“Sau mỗi lần hoán cải, tôi thấy mình lớn hơn một chút về…” Mỗi người trong chúng ta đều có thể nói lên cảm nghiệm này. Đây là một cảm nghiệm thực tế chứ không xa xôi ngoài tầm với.
Sự lớn lên không xác định và ngừng lại ở mức độ thể lý. Có lần một vị linh mục đã hỏi tôi rằng: “Theo em, ở độ tuổi nào người ta mới trưởng thành thực sự?” Tôi đã trả lời ngài rằng: “Dạ! Con nghĩ là từ mười tám tuổi trở lên vì lúc đó người ta tự lập và tự quyết định cuộc đời mình.” Vị linh mục ấy đã cười với tôi và nói nhỏ vào tai như thể sợ tôi bất ngờ: “Em ơi! Có người hơn bảy mươi tuổi vẫn chưa trưởng thành nữa đấy! Em có tin không?”. Sau buổi học với vị linh mục, tôi được mở tầm mắt mình ra khi hiểu trưởng thành hoặc sự lớn lên đích thực theo một nghĩa rất khác. Trưởng thành đâu chỉ là thể lý, mà còn là tâm lý và tinh thần, còn với cách nhìn của người Ki-tô Hữu thì đó còn là trưởng thành về đức tin nữa. Vâng! sự lớn lên ở đây còn nhiều cái mới và rộng hơn hết thảy… Và lớn hay không là tùy ở quyết định của chính mình nữa.
Tuy nhiên, cứ như lời vị linh mục ấy nói thì chắc chẳng có ai trưởng thành cách hoàn hảo. Đúng vậy! Bởi lẽ thân phận con người là hữu thể đầy giới hạn và yếu đuối, nên cứ phải lần mò và tìm cách thăng tiến bản thân mỗi ngày. Thăng tiến không bao hàm tất cả là sự thành công, mà còn hàm chứa cả những thất bại trong đó. Có ai tin rằng những thách đố, vấp ngã và chông gai của cuộc đời lại nuôi lớn con người? Chúng nuôi lớn chúng ta bằng những lần chúng ta vượt qua chúng bằng nỗ lực của bản thân mình. Chỉ là ta có đủ can đảm đứng lên bắt tay với những cú ngã ấy, rồi lấy chính vấp ngã ấy làm cơ hội tiến lên. Nhích lên vài bước và chạm tới một mục đích nho nhỏ, như thế là chúng ta đã lớn lên được một chút rồi.
E rằng sẽ trở về trạng thái cũ ư? Không phải là điều đáng phải sợ hãi. Nếu con người mà mất đi sự đàn hồi và nhầy nhụa như đống dây thun, thì họ chẳng còn là con người nữa, họ là thánh mất rồi. Chỉ còn cách căng chúng ra lâu ngày dài tháng thì tự khắc chúng sẽ giãn nở ra như ý mình muốn. Cũng vậy thôi, nhích được một chút rồi lại trở về là con người của ngày hôm qua. Có kẻ đã chán nản và muốn buông xuôi với lý do: “Làm hoài mà có được đâu! Thôi nghỉ cho khỏe!”. Rồi họ rơi vào trạng thái trốn tránh cuộc đời và né vào một góc nào đó để hưởng thái bình của riêng mình. Nhưng từ hình ảnh của những sợi dây thun, chúng ta ngại gì bắt đầu lại từ đầu ấy nhỉ! “Nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu…”, bài hát mà ta vẫn hát hoài trong mỗi dịp cầu nguyện cùng nhau, vậy mà ta quên cách mau chóng…
Bắt đầu rồi lại bắt đầu là tinh thần của sự hoán cải. Đàng sau mỗi cái bắt đầu không phải là cái mà bạn đã bắt đầu nữa đâu. Bạn cứ nghĩ là sau mỗi lần vấp ngã thì cuộc đời bạn trở về con số không. Không! Sau mỗi lần như thế chắc chắn bạn có gì đó để lại cho mình. Không là vật chất thì là tinh thần, không học hỏi thêm điều mới thì vẫn có thêm kinh nghiệm ứng phó trước những biến cố tương tự. Thử lần sau có những chuyện như thế xảy ra, bạn sẽ không để nó lặp lại như vết đổ lần trước đâu. Đó! Làm gì có chuyện bạn trở về con số không. Có thể là do bạn tiến bộ chậm chạp mà không nhận ra, hoặc do bạn quá bi quan để bị che mất phần tăng trưởng của chính mình. Đừng đối xử với chính mình như thế, hãy công nhận rằng: “Sau biến cố ấy, bạn lớn lên một chút rồi đấy!”
Kỷ niệm 500 năm hoán cải của thánh I-nhã cũng là dịp nhắc nhớ tôi và bạn về sự lớn lên của mỗi người chúng ta. Chúng ta không xét hoài tội lỗi để rồi đau khổ và chết dần trong đó. Ngược lại, tội lỗi mà ta xét là những dịp để kiểm nghiệm xem tôi đã lớn lên như thế nào. Bớt những lời gièm pha, bớt đi thói kiêu căng tự mãn, bớt đi chút gì đó những lời nói thiếu bác ái… tất cả đều là lớn lên. Chỉ là bạn và tôi có thấy hay không mà thôi…