Khi nghĩ đến vị giáo hoàng này chúng ta phải nghĩ đến Sắc Lệnh Milan (313) ban tự do tôn giáo cho Kitô hữu, sự xuất hiện của Giáo Hội sau những năm tháng trốn tránh trong hang toại đạo, các vương cung thánh đường như Ðền Thánh Gioan Lateran, Ðền Thánh Phêrô, Công Ðồng Nicea và các biến cố quan trọng. Nhưng hầu hết các biến cố này được hoạch định và xảy ra là nhờ Hoàng Ðế Constantine.
Có nhiều truyền thuyết về con người đức giáo hoàng vào thời điểm cực kỳ quan trọng này, nhưng rất ít sự kiện có thể xác định được về phương diện lịch sử. Ngài sinh khoảng năm 270 tại Rome. Chúng ta biết chắc là triều đại giáo hoàng của ngài kéo dài từ ngày 31 tháng 1 năm 314 cho đến khi ngài từ trần ngày 31 tháng 12 năm 335 sau 22 năm lèo lái con thuyền Hội Thánh.
Ngài là vị Giáo Hoàng thứ 33 kế vị thánh Phêrô và là vị Giáo Hoàng đầu tiên đội mũ ba tầng. Ngài chủ tọa Công Đồng Chung ở Nicéa trong đó kinh Tin Kính được công bố. Ngài ấn định ngày Chúa Nhật là ngày nghỉ việc dành để tưởng niệm Chúa Phục Sinh. Ngài đã cho đặt mão gai có đinh sắt trên các tượng chịu nạn. Ngài chủ tọa bảy lần tấn phong mà trong đó ngài đã tạo được 42 linh mục, 25 phó tế và 65 giám mục cho một vài giáo phận.
Tìm hiểu ẩn ý của lịch sử, chúng ta biết chắc là không có ai ngoài vị giáo hoàng này là người có thể duy trì sự độc lập cần thiết cho Giáo Hội khi phải đối diện với nhân vật quyền thế là Hoàng Ðế Constantine. Các giám mục thời ấy nói chung vẫn trung thành với Tòa Thánh và có lúc cũng phải xót xa cho Ðức Sylvester vì phải thi hành những chương trình quan trọng của Giáo Hội dưới sự thúc giục của Constantine.
Bắt bớ chấm dứt, nhưng Giáo Hoàng lại phải đương đầu với những khó khăn khác. Hoàng đế và các người kế tiếp muốn can thiệp vào nội bộ Giáo hội, dùng Giáo Hội để mưu hiệp nhất Đế quốc. Để giải quyết những xáo trộn do các lạc giáo Arius và Donat gây nên, nhà vua tự động xen vào, lấy quyền đời lấn át quyền đạo. Chính Constantin đã triệu tập các Công đồng như Công đồng Nicé năm 325 để kết án Arius, đặc sứ của Giáo Hoàng tuy cũng có mặt tại đó.
Tuy nhiên cũng nhờ có sự nâng đỡ của Hoàng đế mà Đức Sylvester mới khởi đầu làm cho La Mã trở nên một thành phố lớn của Kitô giáo. Ngài bắt đầu xây cất các đại thánh đường Gioan Latran và Thánh Phêrô. Trái với tương truyền, không phải Đức Sylvester rửa tội cho Constantin mà ông chỉ được rửa tội trên giường bệnh khi sắp chết và do một Giám mục Arien. Còn về cái gọi là “của dâng do Constantinô cho Đức Sylvester” chỉ là một sắc lệnh giả tạo nên vào thế kỷ VIII , để biện minh cho sự thành lập nước các Giáo Hoàng.
Đức Sylvester là một trong những vị Giáo Hoàng không chết vì đạo. Người cũng được nhắc đến nhiều vì lễ của người nhằm vào ngày cuối năm,nhắc đến việc thời gian chóng qua, không trở lại.
Kiểm tra tương tự
Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?
“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18) Trong đoạn Tin Mừng …
Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C
Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …