Tôi thấy những giọt nước mắt nhẹ nhàng tuôn ra từ bờ mi cha. Tôi nghĩ rằng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc nhất của ngài, vị linh mục đã tận hiến một đời cho Chúa…
Khu nhà hưu vốn đã vắng lặng và u buồn. Cơn mưa chiều nay càng làm cho bầu không gian thêm cô tịch lạnh lẽo. Có một cụ bà chậm rãi, lom khom bước vào khuôn viên. Chắc bà cũng đã ngoài thập tuần. Dáng đi cũng không còn vững chãi. Bà từ từ cởi chiếc áo mưa, loại áo rẻ tiền được chắp vá nhiều chỗ. Đây là lần đầu tiên tôi thấy bà và tôi tự hỏi không biết có chuyện gì mà bà phải đội mưa đi bộ vào khu nhà hưu này vào một buổi chiều thê lương như hôm nay.
Có vẻ như bà không phải là một người khá giả. Nhìn dáng bộ của bà, tôi đoán là bà đã hứng chịu không ít những phong sương của kiếp người tại thế. Thoạt nhìn, tôi không có cảm tình với bà mấy, cứ nghĩ rằng chắc lại là một cụ hành khất đến nhà dòng để kể lể và xin xỏ điều gì đây. Tôi đang mải mê trong những dòng tư tưởng ấy thì bà tiến đến bên tôi, hỏi tôi về một vị linh mục lớn tuổi đang nghỉ hưu tại đây. Tôi dẫn bà vào phòng vị linh mục ấy, một căn phòng khá nhỏ! Trên chiếc giường sát tường là vị linh mục mà bà đang muốn tìm. Cha bị tai biến cách đây mấy năm. Từ đó đến nay, cuộc sống của cha chỉ là những ngày tháng nằm chơ vơ đếm thời gian trôi lặng lẽ. Cha vẫn ý thức được mọi sự, vẫn có tất cả những cảm giác, nhưng không thể cử động được. Bên ngoài, mưa vẫn còn rơi!
Cụ bà từ từ tiến vào trong. Tôi theo sau, phần vì muốn trông chừng cha, phần vì tò mò, không biết bà cụ này là ai, có tương quan gì với cha, và quan trọng hơn là bà sẽ làm gì với cha. Không gian thời gian như tĩnh mịch. Tôi theo dõi từng cử chỉ của họ. Tôi còn quá trẻ để có thể hiểu được những ý nghĩa trong từng ánh mắt và hơi thở của hai con người tuổi đã ở cái tuổi xế bóng kia. Tôi cố gắng nhìn vẻ mặt của cha để đoán xem cha có biết cụ bà này là ai không. Nhưng thật không dễ để nhận biết, vì ngoài đôi mắt có thể đưa qua đưa lại, cha không thể làm được điều gì khác. Dẫu sao thì tôi đoán là cha đang rất vui vì ít ra cũng có người đến thăm mình.
Bà đưa tay vào túi, chậm rãi lấy ra một cái gì đó, đặt nó vào tay cha, như một món quà. Tôi chồm người lên để xem đó là vật gì, và cũng để thay cha nhận lấy vì cha không thể cầm được. Và khi nhìn thấy món quà này, tôi cảm thấy như có gì đó lạnh lạnh chạy dọc sóng lưng. Tôi thấy mình như nhỏ lại nghe bà thì thầm với cha:
– Cha ơi, cha bị bệnh, tội nghiệp quá. Con không có tiền để mua thuốc cho cha. Con chỉ có chai dầu gió này. Nó hay lắm! Hôm rồi, con đau bụng, thoa vào một tí là hết ngay. Bữa nào cha thoa thử đi, biết đâu cha được lành bệnh thì sao!
Tôi thấy những giọt nước mắt nhẹ nhàng tuôn ra từ bờ mi cha. Tôi nghĩ rằng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc nhất của ngài, vị linh mục đã tận hiến một đời cho Chúa…
Trước kia, cha đã từng là một người rất nổi tiếng. Cha đã làm không biết bao nhiêu việc tốt để giúp các tín hữu trong giáo xứ. Cha còn là một nhạc sĩ nổi tiếng. Những sản phẩm trí tuệ của cha nhiều vô số kể. Có lời đồn, cha còn được mệnh danh là vị linh mục bảnh trai và tài hoa nữa. Thời ấy, cha đi đâu cũng được người ta tiếp đón. Người ta hăm hở khi được gặp mặt và nói chuyện với cha. Người ta không tiếc những lời nói ngọt ngào và những lời khen ngợi dành cho cha. Đối với họ, cha là một thần tượng, là một tài năng, là một hình ảnh bất biến của tài hoa và trí thức.
Thời oanh liệt ấy của cha đã nhanh chóng vỡ tan khi cơn tai biến bất thình lình ập tới. Nó đã đành lòng lấy đi hết của cha mọi sự. Tài năng, sự bảnh bao, nét lãng mạn… tất cả đều rời bỏ cha mà đi. Còn lại nơi góc phòng tối tăm này chỉ là một thân xác không còn hình thù đẹp mắt. Nét hào nhoáng năm xưa của cha dường như quay trở lại đọa đày cha. Bao dự tính cho những CD nhạc, những bài chia sẻ, những chuyến hành trình đã vội vàng vỡ tan như bong bóng trước sức mạnh của ngọn gió nhân gian. Phũ phàng!
Từ ngày cha nằm đây, danh tiếng cha cũng phai nhạt. Chẳng mấy ai còn để ý đến cha. Người ta cũng chẳng có thì giờ để quan tâm giờ đây cha đang làm gì, sống ra sao. Chỉ còn lại cha với nỗi cô đơn không tên, gặm nhắm sự nhạt nhẽo của nhân tình thế thái. Chẳng là lỗi của ai cả. Đó chỉ là quy luật của cuộc sống thôi. Cha cũng hiểu và dần quen với điều đó.
Rồi hôm nay, đôi bờ mi cha vốn đã khô cạn bấy lâu, chợt tuôn trào một dòng nước mắt khác lạ. Khi cha đã không còn gì nữa, đến thăm cha là một cụ bà ngày xưa từng là con chiên của cha. Nhà bà nghèo, học thức của bà chẳng có bao nhiêu, chỉ có tình thương và lòng quý mến là dạt dào vô bờ bến. Bà thậm chí còn không biết bị tai biến nghĩa là gì. Bà chỉ nghĩ đơn giản chắc là nó cũng giống như bị cảm hay sốt hay đau bụng gì đấy. Để rồi, bất chấp cơn mưa lạnh buốt và con đường lầy lội, bà đây đến để thăm cha, tặng cha chai dầu gió bé nhỏ vì nghĩ rằng nó có thể giúp cha lành bệnh. Tình cảm của bà gói trọn vào đó, tình cảm của một con người đơn sơ, nhỏ bé, không có gì quý giá trước người ta nhưng lại có con tim đong đầy lòng thương mến.
Đôi mắt cha bỗng nhỏ lệ. Tôi đứng đó cũng cảm thấy nghẹn ngào, nơi cổ họng có chút gì đắng đắng. Tôi thấy cha đang cố gắng nở nụ cười, dù rất khó khăn. Tôi cảm nghiệm được niềm hạnh phúc của cha. Những hy sinh của cha, thánh giá mà cha đang vác trên giường bệnh này tưởng là quá sức nặng nề, nhưng đã được chai dầu gió nhỏ xíu của cụ bà kia xua tan hết. Chúa đã thưởng công cho một đời linh mục của cha, không phải là những tiếng tung hô đưa đón của bao nhiêu con người giàu có ngoài kia cùng biết bao tặng vật quý giá, nhưng là lời hỏi thăm cùng món quà nhỏ bé của một bà cụ nghèo đang ở trước mặt cha vào lúc này đây. Tôi tin là cha đang hạnh phúc vì điều ấy! Chai dầu gió đúng là công hiệu thật, như lời bà nói. Và rồi, tôi chợt hiểu ra vì sao Đức Giêsu đã vui mừng, khoe với các môn đệ là bà góa đã bỏ vào thùng tiền trong Đền Thờ hai đồng bạc nhỏ là người đã dâng cúng nhiều hơn ai hết.
Trời vẫn còn mưa, dù không còn nặng hạt như trước. Bà khoác lên người chiếc áo mưa cũ kỹ, tay chống gậy, chào tôi rồi quay lưng bước đi. Tôi đứng bên hiên, nhìn theo dáng bà, nhủ thầm trong lòng hai từ “xin lỗi” vì đã có những suy nghĩ không đúng về bà. Rõ ràng là một giáo dân đơn sơ như bà đã dạy một tu sĩ như tôi nhiều điều về tình yêu và về cuộc sống. Chắc là bà chẳng hiểu gì về Ba Ngôi hay về những triết lý thâm sâu, nhưng bà đã sống được huyền nhiệm ấy trọn vẹn và tuyệt mỹ hơn tôi. Bóng bà dần mờ nhạt đi giữa buổi xế chiều man mác. Tôi bất chợt nghĩ đến đời tu của tôi, rồi nghĩ đến cảnh về già, nghĩ đến tình người ở cõi nhân sinh… Chỉ còn lại vài giọt mưa tí tách rơi nhẹ từ cuống lá. Hình như có chiếc cầu vồng đang mọc lên từ phía xa…
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ