Học hỏi Tin Mừng Chúa Nhật VII Thường niên năm C

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN NĂM C

Lc 6,27-38

  1. Đọc Lc 6,27. Theo bạn, chúng ta có thể yêu kẻ thù được không? Trong câu trên, “yêu kẻ thù” đồng nghĩa với thái độ nào? Đọc Xuất hành 23,4-5; Châm ngôn 25,21. Kẻ thù của ta là ai?
  2. Đọc Lc 6,28. Bạn thấy lời dạy này có ngược với bản tính tự nhiên không? Đọc Lc 23,34; Cv 7,60.
  3. Đọc Lc 6,29. Bạn nghĩ gì về lời Đức Giêsu dạy khi ta bị bạo hành?
  4. Đọc Lc 6,30. Đâu là ý nghĩa của việc “cho mà không đòi lại” dưới bất kỳ hình thức nào?
  5. Trong Lc 6,32-34, có cụm từ nào được nhắc lại ba lần? Đức Giêsu muốn chúng ta có thái độ mở ra với ai?
  6. Nếu cho mà không mong đền đáp, thì người cho sẽ được gì? Đọc Lc 6,35.
  7. Đọc Lc 6,36. So sánh với Mt 5,48. Bạn thấy có gì khác nhau không?
  8. Đọc Lc 6,37. “Xét đoán” ở đây có nghĩa là gì? Khi cần, chúng ta có được phép đưa ra nhận định khách quan về người khác không?
  9. Đọc Lc 6,37-38. Bạn hãy tìm xem những câu nào nói đến hành động của Thiên Chúa.

CÂU HỎI SUY NIỆM

Bạn có nghĩ bài Phúc âm này là một giáo huấn tuyệt vời của Chúa Giêsu về cách sống với tha nhân không? Bạn thấy mình đã sống được đến mức nào những đòi hỏi của Chúa?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Khi đọc lời Đức Giêsu dạy ở Lc 6,27, ta thấy có hai câu đối nhau: Hãy yêu kẻ thù của anh em, và hãy làm điều tốt cho kẻ ghét anh em. Đức Giêsu mời chúng ta yêu kẻ thù, nhưng yêu ở đây không phải là yêu về mặt tình cảm hay xúc cảm. Điều đó khó thực hiện. Yêu ở đây là tình yêu được thể hiện bằng hành động cụ thể, đó là “làm điều tốt” (=làm ơn) cho kẻ ghét mình. Kẻ ghét tôi là kẻ thù của tôi, Đức Giêsu đòi tôi yêu họ bằng cách làm điều tốt cho họ. Khi đọc các sách Xuất hành 23,4-5 và Châm ngôn 25,21, ta cũng thấy cần có thái độ làm ơn cho kẻ thù khi họ gặp hoạn nạn.
  2. Luca 6,28: “Anh em hãy chúc lành cho người nguyền rủa (=chúc dữ) mình, anh em hãy cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.” Lời dạy này của Đức Giêsu có vẻ đi ngược với bản tính tự nhiên của con người, đó là muốn ăn miếng trả miếng, muốn lấy ác báo ác. Ít ai xin Chúa chúc lành cho người chúc dữ, hay cầu nguyện cho những kẻ đã làm hại mình. Tuy nhiên, Đức Giêsu (Lc 23,34) và Stêphanô (Cv 7,60) đã cầu nguyện cho những kẻ giết mình. Phải có trái tim lớn mới thắng được khuynh hướng báo thù, và hơn nữa, còn lấy điều tốt đáp lại điều xấu. Cầu nguyện cho người vu khống mình biểu lộ niềm tin rằng người ấy có thể hoán cải.
  3. Trong Lc 6,29 Đức Giêsu dạy ta đưa má kia cho người vả ta má này, và đừng giữ lại áo trong đối với người tước đoạt áo ngoài. Đức Giêsu có thể bị coi như dạy sự hèn nhát, nhu nhược, và như thế là dung túng cho bạo lực, bạo quyền tha hồ làm mưa làm gió. Thật ra chính thái độ nhẫn nhịn, bất bạo động này lại làm cho người gây ra bạo động phải chưng hửng và có thể nghĩ lại hành vi của mình.
  4. Đức Giêsu dạy: Bất cứ ai xin, thì anh hãy cho, và ai lấy thì đừng đòi lại (Lc 6,30). Người xin là người đang có nhu cầu, đang cần mà không có. Vì không có, nên mới phải xin giúp đỡ. Đức Giêsu khuyên chúng ta nên rộng tay giúp họ, dù họ có khả năng chi trả hay không. Chúng ta không theo nguyên tắc “có qua có lại”, không tìm tiếng khen hay lời cám ơn, cũng không cho như một ân nhân quyền thế ban bố cho người dưới, nhưng như một người bạn chia sẻ, khiêm tốn và đơn sơ.
  5. Trong Lc 6,32-34 Đức Giêsu mời chúng ta không bắt chước cách cư xử của “người tội lỗi.” Họ là người chỉ yêu những ai yêu mình, chỉ làm ơn cho ai làm ơn cho mình, chỉ cho vay những ai có hy vọng trả lại đủ số. Yêu người yêu mình là điều tốt, nhưng nếu chỉ yêu người yêu mình mà thôi, thì lại có nguy cơ tạo nên một nhóm khép kín gồm những người yêu nhau. Đức Giêsu mời chúng ta can đảm vượt quá thái độ trên đây của “người tội lỗi”, để dám yêu người không yêu mình, làm ơn cho kẻ không làm ơn cho mình, và cho người nghèo vay dù có thể họ sẽ không đủ sức trả. Làm như thế mới được gọi là “ân nghĩa.”
  6. Khi yêu kẻ thù của mình, bằng cách làm ơn cho họ, cho họ vay lúc khó khăn, và không mong đền đáp bởi người đời, chúng ta sẽ nhận được sự đền đáp lớn lao đến từ Thiên Chúa (Lc 6,35). Phần thưởng lớn nhất mà chúng ta nhận được khi chúng ta yêu kẻ thù bằng những hành động cụ thể, đó là trở thành con cái của Đấng Tối Cao, Đấng này đối xử tốt cả với kẻ vô ơn và người xấu xa. Chúng ta trở thành con khi chúng ta có trái tim biết yêu giống Cha trên trời.
  7. Luca 6,36 mời chúng ta có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ. Còn Mt 5,48 lại nói: Hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Luca nhấn mạnh đến lòng nhân từ khiến ta giống Thiên Chúa. Còn Mát-thêu nhấn mạnh đến việc giữ kỹ những giáo huấn của Chúa Giêsu để nên hoàn thiện như Cha trên trời.
  8. Đức Giêsu cấm xét đoán và kết án người khác. Điều này không có nghĩa là Ngài cấm chúng ta đưa ra những nhận xét và phê bình khi cần. Nhưng Ngài muốn chúng ta xét đoán chính mình trước khi xét đoán người khác (Lc 6,41-42). Ngài muốn những nhận xét của ta về người khác cần được thúc đẩy bởi tình yêu có tính xây dựng, và có sự cân nhắc chín chắn. Nói cho cùng, chỉ có Chúa mới là Vị Thẩm Phán xét đoán tất cả chúng ta cách công minh.
  9. Trong Lc 6,37-38, hành động của Thiên Chúa được diễn tả bằng lối nói thụ động: bị xét đoán, bị lên án, được tha thứ, được cho lại, được đong lại. Bản dịch đã thêm vào những từ “Thiên Chúa” không có trong nguyên bản.

 

 

 

 

 

 

 

Kiểm tra tương tự

Kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” sẽ mang đến cho bạn niềm hân hoan Phục Sinh trong tích tắc

Bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6, tương truyền kể lại rằng lời kinh “Lạy …

Sự thật dễ bị lãng quên về sự Phục sinh

Nếu không có sự Phục sinh, thì những gì chúng ta tin đều vô nghĩa. …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *