Giáo Hội tuần qua 10.1-16.1.2022

1. Khẩu hiệu của Năm Thánh 2025 là “Những người hành hương của hy vọng”

Đức tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về tái Truyền giảng Tin Mừng, cho biết, trong cuộc yết kiến Đức Thánh Cha hôm 3/1, Đức Thánh Cha đã phê chuẩn khẩu hiệu của Năm Thánh 2025, được gói gọn trong những từ “Những người hành hương của hy vọng”. Đức Tổng giám mục Fisichella giải thích rằng giống như bất kỳ khẩu hiệu nào, trong trường hợp này, ý nghĩa của toàn bộ hành trình Năm Thánh cũng bắt đầu bằng những từ ngữ được chọn để cô đọng nó. Các từ ngữ của khẩu hiệu nêu bật chủ đề chính trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô.

Năm Thánh 2025 sẽ bao gồm việc mở Cửa Thánh tại đền thờ thánh Phê-rô. Những tín hữu hành hương đi qua Cửa Thánh – vốn chỉ được mở trong các Năm Thánh, thường là 25 năm một lần hoặc khi Đức Giáo hoàng kêu gọi một Năm Thánh ngoại thường – có thể nhận được ơn toàn xá với các điều kiện thông thường.

2. Giáo hội Trung Đông chuẩn bị cho Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu 2022

Các Giáo hội Kitô Trung Đông đang chuẩn bị cho Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất của các Kitô hữu sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 25/01/2022, với chủ đề được trích từ Tin Mừng thánh Matthêu “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2, 2).

Theo các Giáo hội Kitô, đứng trước cuộc khủng hoảng sức khỏe quốc tế hiện nay, trong một khu vực của thế giới, nơi nhân quyền bị chà đạp một cách có hệ thống bởi các lợi ích kinh tế và chính trị bất công, đồng thời phải gánh chịu hậu quả về người và vật chất của vụ nổ khủng khiếp tàn phá Beirut 04/8/2020, các Kitô hữu Trung Đông đã thấy nơi “vì sao” một hình ảnh ơn gọi Kitô của chính mình. Ngôi sao là dấu hiệu đã hướng dẫn các vị đạo sĩ từ những nơi xa xôi và từ các nền văn hóa khác nhau đến với Hài Nhi Giêsu, và đại diện cho một hình ảnh về cách các Kitô hữu hiệp nhất trong sự hiệp thông với nhau khi họ đến gần Chúa Kitô (VaticanNews).

3. ĐTC có thể thăm viếng những nước nào trong năm 2022?

Cứ bước sang một năm mới, một trong những câu hỏi mà những cây bút chuyên về Vatican lại thường đặt ra đó là: những quốc gia nào Đức Thánh Cha có thể viếng thăm trong năm nay. Năm 2022 mới bắt đầu và dù chưa có những khẳng định nào từ phía Vatican, giới báo chí cũng đưa tên một số nước mà Đức Thánh Cha có thể viếng thăm trong năm 2022, ví dụ như Hungary, Kazakhstan, Malta, Libăng, Canada,…(VaticanNews).

4. Tham Luận: Ước Vọng Của Giáo Dân Về Linh Mục

Trong Hội thảo tiền Công nghị về Đời sống linh mục tại Tổng Giáo phận Hà Nội” diễn ra ngày 08/01/2022 tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Chị Maria Trần Thị Lan Anh đã đại diện giáo dân trình bày bài tham luận với nhiều ước vọng chính đáng, tổng hợp từ tiếng nói của giáo dân trong nhiều khía cạnh khác nhau để mong ước các vị mục tử trong Giáo Hội mỗi ngày thêm thánh thiện trước mặt Thiên Chúa và trước mặt mọi người.

Xem thêm video cuộc hội thảo: https://youtu.be/e2LfOoM3gqg

5. ĐTC khuyên các tín hữu hãy tìm biết và nhớ ngày Rửa tội của mình

Trưa Chúa Nhật 9/1, Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, sau khi dâng lễ với việc ban bí tích Rửa tội cho 16 em bé tại Nhà nguyện Sistine, lúc 12 giờ, ĐTC đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. ĐTC khuyên các tín hữu hãy tìm biết và nhớ ngày Rửa tội của mình, và nhớ nó như một ngày lễ.

Trong bài huấn dụ trước khi đọc Kinh Truyền Tin, ĐTC cũng nhấn mạnh “hai thời điểm” của cuộc đời Chúa Giêsu: một đàng, Người bước xuống về phía chúng ta, xuống nước sông Giođan; đàng khác, Người hướng tầm nhìn và con tim lên khi cầu nguyện với Chúa Cha. Qua đó, một điều đẹp là hãy nhớ ngày rửa tội của mình, bởi vì đó là ngày tái sinh của chúng ta, giây phút chúng ta trở thành con Thiên Chúa với Chúa Giêsu và cần chú tâm nuôi dưỡng sự thân mật với Chúa giữa những bề bộn trong đời sống thường ngày (VaticanNews).

6. Lao động là điều cần thiết để chúng ta tiến triển trên đường nên thánh

Sáng thứ Tư 12/1/2022, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô đã cầu nguyện cho những người lao động bị đè nén bởi gánh nặng không thể chịu đựng nổi trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Ngài đã dành ít phút thinh lặng tưởng nhớ những người lao động tuyệt vọng do mất việc làm giữa đại dịch mà kết liễu mạng sống.

Trong buổi tiếp kiến chung, ĐTC Phanxicô tập trung vào hình ảnh Thánh Giuse thợ, một hình ảnh khiến ngài liên tưởng đến những người lao động trên khắp thế giới. Ngài đặc biệt nhấn mạnh hoàn cảnh khó khăn của những người lao động mệt mỏi dưới hầm mỏ, những người bị bóc lột sức lao động, những đứa trẻ bị buộc phải làm việc kiếm sống.

ĐTC lưu ý rằng lao động có liên quan đến phẩm giá của con người. Đó không chỉ là cách kiếm sống mà còn là thành phần thiết yếu của con người, thậm chí là một con đường để nên thánh. Nhưng thật không may khi lao động thường bộc lộ sự bất công xã hội. ĐTC mời gọi mỗi người tự hỏi bản thân rằng chúng ta có thể làm gì để phục hồi giá trị của công việc, để chúng trở về với giá trị cơ bản là quyền và nghĩa vụ của con người. (Vatican News).

7. Các quan hệ ngoại giao của Toà Thánh qua những con số

Hôm 10/1/2022 Đức Thánh Cha đã tiếp ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh đến trình bày với ngài những kết quả trong năm 2021 vừa qua và một số triển vọng cho năm 2022 vừa mới bắt đầu. Cho đến nay Vatican là quốc gia có mạng lưới quan hệ ngoại giao rộng lớn nhất khi có quan hệ ngoại giao chính thức với 183 trong số 195 nước trên thế giới, có thể so sánh với Trung Quốc có ngoại giao với 169 nước, Hoa Kỳ với 168 nước và Pháp với 161 nước. Ở một số nước, Tòa thánh không có đại sứ nhưng có các đại diện tông tòa, như tại Comoros, Somalia, Brunei và Lào. Cuối cùng, một trường hợp đặc biệt đó là Việt Nam, tại đây Tòa Thánh chỉ có một “đại diện không thường trú”.

Trong năm 2021 Toà Thánh đã ký 3 văn bản quan trọng. Vào ngày 10/2, Tòa Thánh đã ký thỏa thuận tái cơ cấu lần thứ 7 với Áo về việc bồi hoàn tài sản bị tịch thu trong thời kỳ Đức Quốc xã. Vào ngày 31/5, Tòa Thánh được công nhận là quốc gia quan sát viên không phải là thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cuối cùng, vào ngày 26/11, Tòa thánh đã đệ trình lên UNESCO văn kiện phê chuẩn Công ước Toàn cầu về việc Công nhận các Văn bằng Giáo dục Đại học, là một phần trong dự thảo Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu của Toà Thánh.

Ban Truyền Thông Học Viện Dòng Tên

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *