Đường lối con tim: Bước 2. Trái tim con người – thao thức và an nghỉ

 

  1. Trích dẫn Lời Chúa

“Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,

ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.

Linh hồn con đã khát khao Ngài,

tấm thân này mòn mỏi đợi trông,

như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.” (Tv 63, 2)

“Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa,

 muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con.

Dám xin Ngài lắng tai để ý. Nghe lời con tha thiết nguyện cầu.” (Tv 130, 2)

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,3)

“Hỡi người em yêu dấu, chàng ẩn nơi nao bỏ mặc em rên rỉ?” (Thánh Gioan Thánh Giá, Ca Khúc Tâm Linh)

“Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con cho Chúa, và lòng con những khắc khoải cho đến khi được nghỉ an trong Chúa. (Thánh Augustine, Tự Thuật)

 

  1. Suy niệm

 

Chúng ta khát khao hạnh phúc và tìm kiếm hạnh phúc ấy theo đủ mọi cách. Chúa đã ban cho ta khả năng yêu thương và sống khoan dung. Nhưng rất nhiều lần ta cảm thấy mình khốn khổ và lạc lối, cảm thấy nặng nề bởi những thất vọng và những ước muốn thầm kín. Hay nhiều khi ta cũng cảm thấy như ta chẳng thể nào giải quyết được những vấn nạn của bản thân, cũng chẳng thể tìm được sự bình an trong tâm hồn.

Một con đường của đức tin, sống và cầu nguyện được chỉ ra ở đây cho những ai tìm kiếm, cho những ai có khát khao tâm linh và cho tất cả những ai ước muốn lãnh nhận Chúa Giê-su trong lòng của mình. Đó là con đường của sự khiêm tốn, nơi mà con tim yếu đuối của ta không phải là sự cản trở nhưng lại là một vốn quý cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, Đấng gần gũi những ai khốn khó.

 

  1. Suy sâu hơn

Mọi người đều khao khát yêu và được yêu, tuy vậy, con nhận ra rằng rất nhiều khi, điều này thật khó khăn và tràn đầy những cảm xúc hỗn loạn. Thánh Phao-lô nói với cộng đoàn Ki-tô hữu tại Rôma, “Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 7,18-19) Chúng con đều đã kinh nghiệm điều này. Mặc cho khao khát yêu thương, hòa hợp với anh chị em của con, mặc cho khao khát sống tốt và hạnh phúc của con, đã bao lần con thường xuyên đẩy chính mình xuống một lối mòn làm tổn thương người khác và hủy hoại chính mình? Liệu có bao nhiêu cử chỉ, lời nói, suy nghĩ – thay vì dẫn đưa con đến sự sống – lại dẫn con đến con đường của sự chết? Sự khước từ tình yêu có thể thật mãnh liệt, trong lòng ích kỷ, sự kiêu căng, lòng hận thù, coi thường người khác, nó có thể làm con khép lòng lại về chính mình, và chia rời con khỏi anh chị em và Thiên Chúa; và việc tự cô lập bản thân này dẫn đến sự chết… Sách Đệ Nhị Luật nói: “Hôm nay, tôi lấy trời đất làm chứng cáo tội anh (em): tôi đã đưa ra cho anh (em) chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Anh (em) hãy chọn sống để anh (em) và dòng dõi anh (em) được sống, nghĩa là hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), nghe tiếng Người và gắn bó với Người.” (30, 19-20) Lựa chọn Chúa Ki-tô nghĩa là lựa chọn sự sống.

Thiên Chúa không chấp tội chúng con, nhưng nhìn vào trái tim của chúng con. Ngài nhìn vào tình yêu của con, khát khao của con được trở về với Ngài, như Chúa Giêsu nói trong dụ ngôn Người Con Hoang Đàng (Lc 15). Chúa Giêsu chú trọng về đức tin hơn là chu toàn lề luật: “Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: ‘Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.’” (Mt 9,13)

 

Đây chính xác là những điều thánh Isaac người Syria (hay thánh Isaac thành Nineveh) nói trong thế kỷ thứ VII: “Liệu Chúa có thể tha thứ cho tôi bởi những điều làm tôi đau đớn, và khiến ký ức tôi dằn vặt chính mình?… Đừng nghi ngờ sự cứu rỗi của bạn… Lòng thương xót của Ngài rộng hơn những gì bạn có thể tưởng tượng, ân sủng của Ngài, vĩ đại hơn những gì bạn dám cầu xin. Thiên Chúa luôn tìm kiếm sự thống hối, cho dù ở mức tối thiểu, ở người mà Ngài đã cho phép lấy mất một chút công minh của Ngài cho cuộc đấu tranh chống lại các đam mê và dục vọng” (Bài giảng, 40). Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã khẳng định lại bằng chia sẻ này: “Ơn tha thứ mà Thiên Chúa dành cho chúng ta thì vô hạn. Trong sự chết và trong sự phục sinh của Chúa Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa làm cho Tình Yêu của Ngài trở nên rõ rệt, chính Tình Yêu ấy sẽ xóa bỏ mọi tội lỗi của con người. Việc giao hòa với Thiên Chúa sẽ trở nên có thể nhờ vào mầu nhiệm Vượt Qua và nhờ vào sự trung gian của Giáo hội. Thiên Chúa luôn luôn tỏ ra sẵn sàng trong việc tha thứ, và Ngài sẽ không bao giờ trở nên mỏi mệt trong việc không ngừng tái giới thiệu ơn tha thứ đó, trong những cách thức ngoài sự mong đợi.” (Tông sắc Dung Nhan Lòng Thương Xót, câu 22)

 

  1. Thực hành. Ánh Sáng và Xin Tha Thứ

Trong ánh sáng của Tình Yêu Chúa, con nhìn mọi sự làm cho con đóng mình lại, làm cho con u buồn, trói buộc con và chia rẽ trong con; mọi sự đó đi ngược với tình yêu. Vấn đề không phải là việc nhìn vào tội lỗi, hay chỉ trích chính mình, nhưng điều cần thiết là nhìn rõ hơn, quan sát đơn sơ mà không phán xét về phần mình, điều gì dẫn tôi vào dịp tội, tội lỗi của tôi, nhìn rõ ràng về nơi mà cuộc chiến tâm linh diễn ra. Đây chính là nơi Thiên Chúa mời gọi tôi tiến tới, để Ngài ban sự sống dồi dào cho tôi. Tội tách tôi ra khỏi Thiên Chúa, là nguồn của sự sống. Tôi cầu xin Ngài ơn tha thứ và nhận lấy lòng thương xót của Ngài.

CHÚA là Ðấng nhân từ chính trực,
Thiên Chúa chúng ta một dạ xót thương,

hằng gìn giữ những ai bé mọn,
tôi yếu đuối, Người đã cứu tôi.

Hồn tôi hỡi, thôi bình tĩnh lại,
vì trên ngươi, CHÚA đã xuống ơn lành;

Chúa cứu gỡ mạng tôi khỏi chết,
giữ mắt này chẳng còn đẫm lệ,
ngăn ngừa tôi khỏi phải hụt chân.

Tôi sẽ bước đi trước mặt Người
trong cõi đất dành cho kẻ sống.

(Tv 116, 5-9)

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 28-03-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY28/03/2024​ CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​​ Chứng tá bằng …

Thập giá ngất cao

Bạn thân mến, Chúng ta đã bước vào Tuần Thánh, cũng là cao điểm của …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *