Đức Tin và Giới Trẻ (7)

jesus_cares_a_lotChúng tôi xin ghi nhận cuộc đối thoại giữa một bạn sinh viên Công Giáo nhóm Nông Lâm và cha Antôn Nguyễn Cao Siêu như sau:

  1. Chẳng có Thiên Chúa?

Bạn sinh viên hỏi:

Trong cuộc sống, có nhiều người cùng trải qua những biến cố gần như là giống nhau, vui có, buồn có, may mắn có, bất hạnh có; nhưng dưới góc nhìn của mỗi người, họ lại nói về những biến cố đó khác nhau. Cụ thể, một người có đạo, may mắn thoát chết trong một tai nạn giao thông hay vượt qua một khó khăn nào đó trong cuộc sống, thì nói là Chúa đã gìn giữ hay ban ơn cho họ để họ vượt qua những biến cố đó một cách bình an; nhưng với một người tin vào Đức Phật thì lại cho đó là nhờ được Đức Phật phù hộ độ trì; rồi một người không có niềm tin tôn giáo nào thì lại cho là do họ may mắn hay là nhờ vào khả năng của chính mình.

Vậy thì câu hỏi đặt ra là tại sao lại như thế, phải chăng trong cuộc sống này điều lành và điềụ dữ, may mắn và xui xẻo tồn tại như là hai mặt song song của một vấn đề, như là một quy luật định sẵn trong đất trời và người này gặp sự lành thì kẻ kia gặp sự dữ, lúc này ta may mắn thì lúc khác sẽ xui xẻo chứ không hề có một Đấng nào cả, chả có Thiên Chúa nào, cũng chẳng có Đức Phật nào, những điều đó chỉ xảy ra theo lẽ tự nhiên, nhưng mỗi người lại gán niềm tin của mình vào đó và cho đó là do Chúa, là nhờ Phật.

Cha chia sẻ:

Quy luật này do ai định sẵn? Lẽ tự nhiên là do đâu? Hay chẳng ai định sẵn cả, tự nhiên là tự nhiên thôi! Có ai trong chúng ta chấp nhận cái “quy luật định sẵn trong trời đất” hay cái “lẽ tự nhiên” này không? Có ai trong chúng ta lại chịu để cho cuộc đời của mình chịu chi phối một cách cưỡng bức bởi thứ “luật và lẽ” này không? Dĩ nhiên là không rồi! Từ việc khẳng định cỗ quy luật này, người ta bảo là không có Thiên Chúa. Có vội vã quá không?

  1. Nguồn gốc tôn giáo?

Bạn sinh viên hỏi:

Nguồn gốc của tôn giáo cũng chẳng phải từ việc con người bất lực trước khó khăn, không tự mình giải quyết được rồi mới nghĩ đến chuyện có thần linh và thờ thần linh để được giúp đỡ sao?

Cha chia sẻ:

Ý tưởng này quá xưa rồi! Tôn giáo đâu có bắt nguồn từ sự bất lực của con người trước khó khăn mà mình không tự giải quyết được. Tại sao không giải quyết được, lại nặn ra thần linh, sao không nặn ra cái gì khác? Làm sao thần linh do con người bất lực nặn ra, lại có thể có khả năng giúp con người giải quyết vấn đề của mình? Thần linh là sản phẩm của con người lại đi giúp ngược lại cho chủ của nó! Có tin được chuyện này không?

  1. Căn cứ của đức tin?

Bạn sinh viên hỏi:

Vậy căn cứ vào đâu tôi chắc chắn rằng có Thiên Chúa trong khi không có một bằng chứng rõ ràng. Đồng ý là đã nói là đức tin thì không phải rõ ràng như 1+1=2 vì nếu quá rõ ràng thì còn gì là tin, nhưng cũng không thể tin cách mù quáng, tin mà chả hiểu gì về điều mình tin, về Đấng mình tin vì đức tin như thế khó mà bền vững và tăng tiến được.

Cha chia sẻ:

Đồng ý là không có “bằng chứng rõ ràng” về sự hiện diện của Thiên Chứa, nhưng chúng ta vẫn tin vào nhiều điều mà không có bằng chứng rõ ràng, thí dụ, có ai có bằng chứng về bà cố cố cố cố nội của mình không. Nhưng có ai dám nói là mình không hề có một người bà như thế ở trên đời này, chỉ vì không có bằng chứng. Khi ta thấy dấu chân trên cát, ta biết chắc có người đi qua, dù người đó ta chẳng hề gặp. Nếu có ai hỏi bằng chứng đâu mà dám quả quyết là có người đi qua, chúng ta sẽ chỉ vào dấu chân trên cát. Khi ấy, có ai dám nói là ta đã tin mù quáng không? Dấu chân trên cát có được coi là một bằng chứng không, hay dù một dấu chỉ cũng đủ? Những người tin Thiên Chúa hiện hữu đã nhận ra những dấu chân của Thiên Chúa để lại trong vũ trụ này. Bạn có quyền không tin, nhưng bạn không được coi những người tin là mù quáng.

  1. Kinh Thánh có đáng tin?

Bạn sinh viên hỏi:

Nếu nói Kinh Thánh là bằng chứng và Hội Thánh là nhân chứng, thì đặt vấn đề ngược lại: làm sao tôi xác định được Kinh Thánh là hoàn toàn chân thực, Kinh Thánh là do con người viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần hay đơn thuần chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng, bịa đặt dựa trên một cơ sở nào đó.

Cha chia sẻ:

Có nhiều vấn đề ở đây. Thế nào là “hoàn toàn chân thực”? Chân thực ở đây có vẻ ngược với “sản phẩm của trí tưởng tượng”, nghĩa là hư cấu. Có một câu hỏi: người ta bịa ra những chuyện hư cấu như thế để làm gì, với mục đích gì ?

  1. Các Tông Đồ có đáng tin?

Bạn sinh viên hỏi:

Đức tin của Giáo hội Công Giáo dựa trên truyền thống đức tin của các Thánh Tông đồ nhưng làm sao ta biết được Đức Tin của các Thánh tông đồ là chân thực. Trong Kinh Thánh Mt (28, 11-15) kể về các thượng tế lừa đảo nói rằng họ đã cho lính một số tiền lớn để loan tin giả rằng “Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác” để lừa dân chúng rằng: Đức Giêsu không hề phục sinh. Vậy thì cũng có thể đặt vấn đề ngược lại, nếu thế thì cũng có khả năng chính các tông đồ đã nghĩ ra chuyện Chúa Giêsu Phục Sinh và vẽ ra mọi thứ rồi viết vào Kinh Thánh thì sao, đâu có ai kiểm chứng được chuyện đó, nếu có chỉ có thể kiểm chứng việc có một nhân vật tên là Giêsu vào thời đó hay không thôi chứ chuyện Chúa Giêsu Phục Sinh thì làm sao có thể kiểm chứng.

Cha chia sẻ:

Dĩ nhiên không ai chụp hình được cảnh Chúa Giêsu phục sinh. Vậy làm sao kiểm chứng được chuyện Chúa phục sinh? LỠ các tông đồ bịa ra thì sao? Có nhiều lý do cho thấy đây không phải là chuyện bịa:

+ Cả bốn sách Phúc âm đều kể lại chuyện các môn đệ không tin Chúa phục sinh (Mt 28,17; Mc 16,9-14; Lc 24,11.25.36-43; Ga 20,24-29). Làm sao họ lại bịa ra một chuyện mà họ không tin?

+ Các tông đồ đã chịu khổ, chịu chết chỉ vì đã rao giảng Thầy Giêsu đã phục sinh (Cv 5,40-41; 25,19). Tại sao họ lại chịu chết vì chính điều mình bịa đặt? Họ được lợi gì khi bịa đặt chuyện Thầy mình phục sinh?

+ Nếu Đức Giêsu chết và chết luôn thì không thể nào có Kitô giáo, bởi lẽ bao nhiêu người lập nên một môn phái, sau khi họ chết, phong trào cũng tiêu luôn (x. Cv 5,35-37). Tại sao “phong trào” của Giêsu, một tử tội bị đóng đinh, lại tồn tại và phát triển đến nay? Mà phong trào này lại do mấy ông ngư phủ ít học vùng Galilê đứng đầu. Một chuyện bịa đặt thế nào cũng có lúc lộ ra. Hiện nay có 2,2 tỷ Kitô hữu tin Chúa Giêsu phục sinh (31,5% dân số thế giới), phải chăng họ đang ngu dốt tin vào một chuyện bịa?

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin cho những bạn trẻ như con được lớn lên và vững mạnh trong đức tin và đức mến, để khi tiếp xúc với rất nhiều kiến thức khoa học, xã hội và những luồng tư tưởng, học thuyết cũng như tôn giáo khác nhau, và dù có học gì đi chăng nữa, có biết đến tôn giáo nào, tư tưởng hay học thuyết nào chăng nữa, con vẫn vững tin vào Thiên Chúa mà ông bà, cha mẹ và chính bản thân con vẫn tin, và nhờ đó, có thể nói về Chúa cho người khác một cách hoàn toàn tin tưởng và chắc chắn. Xin Chúa Giêsu Phục Sinh luôn đồng hành và nâng đỡ con, vì con nhận thấy khi Chúa Lên Trời cũng chính là lúc Người hiện diện thâm sâu trong cung lòng con, trong cuộc đời con.

Biên tập: Tứ Quyết, SJ

Kiểm tra tương tự

Làm gì cũng được, miễn là làm cùng nhau

Nhóm SVCG Lạc Hồng chính thức sinh hoạt và có những định hướng ban đầu …

Thánh lễ khởi đầu sứ vụ Giám Tỉnh của Cha Giuse Phạm Tuấn Nghĩa, S.J.

Sau khi được cha Bề Trên Cả Dòng Tên Arturo Sosa, S.J. bổ nhiệm làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *