Hôm nay anh, ngày mai tôi

Cuộc sống con người, sinh ra rồi chết đi. Đó là một quy luật tự nhiên chẳng thể chối cãi. “Nào phàm nhân sống mãi được sao mà chẳng phải đến ngày tận số?” (Thánh Vịnh 49,10). Thế nhưng, ít ai quan tâm đến vấn đề này. Thứ mà mỗi ngày chúng ta quan tâm phải chăng là những dự định, lo toan cho cuộc sống? Những ước mơ, hoài bão, khát vọng một cuộc sống trần gian tươi đẹp cho bản thân? Chính Chúa Giê-su đã cảnh báo: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Matthêu 24,42).

Chúng ta hãy đặt mình vào một sự thinh lặng để ngẫm nghĩ về cuộc đời này. Hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng chứng kiến cảnh một người thân hay bạn bè của mình qua đời. Những lúc như thế, chúng ta đã chẳng nghĩ về một ngày không xa sẽ tới lượt của chúng ta?

Một người mẹ mang thai chín tháng mười ngày, nhưng lại mất đi đứa con vào đúng ngày nó chào đời. Một người cha, người mẹ chẳng thể gặp lại con khi nó đi ra nước ngoài rồi bị tai nạn chẳng thể trở về. Một người vợ mất chồng để lại bao đứa con thơ non dại. Con mất cha, mất mẹ, mất anh chị em mình. Còn nỗi buồn nào diễn tả cho thấu nỗi lòng mà họ đang mang đó. Những lúc như thế, câu Thánh Vịnh lại vang vọng trong mỗi tâm hồn : “Người ta thường đặt tên mình cho miền này xứ nọ, nhưng ba tấc đất kia mới thật là nhà, nơi ta ở muôn đời muôn kiếp” (Thánh Vịnh 49,12).

Chúng ta nghĩ rằng mình còn quá trẻ, biết bao điều phía trước đang đợi, biết bao dự định tương lai đang vẽ trong đầu, sao lại đi nghĩ đến mấy cái chuyện chết chóc vốn dĩ dành cho mấy ông bà già sắp chết, những kẻ mang bệnh tật bên mình? Đôi khi nói thô nhưng thật: đời mà, đấu đá hơn thua với nhau, nhưng một khi già yếu, bệnh tật thì xuống nhanh lắm, cuối cùng cũng ba tấc đất như nhau thôi.

Chúa là Sự Sống, Người đã ban cho con người Sự Sống ấy và Người cũng có quyền lấy nó đi “Người đã ban cho, người lại lấy đi” (Gióp 1,21). Hôm nay anh, ngày mai tôi – kẻ trước người sau, không kể giàu sang hay nghèo khó, ra đi không từ biệt ” Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết, kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong, bỏ lại tài sản mình cho người khác” (Thánh Vịnh 49,11).

  Tháng 11 – tháng cầu nguyện cho các linh hồn- Chúng ta nhớ đến tất cả các linh hồn, và trước hết là những linh hồn có liên hệ với chúng ta nhất: cha mẹ, anh chị, ông bà tổ tiên và các linh hồn mồ côi. Và chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho nhau, để giữa dòng đời hối hả, chúng ta biết dừng lại để suy tư về cuộc sống này, nơi hy vọng của chúng ta là nơi Đức Giê-su Ki-tô đã chết và sống lại.

                                                                 

Một chút suy tư từ câu nói trong bài giảng của một vị linh mục.

Phê rô Nguyễn Văn Đại

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Cuộc đời Thánh Anê dạy chúng ta biết coi trọng con trẻ

  Là người lớn, chúng ta luôn có những điều cần phải học hỏi từ …

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *