Elenchus – Bước Khởi Đầu Của Tri Thức

I.   Dẫn nhập
“Một cuộc sống mà không được tra vấn thì không đáng sống.”[1] Hẳn đây là một lời mời gọi, một lời khích lệ cho con người trong mọi thời đại, đặc biệt là đối với con người thời đại hôm nay với không ít những kiểu lối sống thử, sống vội. Hơn hai mươi ba thế kỷ trước, lời mời gọi ấy đã được vang lên từ môi miệng và từ chính cuộc đời của một con người, một triết gia – Socrates – người thành Athens. Thế nhưng chúng ta biết rằng, sẽ là không dễ để có thể làm cho người khác biết rằng họ cần ý thức về cuộc sống, về những giá trị sống của họ. Socrates đã dùng một cách thức mà các triết gia sau này gọi là “Elenchus – Phương pháp Socrates” để làm điều đó. Tuy nhiên, những gì chúng ta biết được về Socrates và phương pháp hành triết của ông lại không từ bất kỳ một tảng văn nào của chính Socrates nhưng là từ những người khác như Aristophanes, Xenophon hay Plato… Vì thế, trong giới hạn của bài viết này, chúng ta chỉ cùng tìm hiểu về Elenchus trong cách thức nó được Socrates sử dụng nơi các Đối thoại đầu của Plato, đặc biệt trong Euthyphro. Qua đó, chúng ta cùng xem xét cách tổng quan về phương pháp; cách thức sử dụng; và những ích lợi cũng như những giới hạn của phương pháp này.
II.  Tổng quan về Elenchus

  1. Elenchus là gì?

Elenchus hay còn gọi là “Phương pháp Socrates(Method of Elenchus/ Socratic method), là một hình thức thẩm vấn và thảo luận giữa những cá nhân với những quan điểm trái ngược nhau. Nó được đặt nền trên những câu hỏi và trả lời để kích thích suy tư có phê phán và soi sáng ý tưởng. Nó là một phương pháp đối thoại (dialectical method), thường bao gồm những thảo luận có tính đối kháng mà ở đó việc bảo vệ một quan điểm được đưa ra để chống lại quan điểm khác; một người đối thoại có thể dẫn người còn lại đi đến chỗ đối nghịch với quan điểm trước đây của người đó[2].   Elenchus được gắn liền với danh xưng Socrates không phải bởi ông đã sáng chế ra nó nhưng bởi ông đã áp dụng và phát triển nó thành một công cụ hữu hiệu và dùng nó làm phương pháp hành triết của mình. Dường như người đầu tiên sử dụng Elenchus một cách có hệ thống là Protagoras như Diogenes Laertius đã viết[3]; hoặc có thể là Zeno, môn đệ của Parmenides, theo nhận định của Bertrand Russell[4]. Tuy nhiên, phương pháp này đã được Socrates áp dụng và phát triển, đặc biệt trong các vấn đề đạo đức. Điều đó được nhìn nhận trong các tác phẩm, đặc biệt trong các Đối thoại đầu của Plato. Ở đó, Elenchus là kỹ thuật mà Socrates sử dụng nhằm tỏ lộ cho người khác nhận ra sự vô tri của họ, từ đó dẫn tới khao khát và tìm kiếm tri thức[5]. Socrates tin rằng “cách đảm bảo nhất để đạt được tri thức là qua thực hành đối thoại có phương pháp”[6]. Thế nhưng, đối với Socrates, tri thức chính là đức hạnh[7]. Như thế, công cuộc tìm kiếm tri thức chính là nỗ lực tra vấn chính bản thân để biết làm thế nào sống tốt hơn, sống đức hạnh hơn, và trở nên người hơn. Tuy nhiên, hẳn không phải ngẫu nhiên mà Socrates lại chọn Elenchus cho cuộc đời hành triết của mình. Chắc chắn ông phải có những cơ sở cho chọn lựa của mình.

  1. Nền tảng cho việc áp dụng Elenchus

Nếu như những nhà Biện luận (Sophist) chọn cách thức đi lang thang giảng dạy triết lý; hay sau này Plato, Aristotle mở trường nhằm giáo hóa con người thì Socrates sử dụng phương pháp Elenchus để hành triết. Sở dĩ Socrates đã chọn Elenchus là vì ông cho rằng, “nền tảng xây dựng căn nhà tri thức ở trong con người là linh hồn (psyche). Nó không là khả năng cụ thể, cũng không là thực thể đặc biệt nào nhưng là khả năng của sự thông minh và tính khí, nó có ý thức của một con người (…). Cũng bởi nhờ linh hồn mà người ta có khả năng biết và phát hiện những mâu thuẫn ẩn tàng”[8]. Mặt khác, với Socrates, “kiến thức không là khối mệnh đề hay công thức đã được thành khuôn” nhưng “kiến thức và chân lý cần được từng cá nhân tự mình sản sinh ra.” Hơn nữa, “dường như ông thừa nhận rằng mọi người đều được phú bẩm lòng khao khát điều thiện”. Chính vì thế, qua Elenchus, Socrates chỉ đóng vai trò là người khơi dậy những khả năng tiềm ẩn nơi mỗi người[9].

III.  Sử dụng Elenchus như thế nào?

  1. Quy tắc chung trong áp dụng Elenchus

Hướng đi chính yếu trong việc sử dụng phương pháp Elenchus là dùng hệ thống những câu hỏi có tính logic để chỉ ra sự vô tri của con người xét ở hai khía cạnh. Thứ nhất nó cho thấy sự mâu thuẫn trong những phát biểu của người đối thoại về niềm tin của họ. Ở phương diện này, khởi đầu người đóng vai trò tra vấn sẽ đưa ra một đề nghị để người đối thoại phát biểu về một vấn đề (thường là định nghĩa một vấn đề liên quan đến đạo đức (moral)). Khởi đi từ câu trả lời là điều được rút ra từ chính niềm tin của người đối thoại, người tra vấn sẽ tiếp tục đặt những câu hỏi để đi đến việc chỉ ra những hệ luận logic. Từ đó, những mâu thuẫn giữa những phát biểu của họ so với những niềm tin thông thường mà họ công nhận được làm sáng tỏ. Vì vậy, những định nghĩa đã được nêu sẽ bị bác bỏ. Khía cạnh thứ hai được phương pháp này chỉ ra là sự vô tri được hiểu theo nghĩa những định nghĩa được đưa ra sẽ thiếu thỏa đáng so với bản chất của vấn đề. Ở đây, những tra vấn logic được dùng để chỉ ra hoặc những định nghĩa là quá hẹp hoặc là quá rộng so với điều đang được thảo luận. Nghĩa là, khởi đi từ một định nghĩa về một vấn đề nào đó, người tra vấn sẽ sử dụng những suy luận logic để đưa ra những câu hỏi và cho thấy rằng hoặc là định nghĩa ấy quá rộng – bao hàm được điều cần nói nhưng lại cũng bao hàm cả những vấn đề khác không phải điều cần nói; hoặc là định nghĩa ấy quá hẹp – loại trừ được những điều khác nhưng lại không bao hàm hết những gì cần nói. Để có thể hiểu hơn về cách thức sử dụng Elenchus, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một tác phẩm được xem như tiêu biểu cho phương pháp và ở đó Socrates đóng vai người tra vấn – Euthyphro[10].

  1. Minh họa phương pháp Elenchus trong Euthyphro của Plato[11]

Một điều cần được chú ý rằng Elenchus là kiểu đối thoại qua lại, nhưng để dễ dàng hơn cho chúng ta nhận ra cách thức lý luận của Socrates trong cuộc đối thoại với Euthyphro này, chúng ta sẽ tạm chấp nhận kiểu trình bày “lược bỏ”, và chỉ những phần chính yếu trong lý luận được giữ lại. Với câu hỏi “Đạo đức là gì?”, lần đầu tiên Euthyphro đưa ra câu trả lời rằng: “Đó là những gì tôi đang làm đây – tố cáo kẻ thủ ác.” Socrates đã chỉ cho thấy rằng đây chỉ là một ví dụ về đạo đức chứ chưa là định nghĩa (cái xác định rõ ý niệm – một chuẩn mực để dựa vào đó mà đánh giá điều gì là đạo đức hay không.) Nó chưa phải là câu trả lời thỏa đáng. Kế đến, Euthyphro nói rằng: “Đạo đức là điều làm đẹp lòng các thần minh.” Từ định nghĩa này, Socrates dùng những câu hỏi suy luận với sự chấp nhận của Euthyphro để lần lượt đưa ra những hệ luận. Theo điều Euthyphro tin trong truyền thuyết rằng: “Các thần minh cũng thù hận và khác biệt nhau. Thế nhưng, chỉ những gì không thể giải quyết mới dẫn tới thù hận. Mặt khác, những điều gây mâu thuẫn ấy phải là công bằng và bất công; thiện và ác; danh dự và ô nhục. (Vì nếu bất đồng về con số hay đo lường… thì đã có môn số học, máy cân đo…). Như thế, chính các thần minh cũng có những quan điểm khác nhau về thiện ác nên có những điều mà thần minh này yêu thích (vì cho là thiện) còn thần minh khác lại ghét bỏ (vì xem là ác). Hệ quả là có thứ vừa là đạo đức lại đồng thời vừa vô đạo đức. Qua đó, ta thấy ở đây có sự mâu thuẫn giữa những niềm tin của Euthyphro. Như vậy, định nghĩa đã đưa ra có vẻ không ổn. Định nghĩa khác được Euthyphro phát biểu: “Đạo đức là hành vi được tất cả các thần minh yêu mến.” Ở đây, cũng cùng một cách thức, Socrates cho chúng ta thấy những hệ quả lý luận. Khởi đầu là việc công nhận rằng sự thiện được các thần minh yêu mến vì nó thánh thiện. Hơn nữa, những gì được các thần yêu mến thì làm đẹp lòng các thần. Tuy nhiên, từ định nghĩa của Euthyphro ta nói được rằng những điều thánh thiện là những gì làm đẹp lòng các thần minh. Hệ quả là những gì làm đẹp lòng các thần thì cũng được các thần yêu mến. Tới đây, chúng có thể thấy được hai khẳng: điều tốt lành đáng yêu vì nó được yêu mến; điều được yêu mến vì nó là điều tốt lành đáng yêu. Như thế, câu trả lời của Euthyphro là chưa thỏa đáng vì việc được các thần minh yêu mến chỉ là thuộc tính của hành vi đạo đức. Socrates dẫn dắt với những suy luận và gợi ý để Euthyphro đưa ra một định nghĩa khác: “Đạo đức là một thứ nghệ thuật cầu nguyện và hi sinh.” Ở đây hi sinh là dâng hiến cho các thần minh, còn cầu nguyện là nài xin các thần minh. Chúng ta có thể thấy cách thức lý luận khởi đầu với khẳng định rằng chúng ta chỉ cầu xin các thần những gì chúng ta muốn. Cũng vậy, chúng ta dâng lên các vị ấy những gì các vị ấy muốn nhận (vì sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi tặng cho một người cái họ không muốn). Tuy nhiên, những điều tốt lành các thần minh ban tặng cho chúng ta thì ắt hẳn đã rõ, nhưng đâu là ý nghĩa của những lễ vật mà chúng ta dâng lên cho các ngài? Phải chăng là sự tôn kính, vinh dự… hay tóm lại là những gì làm đẹp lòng các ngài. Như thế, chúng ta lại quay trở về với định nghĩa ban đầu rằng đạo đức là những gì làm đẹp lòng các thần minh. Socrates không thể làm được gì hơn vì cũng như đa số những người đối thoại với Socrates, Euthyphro đã không muốn tiếp tục cuộc thảo luận. Thế nhưng, tới đây chúng ta hẳn sẽ tự hỏi rằng Elenchus rốt cuộc mang lại điều gì?

IV.    Những ích lợi, những hạn chế và sự phát triển của Elenchus

  1. Ích lợi của Elenchus

Như đã nói ở trên, đích nhắm của Elenchus là tỏ lộ cho người khác nhận ra sự vô tri của họ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó nhắm hủy diệt chân lý hay phát triển những kỹ năng thực dụng nhưng là để đạt đến những khái niệm sáng tạo về chân lý và sự thiện. Điều xem ra mâu thuẫn này – là khi nhận biết mình vô tri chúng ta đã khởi đầu cho hành trình tìm kiếm chân lý – sẽ được làm sáng tỏ khi ta hiểu vô tri thực sự là gì trong quan niệm của Socrates. Khi tuyên bố rằng mình là kẻ vô tri, Socrates muốn cho thấy rằng chính ông cũng có những định nghĩa không thỏa đáng về những vấn đề đạo đức; ông cũng có những niềm tin mà hệ quả logic còn mâu thuẫn với những niềm tin khác của chính ông. Tuy nhiên, ông đã không dừng lại ở đó, nhưng qua việc áp dụng Elenchus cho chính mình (tự tra vấn), những điều chưa thỏa đáng, những điều còn mâu thuẫn ngày càng được giảm thiểu đi. Như thế, Elenchus một mặt tỏ lộ cho con người thấy sự vô tri của mình, nhưng đồng thời nó cũng là một liệu pháp giúp ta có thể làm giảm thiểu sự vô tri ấy. Ở một khía cạnh khác, chính nội dung những đối thoại của Socrates cũng mang lại hiệu quả thiết thực. Chúng ta biết rằng Socrates tra vấn chính ông và những người khác không phải về bất cứ điều gì nhưng là về những vấn đề liên quan đến luân lý và đức hạnh. Và khi những định nghĩa về “công bằng (justice)”, “đức hạnh (virtue)”… được lặp lại, được sáng tỏ thêm qua phương pháp Elenchus sẽ giúp ta hướng tới một cuộc sống đạo đức hơn và vì thế hạnh phúc hơn[12]. Tuy nhiên, đối với chính Socrates, những nỗ lực của ông trong việc đi hết nơi này nơi nọ, gặp người này người khác để tra vấn, đối thoại… dường như chưa được đền đáp như ta có thể thấy từ những lời của C. Brickhouse: Ít nhất trong các Đối thoại của Plato, những “tra vấn” này, như ông gọi, hiếm khi đạt đến điều mà Socrates chờ đợi nơi người đối thoại. Chúng ta có thể thấy người đối thoại với Socrates từ bỏ quan điểm không mạch lạc của họ, nhưng rất thường là họ tiếp tục ngoan cố và nghĩ rằng Socrates đã dùng trò “bịp bợm” đối với họ. Tùy thuộc vào mức độ của việc chấp nhận, Socrates hi vọng rằng nơi người đối thoại ít nhất hạt giống tự nghi ngờ sẽ có thể nảy mầm về sự vô tri của họ. Chúng ta cũng có thể đoán từ cái chết của Socrates rằng những cố gắng của ông chưa sinh được hoa trái xứng đáng[13].  

  1. Hạn chế của Elenchus

Dẫu không chối bỏ những ích lợi của Elenchus, nhưng chúng ta cũng gặp phải những khó khăn đối với phương pháp này trong cả đối tượng xem xét và cách thức thực hiện. Một mặt, nói như Bertrand Russel, phương pháp tra vấn này sẽ chỉ phù hợp với một số đối tượng, còn những cái khác thì không phù hợp mà khoa học là một thí dụ. Bởi lẽ, theo ông, “phương pháp này chỉ chỉ phù hợp với những điều mà chúng ta đã thực sự có đủ kiến thức để đi đến một kết luận đúng đắn, nhưng vì thiếu phân tích hay nhầm lẫn nên đưa đến những hệ quả thiếu logic về chúng.” Nghĩa là, “ở đâu mà điều ta suy xét có tính logic thì phương pháp này là hữu hiệu để đi đến chân lý. Tuy nhiên, nó sẽ không mang lại ích lợi nếu đối tượng của chúng ta theo đuổi là một khám phá về những điều mới mẻ.”[14] Mặt khác, trong cách thức áp dụng, Elenchus sẽ gặp khó khăn bởi lẽ nó “không có thẩm quyền vượt lên trên sự đồng tình của người đối thoại”[15]. Điều này được hiểu là khi đối thoại, người đóng vai trò tra vấn chỉ có thể tiếp tục dẫn dắt, chỉ vẽ nếu người đối thoại chấp nhận những mâu thuẫn của họ và chấp nhận tiếp tục công cuộc tìm kiếm. Đứng từ khía cạnh này, ta có thể hiểu được tại sao Socrates đã không đạt được nhiều về điều ông mong đợi bởi những người đối thoại với ông hoặc là không chấp nhận những mâu thuẫn của họ, hoặc là bỏ dở không tiếp tục đối thoại.

  1. Sự kế thừa và ứng dụng của Elenchus

Nếu như Socrates đã dùng Elenchus để hành triết thì điều đó tiếp tục được tìm thấy nơi môn sinh của ông là Plato và rồi sau nữa là Aristotle và các thế hệ sau. Plato đã nổi bật với việc công thức hóa kiểu đối thoại mang tính Socrates này. Còn Aristotle thì cộng tác với Socrates trong việc khám phá ra phương pháp định nghĩa và hướng dẫn, điều này được ông chú ý như là bản chất của phương pháp khoa học. Đây là một mở rộng của phương pháp Elenchus với đích nhắm để đưa ra những định nghĩa ẩn tàng trong niềm tin người đối thoại, hoặc là giúp họ đi xa hơn hiểu biết của họ, nó được gọi là “maieutics” (phương pháp gợi ý). Elenchus hiện nay cũng đang được áp dụng cách phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn nó được sử dụng rộng rãi trong hệ thống giáo dục luật đương thời bởi hầu hết các trường luật ở Mỹ. Bên cạnh đó, phương pháp này còn được dùng trong việc chữa trị bằng liệu pháp tâm lý. Nó có thể được dùng để làm sáng tỏ những cảm xúc, ý nghĩa và những hệ quả cũng như việc thăm dò, khảo sát các hành vi. Hơn nữa, cả trong việc huấn luyện các kỹ năng quản trị nhân sự hiện đại, phương pháp này cũng góp phần cộng tác không nhỏ[16].

V.    Kết luận

Như thế, chúng ta có thể thấy rằng, dẫu Socrates không có được diễm phúc để chứng kiến những gì phương pháp của ông đã mang lại nhưng cuộc sống và cái chết của ông đã không trở nên vô ích. Elenchus không chỉ nổi bật bởi “những triết gia đương thời vẫn tiếp tục sử dụng nó để khảo sát các lý thuyết hay quan điểm về nhiều vấn đề khác nhau của bản chất đạo đức, tri thức, sự tồn tại của thượng đế…”[17], nhưng còn bởi nó trở nên một công cụ và là một lời thức tỉnh cho con người để ý thức về chính sự hiện hữu của mình. Đó cũng là một trong những lý do khiến Socrates tiếp tục là một triết gia quan trọng – một cột mốc của lịch sử triết học.

(Đaminh Đỗ Hùng Dinh S.J.)

THƯ MỤC THAM KHẢO

  1. Brickhouse, Thomas C. & Nicholas D. Smith. The Blackwell Guide to Ancient Philosophy. Edited by Chirstopher Shields. Blackwell, 2003.
  1. Jowett, Benjmin & M. J. Knight. Plato chuyên khảo. Dịch bởi Lưu Văn Hy. Hà Nội: NXB VHTT, 2008.
  2. Hồng, Đậu Văn. Triết Sử Tây Phương thời Thượng Cổ. Nha Trang, 2004.
  3. May, Hope. On Socrates. Central Michigan University, 2000.
  4. Russell, Bertrand. History Western Philosophy. Hazell Watson & Viney Ltd, 1956.
  5. Stumpf, Samuel Enoch. Lịch sử Triết học và Các Luận đề. Biên dịch bởi Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy. Hà Nội: NXB Lao Động, 2004.
  6. http://en.wikipedia.org/wiki/Socratic_method#Method
  1. http://plato.stanford.edu/entries/plato-ethics-shorter/

[1] X. Thomas C. Brickhouse and Nicholas D. Smith, The Blackwell Guide to Ancient Philosophy, edited by Chirstopher Shields, (Blackwell, 2003), 59-63.
[3] X. Thomas C. Brickhouse and Nicholas D. Smith, Sđd, 59-63.
[4] X. Bertrand Russell, History Western Philosophy, (Hazell Watson & Viney Ltd, 1956), 109-111.
[5] X. Thomas C. Brickhouse and Nicholas D. Smith, Sđd, 59-63.
[6] Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử Triết học và Các Luận đề, biên dịch bởi Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy, (Hà Nội: NXB Lao Động, 2004), 38.
[7] X. Đậu Văn Hồng, Triết Sử Tây Phương thời Thượng Cổ, (Nha Trang, 2004), 45.
[8] Samuel Enoch Stumpf, Sđd, 38.
[9] X. Đậu Văn Hồng, Sđd, 44-45.
[10] X. Hope May, On Socrates, (Central Michigan University, 2000), 65.
[11] Nội dung của cuộc đối thoại được trích trong: Benjmin Jowett & M. J. Knight, Plato chuyên khảo, dịch bởi Lưu Văn Hy, (Hà Nội: NXB VHTT, 2008), 262-282.
[12] Hope May, Sđd, 69.
[13] X. Thomas C. Brickhouse and Nicholas D. Smith, Sđd, 59-63.
[14] Bertrand Russell, Sđd, 110.
[17] Hope May, Sđd, 63.

Kiểm tra tương tự

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

[Giới thiệu sách] Nhân Thần Hội Ngộ- Lm. Giuse Vũ Kim Chính, SJ

 Cha Karl Rahner, SJ (1904-1984) được xem là một trong những thần học gia vĩ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *