Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét một ví dụ về sự bất toàn trong cách thức Tòa Thánh xử lý vấn đề về thuyết tiến hóa.
Khoa học đóng vai trò trung tâm trong đời sống hiện đại. Chính nhờ khoa học mà bạn đang đọc bài viết này trên màn hình, qua internet, thay vì trên giấy dưới ánh sáng của đèn dầu. Loạt bài viết này sẽ đào sâu vào câu chuyện về Giáo hội Công giáo và khoa học – một câu chuyện đã bắt đầu từ rất lâu và tiếp diễn đến tận ngày nay. Đó không phải là câu chuyện mà bạn có thể nghĩ rằng mình đã biết, nhưng là câu chuyện mà bạn nên biết, chính vì khoa học giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện đại.
Giáo hội đã chấp nhận những lập luận khoa học thuyết phục, và tìm cách diễn giải đức tin dưới ánh sáng của những phát kiến khoa học đó trong gần 2.000 năm qua, ít nhất là từ câu hỏi về ‘hai nguồn sáng lớn’ trong chương 1 Sách Sáng thế. Những bộ óc vĩ đại của Giáo hội như Thánh Augustinô và Thánh Tôma Aquinô, đã từng cân nhắc về câu hỏi cụ thể này. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có một Augustinô hay Aquinô hiện diện, và thời đại đã thay đổi rất nhiều kể từ thời các ngài.
Khi có xung đột giữa khoa học và đức tin Công giáo, và không có một Augustinô hay Aquinô nào để giải quyết, Giáo hội sẽ làm gì? Hay cụ thể hơn, Tòa Thánh sẽ làm gì? Quyết định được đưa ra và hành động được thực hiện như thế nào khi chủ đề liên quan đến khoa học?
Đã có rất ít trường hợp xảy ra xung đột đáng kể giữa khoa học và tôn giáo, đến mức Tòa Thánh phải can thiệp. Thực tế, Giáo hội hiếm khi bày tỏ ý kiến về hầu hết các tiến bộ khoa học. Các cuộc tranh luận giữa các nhà khoa học về sự tồn tại của thứ mà ngày nay chúng ta gọi là oxy, hay về hiện tượng chim di cư, khó có khả năng gây ra những xung đột lớn với tôn giáo.
Một vấn đề nan giải
Một trong những trường hợp xung đột lớn nảy sinh và Tòa Thánh chính thức can thiệp là thuyết tiến hóa. Có rất nhiều tài liệu ghi chép lại các quy trình mà Tòa Thánh đã sử dụng trong giai đoạn đó, chỉ cách đây khoảng 150 năm – một khoảng thời gian ngắn ngủi trong lịch sử Giáo hội! Tòa Thánh đã lưu giữ nhiều hồ sơ và đến cuối thế kỷ 20, các kho lưu trữ này được mở ra để các học giả nghiên cứu. Do đó, hiện nay có rất nhiều thông tin về cách Tòa Thánh đối diện với vấn đề thuyết tiến hóa.
Các học giả đã nghiên cứu kỹ lưỡng những tài liệu này và viết về những gì họ tìm thấy. Có sáu trường hợp liên quan đến đức tin và khoa học về thuyết tiến hóa được trình lên Tòa Thánh vào những thập niên cuối của thế kỷ 19. Tất cả đều liên quan đến việc các tín hữu Công giáo viết về thuyết tiến hóa.
Có hai cơ quan của Tòa Thánh có thẩm quyền giải quyết những trường hợp như vậy. Một là Thánh Bộ (sau này là Bộ Giáo lý Đức tin, nay là Thánh Bộ Giáo lý Đức tin). Cơ quan còn lại là Bộ Chỉ Mục (the Congregation of the Index: được sáp nhập vào Thánh Bộ bởi Đức Giáo hoàng Benedict XV vào năm 1917). Thánh Bộ có vai trò rộng lớn hơn trong các vấn đề về đức tin và luân lý. Trong khi đó, Bộ Chỉ Mục, vốn công bố Danh mục Sách Cấm trong hơn ba thế kỷ, lại có chức năng và tầm quan trọng nhỏ hơn nhiều. Các quyết định của Bộ Chỉ Mục cũng ít quan trọng hơn, với nhiệm vụ cụ thể và khiêm tốn hơn. Tuy nhiên, trong sáu trường hợp liên quan đến thuyết tiến hóa, chính Bộ Chỉ Mục đã hành động, chứ không phải Thánh Bộ.
Hóa ra, Bộ Chỉ Mục hoạt động giống như nhiều ủy ban học thuật hoặc giáo xứ khác – nghĩa là không hoàn hảo! Bộ không có bất kỳ chương trình cố định nào để xem xét các cuốn sách nói chung nhằm phát hiện những cuốn mà Giáo hội có thể cho là có vấn đề. Không hề có một kế hoạch hành động cụ thể. Bộ chỉ xem xét một cuốn sách khi có người đệ đơn khiếu nại chính thức về cuốn sách đó.
Khi điều này xảy ra, thư ký của Bộ được yêu cầu xem xét cuốn sách và chỉ định các người thẩm định, gọi là “cố vấn,” để họ cũng tiến hành đánh giá. Một người trong nhóm sẽ viết một báo cáo. Sau đó, các cố vấn sẽ họp lại. Tiếp đến, toàn bộ các Hồng y thành viên của Bộ sẽ họp và đưa ra phán quyết về cuốn sách, để trình lên Đức Giáo hoàng phê chuẩn. Nếu một cuốn sách bị xác định cần phải kiểm duyệt, một sắc lệnh sẽ được công bố, bổ sung cuốn sách đó vào Danh mục Sách Cấm. Tuy nhiên, chỉ có sắc lệnh lên án được công bố, còn lý do cụ thể giải thích vì sao cuốn sách bị lên án thì không được nêu rõ.
Đó là cách mà mọi việc được thực hiện trên nguyên tắc. Trong thực tế, các ấn bản mới của Danh mục Sách Cấm không được xuất bản một cách đều đặn. Các cố vấn và Hồng y thuộc Bộ Chỉ Mục cũng không họp định kì. Dù Bộ có từ 20 đến 30 hồng y trong giai đoạn tranh luận về thuyết tiến hóa, nhưng hồ sơ cho thấy thường chỉ có khoảng 5 đến 10 vị tham dự các cuộc họp. Các thành viên của Bộ còn nhiều ưu tiên khác.
Ngoài ra còn có vấn đề về các báo cáo. Đôi khi có nhiều báo cáo từ các cố vấn khác nhau, với những quan điểm của họ đôi khi hoàn toàn không thống nhất. Trong trường hợp của Cha Dalmace Leroy và cuốn sách Sự Tiến hóa của Các Loài Hữu cơ xuất bản năm 1891, các cố vấn của Bộ đã viết tổng cộng sáu báo cáo khác nhau theo thời gian! Họ không đồng thuận về cuốn sách của cha Leroy, cũng như không đồng thuận về thuyết tiến hóa.
Bản thân các cố vấn cũng nhận ra điểm yếu của quy trình này. Một trong số họ khi xem xét cuốn sách của cha Leroy đã đề xuất không cấm cuốn sách, mà chỉ cảnh báo cha Leroy thông qua bề trên của ngài để ngài tự thu hồi cuốn sách. Tại sao không cấm cuốn sách? Một phần vì cố vấn cho rằng cha Leroy có thiện chí và là một linh mục thông minh, ngay thẳng. Nhưng cũng một phần vì cố vấn này cho rằng không nên để cha Leroy bị lên án trong khi những tác giả khác có các cuốn sách tương tự vẫn đang lưu hành mà không bị cấm – không phải vì các cuốn sách đó tốt hơn, mà chỉ vì không ai khiếu nại chúng lên Tòa Thánh.
Ngay cả Bộ Chỉ Mục nói chung đôi khi cũng dè dặt trong việc bày tỏ ý kiến. Họ không luôn đặt hết nỗ lực vào việc đánh giá thuyết tiến hóa (như thể hiện qua số lượng người tham dự cuộc họp), chủ yếu dựa vào nỗ lực của chính mình thay vì tham khảo ý kiến từ một nhóm chuyên gia rộng lớn hơn. Vì vậy, đôi khi họ lo lắng rằng các quyết định của mình có thể không tránh khỏi bị chỉ trích bởi các trí tuệ hàng đầu trong lĩnh vực thần học.
Với tính chất thiếu chặt chẽ trong cách làm việc của Bộ Chỉ Mục, không ngạc nhiên khi năm trong số sáu trường hợp liên quan đến thuyết tiến hóa được đề cập ở trên, Bộ không đưa ra hành động chính thức nào, mà chọn cách trao đổi riêng với tác giả hoặc không làm gì cả.
Cuốn sách duy nhất bị lên án công khai vì cách tiếp cận thuyết tiến hóa là cuốn Những Nghiên cứu Mới về Triết học: Các Bài Giảng cho Một Sinh viên Trẻ (1877) của cha Raffaello Caverni. Ngài từng là giáo sư vật lý và toán học tại chủng viện Firenzuola. Tuy nhiên, vì lý do một cuốn sách bị đưa vào Danh mục Sách Cấm không bao giờ được công khai và tiêu đề sách của Caverni không đề cập đến thuyết tiến hóa, nên những người không tham gia trực tiếp vào quá trình đánh giá sẽ không bao giờ biết vấn đề thực sự là gì. Công chúng chỉ biết rằng sách của cha Caverni đã bị cấm, nhưng không rõ lý do. Cuốn sách có một số lời chỉ trích đối với giáo hội – và với công chúng, có thể đây là lý do khiến cuốn sách bị đưa vào Danh mục. Không ngạc nhiên khi trường hợp của cha Caverni thường bị bỏ qua trong các cuộc thảo luận về Vatican và thuyết tiến hóa.
Những con người không hoàn hảo, quy trình không hoàn hảo, kết quả không hoàn hảo
Vatican, cũng như Giáo hội nói chung, được cấu thành bởi những con người – và con người thì không hoàn hảo. Con người không hoàn hảo tạo nên những quy trình không hoàn hảo, hành động không hoàn hảo và kết quả không hoàn hảo. Điều này rất quan trọng để ghi nhớ khi khám phá câu chuyện về Giáo hội Công giáo và khoa học.
Tất nhiên, chúng ta có thể đặt câu hỏi – nếu các quy trình của Giáo hội không hoàn hảo như vậy, tại sao Giáo hội lại tham gia vào một vấn đề khoa học ngay từ đầu, đặc biệt khi không có một nhân vật xuất chúng như Augustinô? Phải chăng khoa học mới là cách tốt nhất để chúng ta tìm hiểu sự thật?
Tài liệu tham khảo
Loạt bài này dựa trên bài báo “The Vatican and the Fallibility of Science” được Christopher M. Graney trình bày tại hội thảo “Unity & Disunity in Science” tại Đại học Notre Dame, ngày 4 – 6 tháng 4 năm 2024. Bài báo, có sẵn trên ArXiv (Bấm vào đây), cung cấp các chi tiết và tài liệu tham khảo dành cho độc giả quan tâm.
Bài báo và loạt bài này mở rộng các ý tưởng được phát triển bởi Graney và Giám đốc Đài Quan sát Vatican, Thầy Guy Consolmagno, S.J., trong cuốn sách năm 2023 của họ, xuất bản bởi Paulist Press, When Science Goes Wrong: The Desire and Search for Truth.
Nguồn: Aleteia
Tác giả: Christopher M. Graney
Chuyển ngữ: Hoàng Quân | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên