„Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. (Lc 2, 8-12).
Trong dịp mùa Vọng một người Mỹ tên Mike đã qua bên Nga thăm một Cô Nhi Viện mà ông đã dấn thân nâng đỡ các em mồ côi. Khi tới gần dịp lễ Giáng Sinh ông nảy ra một sáng kiến. Ông kể cho các em bé nghe câu chuyện hài nhi Giêsu xuống trần và sinh ra như thế nào. Lần đầu tiên được nghe một câu chuyện như vậy, các em lấy làm thích thú. Thấy vậy ông liền mời gọi các em làm những chuồng lừa đơn sơ để diễn tả lại cảnh sinh ra của Giêsu. Mỗi em sẽ tự chọn cho mình những vật liệu và với sáng kiến cùng cảm hứng riêng để dựng nên chuồng lừa theo ý mình.
Sau vài tiếng đồng hồ, khi các em đều hoàn tất, Mike liền đi coi. Mỗi chuồng lừa đều có những nét rất đặc sắc. Các em đã diễn tả rất sống động khung cảnh Giáng Sinh với em bé Giêsu, với Maria, Giuse, các thiên thần cùng chiên bò và các mục đồng.
Nhưng có một chuồng lừa làm cho Mike đứng hồi lâu chiêm ngắm mà chẳng hiểu ý nghĩa thế nào. Trong đó có hai em bé đang nằm. Ông hỏi em bé mồ côi làm chuồng lừa đó: „Tại sao em lại để hai em bé trong chuồng lừa? Một em là Giêsu còn em thứ hai là ai?“
Em bé trả lời: „Em bé thứ hai là chính cháu. Cháu mồ côi thì Giêsu cũng mồ côi với cháu, vì Giêsu muốn trở nên làm người giống như cháu. Vì vậy, Giêsu và Cháu là hai đứa trẻ mồ côi nằm trong một chuồng lừa.“
Trong câu chuyện trên có một điểm làm tôi suy nghĩ đó là sự nhạy cảm của em bé mồ côi về sứ điệp của ơn cứu độ. Dù chẳng hiểu gì về Thiên Chúa, dù chẳng một lần sống bầu khí Giáng Sinh, nhưng em đã khám phá được tình thương của Hài Nhi Giêsu trong chính cuộc đời của mình.. Em đã mở lòng và mở ,,thế giới“ của mình để đón nhận Giêsu.
Nhưng Giêsu xuống trần để làm gì?
Để đem tình thương và niềm tin vào đời. Để trở nên người như người, để cảm được nỗi đau của người, để hiểu được cuộc đời này tràn đầy những nghèo nàn, bất công và tội lỗi. Chính vì yêu thương những con người đang đau khổ, những người thiếu may mắn, những kẻ thấp cổ bé miệng và yêu cả những con người tội lỗi mà Giêsu đã xuống trần.
Em bé mồ côi kia không Cha và thiếu Mẹ, Giêsu cũng muốn chia sẻ số phận đó của em. Người nghèo khó đói rách không một mái tranh để trú ngụ, Giêsu đã cùng chia sẻ với họ, khi Giêsu đồng ý sinh ra trong một mái tranh tạm bợ ngoài đồng. Những người đang bị bàn tay bất nhân bóc lột, Giêsu cũng chia sẻ với họ sự bất công đó, bằng cách Giêsu cũng đã phải chịu lùng bắt khi mới còn ấu thơ. Trong dịp Giáng Sinh này thế giới tội lỗi sẽ vui mừng vì Giêsu đã sinh ra để đem lại ơn cứu độ và giải thoát loài người khỏi hố sâu tội lỗi, nhưng ơn cứu độ chỉ tròn đầy khi thế giới tội lỗi hướng nhìn và tin vào Giêsu trên thánh giá. Loài người chỉ có thể được Giêsu giải thoái khi họ đồng ý để Giêsu giải thoát họ. Ân sủng và ơn cứu rỗi không thể tròn đầy khi hai chiều ,,Thiên Chúa và loài người“ không cùng một nhịp đập, cũng như tình yêu sẽ không có mặt, khi hai trái tim không hòa nhịp yêu thương.
Trở về với đoạn thánh kinh của Thánh Lu-ca kể lại câu chuyện các mục đồng, những kẻ chăn chiên nghèo khó và quê mùa, được các Thiên Thần báo tin: „Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”.
Nhưng tại sao lại là những người chăn chiên chất phát nghèo nàn kia được Thiên Chúa loan tin vui ơn cứu độ? Thực vậy, sứ điệp của tình thương và niềm vui ơn cứu độ dành cho tất cả những ai ý thức mình còn nghèo nàn, còn nhỏ bé và còn cần đến Thiên Chúa. Các Mục Đồng là chính những người như vậy.
Nếu đọc tiếp đoạn Thánh Kinh chúng ta sẽ thấy rằng, các mục đồng đã vâng lời Thiên Thần ra đi và tìm thấy Giêsu được bọc tã nằm trong máng cỏ của hang lừa ở Be-lem. Dấu để nhận ra Giêsu là „Em bé bọc tã và nằm trong máng cỏ“. Hai dấu hiệu rất đơn sơ, nhưng hợp với đôi mắt của các mục đồng. Máng cỏ là một vật rất quen thuộc đối với các mục đồng. Em bé sơ sinh bọc tã, một hình ảnh rất đơn sơ và dễ nhận ra. Các mục đồng đã khám phá được tin vui lớn lao trong những gì rất đơn sơ, nhỏ bé và quen thuộc. Đó là cách thức của diễn tả tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu không rắc rối, tình yêu không màu mè và không cao sang. Tình yêu rất đơn sơ và hợp với lòng người, với cuộc sống của từng con người.
Tình yêu đó các mục đồng nhận ra ngay qua „máng cỏ“ đơn sơ của họ. Tình yêu đó các em mồ côi nhận ra qua chính sự mồ côi của mình.
Còn chúng ta sẽ nhận ra tình yêu Thiên Chúa qua dấu hiệu nào? Phải chăng qua sự nhộn nhịp tưng bừng của Chợ Giáng Sinh? Hay qua những dịp mua sắm quà cáp vào ngày Noel? Phải chăng qua chính những giây phút ý thức đón chờ Giêsu Hài Nhi? Hay qua những tâm tình chia sẻ niềm vui và quà Giáng Sinh cho những người nghèo và các em mồ côi?
Để kết thúc bài chia sẻ này, xin mọi người cùng tập với tôi: Xin mọi người đọc bài tập này và sau đó nhắm mắt lại để đi từng bước một: Mọi người hãy mường tượng xem mình sẽ làm một chuồng lừa cho Hài Nhi Giêsu. Mình sẽ làm như thế nào? Chuồng lừa sẽ có ai và có gì? Được trang hoàng như thế nào? Sau đó hãy chiêm ngắm chuồng lừa với Hài Nhi Giêsu và tự hỏi: Tại sao Giêsu lại xuống trần? Giêsu yêu mình ở điểm nào? Mình nhận ra tình yêu Giêsu qua dấu hiệu nào? Mình có mặt trong chuồng lừa bên cạnh Giêsu không? Nếu có, thì mình là ai và làm gì cho Giêsu? Để kết thúc hãy tâm sự với Giêsu về những tâm tình mình mới có và hát một bài ca Giáng Sinh hoặc đọc một kinh Kính Mừng.
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.