Bức ảnh chụp em bé tội nghiệp bị chết đuối khi đang trên đường cùng gia đình di cư từ Syria sang Hy Lạp đã khiến cả thế giới bàng hoàng, thương xót.
Mới đây, bức ảnh một em bé mặc chiếc áo phông đỏ, quần jeans nằm trên bờ biển tại Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến cả thế giới bàng hoàng, xúc động và đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề hàng trăm nghìn người tị nạn cố gắng tiến vào Châu Âu. Nhiều người nhận xét rằng trông cậu bé như đang ngủ một giấc ngủ ngon lành. Nhưng xót xa thay, cậu bé đã qua đời vì bị chết đuối khi cùng gia đình vượt biển để mong đến được vùng đất mới
Cậu bé trong bức ảnh là Aylan Kurdi, 3 tuổi, quê ở thị trấn Kobahi phía bắc Syria. Cha mẹ cậu vì muốn tránh khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt giữa IS và lực lượng người Kurd nơi quê nhà, cậu bé và gia đình đã lên chiếc thuyền rời bỏ Syria bằng đường biển để tới đảo Kos, Hy Lạp. Đi cùng bé Aylan còn có bố mẹ và anh trai cùng 19 người khác.
Nhưng họ đã không bao giờ tìm đến được vùng đất yên bình, tươi đẹp hơn khi con thuyền bị đắm trên biển, chỉ riêng cha của Aylan sống sót. Khi nhận lại thi thể những người thân, anh Abdullah Kurdi – cha của Aylan không thể kìm nén nỗi đau đớn và òa khóc nức nở. Anh chia sẻ rằng, anh đã nắm được tay vợ nhưng cô ấy và các con đã bị sóng biển cuốn đi mất. Anh Abdullah Kurdi – cha của Aylan và anh trai 5 tuổi- Người cha đau khổ khi mất cả gia đình. Ngay sau khi bức ảnh viên cảnh sát phát hiện thi thể bé Aylan được lan tỏa trên các phương tiện truyền thông, rất nhiều người trên thế giới đã không khỏi xót xa cho số phận của cậu bé. Số phận bất hạnh của em bé Aylan cũng là tình cảnh chung của rất nhiều trẻ nhỏ Syria khác giữa chiến tranh loạn lạc.
Thoạt nhìn đứa bé chết đuối trong lòng dâng lên sự trắc ẩn, sầu bi, thương xót, tội nghiệp, mủi lòng, rung động, rưng rưng nước mắt xót xa, thổn thức trong tim. Đứa bé trạc tuổi của con bất cứ ai, nên ai cũng thương hại. Không thể dửng dưng.
Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã cảm kích trước cái chết người thân trong gia đình hay bạn bè. Bản thân tôi cũng đã một lần vượt biển đi tìm bến bờ tự do nên hơn ai hết, tôi có thể cảm nhận và hiểu rõ được nỗi sợ hãi xen lẫn đau thương của gia đình cậu bé khi quyết tâm đánh đổi mạng sống, rời bỏ quê hương mình.
Nên không thể chai đá, vô cảm trước thảm cảnh em bé Aylan chết đuối. Một chút chạnh lòng, một giọt nước mắt tràn khóe mi, chút áy náy lương tâm, chút buồn bã cho cuộc đời lắm cảnh éo le.
Bức hình Aylan là hình phóng sự báo chí, không phải hình nghệ thuật có sắp đặt hay dàn dựng. Do vậy, nó tác động trực quan, trực tiếp người coi. Chính hình ảnh sống động và thực tế đã đủ sức thuyết phục hơn cả chục bài báo dài dòng.
Qua tấm hình, nữ phóng viên Nilufer Demir, đang làm việc cho hãng thông tấn Dogan của Thổ Nhĩ Kỳ, muốn chuyển tải thông điệp cấp cứu đến mọi người: “Hãy cứu giúp di dân!” Đừng quay lưng hay tẩy chay họ, loại bỏ mặc họ sống chết ngoài biển khơi, hay trong vùng chiến tranh và bạo lực lan tràn. Nhờ truyền thông mà cả thế giới này đều đọc và hiểu thông điệp mà nữ phóng viên Nilufer Demir gửi gắm qua tấm hình em bé Aylan.
“Ai đón nhận một trong những em nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” (Mc 9, 37)
Lời Chúa Giêsu vang lên trong Tin Mừng Chúa Nhật 25 Thường Niên vừa qua thật đúng lúc và thích hợp với thảm cảnh cậu bé Aylan.
Hơn hai ngàn năm trôi qua, Lời Chúa vẫn luôn có giá trị và cập nhật với mọi thời đại. Vì xã hội văn minh hiện nay ngày càng thực dụng, vị kỷ, vị lợi, chỉ chăm lo, vun quén cho bản thân và gia đình, chẳng mấy quan tâm đến bên ngoài, đến những thảm cảnh thiên hạ đang phải gánh chịu, chiến tranh, kỳ thị sắc tộc, kỳ thị tôn giáo, bạo lực, oán thù và chết chóc xảy ra hàng ngày trên thê giới, nhất là vùng Trung Đông hiện nay.
Quay lưng lại với khốn khổ của tha nhân là bất tuân Lời Chúa dạy. Là không yêu thương đồng loại. Dĩ nhiên, không ai có thể tự giải quyết được những mâu thuẫn, những đau khổ cho mọi người, kể cả người tín hữu Kitô. Nhưng mọi người theo Chúa đều có thể góp phần xoa dịu những kẻ khốn khổ chung quanh, bằng việc lành bác ái, bằng chia sẻ cơm áo, và nhất là bằng hy sinh, cầu nguyện cho họ thoát khỏi những thảm cảnh.
Người Kitô hữu nghĩ gì, khi nhận được thông điệp của nữ phóng viên Nilufer Demir gửi gắm qua tấm hình em bé Aylan, như là một dấu chỉ của thời đại. Ngoài lòng trắc ẩn, Kitô hữu còn phải nhận ra Thánh Ý Chúa muốn nhắn nhủ đến từng người: “Hãy yêu tha nhân như yêu Chúa !”
Hãy xét mình xem đã sống với tha nhân như thế nào? Chúng ta có dửng dưng, vô cảm trước nỗi đau tha nhân chăng? Lần cuối cùng giúp đỡ người khác là từ khi nào?
Hay là chỉ biết nói yêu người trên đầu môi chót lưỡi mà thôi? Thánh Gia-cô-bê đã xác quyết : Đức Tin không có việc làm là Đức tin chết (Gc.2,17). Vậy từ nay, nên chăng thay đổi cái nhìn với tha nhân, hãy thân thiện, cởi mở, nhân ái, bác ái, tử tế và biết sống phục vụ hơn. Hãy khấn xin Chúa giúp chúng ta cải thiện đời sống, để biết sống cho, sống vì và sống với tha nhân tốt đẹp hơn.
Chính Đức Giêsu đã yêu thương giải thoát chúng ta khỏi nếp sống vị kỷ, hẹp hòi và tù túng:“Hãy thương xót như Cha các ngươi có lòng thương xót” (Lc 6,36) Một phương thế tuyệt vời để điều trị hữu hiệu và chữa lành chứng vô cảm của thời đại hôm nay, đó là Lòng Thương Xót Chúa. Hôm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng kịp thời giúp mọi người có thể hóa giải cơn bệnh trầm kha này bằng Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa. Không phải giảng giải lý thuyết suông, mơ hồ, cao sâu, mà ngài mời gọi tất cả tín hữu Kitô giáo can đảm trở nên khí cụ thực sự của Lòng Thương Xót:
“Hãy trở thành khí cụ của lòng thương xót vì chính chúng ta là những người đầu tiên nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa. Hãy rộng lượng với người khác với hiểu biết rằng Thiên Chúa tuôn đổ sự tốt lành của Ngài trên chúng ta với lòng quảng đại bao la”. (LTX 14)
Bởi vì Đức Giêsu đã khiêm hạ nhập thế làm gương hoàn hảo cho con người noi theo. “Xót thương như Chúa Cha, vì vậy, là “phương châm” của Năm Thánh này. Nơi lòng thương xót, chúng ta tìm thấy bằng chứng về cách thức Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Ngài trao ban toàn bộ chính Ngài cho chúng ta, luôn luôn, tự nguyện, không yêu cầu hồi đáp. Ngài đến giúp chúng ta bất cứ khi nào chúng ta cầu khẩn Ngài”. (LTX 14)
Dám can đảm nhìn thẳng vào sự kiện cậu bé Aylan Kurdi với sự thật trần trụi, để có thể chẩn đoán chính xác được căn bệnh thờ ơ, vô cảm, đang khống chế, khuynh đảo trong mỗi người. ”Chúng ta đừng rơi vào sự thờ ơ đáng ô nhục, hoặc một thứ quán tính đơn điệu, ngăn cản chúng ta khám phá những gì là mới mẻ! Hãy để chúng ta thoát khỏi sự hoài nghi thiếu xây dựng! Chúng ta hãy mở to mắt và nhìn rõ sự đau khổ của thế giới, và những vết thương của những anh chị em chúng ta là những người đang bị từ chối phẩm giá của họ, và để cho chúng ta nhận ra rằng chúng ta bắt buộc phải chú ý đến tiếng kêu muốn được giúp đỡ của họ!“ (ĐTC. Phanxicô, Tông sắc Lòng Thương Xót số 15)
ĐTC Phanxicô mong muốn tất cả người tín hữu hiện thực hóa Lòng Thương Xót như Đức Giêsu đã hướng dẫn mạch lạc và cụ thể : “Ước muốn cháy bỏng của tôi là trong Năm Thánh này, dân Kitô giáo có thể suy tư trên các hoạt động thể lý và thiêng liêng của lòng thương xót. Đó sẽ là một cách để thức tỉnh một lương tâm quá thường khi mờ mịt trước cảnh nghèo đói. Và chúng ta hãy bước sâu hơn vào trung tâm của Tin Mừng nơi người nghèo có một trải nghiệm đặc biệt với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chúa Giêsu giới thiệu với chúng ta những hoạt động của lòng thương xót trong lời rao giảng của Ngài để chúng ta có thể nhận ra liệu chúng ta có đang sống như những môn đệ của Ngài hay không. Chúng ta hãy tái khám phá những hoạt động thể lý của lòng thương xót: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, và chôn xác kẻ chết. Và chúng ta đừng quên các hoạt động thiêng liêng của lòng thương xót: lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cũng như cầu cho kẻ sống và kẻ chết“. (ĐTC. Phanxicô, Tông sắc Lòng Thương Xót số 15)
Bởi vì “chính Chúa Kitô đang hiện diện trong mỗi “con người bé nhỏ” này. Thân xác Ngài trở thành hữu hình trong xác thịt của những người bị tra tấn, những người bị chà đạp, những người bị đánh đòn, những người bị suy dinh dưỡng, và những người bị lưu đày.. . để được thừa nhận, vuốt ve, và chăm sóc bởi chúng ta. Chúng ta đừng quên những lời của thánh Gioan Thánh Giá, “khi chúng ta lìa đời, chúng ta sẽ được phán xét trên cơ sở của tình yêu.” (ĐTC. Phanxicô, Tông sắc Lòng Thương Xót số 15)
Têrêsa Huỳnh Thị Thúy Hằng
(Lớp thần học căn bản cho Giáo Dân ở Đan Mạch)