Hiện hữu là một ân ban

Hiện hữu tự nó là một ân ban ; vì thế, mỗi hiện hữu đều mang một ý nghĩa nào đó trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta được tạo dựng nên nhờ trong Đức Kitô. Thế nên, chúng ta có sống là sống cho Chúa. Có thể nói, Đức Giêsu phải là điểm qui chiếu cho một cuộc sống có ý nghĩa và chính Người là ý nghĩa cuộc đời ta. Cùng với thời gian, ý thức ấy dần nguôi ngoai nên hiện hữu kia đôi khi cũng mờ nhạt cách nào đó. Từng bước, mỗi người lại quay về với căn tính ban đầu của mình trong Thiên Chúa.

1.HIỆN HỮU

Bạn hiện hữu từ đời đời trong ý muốn Thiên Chúa. Quả thật, trước khi bạn được hình thành trong dạ mẹ, Người đã tưởng nghĩ đến bạn. Như bình gốm đã thành hình trong Thượng Trí Đấng Tối Cao, được nung chảy trong tình yêu Chúa, bạn đã được nặn ra từ bàn tay vô hình. Trong bạn một phần được tạo nên cho vĩnh cửu, bất diệt; một phần thuộc thời gian, mau tan. Hai trong một, có thể phân biệt mà không thể tách biệt. Rồi Người đặt để trong bạn một khát vọng hướng về trời cao và đồng thời Người sắm sẵn cho bạn đôi cánh khả dĩ giúp bạn vươn cao. Ngày nào bạn còn ngẩng cao đầu ngày ấy ánh sáng của Bình Minh còn chiếu sáng trên bạn. Ánh sáng ấy sưởi ấm tâm hồn bạn và ánh sáng ấy cũng soi chiếu con đường bạn đi.

Tại sao tôi không sinh ra cách đây vài năm trước mà là đến bây giờ tôi mới được hiện hữu? Câu hỏi ấy đôi khi hết một đời cũng chưa có câu trả lời. Thánh Têrêsa Calcutta được sinh ra trong thời điểm ấy để giúp những người cùng khốn mang hình ảnh của Đức Kitô. Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sinh ra trong thời điểm đen tối ấy để làm chứng nhân niềm hy vọng. Còn bạn sinh ra trong khoảnh khắc này để làm gì? Chắc hẳn, Chúa có lý trong cuộc hiện hữu của bạn. Bạn chỉ có thể mò mẫm từng ngày trong trái tim Người mới khả dĩ tìm được một câu trả lời. Dù vậy, nó chỉ là câu trả lời chưa trọn vẹn, không dứt khoát vì ngày nào bạn còn sống trong thân xác này, bạn còn lần mò trong đêm tối. Chính lúc ấy bạn cần bám vào Chúa vì Người là câu trả lời chung cuộc cho cuộc đời bạn. Các thánh không bao giờ cho mình là thánh vì như thế là thánh “tôi” chứ không phải thánh thật. Các ngài đều có chung một thao thức là sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại với tất cả tình yêu. Quả thật, nơi đâu có dấu vết tình yêu, nơi đó có Thiên Chúa.

Thiên Chúa là tình yêu và bạn được sinh ra từ đó, nên bạn được bao bọc trong tình yêu. Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ và bạn được sinh ra từ đó, nên bạn là vẻ đẹp của Người. Nơi bạn có một nét đẹp ẩn tàng, vô hình mà chỉ mình Thiên Chúa khả dĩ nhận ra. Đến khi chị Têrêsa HĐGS qua đời, các chị trong dòng kháo láo nhau: không biết chị này có điểm gì để ta ghi lại trong tiểu sử. Và cả đến lúc lập án phong thánh, một vị chức sắc thuộc giáo triều đã phát biểu rằng: “Đời chị Têrêsa không có gì lạ cả, chỉ toàn là những việc tầm thường thôi”. Đức Pio XI trả lời ngay: “Tôi chấp nhận việc phong thánh cho chị, vì chị đã làm những việc tầm thường”.[1] Vẻ đẹp của chị thánh chỉ được Chúa ghi nhận qua người thay mặt Chúa ở trần gian. Đó là vẻ đẹp đến từ Thiên Chúa, chứ không phải hào nhoáng bên ngoài. Vẻ đẹp ấy được sắm lấy bằng những hiểu lầm của nhân đức khiêm hạ chứ không phải những lời khen ngợi sáo chữ kiểu người đời. Bởi vậy, Chúa Giêsu có lý khi khuyên chúng ta rằng: Đừng khinh một ai bé mọn này… vì Thiên Thần của họ trên trời hằng chiêm ngưỡng Cha Ta.

Thân phận của hạt muối

Dương và Âm là hai cực nằm trong “biểu đồ” của Thiên Chúa. Chúng đối và nghịch nhưng không xung và khắc nhau. Trái lại, chúng hòa quyện vào nhau như một thực thể huyền nhiệm mà mắt trần không sao phân biệt được. Chỉ trong Thiên Chúa hiện hữu ấy mới được sáng tỏ. Vì chúng từ Chúa mà được sinh ra.

Dường như trong Thiên Chúa có cả Phụ Tính và Mẫu Tính. Thiên Chúa rất công bằng nhưng cũng đầy từ bi. Thiên Chúa rất công thẳng nhưng cũng giàu lòng thương xót. Cả Hai hòa quyện với nhau nên một Thực Thể gọi là Tình Yêu. Sự Kết hợp này huyền nhiệm đến nỗi tròn đầy trong một Hữu Thể Duy Nhất. Đó là điều có từ trước đời đời mà chỉ có những tâm hồn hằng khát khao mới chứng nghiệm được.

Tôi là hạt muối, xin kể lại câu chuyện của tôi.

Cha tôi là ánh sáng chói chang của Mặt Trời không bao giờ tắt. Nơi người có một năng lực Dương cực mạnh khiến mọi loài đều tan biến và phơi trần trước mặt người. Còn mẹ tôi là nước biển của Mênh Mông không bao giờ cạn. Nơi người có một năng lực Âm cực đại khiến mọi loài đều được tắm mát và chữa lành khi dìm mình trong đó. Rồi vào một ngày đẹp trời hai cực ấy giao thoa, ánh sáng đi vào trong lòng biển. Cho đến khi nổi lấm tấm những hạt trắng trên mặt đất. Ấy là lúc tôi được sinh ra. Tôi đã được kết tinh từ hai nguồn sự sống. Tôi đã được sinh ra như một định mệnh là kết quả của một tình yêu. Và tôi cũng được gọi là tình yêu. Bởi đó, có thể định nghĩa muối là gì? Muối là sự kết tinh của một tình yêu vô vị lợi. Bây giờ tôi mới hiểu lời của Chúa Giêsu: “Anh em hãy là muối cho đời”.

Tại sao là muối mà không phải là một thứ khác? Phải chăng vì muối mang một sứ mạng từ khi mới thành hình. Và muối không phải cho mình nhưng là muối cho đời. Thân phận của muối không thể nào lên tiếng. Chỉ biết sống và giữ mãi sự mặn mà của tình yêu ban đầu. Làm sao có thể thực hiện điều này nếu không phải là làm sống mãi những cảm nghiệm về tình yêu mà hai Đấng sinh thành đã trao ban cho tôi. Muối không cao rao nhưng biểu dương bằng sức sống nội tại đang hằng cuộn trào và từng giây phút tiếp tục kết tinh nên tôi. Muối một ngày sẽ nhạt nhưng nó lại tái kết tinh trong sự giao thoa của tình yêu ấy. Và cứ thế mỗi ngày nó lại được sinh ra.

Và còn một điều tôi quên không nhắc tới. Đó là trong khoảnh khắc giao thoa huyền nhiệm ấy có một Làn Khí bóc lên là là và phủ trên tôi. Tôi cảm nhận một phần sự sống trong tôi bay lên. Đồng thời có một bàn tay vô hình nào đó vỗ về và bảo tôi: “Hãy ở lại đây một thời gian nữa, Ta có một sứ mạng gởi đến con. Hãy là tình yêu mặn mà trong thế gian này”. Dường như đó là lời của Chúa Cha với sự chứng giám của Chúa Giêsu và trong sự bảo toàn của Chúa Thánh Thần. Đó là sự giao thoa huyền nhiệm Nên Một giữa Ánh Sáng, Nước Biển và Làn Khí mà chỉ có hạt muối mới cảm nghiệm được thôi.

Lời cuối cùng tôi muốn nói rằng: Tôi và bạn hãy là muối mặn mà trong thế gian này nhé! Và thế giới chỉ mặn nồng khi hạt muối đã được hòa tan. Chỉ khi nào muối xóa mình đi, muối không còn là muối nữa khi ấy mọi sự sẽ trọn vẹn và lâu bền.

Lời tâm sự của muối chắc hẳn cách nào đó làm bạn suy nghĩ lại sứ mạng của bản thân. Có bao giờ bạn tự hỏi: “Chúa muốn con làm gì cho Chúa không?” Vì chưa bao giờ bạn hỏi nên Người có trả lời bạn cũng chẳng sẵn sàng để nghe. Bạn cứ mãi quay quắt, quanh quẩn tìm kiếm những thứ trang sức phô diễn bên ngoài chỉ một thời gian là tàn phai, cảnh đời vô thường là thế! Những cái bạn đang sở hữu chỉ là những cái “có” được đo lường bằng vật chất, nay còn mai mất. Chúng ta là một “tinh thần nhập thể”. Hiện hữu của bạn, tự nó là một vẻ đẹp. Bạn không cần tô điểm thêm bên ngoài bằng những trang sức lỉnh kỉnh, linh tinh ấy đâu! Có một vẻ đẹp bạn đáng ước ao như thánh Phaolô nói, đó là mặc lấy Đức Kitô. Quả thật, Đức Kitô là vẻ đẹp của bạn. Vẻ Đẹp mà thánh Augustino nói là Vẻ Đẹp vừa xưa nhưng lại mới mãi. Vì sao lại có một Vẻ Đẹp lạ lùng thế! Vừa cũ lại vừa mới mãi? Thưa: vì vẻ đẹp ấy luôn được tái sinh trong bạn. Và một khi bạn khoác vào vẻ đẹp ấy, bạn sẽ là vẻ đẹp của Người.

Bạn đừng tìm kiếm sự khen ngợi nơi người đời. Họ không thể khám phá ra vẻ đẹp của bạn nếu không sống trong Thần Khí. Thật vậy, người đời chỉ khám phá ra vẻ đẹp của thánh nữ Têrêsa HĐGS khi chị đã qua đời. Cuốn Tự Thuật của chị được viết bằng máu, nước mắt và Thần Khí. Có thế, một người sống trong bốn bức tường của dòng Kín lại được Thần Khí đặt làm bổn mạng của các xứ truyền giáo. Một hạt muối âm thầm chẳng bao giờ lên tiếng mà lại có một sứ mạng bao trùm cả thế giới này. Quả thật, chỉ có hạt muối tình yêu mới có thể vượt mọi biên giới để đến với muôn dân. Chỉ có hạt muối quên mình mới ướp cho mặn những tấm lòng tan vỡ, rữa nát. Muối không chỉ giữ cho thức ăn lâu bền nhưng còn sát trùng và chữa lành nữa! Chỉ có hạt muối dễ tan mới mau thấm nhập vào những ngóc ngách của cuộc đời. Nhờ thế, nó lại được tái sinh và mặn mà như xưa. Tình yêu mặn mà ấy vẫn thế vì mặc lấy Đức Kitô.

Hiện hữu của con người thật cao trọng vì được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Trong đó, việc con người được hưởng tự do là dấu chỉ rõ ràng nhất nhằm giải thích con người là hình ảnh của Ngài.[2] Nếu Thiên Chúa toàn quyền tự do hành động theo bản tính thiện hảo của mình thì con người cũng được mời gọi sống những giá trị thiện hảo nhất nhằm xây dựng bản thân mỗi ngày nên đồng hình đồng dạng với Người. Tự do của con người thật cao cả, nó có thể dùng tự do để yêu mến Thiên Chúa, đồng thời, lạm dụng nó mà khước từ Ngài. Con người không thể nào sống mà ở ngoài Ngài nhưng thực tế con người muốn loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống mình. Đó là một hiện hữu ảo.

2.HIỆN HỮU ẢO

Có một sự ảo tưởng về hiện hữu của bản thân khi con người tách mình ra khỏi nguồn sống là chính Thiên Chúa. Thật vậy, chúng ta không thể sống, cử động và hiện hữu ở ngoài Người. Thế mà người Con Hoang Đàng lại muốn tách mình ra khỏi nguồn sống. Anh muốn tự do kiếm cho mình một không gian không có Thiên Chúa. Phải chăng trong thế giới vô thần con người có một thứ tự do tuyệt đối và hiện hữu sung mãn?

Thánh Augustino nói: khát vọng là chiều kích hiện hữu nền tảng của con người. Có thể nói, sống khát vọng làm cho con người ý thức có một cái gì bên ngoài mình và lớn hơn mình khiến bản thân phải ngưỡng vọng trời cao. Nếu Thiên Chúa đặt để khát vọng trong tim con người thì chỉ mình Người có thể lắp đầy vực thẳm ấy. Nhưng nếu con người đảo ngược bậc thang giá trị: đặt mình làm Thượng Đế hay tôn người khác làm thần tượng, thì khi ấy con người sống trong ảo tưởng về hiện hữu siêu việt nào đó của mình. Thực chất chúng ta là con Thiên Chúa, là một siêu nhân. Nhưng chúng ta chỉ thực sự là con khi chấp nhận Thiên Chúa là Cha, nghĩa là chúng ta tùy thuộc vào Người. Như người Con Hoang Đàng, chúng ta tách mình ra khỏi thế giới của Thiên Chúa là nguồn sống thực. Lúc đó phản ứng của Thiên Chúa ra sao? Người im lặng. Người tôn trọng sự tự do của bạn và để bạn ra đi. Bạn xin gì, Người cũng cho. Bạn xin của gia tài điều không thể thực hiện khi Cha còn sống, Người cũng ban cho bạn, cốt sao cho bạn hạnh phúc. Người không đi tìm bạn nhưng “bất lực” ngóng chờ bạn quay về. Người biết chắc bạn sẽ quay về, vì biết rằng của cải vật chất không bao giờ làm bạn thỏa mãn. Trái tim bạn được dựng nên chỉ để cho Người. Chính khi bụng đói lả, lòng trống không, đến cả đậu muồng heo cũng không được nuốt vào, thì nỗi khát vọng muôn thưở lại lên tiếng. Chỉ khi con người thực sự bất lực, Thiên Chúa mới ra tay. Thế chúng ta mới hiểu: chính lúc tôi yếu là lúc tôi mạnh. Thật vậy, Thiên Chúa chỉ thực sự tỏ lộ quyền năng trong sự yếu đuối. Mà quyền năng lớn lao nhất của Người là lòng xót thương. Đúng thế, chính lúc thứ tha là lúc Chúa thể hiện quyền năng cách tỏ tường hơn cả.[3] Người tha thứ không chỉ để chúng ta yên ổn lương tâm nhưng còn chữa lành về mặt tâm thể lý. Người không chỉ hồi phục cho chúng ta tước vị làm con của Người mà con giúp ta mở ra với tha nhân. Bữa tiệc là biểu tượng cho niềm vui lớn lao này.

Như vậy, trong thế giới vắng bóng Thiên Chúa không có niềm vui trọn vẹn của một tâm hồn tự do đích thực. Từ đây, người Con Hoang Đàng hiểu rằng: chỉ trong Chúa, con người mới có tự do đích thực. Đúng thế, tự do thực sự là chọn lấy Sự Thiện hảo nhất đó chính là Thiên Chúa.

Tình thương Chúa bền vững muôn đời

Còn lòng người thay đổi muôn năm.

Chúng ta sẽ tiếp tục sai đường lạc lối, Thiên Chúa lại tiếp tục dẫn dắt trong yêu thương và tín thành. Đó là điều xác tín còn lại sau những gì đã mất.

Con người là một hữu thể hữu hạn, bất tất, đang trên đường hoàn thiện. Quả thật, như thánh Phaolô đã khẳng định, con người là chiếc bình sành dễ vỡ chứa đựng hồng ân của Chúa. Nếu như lầm lỗi là chuyện thường tình nơi con người thì việc chữa lành là chuyện thường hằng nơi Thiên Chúa. Có thể nói, cả cuộc đời con người là một cuộc hiện sinh được chữa lành. Chúng ta đi từ sai lầm này đến tội lỗi khác, từ ảo tưởng này đến ảo vọng kia. Nhưng chính kinh nghiệm vấp ngã sẽ giúp bạn hiện hữu ngày một tràn đầy hơn.

Đến đây, chúng ta tiếp tục quay lại vấn nạn ban đầu: sa ngã, tội lỗi có gắn liền cuộc sống chúng ta?

Thánh Augustino đã giải thích có một thứ Tội Hồng Phúc. Nói cách khác, tội là cơ may giúp bạn đến gần Thiên Chúa. Đúng hơn, khi ý thức về tình trạng tội lỗi của mình, con người càng được chữa lành trong ân sủng Chúa. Khi ý thức về sự bất lực của mình, con người càng bám chặt vào Chúa. Mỗi lần sa phạm tội, là mỗi lần chúng ta khoét sâu vực thẳm ngăn cách giữa mình với Thiên Chúa. Nhưng khi biết mở rộng lòng ra, chúng ta lại được Chúa thương chữa lành. Quả thật, tội lỗi đã tạo ra một vết thương có tác dụng tốt. Chúa cho phép nó xảy ra để Ngài có thể tìm được con đường đi vào tâm hồn chúng ta.[4] Mỗi dịp sa sẩy, là mỗi dịp nhận ra mình yếu đuối và học bài học khiêm nhường. Cha thánh Biển Đức có lý khi mời gọi các đan sĩ bắc một nhịp cầu đến Thiên Chúa qua 12 bậc khiêm nhường. Có thể nói, tội lỗi và Lòng Thương Xót làm nên mầu nhiệm mà mỗi ngày đan sĩ chân tu không ngừng tâm niệm.

Nếu như hiện hữu ảo tách con người xa lìa Thiên Chúa thì tình trạng đồng hiện hữu lại giúp con người giao hòa với Người và mở ra với tha nhân.

3.ĐỒNG HIỆN HỮU

Con người đã sống là sống với. Quả thật, con người không thể sống mà không nhờ một ai khác. Tương quan liên vị trở thành yếu tố sống còn của một hiện hữu nhân vị.

Nhưng ngày nay, nhờ tiến bộ của công nghệ thông tin, con người có thể nghe tiếng nhau, nhìn mặt nhau mà không thể đụng chạm nhau vì mỗi người là một thế giới, mà nói như linh mục Thiện Cẩm là sự hiện diện vắng mặt. Quả thật, “thế giới tuy đầy dãy sự vật, nhưng thực ra lại trống rỗng, bởi vì sự vật đã làm đông đặc các tâm hồn, khiến chúng ta khó có thể gần gũi cảm thông. Thế giới hiện đại đã vật chất hóa con người, khiến cho sự hiện diện của ta cũng chỉ còn là một sự có đấy như một cái bóng, cái hình, chứ không phải là bản thân ta”.[5] Thật vậy, con người có thể dành cả vài tiếng đồng hồ để có thể nhìn mặt và trao đổi trên màn hình mà bên cạnh nhà có người đang hấp hối lại không hay biết. Điều này phản ánh một thái độ duy tâm,[6] thờ ơ với thực tại quanh ta.

Bởi đó, sự hiện diện đích thực là hiện diện của toàn vẹn con người với tất cả năng lực bản thân để yêu thương, chia sẻ, để sống và hiện diện bên nhau.

Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy rằng các triết gia hiện sinh hữu thần như Gabriel Marcel, Karl Jasper… đều khẳng định: yếu tính của hiện hữu là tình yêu. Nói cách khác, tình yêu nâng đỡ, bao bọc và là “nhớt” bôi trơn làm sinh động hiện hữu con người. Đến đây, chúng ta có thể hiểu phần nào câu nói của thánh Têrêsa HĐGS: Trong lòng Giáo Hội, tôi sẽ là tình yêu. Thật ra, câu khẳng định này chỉ nhắm đến ơn gọi của thánh nữ trong Giáo Hội; tình yêu, trái tim, một bộ phận trong toàn Thân Thể mầu nhiệm. Còn tình yêu ở đây, gồm tóm cả hiện hữu con người mà thánh nhân khát khao là con tim trung tâm của hiên hữu Giáo Hội.

Một lần nữa, chúng ta nhắc đến lòng khao khát, là dịp tốt để chúng ta xác tín hơn câu nói của thánh Augustinô: khát khao là chiều kích hiện hữu nền tảng của con người.[7] Câu nói này một khi được đặt trong quan niệm của các triết gia hữu thần: yếu tính của hiện hữu là tình yêu, chúng ta sẽ thấy rằng điểm đi và điểm đến của mọi khát khao của con người là tình yêu; nói cách khác, tình yêu là điểm qui chiếu của mọi hiện hữu con người, là tiếng nói và biểu hiện thường hằng của một tâm hồn sống khát khao tình yêu thực sự.

Nếu như sống tình yêu là sống chiều kích thiên đàng thì tại sao lại có kẻ bảo: tha nhân là hỏa ngục. Xem ra, đồng hiện hữu nhưng lại loại trừ nhau. Xét cho cùng, ai quan niệm như thế, chính hiện hữu của bản thân là hỏa ngục cho họ. Nhưng thực tế cho thấy, cách nào đó, tất cả chúng ta đều đã trải qua kinh nghiệm này trong tâm hồn. Đúng thế, mỗi lần phạm tội, chúng ta là thù nghịch cho chính mình, cho tha nhân và tất nhiên, cho Thiên Chúa nữa. Sự giằng co quyết liệt trong mỗi quyết định chọn Chúa hay chọn “bản thân” là một lần con người trải nghiệm: tình yêu không phải là tiếng nói của hữu thể ta. Và nói như thánh Phaolô, tội vẫn ở trong ta (x. Rm 7,20). Hỏa ngục ấy như một thứ hỗn mang tiếp tục bao trùm lên đời sống của con người, cho đến khi mỗi người tự khêu gợi lại lòng khát khao hướng về Thiên Chúa. Dù sao trong chúng ta vốn chất thiện vẫn còn đó. Ấy là dấu hiệu sự hiện diện còn lại của Thiên Chúa trong tâm hồn. Chắc chắn, Người không bỏ rơi chúng ta. Người vẫn ngóng chờ như người cha trong dụ ngôn, tỏ ra bất lực nhưng hy vọng một ngày chúng ta lại nhận ra tình yêu thương của Người. Như thế, Người để chúng ta hoàn toàn tự do quyết định và chịu trách nhiệm mọi hành vi của mình. Tự do đích thực là chọn Chúa và sống tình yêu thương trong mọi tương quan nhờ đó mà đi vào chiều kích dài rộng cao sâu của tình yêu Chúa. Như thế, tình yêu và hiện hữu là một trong Thiên Chúa.

Ơn gọi của con tim

Tôi không biết mình đã sinh ra từ đâu, từ những mảnh ghép của các thiên thể hay một sự tích tụ nào của thiên nhiên. Nhưng tôi cảm nhận một Sức Mạnh từ bên ngoài và bên trên tôi, đã kéo tôi ra và đặt trong một không gian thuận lợi nhất nơi lòng ngực con người. Đây là một thuận lợi nhất vì tôi được đặt làm trung tâm mà mọi ngõ nghách và mọi con đường đều qui về tôi. Mọi sự đều hướng về tôi, mọi con đường đều qui về tình yêu.

Không biết từ khi nào, tôi đã là biểu tượng của tình yêu. Có thể vì tôi ban phát máu một cách nhưng không và quả thật tôi cũng nhận nhưng không.

Máu là biểu hiện của sự sống, cũng có lẽ vì thế, tôi là yếu tính của hiện hữu. Tôi không chỉ làm cho con người sống mà còn sống dồi dào. Vì theo thánh Phaolô không có gì cao cả hơn tôi, linh đạo của con tim. Nhưng tôi không tự mình mà có, tôi còn suy phục một Đấng trên tôi, Người đã ban cho tôi hiện hữu. Như thế, tôi được mệnh danh là tình yêu vì kết hợp với Người là Đấng Tình Yêu.

Tôi tự hỏi mình là gì trong Thân Thể mầu nhiệm, tình yêu là gì trong linh đạo tâm linh và tự hiến là gì trong tình yêu Thiên Chúa. Cho đến một ngày mũi tên say đắm bắn trúng con tim hồng, tôi mới hiểu con tim phải chết đi cho Tình Yêu lên tiếng và rồi Chúa đã phục sinh trong tôi. Con tim lại tiếp tục đổ máu và nước đến giọt cuối cùng cho Giáo Hội được phong nhiêu. Thật tuyệt vời! Con tim và Giáo Hội đồng hiện hữu.

KẾT LUẬN

Dù chúng ta đang sống theo cách thức hiện hữu nào, một điều luôn đeo đuổi chúng ta rằng: tôi hiện hữu là nhờ trong Chúa. Quả thật, hiện hữu của tôi là một ân ban đến từ Chúa. Ý thức được điều này, tôi sẽ tâm niệm rằng tôi chỉ thực sự hiện hữu khi hiện hữu cho Chúa, nghĩa là ra khỏi mình để sống cho Chúa và qua Người, tôi tìm được hình ảnh đích thực ấy nơi tha nhân. Có thể nói, chính những tương quan này sẽ làm sống động hiện hữu của tôi và khiến cho đời sống tôi thực sự có ý nghĩa. Ý nghĩa được hiểu ở đây là sự thông chia đặc tính phong nhiêu của mỗi hiện hữu trong mọi hiện hữu. Tôi hiện hữu trong mọi người và mọi người hiện hữu trong tôi, đó là lý tưởng của những ai thực sự đang cảm nghiệm thực tại sống trong Chúa, cần đạt đến.

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

[1] x. ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Những người lữ hành trên đường hy vọng, tr 399.

[2] X. Sách GLHTCG số 1705.

[3] Lời nguyện của Chúa Nhật tuần 26 TN.

[4] Henri Boulad, Tất cả là ân sủng, người dịch Phạm Quốc Huyên, Nxb Tôn Giáo, tr.226.

[5] Thiện Cẩm, Chúa làm người, tr 27-28.

[6] Có thể hiểu là những người sống nhiều với ý chí và ý tưởng (thiếu thực tiễn) mà đôi khi lãng quên thân xác đang cần những tương giao đích thực.

[7] Anselm Grun, Hãy mở giác quan bạn cho Thiên Chúa, Nxb Phương Đông, tr 71.

Kiểm tra tương tự

TỘI và TÔI

  Lặng thầm cầu nguyện trên môi Sấp mình thờ lạy bồi hồi tâm can …

Chúa Giêsu trong vòng dư luận

Đức Giêsu trong vòng dư luận. Ảnh: Pinterest.com Suy niệm Tin Mừng tuần vừa qua …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *