Hoành sơn
Sau Vatican II, chúng ta đã có nhiều cố gắng xích gần lại với các tôn giáo bạn trong trào lưu gọi là Đối thoại liên tôn. Riêng tại nước ta, Toà TGM Saigon cũng cử linh mục Bảo Lộc làm trưởng ban Đối thoại liên tôn, và ngài đã quy tụ được trong Uỷ ban những đại diện của cả Phật giáo, Cao đài, Hoà hảo,v.v…Riêng tác giả, trên nguyệt san CGvDT, trong tinh thần đối thoại ấy, cũng đã viết nhiều bài về Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo. Thêm vào đấy, ngay năm 1972, tác giả đã ra mắt tập sách Đối thoại tôn giáo do Ra khơi xuất bản và Đức TGM Nguyễn Văn Bình đề tựa.
Thế nhưng, với các hệ phái thờ chung với chúng ta một Chúa Kytô, thì chưa ai làm gì cả để gần gũi họ, mà giữ mãi thái độ lạnh nhạt như dối với “người dưng nước lã”. Đây quả là một điều đáng buồn và sinh gương xấu. Càng đáng buồn hơn khi mà từ mấy chục năm nay bên Tây phương, Toà thánh La mã đã tiến gần tới thông hiệp với Luther-phái rồi. Bởi thế, trong tình yêu Đức Kytô, tôi bị thôi thúc phải viết bài này để thức tỉnh anh chị em Công giáo Việt Nam.
Để viết về liên hệ của Tin lành với Công giáo, thiết nghĩ không nên bắt đầu ngay với lịch sử về chia rẽ, khiến dễ gây ác cảm giữa đôi bên. Vì thế, tôi xin nói trước về những thoả thuận mà Tin lành và Công giáo đã đạt được. Sau đó, chúng ta mới cùng nhìn lại quá khứ với cách nhìn khác trước, nghĩa là trong nuối tiếc về sự thù nghịch xưa kia, khi mà Thầy và Chúa đáng kính mến đã tha thiết khuyên dạy chúng ta :”Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Gio.15.12)!
Vậy chúng ta hãy bắt đầu với cố gắng hiệp thông, hiệp thông giữa anh em Tin lành với nhau đã, kế đó giữa Tin lành với Công giáo.
Trào lưu đại kết (écuménique) trong Luther-phái[1]
Từ mấy thập kỷ nay, Công giáo và Luther-phái đã cố xích lại bên nhau. Có điều Luther-phái không phải là một tổ chức thuần nhất với một tuyên xưng duy nhất, mà phân thành nhiều nhánh ngành khác nhau với những giáo lý khác nhau. Ngay trong một ngành thì các địa phương khác nhau đã không thống nhất được rồi. Thế thì chúng ta sẽ đối thoại với ai và trên căn bản nào đây? May mà từ lâu, các nhóm Luther-phái đã cố gắng ngồi lại với nhau dù không mấy thành công, nhưng rồi cuối cùng gần đây, phần lớn cũng tập hợp được trong tổ chức gọi là Liên đoàn (Fédération) Luther-phái Toàn cầu với đích nhắm đại kết được khẳng định trong Đại hội Budapest năm 1994. Theo quyết định chung ấy, sự hiệp thông phải làm sao để thể hiện Hội thánh là Một (Una), Phổ biến(Catholica, do Katha holon), Tông truyền (Apostolica). Để được như vậy, phải có hiệp thông tuyên giảng (cùng một đức tin, một giáo lý), hiệp thông bàn thờ (một lễ Tạ ơn, Eucharistie), hiệp thông cuộc sống (yêu thương, gắn bó với nhau), hiệp thông trong cộng tác tông đồ. Lại để tiến tới hiệp thông, phải đạt được một Đồng thuận nào đó, Đồng thuận ít là với những dị biết mà mọi bên có thể chấp nhận.
Để cho hiệp thông toả rộng hơn, song song với Liên đoàn có thêm Hội đồng đại kết các Hội thánh (COE), để chung tay tập hợp các nhóm phái Kytô hữu, nhờ đó trong Đại hội diễn ra ở Tân Đề li (Ấn Độ) năm 1961, có cả Chính thống giáo cũng tham gia luôn. Kế đó năm 1974, trên nguyên tắc Đồng thuận hạn chế trong những điều căn yếu, các Hội thánh Cải cách châu Âu, cùng với phe Valdo và Huynh đệ Moraves đã có thể cùng ký vào một Tuyên bố Hiệp thông Hội thánh gọi là Thoả hiệp (Concorde) Leuenberg; và đến năm 1997, khối Méthodistes cũng tham gia Tuyên bố ấy.
Trong bản Thoả hiệp này, các Hội thánh kể trên cùng nhìn nhận thành sự tính những cuộc phong chức của nhau, đồng thời chấp nhận việc tế lễ chung với nhau.
Xem như thế, bước tiến đại kết giữa các hệ phái Cải cách diễn ra khá chậm do sự phân tán quá mỏng của họ. Trái lại, cố gắng hiệp thông giữa Công giáo và Liên đoàn Luther-phái Toàn cầu, tuy bắt đầu muộn, nhưng bước đi lại khá mau.
Bước tiến về phía hiệp thông giữa Công giáo và Luther-phái[2]
Cách đây mấy chục năm, Toà thánh Rôma đã thiết lập Hội đồng giáo hoàng cổ võ sự hiệp nhất Kytô-hữu nhằm đối thoại trước tiên với Liên đoàn Luther-phái Toàn cầu. Nhịp cầu được bắc ngay sau đó, và bước tiến về phía thông hiệp chia thành năm giai đoạn như sau :
- 1967-1972 : xác định tình trạng hiện thời trong Báo cáo Malte năm 1971.
- 1973-1984 : hai bên không coi nhau là thù nghịch, và khi nghe bên đối tác, cố coi đây là cơ hội để đổi mới cách hiểu về chính truyền thống của mình.
- 1986-1993 : cố tiến tới những đồng thuận trên vấn đề quan yếu là Công chính hoá, và kết quả là sau nhiều tranh luận căng thẳng, hai bên đã ký được vào Tuyên bố chung về Công chính hoá ngày 31-10-1999. Sự đồng thuận hạn chế ấy rồi sẽ được chấp nhận năm 2006 bởi khối Hội đồng Méthodistes toàn cầu, năm 2007 bời khối Hiệp thông toàn cầu các Hội thánh Cải cách; riêng khối Hiệp thông Anh giáo cũng có ý tham gia.
- 1995-2006 : tập trung vào vấn đề Giáo hội học, các Thừa tác vụ. Văn bản kết thúc về tính tông truyền và cơ chế của Giáo hội ra mắt năm 2007 chưa phải là cái gì đạt được cho bằng một bản nghiên cứu để tiếp tục làm sáng tỏ thêm.
- Giai đoạn cuối hiện nay : từ đại kết lý thuyết cố tiến về đại kết thật sự giữa Kytô-hữu các bên : Làm sao đây để có thể quên đi một quá khứ hãi hùng trong đối đầu tới đổ máu? Văn bản kết thúc Từ đối địch tới hiệp thông ra mắt năm 2013, với những vấn đề lịch sử, giáo lý… được nêu lên, và vần đề thừa sai chung được quyết định, muốn mở vế phía một đại kết toàn vẹn trong tương lai!
*
Hy vọng lời nguyện Hiệp nhất của Chúa sớm thành sự thực, dĩ nhiên với cố gắng hợp tác của cả Tin lành lẫn Công giáo. Cơ hội tốt đẹp cho việc đó là cuộc khánh hạ Ngũ bách chu niên đại kết bên Cải cách, và các Hội thánh Luther-phái đã chọn ngày 31-10-2016 để mời các nhóm cùng thờ chung một Chúa Kytô đến dự buổi phụng vụ khai mạc Năm thánh đại kết (jubilé écuménique) ấy.Về phía Công giáo, chính Đức Phanxicô đích thân tới dự, và chính Ngài đồng tế trong buổi phụng vụ tại Lund này. Đúng là một cử chỉ hiệp thông bất ngờ! Càng bất ngờ hơn khi Đức Giáo chủ[3] dùng lễ phục mầu đỏ, mầu phụng vụ hôm ấy của Luther-phái, chứ không phải của Công giáo. Đây không phải là một cử chỉ “lấy lòng” suông, mà là kết quả của nhiều cuộc thảo luận thần học, với những đồng thuận được nói lên trong văn bản ký kết : Du conflit à la communion, dẫu đây chưa phải một Đồng thuận hoàn hảo, nhưng Đồng thuận trong những khác biệt.
Những đồng thuận trong khác biệt[4]
Những đồng thuận (trong khác biệt) đạt được liên quan tới những vấn đề Công chính hoá, lễ Tạ ơn, Thừa tác vụ, Giáo hội với Thánh truyền (Tradition).
-Công chính hoá : Trong văn bản Tuyên bố chung về giáo lý Công chính hoá, hai bên cùng cho rằng sự công chính hoá là do ân sủng Chúa Kytô được thông ban qua hành vi cứu độ của Ngài, cố nhiên là với sự thông dự trong tự do của con người bằng đức tin, mà sự thông dự này cũng là hiệu quả của ân sủng Chúa ; tuy sự công chính hoá không tuỳ thuộc việc thực thi luật lệnh của Thiên Chúa, nhưng việc thực thi luật lệnh này vẫn phải có.
Riêng câu nói (của Luther) gây chia rẽ xưa kia :”Simul justus et peccator” (đờng thời công chính và tội lỗi), thì Công giáo hiểu tội đây chỉ là sự hướng chiều về tội vẫn còn đó, trong khi Luther-phái lại hiểu tội như một hành vi, và sự công chính chỉ được gán cho (imputée) ta thôi.
–Lễ Tạ ơn (Phép Thánh Thể) : chưa có đồng thuận dù trong dị biệt, nhưng văn bản kết thúc cho rằng : sự mâu thuẫn giữa hai khái niệm triết học : Biến (bản) thể (Transsubstantiation) của Công giáo và Đồng (bản) thể (Consubstantiation) của Luther-phái có thể được vượt qua nếu hai bên cùng chống lại cả hiện diện không gian và tự nhiên, lẫn việc hiểu đây chỉ đơn thuần là tưởng niệm và hiểu theo nghĩa bóng. Mấy khái niệm triết học nói trên có lẽ không cần dùng tới khi hai bên đã nhìn nhận Chúa có mặt thật sự trong “Bữa ăn của Chúa”, còn việc có mặt tiếp tục sau Bữa ăn ấy (trong việc chầu Thánh Thể) là của riêng Công giáo. Ngoài ra, khái niệm Anamnêsis (Tưởng nhớ) giúp vượt qua mâu thuẫn cũ về tương quan giữa hiến tế (sacrificium) của Chúa với huyền (bí) tích. Điều thật sự còn chia cách hai bên : cử hành lễ Tạ ơn là ai?
-Như thế, thần học về Thừa tác vụ (Ministères) vẫn còn gây nhiều chia rẽ, nhất là về chức giám mục, về dâu chỉ huyền tích, cũng như quyền thừa tác toàn cầu. Văn bản kết thúc cũng đề nghị hai bên “nhìn nhận chức thùa tác của nhau” trên căn bản nhìn nhận hiệu lực của thừa tác vụ ấy xuyên qua lịch sử.
-Còn vấn đề Tương quan giữa Thánh kinh và Truyền thống thì sự đồng thuận đã tiềm ẩn trong hiến chế Dei Verbum (Lời Thiên Chúa) của công đòng Vatican II, điều mà nay được tuyên bố ra trong câu “hiệp nhất trong bất nhất được hoà giải” ở văn bản về Tông truyền tính (Apostolicité) của Hội thánh.
-Riêng về phép Thánh tẩy (Baptême) thì không cần đề cập tới, bởi lẽ hai bên vẫn nhìn nhận thành sự tính của bí tích ấy ở cả Công giáo lẫn Cải cách rồi. Do đó cũng gián tiếp nhìn nhận chúng ta đều thuộc Chúa Kytô, và Thiên Chúa là Cha chung của hết thảy!
Nói tóm lại chỉ còn vấn đề gai góc nhất phải giải quyết để có hiệp thông thật sự, cũng như để giải quyết những khó khăn còn lại, là quyền thừa tác của giám mục, đặc biệt của Giám mục Rôma.
Riêng với Chính thống giáo và Anh giáo, họ vẫn cùng chung với Công giáo một giáo lý và niềm tin, và chỉ cần họ nhìn nhận Giám mục Rôma đúng là người kế vị Tông đồ trưởng Phêrô, thì hiệp thông sẽ thành hiện thực luôn.
*
Từ nửa thế kỷ nay, một tương lai cho hiệp nhất đã mở ra thanh thoáng, nhưng xem ra để tới đó thì đường đi vẫn còn dài. Làm sao để Dân Chúa phải là Một, ở cả sự thực bên trong lẫn thể hiện bên ngoài đây?
Chúng ta rất cần đến ơn Chúa, nên phải cầu nguyện rất rất nhiều. Chúng ta phải hợp tác với Thánh Thần khí đang hoạt động bên trong Giáo hội Thân mình (Sôma)[5] Chúa để làm nên chỉ Một Thân mình, bằng cách hạ mình xuống ăn năn về những lỗi lầm của phe mình, đồng thời mở rộng tâm hồn để yêu thương, chấp nhận lẫn nhau, đồng lòng giải quyết với nhau những khó khăn tồn đọng.
Riêng về phía Công giáo chúng ta, sau Vatican II chúng ta đã cải cách nhiều và thay đổ hẳn thái độ đối với thế giới, với các tôn giáo bạn cũng như với các nhóm phái Kytô hữu. Chúng ta cũng có liên tiếp những giáo chủ thánh, như Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI, Đức Gioan-Phaolô II, Đức Phanxicô… để xoá đi hình ảnh không mấy tốt đẹp về một vài giáo chủ như Alexande VI (1492-1503) trong quá khứ. Chúng ta cũng không còn luật Index và Toà án Truy xét (Inquisition) dữ dằn từ lâu rồi.
Riêng Giám mục Rôma không tiếp tục độc đoán như xưa, khi mà tại Công đồng Vatican II, Đức Phaolô VI không ngồi tách riêng trên cao, mà xuống ngồi ngang hàng và giữa các giám mục khác.
Cho nên, ngoài những khác biệt về giáo lý phải giải quyết cho xong, chúng ta nên nhìn lại quá khứ với cách nhìn khác xưa, để hai bên vừa đấm ngực ăn năn về lỗi lầm của mình, vừa nhìn thiếu sót của nhau trong cảm thông và tha thứ.
Lịch sử sự chia rẽ[6]
Thời tiền Cải cách cũng là thời đại Phục hưng[7] nghiêng về chủ nghĩa nhân bản. Bên cạnh việc nở rộ văn chương, nghệ thuật, người ta cũng đòi tự do, cả về cuộc sống lẫn tư tưởng. Trong khi ấy, các quốc gia Tây phương muốn tách khỏi quyền giám hộ của Toà thánh.
Vào thời trung cổ, xã hội phong kiến Âu châu phân thành hai giai cấp đối lập nhau : quý tộc và nông nô. Sau này mới thêm giai cấp tư sản đứng giữa. Trong Công giáo, chỉ từ giai câp quý tộc mới được chọn ra các giám mục và tu viện trưởng. Còn linh mục được tuyển giữa giáo dân vốn thuộc giai cấp bình dân. Linh mục lại không được đào tạo chi cả, về đạo đức cũng như thần học, vì chỉ sau công đồng Triđentinố mới bắt đầu có chủng viện thôi. Thêm vào đấy, tại Toà thánh rất quyền lực, giữa những giáo chủ đạo hạnh, thỉnh thoảng cũng xen vào một hai giáo chủ tai tiếng như Alexandre VI. Còn giám mục vào thời phong kiến, vì được chọn ra từ hàng quý tộc, mà quý tộc chỉ biết tụ tập ăn chơi thôi, nên một số giám mục cũng hay bỏ nhiệm sở đi đó đi đây, chứ không mấy chăm lo mục vụ.
Giữa tình trạng tranh sáng tranh tối của cả xã hội và giáo hội ấy, xuất hiện một con người sẽ đảo lộn thế giới Kytô giáo bằng những suy tư táo bạo của mình : Martin Luther (1483-1546), linh mục và tu sỹ dòng Augustinô, tiến sỹ thần học và giáo sư Kinh thánh. Nghiền ngẫm các thư thánh Phaolô và đọc tác phẩm thánh Augustinô, ông tin rằng được cứu độ hay công chính hoá là do đức tin, chứ không do việc làm và công trạng chi hết. Ông cũng chủ trương “Sola scriptura” (Chỉ cần Thánh kinh), và Kinh thánh có một trung tâm (centre) là Chúa Kytô, nên phải dựa vào Chúa Kytô mà hiểu Thánh kinh. Vâng, Thánh kinh, chứ không phải Thánh truyền (Tradition)[8], dù ông cho rằng các giáo phụ cùng với Giáo hội thời xưa trung thành với Thánh kinh hơn.
Còn nguyên nhân của Công chính hoá (Justification) thì theo ông, đó là “Sola Fides” (Chỉ cần Đức Tin) và “Sola Gratia” (Chỉ cần Ân sủng). Và sự công chính ấy được gán (imputée) cho chúng ta.
Riêng về bí tích (huyền tích), thì ông nghĩ rằng chỉ có Phép Thánh tẩy và Lễ Tạ ơn là có bằng cứ Thánh kinh thật sự.
*
Thật ra, hầu hết những chủ trương nói trên chỉ được triển khai dần dần sau khi Luther đã rời khỏi Hội thánh Công giáo. Chứ cái nó khiến xảy ra đổ vỡ giữa Công giáo với Luther là vụ việc Ân xá.
Số là, vì muốn xây Thánh đường Phêrô ở Rôma và sửa soạn chiến tranh với Thổ nhĩ kỳ, nên Đức Lêô X dùng cách bán ân xá để kiếm tiền. Và Luther đã phản đối việc mại thánh ấy, đồng thời đưa ra 95 luận đề về ân xá. Đúng là không nên mua bán ân xá. Lại nữa, giáo lý về ân xá cũng còn trong vòng tranh luận thần học.
Vậy Ân xá là gì?
Trong niềm tin thời ấy, người ta cho rằng phép giải tội chỉ tha tội thôi, còn hình phạt vì tội phải được chịu trong luyện ngục, dù trong toà giải tội hôm nay cũng nói đến việc đền tội, dù xưa kia việc đền tội đã rất nặng và dài lâu trước lúc được tha. Người ta cũng nghĩ ấn xá có thể thay thế việc đền tội ấy ở luyện ngục, và Hội thánh có quyền ban ân xá (Tiểu xá, Đại xá, Toàn xá) được kín múc từ kho tàng công đức vô biên của Đấng cứu độ và của các thánh nhân.[9]
Sở dĩ về sau có việc mua bán ân xá, là vì người ta nghĩ rằng để nhận ân xá, đương sự cũng phải đóng góp bằng một việc lành, và việc lành ấy có thể là bố thí hay “công đức”.
Người ta tin mạnh và chất phác đến nỗi Johann Tetzen, linh mục dòng Đa minh, có thể chỉ vào giấy ân xá mà quảng cáo như sau : “Khi (đồng) tiền reo nơi đây, thì linh hồn bay thẳng về Trời!”
Theo tôi thiển nghĩ, ở luyện ngục thì đền tội cũng không quan trọng bằng sự thanh tẩy khỏi mọi nhơ nhớp và khuynh hướng xấu để hồn có thể kết hợp trọn vẹn với Chúa. Thế mà theo thánh Têrêsa Avila, sự thanh tẩy ấy ở luyện ngục là do Đức Ái. Quả thực, chỉ Đức Ái mới tẩy sạch hết tư kỷ, tự ái và ham muốn. Thêm vào đấy, cũng ở luyện ngục, nhờ ánh sáng siêu nhiên bên trong soi cho và đức Ái thúc đẩy, hồn mới nhìn thấy hết ơn Chúa đã nhận và bất xứng đã phạm, nên đau đớn ăn năn, và nỗi đau ấy, nhờ sức mạnh của thập giá, cũng đền tội nữa. Cố nhiên là, trong sự hiệp thông Giáo hội ba miền (dương gian, thiên quốc và luyện ngục), những việc lành, như hi sinh và cầu nguyện, của thân thuộc ở thế giới này cũng có thể nưng đỡ những người ở thế giới bên kia.
Chính vì việc mua bán ân xá và những uẩn khúc về giáo lý liên quan đến ân xá, nên Luther đã đứng lên chống đối. Đức Lêô X bèn đòi Luther sang Rôma để xử. Ắt hẳn vì sợ Toà án Truy xét (Inquisition), nên Luther không sang, mà đòi họp công đồng để công đồng phê phán về việc này. Kế đó, Róma muốn giải hoà, nhưng Luther đưa ra điều kiện là phải ngưng ngay việc mua bán ân xá. Năm 1520, Đức Lêô X ra lệnh cấm Luther dạy học và buộc rút lại những lạc thuyết, nếu không sẽ bị vạ tuyệt thông. Luther đáp lại bằng cách đốt tông chiếu, và năm 1521 bị tuyên vạ tuyệt thông.
Năm 1525 trong vụ nổi dậy của nông nô, Luther ngả theo phe lãnh chúa đang tiêu diệt họ, khiến mấy chục ngàn người bị giết. Tiếp đó, một số lãnh chúa theo phe Cải cách trong khi một số khác chống lại, gấy nên một cuộc chiến tranh tôn giáo tồi tệ kéo dài mãi tới 1648 mới thật sự chấm dứt bên Đức.
Đúc Gioan-Phaolô II, trong buổi họp đại kết bên Đức năm 1996, nói lên sự hối tiếc về chia rẽ xưa kia, và cho rằng yêu cầu hồi ấy của Luther rằng Giáo hội phải cải cách, thì đó cũng là yêu cầu của chính Giáo hội Công giáo. Đáng tiếc là Luther đã đi xa hơn ý định ban đầu mà quay sang chỉ trích Giáo hội cả về mặt cơ chế lẫn giáo lý. Đức Thánh Cha cho rằng hết thảy đã phạm sai lầm và phải ăn năn.
*
Liền sau khi Luther ly khai, có hai nhân vật nữa cũng gia nhập phong trào Cải cách, nhưng mỗi người một khoảnh, đó là Zwingli và Calvin.
Với Calvin, Lễ Tạ ơn chỉ là bữa tiệc kỷ niệm; và mỗi người được cứu hay phải phạt là do tiền định hết.
Những cuộc ly khai và xáo trộn gây nên bởi Luther, Calvin đã lay tỉnh Hội thánh Công giáo, và Công đồng Triđentinô (1545-1563) được triệu tập, vừa để cải tổ nội bộ, vừa để trả lời cho những thắc mắc mà Cải cách gây nên.
Công đồng tuyên bố rõ : Thánh kinh và Thánh truyền là nền tảng cho đức tin.
Riêng về vấn đề then chốt là Công chính hoá, thì nếu phía Luther cho rằng sau nguyên tội, con người hoàn toàn sa đoạ, thì công đồng xác định con người vẫn tự do, đủ khả năng làm lành lánh ác, khả năng hợp tác vào việc công chính hoá của mình, và sự công chính hoá ấy biến đổi tận căn, chứ không chỉ phủ lên bên ngoài, tức được “gán cho” (imputée) thôi.
Riêng về huyền tích, công đồng nhìn nhận cả bảy huyền tích, với nguyên tắc hiệu quả “ex opere operato”. Còn trong Lễ Tạ ơn, sự hiện diện của Chúa Giêsu là hiện diện thực sự dưới cả hai hình thức rượu và bánh.
Công đồng cũng quyết định cải tổ Giáo hội : giám mục không được bỏ nhiệm sở và phải năng viếng thăm các giáo xứ, cũng như không dây mình vào chính trị và chạy theo lợi lộc; còn linh mục phải sống khiết tịnh và đức hạnh. Công đồng quyết định sẽ thành lập chủng viện để huấn luyện các linh mục tương lai.
Đóng góp vào Trào lưu Đối-Cải cách (Contre-Réforme) mà công đồng phát khởi, có những thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh giá cải biến Dòng Carmel thành Carmel đi chân không, thánh I nhả Lyola sáng lập Dòng Tên, thánh Philippe de Neri sáng lập Hội Oratoire, thánh Francois de Sales, bằng giảng thuyết và viết lách, mở ra một con đường thiêng liêng và cộng tác với thánh Jeanne de Chantal vào việc sáng lập dòng Thăm viếng, và sớm hơn nữa, thánh Phansinh Assisi phổ biến sự thanh bần và khiêm hạ qua tu hội Các Anh em hèn mọn.
Một cái nhìn tổng kết
Hướng về mọi đệ tử của mình, Chúa Kytô đòi họ phải yêu thươg nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta (Gio.15.12). Hơn thế, trước lúc xa rời họ, Chúa còn cầu cho “tất cả nên một, như Cha và Con là một với nhau” (Gio.17-22). Thế mà “bạn thân”(Gio.15.15) và “con nhỏ” (Gio.13.33) của Chúa đã coi nhau như kẻ thù, thậm chí còn chém giết lẫn nhau nữa. Hẳn Chúa phải đau lòng biết bao! Và chúng ta cần phải ăn năn đến chừng nào!
Đừng vội quy lỗi ngay cho anh em Luther-phái, bởi lẽ chính Công giáo vào thế kỷ XVI cũng có những lầm lỗi, gương xấu và không chịu đổi mới để theo kịp thời đại. Sự đổi mới và cởi mở này, chúng ta phải đợi mấy thế kỷ sau mới làm nổi trong công đồng Vatican II. Sau khi tự đấm ngực ăn năn rồi, chúng ta có thể nghĩ đến Luther và Luther-phái như những người anh em của chúng ta.
Hẳn lắm người nuối tiếc : Giá mà Luther sùng đạo và khiêm nhường hơn để biết kết hợp sáng kiến với tinh thần vâng phục, thì ông đã có thể phục vụ Hội thánh mà không gây những đổ vỡ ghê gớm như vậy. Cứ xem hồi đầu thế kỷ XX, những nhà tư tưởng lớn như Bea, Congar, Henri de Lubac, Teilhard de Chardin…đã phải chịu o ép, cấm đoán, vùi dập biết chừng nào, thế mà họ vẫn ở lại trong Hội thánh, vẫn đấu tranh trong phục tùng, để rồi cũng nhờ họ phần lớn, mà Giáo hội đã chuyển mình thay đổi được trong công đồng Vatican II. Đó phải là những tấm gương cho chúng ta. Có điều không phải ai cũng lành thánh cả. Nên ta phải thông cảm với Luther và Calvin…!
Hãy tin vào Chúa Thánh Thần, Ngài vẫn hoạt động trong Giáo hội cũng như trong những tâm hồn thiện chí! Phải nhìn vế quá khứ trong ăn năn về tội lỗi riêng cũng như tội lỗi chung của Hội thánh, của anh em mình. Nhưng nhất là hướng về tương lai để chung tay xây dựng một Giáo hội hiệp nhất và thánh thiện, lại luôn trong tư thế cải cách và canh tân. Vatican II không phải chỉ là một cái đích đã đạt. Vatican II còn là một cái hướng mở về tương lai. Nên trung thành với Vatican II thì cũng phải đổi mới luôn mãi.
Trong thời đại chúng ta, có liền mấy giáo chủ được phong thánh, và giáo chủ Phanxicô hiện thời được cả thế giới mến chuộng, dù trong hay ngoài Giáo hội, mến chuộng vì lòng nhân ái và tính bình dị của Ngài. Mong rằng các vị giám mục và linh mục cũng noi gương Ngài để gần gũi với những người nghèo khổ và thấp hèn :”Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải hầu hạ anh em, ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt.20.26-27). Vì thế, nên hướng về giáo dân[10] trong niềm tôn trọng, cũng như giáo dục họ về tri thức bằng các lớp thần học giáo dân, giáo dục họ về đức hạnh bằng các phong trào, hiệp hội và đoàn thể, sao cho họ có thể sống xứng đáng như những người con của Thiên Chúa Cha và môn đồ của Thiên Chúa thành người, đồng thời đủ khả năng cộng tác với linh mục trong công việc tông đồ, mục vụ, truyền giáo.
Và bây giờ, chúng ta hãy quay sang người trong Tin Lành. Do phép Thánh tẩy, họ vẫn là anh chị em chúng ta trong Chúa. Họ hay chúng ta không có lỗi vì sự chia rẽ cách đây cả trăm thế hệ. Chúng ta mong mỏi Hội đồng giám mục Việt Nam thiết lập một Uỷ ban cổ võ cho sự hiệp nhất Kytô-hữu, cũng như tại Rôma từ nửa thế kỷ nay đã có một Hội đồng giáo hoàng như vậy. Trong khi chờ đợi, mỗi người Công giáo hãy tự ý đến với anh chị em Tin Lành trong tình thân ái. Tin Lành ở Việt Nam nay có tới hơn một triệu người, tập trung nhiều nhất ở mấy thành phố lớn và giữa các dân tộc thiểu số như tại Tây nguyên. Họ có hai Tổng Hội thánh ở Saigon và Hà nội. Chúng ta đừng lo ngại chi cả, vì sự hiệp thông hạn chế đã diễn ra từ mấy chục năm nay bên Tây phương, và có Đức Phanxicô dẫn đầu rồi! Đông phương chúng ta, do cách nhìn âm dương bù trừ (chứ không đối kháng), nên dễ “dĩ hoà vi quý” hơn là Châu Âu nhiều!
[1] Trong tiết mục này, tôi viết theo giáo sư thần học Tin lành Frédéric Chavel, Luther et la théologie luthérienne dans le mouvement écuménique, đăng trong tạp chí Recherches de Science Religieuse, juillet-septembre 2017, tr.403-416.
[2] Những gì viết trong tiết mục là phỏng theo Bertrand Lesoing, Eglise catholique, réforme et méthodologie oecuménique, đăng trong RSR.,th. 7-9/2017, tr.391-401; nhất là F. Chavel trong cùng số RSR ấy, tr. 416-421.
[3] Có nhiều từ ngữ Công giáo Việt Nam quen dùng, mà tôi thấy không phù hợp, nên phải đổi:
-Đức Giáo hoàng : nghe phong kiến quá, mà “Đức Thánh Cha “ để dịch chữ Papa (Bố, Cha) của Ý lại sai cách ghép từ quốc ngữ (hoặc phải gọi Đức Cha Thánh, hoặc Đức Thánh phụ). Do đó tôi dùng tù “Đức Giáo chủ”.
-Bí tích : chữ Bí không có nghĩa hay ho gì, nên tôi dùng Huyền tích.
-Phép rửa (Baptême) : Nghi thức xưa là dìm xuống nước, rồi khi đương sự bước lên thì cho mặc áo trắng mới, đúng như ý nghĩa nêu lên trong thánh Phaolô : chôn táng đi với Chúa rồi phục sinh với Ngài. Tôi tạm dùng lại tiếng “Phép Thánh tẩy”.
[4] Dưới đây là những tóm tắt bài của F. Chavel đăng trong RSR th.7-9/2017, tr.420-422.
[5] Sôma : thân thể đấy, mà cũng là chính mình (con người) luôn. Còn thân xác đối lập với linh hồn thì gọi là Sarx.
[6] Trong tiết mục này, tôi vừa phỏng theo Nguyễn Văn Trinh, Lược sử Giáo hội Công giáo, xuất bản năm 2004, tr. 201-234; vừa phỏng theo M. Lienhard, Luther d’après les recherches récentes, đăng trong RSR th.7-9/2017, tr. 363-390.
[7] Gọi là Phục hưng, vì nhờ có ngành in ấn (học từ Trung quốc), khi khám phá thấy tác phẩm của các nhà tư tưởng Hy lạp xưa, ngưới Âu châu bèn in ra để phổ biến. Vì thế, có nhiều người biết để vừa tán thưởng, vừa đổi mới theo cả về văn chương, nghệ thuật lẫn khoa học.
[8] Thật ra, về Thánh kinh mà Luther tin vào, thì cũng vẫn phải dựa vào Tradition (vì có Thánh Thần hoạt động liên tục bên trong Hội thánh), mới biết bản văn nào có thần hứng thực sự, chứ không phải mọi bản văn.
[9] Người ta hay dựa vào Mt.16.19 về quyền cầm buộc và tháo cởi để nói về ân xá, nhưng đoạn Thánh kinh ấy thật ra chỉ nói về quyền tha tội thôi.
[10] Tôi không thích chữ “giáo dân”, dân đối lập vời vua quan. Tôi thích dùng chữ “giáo hữu’ hay “tín hữu” hơn.