Giáng Sinh trao niềm hy vọng

Giáng sinh xưa trong bầu khí âm thầm, máng lừa nơi heo hút chẳng một ai để ý tới trong khi thiên hạ bận rộn với nhịp sống xô bồ; không ai đoán định một vị Vua đang hạ sinh. Giáng Sinh nay ồn ào nhộn nhịp trước đó nhiều ngày. Đâu đâu cũng thấy hang đá, khúc nhạc Giáng Sinh rộn ràng vang lên khắp phố phường, đèn nháy vàng đỏ lập lòe mọi nẻo đường ngõ xóm. Nhưng xưa nay vẫn thế, Chúa chọn để sẻ chia kiếp người nơi nhỏ bé, âm thầm; Người đến theo cách thế ấy để trao ban niềm hy vọng cho những người bé mọn và trọn niềm khát khao.

Mùa đông giá rét hơn hai ngàn năm trước tưởng chừng héo hắt, nhưng lại trở nên mùa giao duyên của đất trời. Đấng siêu vượt, vô hạn và vĩnh cửu nay đi vào hành tinh vốn quy định bởi thời gian và không gian; Đấng là Thiên Chúa uy vọng vô ngần giờ đây trở nên con người nhỏ bé mọn hèn. Và rồi, trời đất từ nay nối lại, Thiên Chúa trở nên con người để cho con người thông phần vào phẩm giá làm con Thiên Chúa. Nhưng nào ai thấy, mấy ai hay…vị Cứu Tinh của nhân loại hạ sinh nơi bần hàn heo hút. Người ta mong chờ cả ngàn năm trước đó một vị vua sẽ xuất hiện trong uy quyền danh giá, nay dấu chỉ nhận ra lại là anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ. Những ai có thể tin và chấp nhận vào dấu chỉ này? chắc hẳn không phải là những nhà thông thái mẫn tiệp, nhưng là những con người đơn sơ chất phác. Mùa đông giá lạnh với họ đã quá quen thuộc, là những người bị xã hội loại bỏ coi thường, nay mùa đông ấm hơn nhiều, họ lại là những người đón nhận Tin Mừng. Họ gặp được Chúa và tâm hồn được an bình khi bước đi. Thiên Chúa không bỏ quên một ai mà Người đã dựng nên, đó là niềm hy vọng. Những con người bị đẩy ra bên lề xã hội, nay con Chúa đến phục hội và mặc cho họ phẩm giá mới. Chúa Hài Nhi là đấng nối kết.

Mùa đông năm này cũng đầy khắc nghiệt, không chỉ bởi tiết trời lạnh giá, nhưng vì lòng người lạnh lẽo cách xa. Khắp nơi tiếng súng nổ vang rền, ồn ào tin tức xấu tràn ngập, đâu đâu cũng thấy vẳng lại tiếng người khóc than… Thời gian như ngắn lại, con người vật lộn với tiền bạc, chạy đua chính trị…người ta tự giới hạn thời gian và không gian của mình, không còn sự liên đới với người khác, sự quan tâm và chia sẻ giờ trở nên xa xỉ. Vô cảm lên ngôi trong xã hội. Vì thế, sự rộn ràng mùa Giáng Sinh về không chỉ là dịp lễ vui nhộn, nhưng cả là tiếng ta thán của xã hội. Họ khao khát hòa bình, hy vọng tình yêu chan hòa thế giới khi mọi người nối kết với nhau. Trong khi ấy, Chúa vẫn đến hôm nay và hẳn với cùng một dấu chỉ anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ. NHưng vẫn với câu hỏi khi xưa, ai có thể nhận ra Người? nếu khi xưa Hài nhi Giêsu từng sẻ chia khiếp người trong dấu chỉ của hòa bình, của liên đới…thì nay người ta cũng bắt gặp Người nơi cử chỉ của chia sẻ của quan tâm. Nếu ngày ấy Giêsu đến mang lại niềm hy vọng cho mọi người, nhất là những người nhỏ bé bần hàn, thì nay chắc hẳn chúng ta cũng có thể gặp gỡ Người qua việc trao niềm hy vọng bằng an ủi và đỡ nâng những người bị gạt bỏ bên lề xã hội. Chúa Giêsu hài nhi là đấng nối kết và chúng ta trở nên cánh tay nối dài của Người.

Xã hội thời nào cũng thế, xưa nay đều có cản trở để con người gặp gỡ Đấng Giáng Sinh. Vậy làm sao gặp được Người? Kinh nghiệm khi xưa Chúa đến hẳn vẫn đúng cho mọi thời: Người đến nơi tâm hồn bình lặng và đầy khát khao, trong cõi lòng sẻ chia và trao yêu thương cho anh chị em đồng loại. Vậy để Giáng sinh trở nên ấm áp hơn ấy là khi người ta trao cho nhau sự ấm áp, Chúa ngự vào lòng ta khi ta mở cõi lòng mình ra và trao niềm hy vọng cho người ta gặp gỡ.

Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J.

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *