. Những lời này làm chúng ta nhớ lại lời của thánh Phaolô : « Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thương của Người » (Eph 1, 4). Họ được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, và sống theo ơn gọi thần linh của mình, đó là thông truyền, là chia sẻ, là động lòng, là cảm thông.

Đức Vua gọi những người ở bên trái là « những kẻ bị nguyền rủa » ; họ bị đuổi xa khỏi Đức Vua, để vào nơi lửa cháy muôn đời vốn đã được chuẩn bị cho ma quỉ và các thần loại của nó. Điều lạ lùng là, Đức Vua đã không kể ra những hành vi phạm tội ghê gớm mà luật cấm : ghét anh em, trộm cắp, nói dối, lừa gạt, thề gian, bóc lột, cướp của, gian dâm, giết người. Nhưng lại kể ra những việc những người này đã không làm!

Như thế, vấn đề không phải là những hành vi ghê ghớm đã phạm, bởi vì Đức Vua không lấy sổ ra đọc to lên mọi tội lỗi của chúng ta ; Ngài cũng không xét xử từng người một ; Ngài chỉ nêu ra thái độ thờ ơ, dửng dưng đối với anh chị em đồng loại của cả một nhóm người đứng bên trái; nghĩa là những gì chúng ta đáng lẽ phải làm, không phải vì luật buộc, nhưng vì lòng mến, nhưng chúng ta đã không làm. Đức Vua không quan tâm đến những hành vi sai trái mà lề luật đạo đời nghiêm cấm, nhưng Ngài xét xử năng động sống với người khác ở nơi sâu thẳm của mỗi người. Có thể nói, những người đứng bên trái là những người đã sống theo năng động của ma quỉ và các thần của nó, đó là qui về mình, là không san sẻ, là cứng lòng, là vô cảm. Họ sẽ về sống với ma quỉ, xét cho cùng họ không cần phải bị xét xử và bị dẫn đi đến đó, bởi vì họ lựa chọn đi đến đó. Họ sinh ra là « chiên », nhưng họ tự biến mình thành « dê ».

 

  1. “Những anh em bé nhỏ nhất của Ta”

Khi công bố lí do của lời phán quyết, Đức Vua nói chính mình đã đói, đã khát, đã là khách lạ, là người không có cái khố che thân, là tù nhân. Và Ngài không nói theo nghĩa bóng hay nghĩa liên đới, vì Ngài đã thực sự là con người đáng thương này ; hay đúng hơn, tất cả những con người đáng thương trong nhân loại mọi thời, mà Ngài gọi là những người bé nhỏ nhất và là “anh em của Ngài”, đều hội tụ nơi ngôi vị của Ngài, nhất là trong cuộc Thương Khó.

Vậy là còn có « những anh chị em bé nhỏ nhất » của Chúa nữa. Họ đâu rồi ? Họ là anh chị em của Đức Kitô, họ thuộc về Đức Kitô, vì thế họ không bị xét xử. Đơn giản là vì Đức Kitô, không thể xét xử người thân của mình được.

Vì thế, lời mời gọi tận cùng của Lời Chúa hôm nay, là chúng ta hãy trở nên người thân của Đức Kitô, trở nên anh chị em của Đức Kitô ; điều này có nghĩa là trở nên nhỏ bé như chính Đức Kitô đã trở nên nhỏ bé trong thế giới loài người. Như thế, chúng ta sẽ không bị đưa ra xét xử, như thánh Phaolô nói :

Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Kitô,
thì không còn bị lên án nữa »

(Rm 8, 1)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 21-01-2025

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 21/1/2025 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Dưới ánh nhìn của …

Mến Yêu Hằng Ngày, 21-01-2025

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 3, 21-01-2025 (Mc 2, 23-28) Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *