“Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa” (26.2.2017 – Chúa Nhật VIII Thường Niên, năm A)

“Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa”
(Mt 6, 24-34)

 

24 “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.

25 “Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?

26 Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?27 Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?

28 Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi;29 thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.30 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!

31 Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?32 Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.34 Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

1. Thiên Chúa và Tiền Của

Trong những thập niên vừa qua, đời sống của chúng ta có rất nhiều thay đổi, theo hướng càng ngày càng có có nhiều phương tiện, và những phương tiện này lại càng ngày càng cao cấp hay còn gọi là chất lượng cao, điều này có nghĩa là càng đắt tiền. Đó là những phương tiện liên quan đến nhu cầu ăn uống, may mặc, nhà ở, tiện nghi trong nhà, nhu cầu giải trí, nhu cầu truyền thông bằng điện thoại hay internet, nhu cầu đi lại, đi lại trong nước và ngoài nước, nhu cầu học tập… Vì thế, mọi người ai cũng cảm thấy có áp lực rất lớn, là phải có việc làm, và phải làm ra tiền, càng nhiều càng tốt.

Làm việc để có tiền có của, là điều tất yếu trong cuộc sống, nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự tai hại của một cuộc sống chỉ chạy theo tiền của, chỉ chạy theo việc mua sắm các phương tiện, chỉ lo thỏa mãn những nhu cầu vật chất của mình. Lúc đó, người ta không còn làm chủ tiền của nữa, nhưng bị tiền của làm chủ, và hậu quả là làm thương tổn, thậm chí gây đỗ vỡ những tương quan, vốn làm cho chúng ta sống hạnh phúc, đó là tình thương và sự liên đới trong cộng đoàn, gia đình, họ hàng, giữa các bạn hữu, trong lối xóm và xứ đạo.

Bởi lẽ, chúng ta không chỉ sống bằng tiền của, bằng phương tiện, bằng việc thỏa mãn nhu cầu, nhưng còn sống bằng tình thương mà Lời Chúa đem lại cho chúng ta. Một em bé cũng nhận ra và sống điều này, vì em không chỉ cần ăn, cần mặc, nhưng còn cần hơn nữa sự hiện diện yêu thương và lời âu yếm vỗ về an ủi của những người thân yêu. Thiếu tình thương, thì dù có tiền của, đời sống của chúng ta cũng trở thành chết chóc, thậm chí trở thành địa ngục. Chính vì thế, Đức Giê-su nói với chúng ta trong bài Tin Mừng:

Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa,
vừa làm tôi Tiền Của được.

(c. 24)

Điều này không có nghĩa là, Chúa đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ tiền bạc của cải, vì làm sao sống mà không có tiền bạc và của cải, nhưng là sử dụng tiền của, như là phương tiện để ca tụng, tôn kính và phụng sự Chúa, để làm điều làm đẹp lòng Chúa. Nghĩa là, dùng tiền của để “tạo lấy bạn bè” (Lc 16, 9), để diễn tả sự hiệp thông, liên đới, diễn tả lòng biết ơn, lòng mến; và như những gì Chúa nói về những mối lo, chúng ta được mời gọi dùng của cải và đảm nhận đời mình với những những lựa chọn lớn bé và với tất cả những gì chúng ta có và chúng ta là, để tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người.

2. Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người

Đức Giê-su mời gọi chúng ta : « Đừng lo lắng ». Nhưng làm sao ở trên đời mà không có lo lắng, dù chúng ta sống trong ơn gọi nào ? Như một triết gia đã nói, « con người là một hữu thể lo lắng ». Trong lời giảng dạy của Đức Giê-su mà chúng ta vừa nghe, Ngài nói về những lo lắng của chúng ta đối với « cái ăn cái mặc ». « Cái ăn cái mặc », xem ra nói chung đối với chúng ta, là những mối lo đã qua rồi và là những mối lo tầm thường. Qua rồi, vì chúng ta đã vượt qua cái thủa hàn vi « chạy gạo ăn hàng ngày » và mặc quần áo từ đời này truyền sang đời kia. Tầm thường, vì chúng ta có nhiều mối lo khác nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, nếu chúng ta để tâm một chút, chúng ta sẽ nhận ra rằng, thật ra, mối lo về cái ăn cái mặc, tưởng là đã qua rồi và là tầm thường, nhưng vẫn còn đó : có thể mình không thiếu ăn thiếu mặc, nhưng mình lại chăm chút quá đáng, để tâm hay đòi hỏi quá đáng ; có những lúc hay sẽ đến lúc (có khi là đã đến rồi !) chúng ta tỏ ra « khó ăn khó mặc ». Ngoài ra, chúng ta cũng đừng quên, quanh chúng ta, trong xã hội và ở trên thế giới, còn biết bao người phải lo cho cái ăn cái mặc hằng ngày.

Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi hiểu lời của Đức Giêsu ở một cấp độ khác, và ở cấp độ này, lời của Ngài mới có thể đụng chạm mọi người ở mọi thời và ở chiều sâu trong tâm hồn; đó là hiểu “cái ăn cái mặc”, mà Ngài nói tới, như là “mọi nhu cầu cần thiết” trong cuộc sống của chúng ta. Thế mà, trong đời sống hiện thời của chúng ta, chúng ta có rất nhiều nhu cầu cần thiết, cần thiết như và còn hơn “cái ăn cái mặc”: đó là : học tập, huấn luyện, việc làm, chỗ ở và các phương tiện đủ loại khác, chẳng hạn các phương tiện đi lại, truyền thông, tiện nghi, giải trí… Chính vì thế, lời của Đức Giêsu không nhất thiết chất vấn chúng ta về mối lo ăn mặc, hay về mối lo này mối lo kia, nhưng là về mối lo có nguy cơ cạnh tranh với việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, về mối lo choán ngợp chúng ta đến độ gạt qua một bên, thậm chí loại trừ việc tìm kiếm Thiên Chúa và những gì thuộc về Ngài.

Như khi làm thế, chúng ta có loại trừ Ngài ra khỏi cuộc sống của chúng ta được không?

  • Khi mà mọi sự sẽ qua đi, và chỉ có Ngài là cùng đích và là điểm tới, là vĩnh hằng.
  • Khi mà Ngài bao bọc chúng ta cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài đặt trên chúng ta, bằng ân huệ sự sống mỗi ngày (x. Tv 139).
  • Khi mà chúng ta sống không nguyên bởi cái thú thỏa mãn mọi nhu cầu, cho dù cần thiết đến mức nào, nhưng nhất là còn sống bằng tương quan nhưng không, yêu thương, tha thứ, đón nhận, bao dung, cảm thông, biết ơn… được tác tạo và duy trì bởi và chỉ bởi Lời và Ngôi vị của Chúa mà thôi.
  • Khi mà, những thử thách của cuộc đời, là điều không thể tránh được, sẽ buộc chúng ta phải đặt ra những câu hỏi tận căn: Tôi đang tìm gì hay đang tìm ai? Tôi sống cho bản thân, cho cái gì hay cho ai đó? Tôi sẽ phải chết, vậy đâu là lối đi và ý nghĩa đời tôi? Tôi sống theo ơn gọi hay theo thị hiếu, trào lưu?
  • Khi mà sẽ đến lúc, lúc này có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, phải buông xuôi tất cả, như thánh Phao-lô nói: “thời gian chẳng còn bao lâu nữa… bộ mặt thế giới này đang qua đi” (1Cr 7, 29.31)

Vậy, đâu là những mối lo của chúng ta trong thời điểm này ? Chúng ta có sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các mối lo không ? Chúng ta có những mối lo về những điều nhân bản hơn, cao quí hơn và “thiêng liêng” hơn không? “Thiêng liêng” có nghĩa là trọn vẹn con người của tôi sống hay ước ao sống tương quan với Chúa trong mọi sự và ở mọi nơi mọi lúc ? Và nhất là, ngang qua những mối lo không thể tránh được của chúng ta, chúng ta tìm gì ? Đức Ki-tô hỏi từng người trong chúng ta vào thời điểm quan trọng này của thời gian : « Con tìm gì ? »

3. Xem xét và nhìn ngắm

Trong giáo huấn của mình Đức Giê-su còn đi xa hơn nữa để mời gọi chúng ta sống trong sự tín thác, nhưng không phải là sự tín thác tình cảm, ngây ngô hay mù quáng.

a. Xem xét

Để có thể điều hợp và định hướng những mối lo của chúng ta, Đức Giê-su trước hết mời gọi chúng ta hãy sử dụng lí trí để xem xét và cân nhắc các sự việc : « Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? », « Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? »

Quả là chúng ta không thể sống mà không ăn, và có những lúc cần ăn ngon và ăn những thứ chúng ta ưa thích. Cũng thế, chúng ta không thể sống mà không mặc, và có những lúc cần mặc đồ đẹp và mặc những y phục mà chúng ta ước ao. Và cũng tương tự như thế đối với những nhu cầu khác mà chúng ta cần để có thể sống vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng xét cho cùng, tất cả những điều đó không thể thay đổi sự sống của chúng ta ở mức độ căn bản : chúng ta sinh ra vào năm đó, năm con khỉ, con gà, con heo, con rắn, con ngựa, con chó hay con rồng… và là như thế, là Người Việt, đàn ông hay đàn bà, cao, trung bình hay thấp, đẹp, tàm tạm hay không được đẹp… Điều này có nghĩa là, dù có lo hay không lo, chúng ta không làm chủ được sự sống của chúng ta, vì đó là một ơn huệ tuyệt đối : chúng đã đón nhận sự sống và một ngày kia, chúng ta sẽ hoàn trả lại.

b. Nhìn ngắm

Và để chúng ta có thể tín thác nơi Thiên Chúa, Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta nhìn xem và chiêm ngắm chim trên trời và hoa ngoài đồng để nhận ra sự chăm lo quảng đại và nhưng không của Thiên Chúa. Thánh Phanxicô Assisi đã có được kinh nghiệm thiêng liêng này khi dõi mắt theo con chim sẻ bé bỏng ở trong thiên nhiên. Sau đó, thánh nhân đã giũ bỏ mọi lo lắng và bắt đầu sống một cuộc sống mới trong niềm tín thác rất triệt để. Ngày nay, kinh nghiệm thiêng liêng này vẫn còn rất sống động nơi biết bao người sống linh đạo Phanxicô.

Lời Chúa trong các Thánh Vịnh về công trình sáng tạo, chẳng hạn Tv 8, Tv 19 và Tv 104, còn mời gọi chúng ta nhìm ngắm sao trời và những biến cố trong cuộc đời chúng ta để nhận ra sự hiện diện thi ân của Thiên Chúa, một Thiên Chúa không xa xôi, nhưng là « Cha của chúng ta », một Thiên Chúa, muôn ngàn đời, vẫn trọn tình thương (x. Tv 136).

*  *  *

Nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, Cha chúng ta, và đi vào tương quan con thảo với Ngài, và từ đó sống tương quan anh chị em với mọi người, đó chính là con đường để chúng ta xây dựng Nước Thiên Chúa và sống đức công chính của Người. Đức Giê-su đã đi và đi đến cùng con đường này, để trở thành Đường Đi của chúng ta ; và Ngài mời gọi chúng ta đi theo Người hôm nay.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 07-01-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 7/1/2025 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Trở nên Ánh …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 06-01-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 6/1/2025 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG San sẻ niềm hân …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *