[Giáo Hội tuần qua] Từ ngày 22-28/03/2021

 

  1. Các cử hành phụng vụ của Đức Thánh Cha trong Tuần Thánh. vào chiều thứ Ba 23/3/2021, Báo chí Tòa Thánh công bố chương trình các lễ nghi Tuần Thánh do ĐTC chủ sự từ Chúa nhật Lễ Lá đến thứ Hai sau lễ Phục Sinh, với các hạn chế do Covid. Theo đó, Chúa Nhật Lễ Lá, Lễ Truyền Dầu, Tam Nhật Vượt Qua và lễ Phục Sinh sẽ được cử hành tại bàn thờ Ngai tòa thánh Phêrô, bên trong đền thờ. Chúa nhật Lễ Lá, 28/03: Thánh lễ do ĐTC chủ sự sẽ bắt đầu vào lúc 10 giờ 30. Thứ Năm Tuần Thánh, 01/04: Vào lúc 10 giờ, ĐTC sẽ chủ sự Lễ Truyền Dầu. Và buổi chiều, vào lúc 18 giờ Lễ Tiệc Ly. Thứ Sáu Tuần Thánh 02/04: Vào lúc 18 giờ, ĐTC cử hành Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa. Và vào lúc 21 giờ, ĐTC chủ sự buổi ngắm Đàng Thánh Giá tại thềm đền thờ Thánh Phêrô. Năm nay, ĐTC ủy thác cho một nhóm hướng đạo sinh và một giáo xứ soạn các bài suy niệm chặng Đàng Thánh Giá. Thứ Bảy 03/04: Vào lúc 19 giờ 30, ĐTC sẽ chủ sự Thánh lễ Vọng Phục sinh. Chúa nhật Phục sinh, 04/04: Vào lúc 10 giờ, ĐTC sẽ chủ sự Thánh lễ Chúa Nhật Phục sinh. Sau Thánh lễ, ĐTC sẽ ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi. Thứ Hai, 05/4: Vào lúc 12 giờ, ĐTC sẽ chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin tại Thư viện Dinh Tông tòa.
  2. Số tín hữu Công giáo gia tăng thêm 16 triệu người. Ngày 25 tháng 3 Văn phòng Thống kê trung ương của Giáo hội đã công bố Niên giám Tòa Thánh năm 2021 và Niên giám Thống kê năm 2019. Theo Niên giám thống kê năm 2019, từ năm 2018 đến năm 2019, số người được rửa tội chiếm 17,7% dân số thế giới với 1 tỷ 345 triệu tín hữu; tăng 1,12%. Số tín hữu tăng tại châu Phi, châu Á và châu Mỹ vượt mức tăng của dân số ở các châu lục này. Trong khi đó số tín hữu ở châu Âu có giảm nhẹ so với tổng dân số gần như cố định ở châu lục này. Tại châu Đại dương, số tín hữu tăng tương ứng với mức tăng của dân số châu lục. Cũng theo niên giám, số giám mục giữ ở mức ổn định, số linh mục gia tăng trong khi số tu sĩ và chủng sinh lại giảm.
  3. Phim tài liệu Francesco được phát trên Discovery+. “Francesco”, bộ phim tài liệu của đạo diễn đoạt giải Oscar Evgeny Afineevsky về Đức Thánh Cha Phanxicô, được phát trực tuyến trên toàn cầu từ Chúa Nhật 28/3. Chia sẻ về những trải nghiệm khi thực hiện bộ phim, đạo diễn Afineevsky nói: “Điều tôi ngưỡng mộ nhất nơi ĐTC là cách ngài đưa mọi người lại với nhau; và sự minh bạch mà ngài đang mang lại cho Giáo hội, sự trao quyền cho phụ nữ với việc ngài bổ nhiệm các phụ nữ làm việc trong Tòa thánh, ở những vị trí cao”. Ông nói, khi gặp gỡ ĐTC ông không cảm thấy bất kỳ cảm giác bề trên nơi ngài, nhưng cảm thấy thoải mái như đang ngồi cạnh một người thân hoặc một người bạn. Đạo diễn cũng cho biết thêm,bộ phim của ông không phải về Giáo hội Công giáo. Phim nói về một người lãnh đạo của một tổ chức quan trọng, về sự hiểu biết, niềm tin và một cái gì đó lớn hơn nhiều so với về tổ chức Giáo hội.
  4. Đại hội Thánh Thể Quốc tế năm 2014 sẽ được tổ chức tại Ecuador. Ủy ban Tòa Thánh về Đại hội Thánh Thể Quốc tế đã thông báo rằng, ĐTC Phanxicô đã chỉ định Tổng giáo phận Quito ở Ecuador là nơi tổ chức Đại hội Thánh Thể Quốc tế năm 2024. Đại hội Thánh Thể lần thứ 53 sẽ được tổ chức nhân kỷ niệm 150 năm thánh hiến Ecuador cho Thánh Tâm Chúa Giê-su. Thông cáo của Ủy ban Đại hội Thánh Thể Quốc tế viết: “Cuộc gặp gỡ quan trọng của Giáo hội sẽ biểu lộ kết quả của Thánh Thể đối với việc loan báo Tin Mừng và canh tân đức tin ở châu Mỹ Latinh. Đây sẽ là lần đầu tiên Đại hội Thánh Thể Quốc tế được tổ chức tại Ecuador. Lần cuối cùng Đại hội được tổ chức tại nam Mỹ là vào năm 1968, tại Bogota của Colombia.

Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 sắp tới đây sẽ được tổ chức tại Budapest, thủ đô Hungary vào tháng 9 năm nay, sau khi bị hoãn lại do đại dịch. ĐTC cho biết ngài sẽ thăm Hungary nhân dịp kết thúc Đại hội Thánh Thể vào ngày 12/9. Lần cuối Đại hội Thánh Thể được tổ chức tại Hungary là vào năm 1938.

Hiện nay Đại hội Thánh Thể thường được tổ chức 4 năm một lần.

  1. Đức hồng y Tagle: Đại dịch đã làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và vết thương của thế giới. Tại hội thảo trên web với chủ đề “Hãy chạm vào những vết thương của thế giới. Hãy tin nơi thời Đại dịch”, ĐHY Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc cho rằng: “Đại dịch đã làm lộ rõ các loại bệnh đã có trước đây: thiếu tình huynh đệ và những rào cản ngăn cách người giàu và người nghèo. Có những người có thể tiếp cận giáo dục ở mức độ cao nhất, nhưng cũng có những người để mở một cuốn sách thôi cũng không có cơ hội; có những người có thể đến bệnh viện tốt nhất và có những người thậm chí không có đến một viên thuốc giảm đau. Chắc chắn Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tất cả những điều này. Hơn nữa, đại dịch đã cho thấynhững ưu tiên sai lầm của thế giới: chúng ta không có khẩu trang, nhưng có tiền cho vũ khí và các công cụ chiến tranh khác”.

ĐHY cũng khẳng định: “chính Chúa Giêsu Kitô là liều thuốc chữa lành các vết thương của chúng ta, và Giáo hội đã thể hiện điều này. Cụ thể ngay khi bắt đầu đại dịch ĐTC đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để đáp ứng nhu cầu của các nước nghèo và hoạch định một tương lai gần sau Covid. Caritas đã được giao sứ mạng giáo dục và đào tạo các cộng đoàn địa phương, sẵn sàng ứng phó với đại dịch, giúp các cộng đoàn không phụ thuộc hoàn toàn vào chính phủ của họ”.

  1. 12 Hồng y Á châu kêu gọi hòa bình cho Myanmar. 12 Hồng y Á châu thuộc Liên Hội đồng giám mục Á châu đã gửi một thư ngỏ cho ĐHY Charles Bo của Myanmar để bày tỏ tình liên đới và chia sẻ đau khổ với các vị lãnh đạo tôn giáo nước này, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với họ. Các Hồng Y nhắc lại: “Bạo lực không bao giờ là một giải pháp. Nó chỉ làm tăng thêm đau đớn và khổ sở, bạo lực và tàn phá hơn. Chúng tôi chân thành yêu cầu tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Myanmar hiệp nhất với chúng tôi trong lời cầu nguyện vì hòa bình này, trong lời kêu gọi vì hòa bình và trong việc thực hiện những nỗ lực vì hòa bình.”

Các Hồng y cũng kêu gọi quân đội Myanmar “hãy bắt đầu đối thoại để tìm ra giải pháp, cách thế để tiến lên phía trước. Hình ảnh một nữ tu quỳ gối trên đường phố Yangon và cầu xin buông vũ khí đã khắc sâu trong tâm trí thế giới.”

Tổng hợp nguồn tin từ Vatican News Tiếng Việt

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha: “Một Kitô hữu không can đảm” là “một Kitô hữu vô dụng’

Trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư, 10.04.2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô …

Đức Thánh Cha: Dù chúng ta dù có thất bại thế nào, Chúa vẫn chờ chúng ta

Chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *