Đức Phanxicô nói: Giáo hoàng là “một người bình thường” chứ không phải là siêu nhân

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Corriere della Sera của Ý, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng ngài là một người bình thường chứ không phải siêu nhân. Ngài cũng đề cập đến chủ đề gia đình, lạm dụng tình dục trẻ em, các chuyến tông du, quan hệ với Giáo hội Chính thống, Trung Hoa và cách thức ngài quản trị Giáo hội.

Pope Francis, at Vatican

“Giáo hoàng là người biết cười, biết khóc, biết đánh một giấc ngủ ngon và có bạn bè như bao người khác. Ngài là một con người bình thường,” Đức Phanxicô đã nói như thế trong 1 cuộc phỏng vấn với Tổng Biên tập Ferruccio de Bortoli của tờ Corriere della Sera, nhật báo hàng đầu của Ý.  

“Tôi thích ở giữa mọi người, ở với những ai đang gặp đau khổ, đi thăm các xứ đạo”, ngài tuyên bố. Nhưng ngài phủ nhận việc ngài đi ra ngoài vào ban tối để phân phát thức ăn gần thành Vatican. Tuy nhiên ngài minh định rằng ngài không thích được mô tả như một siêu nhân hay ngôi sao: “Sigmund Freud đã nói rằng trong sự lý tưởng hóa nào cũng có sự gây hấn. Xem Giáo hoàng như một kiểu siêu nhân hay ngôi sao hình như xúc phạm đến tôi đó.” 

Trong cuộc phỏng vấn được đồng xuất bản tại La Nacion, đối tác bên Argentina của nhật báo Ý này, vị Giáo hoàng Dòng Tên đã đề cập đến một loạt chủ đề về gia đình, phụ nữ, Giáo hội Chính thống, quan hệ với Trung Quốc và toàn cầu hóa. Khía cạnh nhân bản nơi con người Đức Phanxicô một lần nữa lại nổi bật lên khi ngài ao ước tìm thấy những phương thế mới cho Giáo hội để thể hiện tình yêu Thiên Chúa cho con người và loan báo Tin mừng cho muôn dân nước.

“Tôi muốn thăm em gái đang bị bệnh; cô ấy là em út. Tôi muốn gặp em gái nhưng điều này không thể biện minh cho một cuộc viếng thăm Argentina. Tôi đã gọi điện cho em và thế là đủ rồi,” ĐGH nói. Nhưng ngài khẳng định rằng ngài không có kế hoạch thăm Argentina cho đến năm 2016 bởi vì ngài đã ở Mỹ Latinh dịp Ngày Quốc tế Giới trẻ Thế giới ở Rio rồi. “Bây giờ tôi phải đến Thánh Địa, Châu Á và Châu Phi,” ngài tuyên bố.

Khi được hỏi rằng liệu chuyến viếng thăm Thánh Địa vào tháng 5 có thể dẫn đến một thỏa thuận về đại kết với Giáo hội Chính thống, Đức Phanxicô trả lời rằng, “Con đường dẫn đến hiệp nhất với Giáo hội Chính thống có ý nghĩa trên hết là phải đồng hành và làm việc với nhau.” Thần học Chính thống “rất phong phú”, họ có “những thần học tầm cỡ” và “tầm nhìn về Giáo hội và thể thức công nghị của họ rất tuyệt vời.” ĐGH nói.

Đức Phanxicô cũng bày tỏ ước vọng phát triển mối quan hệ bằng hữu với Trung Quốc: “Chúng tôi gần gũi với Trung Quốc. Tôi đã gửi 1 bức thư đến Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông được bầu sau tôi ba ngày. Và ông ấy đã hồi âm. Mối quan hệ đang có. Họ là một dân tộc vĩ đại. Tôi yêu mến họ.” 

Ngài tái khẳng định rằng ngài không bận tâm khi một số người ở Mỹ và nơi khác tố cáo ngài theo chủ nghĩa Marx: “Tôi chưa bao giờ chia sẻ ý thức hệ Marxist vì nó không đúng nhưng tôi biết nhiều người can đảm đi theo chủ nghĩa Marx.” 

Đề cập đến mối tương quan với Đức Bênêđictô XVI, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói ngài xem Đức Bênêđictô XVI như một người ông đầy khôn ngoan thỉnh thoảng cho ngài những lời khuyên. Ngài nhớ rằng trước Công đồng Vatican II ý tưởng về một vị giám mục danh dự không hề tồn tại nhưng bây giờ, ngài lưu ý, chúng ta lại có một Giáo hoàng danh dự. “Đức Bênêđictô là người đầu tiên và có lẽ sẽ có những vị khác nữa. Chúng ta không biết.” Ngài cũng nói thêm rằng không loại trừ khả năng ngài cũng làm như thế.

Khi được hỏi liệu ngài có cô đơn trong cách ngài quản trị, Đức Phanxicô nói: “Giáo hoàng không cô đơn khi làm việc vì có nhiều người đồng hành và tư vấn cho ngài. Ngài sẽ là một người cô độc nếu ngài quyết định mà chẳng thèm lắng nghe hay chỉ giả vờ nghe”, nhưng sau đó khi thời khắc quyết định đến “ngài chỉ còn lại một mình với ý thức trách nhiệm”.

Sau khi được bầu, “Tôi bắt đầu quản trị bằng cách cố gắng đưa những điều mà các hồng y đã bàn luận trong công nghị (trước khi bắt đầu mật viện) vào thực tế” và “tôi chờ đợi Chúa linh hứng để hành động.” 

Ngài tái khẳng định rằng lòng nhân từ và thương xót là bản chất của Tin mừng: “Nó là trung tâm của Tin mừng. Nếu không như thế người ta không hiểu Đức Giêsu Kitô, lòng nhân từ của Chúa Cha, Đấng đã sai ngài đến để lắng nghe chúng ta, chữa lành chúng ta và cứu độ chúng ta.” 

Đề cập đến những vụ lạm dụng tình dục trẻ em khủng khiếp của một số linh mục, Đức Phanxicô nói “các trường hợp lạm dụng thật là khủng khiếp vì chúng để lại những vết thương sâu hoắm.” Đức Bênêđictô XVI “đã rất can đảm và đã mở đường và Giáo hội đã làm khá nhiều trên con đường này. Có lẽ hơn bất cứ tổ chức nào khác.” Ngài lưu ý rằng các thống kê không chỉ cho thấy tình trạng bạo lực khủng khiếng đối với trẻ em mà còn cho thấy phần lớn sự lạm dụng xảy ra trong gia đình và những môi trường thân cận với trẻ em. Giáo hội là thể chế công cộng duy nhất đã hành động “với tinh thần trách nhiệm và minh bạch.” Không có thể chế nào làm nhiều hơn như thế, nhưng “Giáo hội lại là thể chế duy nhất bị tấn công.”

Chỉnh Trần, S.J.

Chuyển ngữ từ Vatican Insider

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Niềm hy vọng cũng dành cho bạn!

  Thứ Ba ngày 24/12/2024, sau khi mở Cửa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *