Gửi những ngày Đà Lạt tĩnh lặng

“Có những ngày, con đã hoài quên Chúa

Con mỏi mệt giữa những ngày lắng lo

Tim nguội lạnh giữa bao ngày băng giá

Nhưng Ngài đó, Ngài vẫn đó đợi con.”

Thân mến chào các bạn đang đọc bức thư của mình gửi đến Đà Lạt trong những ngày tĩnh tâm! Có lẽ, khi các bạn đọc bức thư này, mình đã không còn là mình của lúc trước. Mình đã thay đổi, khác xưa và cũng chiêm nghiệm được nhiều điều. Bản thân mình của hiện tại khác với quá khứ, không phải là tận căn nhưng chí ít mình dám đối diện, dám nhìn vào con người thật của mình, dám trả lời khi nghe tiếng Chúa gọi: “Này con ơi,”

Gửi Đà Lạt những ngày mình thương nhớ!

Đà Lạt ơi, vậy là đã qua mấy ngày rồi nhỉ? Thế mà, mình vẫn còn ngờ ngợ lắm. Chẳng tin là đã hết 3 ngày tĩnh tâm ngắn ngủi đâu. Phải nói làm sao nhỉ? Chẳng biết nữa… Chỉ là, mình muốn nói: “Sao Ngài lại yêu con? Sao con lại cứng lòng? Sao con không tin Chúa?”

Có thể nói, mình là một người khá vô tâm, mình lạnh lùng và vô cảm. Mình luôn tỏ ra mạnh mẽ, chưa bao giờ cho phép bản thân yếu đuối. Mình vẫn thế, có những cái mình tự cho là sống nội tâm, là tĩnh lặng nhưng thực sự không phải vây…

Ba ngày tĩnh tâm, mình đã nhận được gì? Ở khung cảnh thánh thiêng tại Trung tâm Mục vụ Đà Lạt mát lạnh, Chúa đã mời gọi gì nơi con tim khô khan nguội lạnh này? Chắc là sự động chạm, là gõ cửa hay mời gọi… Mình không chắc, nhưng mình nghe được tiếng Chúa gọi, Chúa đã thỏ thẻ với mình, Người nói “Con ơi, hãy mở lòng với ta.”

Các bạn có biết không, khi mình nghe tiếng gọi đó, cảm xúc của mình thật sự rất hoảng sợ. Mình vẫn luôn nghĩ bản thân có một mối tương quan mật thiết với Chúa, mình không nghĩ bản thân là một người cứng lòng cũng chẳng bao giờ mình nhìn về con người thật của bản thân. Như mình đã nói rồi đó, chẳng biết tại sao… mình luôn phải gồng mình như thế, không được yếu đuối, không than thở, không để người khác phải lo lắng cho bản thân lại càng cố gắng không để mọi người đọc được suy nghĩ của mình. Mình đã sống như vậy gần hai mươi năm, từng ngày trôi qua… mình vẫn cười, vẫn nói… Nhưng, lúc đó, có thật là mình đang sống? Hay chỉ là tồn tại?

Bản thân mình rất sợ thế giới này, hiểm họa, tai ương, hận thù, chết chóc. Mình không thấy được sự an toàn nơi thế gian và nghiễm nhiên tự lúc nào không hay, mình đóng khung thế giới đồng thời cũng tự đóng khung chính mình. Chưa bao giờ… mình tìm đến ai để chia sẻ, chưa bao giờ mình bộc bạch sự thất vọng chán nản hay cả những lúc mình tuyệt vọng nhất, mình buồn, mình khóc… Vẫn chỉ có mình đối diện với chính mình. Những lúc như thế mình cũng đã từng nghĩ đến một số người bạn, một số người mình tin tưởng… Nhưng rồi, lại thôi. Mình cũng tâm sự cho họ nghe đó, nhưng là trong vô thức, một mình ngồi nơi góc tối nào đó, tự khóc, tự kể, tự gượng cười rồi tự xoa dịu mình “Tất cả rồi sẽ ổn” – Mình tự nhủ vây… Cũng nghĩ là sẽ ổn thật, nhưng phải đến những ngày mình đến với Chúa, đến với Đà Lạt gần gũi lòng người, nghe cha giảng phòng chia sẻ và cũng có ơn Chúa nữa, mình mới biết… Đó không phải mạnh mẽ cũng chẳng phải là nội tâm, kiên cường hay tự lập mà là một tình trạng của sự “…”

Khi nghe đến hai từ đó, thật sự mình rất sốc. Là chính bản thân mình ư? Mình mà lại rơi vào tình trạng đó sao? Không thể nào? Mình suy đi nghĩ lại và… đành phải chấp nhận. Mình chợt nghĩ về những ngày của quá khứ, của những ngày gồng mình mạnh mẽ. Có những ngày thật sự mệt mỏi, mình ốm, mình mệt… nhưng mình lại tự nhủ “Đừng than thở, đừng để cho người khác cảm thấy sự mệt mỏi của mình…” Mình đã khép cửa, đóng khung nội tâm như thế, không cho ai bước vào, mình sống cô quạnh, tạm bợ cho đủ một kiếp người đầy bất mãn, than phiền và trách móc. Mình không tin thế giới này, mình không cảm nhận được bình an. Trong con người nhỏ bé của mình, điều mình tin duy nhất là trực giác của bản thân. Mình cảm nhận được những mối nguy hiểm đang rình rập, mình cũng tìm đến Chúa để tìm sự bình an trong tâm hồn… nhưng lại là trong vô thức. Mình cầu nguyện trong vô thức, đọc kinh cũng vô thức và đi lễ cũng vậy… Kể từ lúc nào, chính bản thân mình lại xa cách Chúa?

Rồi được nghe những lời chia sẻ của cha đồng hành, mình nhận ra trong bản thân luôn có sự đấu tranh rất lớn và có cả hai mặt song song tồn tại, đôi khi mình muốn thu mình lại nhưng có lúc mình lại muốn bộc lộ, thể hiện bản thân. Cũng từ đó, mình vô tình quên Chúa, quên tha nhân và quên luôn cả chính mình. Cuộc sống mười mấy năm của mình diễn ra chỉ là một chu trình của sự tồn tại. Sáng lên rồi chiều đến, vô tâm, nguội lạnh, thờ ơ và xen lẫn cả sự bất thường nữa. Mình… nhiều lúc chỉ nghĩ cho bản thân, mình quên rằng Chúa yêu mình, Ngài ban cho mình nhiều thứ. Ngài cho mình một tâm hồn nhạy cảm, một con mắt biết nói và cả trực quan mãnh liệt để mình dễ dàng cảm thông với nỗi đau của tha nhân… Nhưng từ lúc nào, mình lại để ý thái quá, dùng con mắt và trực giác trần gian của mình đóng khung mọi người và đôi khi còn xét đoán anh em. Mình đã không đủ mạnh mẽ để chiến đấu với cảm xúc nội tại. Mình để cảm xúc chiếm trọn lý trí, để bản thân là một mớ hỗn độn phức tạp giằng xé… Rồi như một thói quen, mình trút hết mọi sự bực tức, bất mãn lên mọi người xung quanh. Sau những cơn nóng giận như thế, mình hối hận, biết mình sai, mình không nên làm tổn thương mọi người. Cũng đã nhiều lần, mình đấu tranh và quyết tâm dữ đội, tự hứa không để cảm xúc chi phối bản thân… Nhưng, một lần nữa… mình đầu hàng, mình yếu đuối…

Mãi đến khi mình đi linh thao cùng gia đình lưu xá, lần đầu tiên dành trọn thời gian cho Chúa, cho bản thân, cho những bài điểm của cha giảng phòng, cho tâm hồn khô khan nguội lạnh… Bản thân mình mới được chạm đôi chút. Bỗng nhiên, hai mắt ngấn lệ.  Chẳng hiểu sao con người khép kín như mình lại an nhiên, bình thản và can đảm đứng lên chia sẻ như vậy. Chẳng hiểu sao mình lại nghe con tim đập thật nhanh, và… mình nghe tiếng Chúa, nghe tiếng mình, nghe cả ước mơ của bản thân thuở bé. Cũng chẳng biết, mình đã quên nó tự lúc nào? Do bộn bề cuộc sống hay do mình đã vô tâm hời hợt? Do thời gian hay do áp lực thời đại. Mà mình quên… Có điều, chính lúc đó, ngay giây phút quỳ bên ánh lửa phục sinh, đọc lời nguyện dâng hiến, ước mơ ấy như sống lại trong mình. Mình khao khát thực hiện và mong muốn Chúa đồng hành cùng mình trong ước mơ ấy, mình nhận ra sự yếu đuối bất toàn của bản thân nhưng Chúa vẫn yêu, vẫn luôn ở cạnh mình. Đến lúc này, có lẽ những bài điểm của cha mới thực sự thấm vào mình. Chúa đã chạm đến mình, Chúa tặng mình ơn nhận biết bản thân, nhìn nhận tội lỗi và can đảm đối diện, không sợ tội, sợ con mắt của người đời. Mình nhận ra hãy cứ sống là chính mình, là bản thể còn nhiều bất toàn nhưng là con của Chúa, luôn được Chúa yêu.

Cũng chính ngay lúc này, cảm giác như bản thân được gột rửa hoàn toàn. Không phải như những lần trước, đến lần này bỗng nhiên bản thân thấy được động lực, sự quyết tâm mạnh mẽ để chiến đấu với tội lỗi, với sự lấn át của cảm xúc. Ngay trong giây phút ấy, mình sống như có Chúa Thánh Thần đồng hành, người như mở miệng lưỡi của mình. Mình dám chấp nhận những thiếu sót của bản thân, dám nói ra những điều chưa bao giờ mình nghĩ bởi cái tôi vị kỷ. Bản thân không còn sợ hãi có lẽ vì mình cảm nhận được tình yêu và mong muốn trao đi tình yêu như cách Chúa đã yêu mình.

Có thể nói, những ngày sống bình yên trong kỳ tĩnh tâm vừa rồi sẽ mãi là dấu ấn ghi sâu trong đời mình. Mình được cảm hóa và được Chúa chạm một cách rất tự nhiên. Chúa đến với mình, lắng nghe mình nói và thôi thúc mình qua từng bài giảng. Ngài sắp xếp tất cả, từ địa điểm trung tâm Mục vụ Đà Lạt đến cha giảng phòng, cả những bài điểm hay các nhóm chia sẻ… Ngài cũng lo liệu hết. Ngài không chỉ giúp cho bản thân mình mà còn cho cả gia đình lưu xá nhận biết được tình yêu, nhận biết được công trình vĩ đại của Thiên Chúa và cả con người nhỏ bé yếu đuối chỉ qua ba ngày lặng để tĩnh tâm, lắng để suy tư và để Chúa sờ chạm vào tâm hồn khô rát.

Những ngày về với thị thành tấp nập, chắc hẳn trong lòng mỗi chị em lưu xá vẫn còn vương vấn chút gì hoài niệm, một dấu ấn hay suy tư lắng đọng về những ngày tĩnh tâm nơi Đà Lạt cổ kính. Nhưng mình tin như lời cha giảng phòng “Chúa sẽ luôn ở bên các con, Ngài sẽ ban bình an cho các con…”

Cảm ơn Đà Lạt những ngày mình thương nhớ! Cảm ơn tất cả và đặc biệt, con xin cảm ơn Chúa, vì yêu, vì sự quan phòng, Ngài đã lo liệu bởi dù cho thế nào “Ngài vẫn yêu con.”

Chào tạm biệt Đà Lạt, tạm biệt con người của quá khứ, giờ đây… Tôi… đã khác…

Thiên Vân

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

 

Kiểm tra tương tự

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Thập giá ngất cao

Bạn thân mến, Chúng ta đã bước vào Tuần Thánh, cũng là cao điểm của …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *