Hướng Dẫn Sống Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19: Đào Luyện Sự Trưởng Thành Trong Tuần Hai

Hướng dẫn sống Linh Thao 30.4.2020

 

Đào luyện sự trưởng thành trong tuần hai

 

Anh chị em thân mến,

 

Khi hướng dẫn việc đào luyện trong tuần hai, tôi đã  cho thấy việc vận hành củaTuần Hai có tính đan xen giữa những thao luyện mặc khải (tức là những bài chiêm niệm ở đó thao viên được hội nhất khi chiêm ngắm đời sống thơ ấu và công khai của Chúa Giêsu) với những thao luyện cá nhân gồm việc cầu nguyện: (suy xét, suy gẫm và chiêm niệm) và những thao luyện thực hành (là những khí cụ hướng dẫn và việc lựa chọn bậc sống). Dưới ánh sáng của bài Lời Gọi của Vua Hằng Sống, xét như là Nguyên Lý và nền tảng siêu nhiên, sự cộng tác của con người với ơn sủng mặc khải giúp thao viên đạt tới sự trưởng thành của đời sống soi sáng nhờ sự kết hợp các yếu tố trên và tôi đề cập đến những đề mục sau:

 

1/ Vận hành Tuần Hai về sự trưởng thành:

 

Như tôi đã giới thiệu, Tuần hai khởi đầu bằng Nguyên Lý và Nền Tảng siêu nhiên với bài chiêm niệm về Lời gọi Vua Hằng Sống để mời gọi thao viên theo làm môn đệ Đức Giêsu xét như Vua Trần Thế và Vua Thần Linh (LT 91-98). Việc đào luyện thao viên ở Tuần này gồm hai bước: thời thơ ấu và thời công khai của Chúa Giêsu và có sự đan xem giữa Oratio (cầu nguyện cá nhân I-nhã) và Contemplatio (chiêm niệm mặc khải). Mặt khác, sự nối kết hai bước đào luyện này với nhau có một bước trung chuyển thuộc ngày thao luyện thứ tư với hai bài suy gẫm cá nhân: Hai Cờ Hiệu (LT 136-146) và Ba Mẫu Người (LT 149-157). Sự nối kết này làm nên một sự vận hành cho ta tìm ra sự trưởng thành của thao viên và khám phá ra các thì chọn lựa bậc sống mà thánh I-nhã muốn nói đến.

 

2/ Sự trưởng thành nhân bản

 

-Khi kết thúc việc thao luyện Tuần một dưới ánh sáng của Nguyên Lý và Nền Tảng tự nhiên (LT 23), thao viên không chỉ nhận được ơn tha thứ mọi tội lỗi mà còn được ơn sống sự bình tâm (indifferent) để chọn lựa và sống thánh ý Thiên Chúa như Đức Giêsu trong phẩm giá làm người. Bởi lẽ những quyến luyến lệch lạc vốn là hậu quả tội lỗi mà thao viên đã từng trải làm cho họ đi sai đường lối của Thiên Chúa.

 

-Khởi đầu tuần hai với bài Lời Gọi Vua Hằng Sống, xét như là Nguyên lý và Nền Tảng Siêu nhiên, thao viên được mời gọi đi theo làm môn đệ Đức Giêsu, Thiên Chúa thật và là người thật. Và xét như vị vua trần thế, không ai khác mà chính Đức Giêsu là mẫu mực sống ý Thiên Chúa theo con đường hủy mình: “ Ý Ta muốn chinh phục tất cả lương dân; vậy ai muốn đi với Ta phải ăn uống và mặc lấy y phục như Ta…” (LT 93). Và trong những bài chiêm niệm mặc khải trong thời thơ ấu của Chúa, những cách sống của con người thực được trình bày: vâng phục Cêsar, vâng phục lề luật, vâng phục cha mẹ ở Nazareth…

 

-Kết thúc việc thao luyện ở thời thơ ấu, sự bình tâm của thao viên được đem ra trắc nghiệm trong ngày trung chuyển thứ tư ở bài suy gẫm cá nhân về “Ba Mẫu Người” để họ tự thấy mình đã đạt tới sự trưởng thành của người bình tâm hay còn bị thao túng bởi những quyến luyến lệch lạc. Tại sao? Thưa, chỉ khi đạt được sự bình tâm, thao viên mới có thể thực hiện việc chọn lựa bậc sống đúng ý Chúa theo hai cách của thì thứ ba mà phụng sự Chúa (LT 178-188). Bởi lẽ hai mẫu người đầu tiên còn bị quyến luyến lệch lạc thao túng: mẫu thứ nhất thuộc về kẻ có ý hướng nhưng không bao giờ thực hành (LT 153);mẫu thứ hai là người đi hai hàng, đàng nào cũng muốn (LT 154), nhưng chỉ có mẫu người thứ ba mới có sự bình tâm thực để chọn điều Thiên Chúa muốn về mình (Lt 155). Như thế kẻ không đạt tời sự trưởng thành của sự bình tâm thì không người hướng dẫn không được phép cho họ làm việc lựa chọn bậc sống.

 

3/ Sự trưởng thành siêu nhiên

 

-Cũng ngay trong bài Lời gọi Vua Hằng Sống, thánh I-nhã đã nói về lời gọi của Đức Kitô với tư cách là Thiên Chúa, Vua Hằng Sống. Ngài nói: “ Ý muốn của Ta là chinh phục cả thế gian và mọi kẻ thù để vào vinh quang Cha Ta. Vậy ai muốn đến với Ta, phải lao khổ cùng Ta, để khi theo Ta trong đau khổ sẽ được theo Ta trong vinh quang” (LT 954-5). Và những kẻ yêu mến hơn và trổi vượt hơn… họ thưa: “ Lạy Chúa Hằng Sống của muôn loài, nhờ ơn huệ và sự trợ giúp của Chúa, con xin tiến dâng chính mình con lên trước lòng nhân từ vô biên của Chúa, và trước mặt Mẹ vinh hiển Chúa cúng với tất cả các thánh nam nữ của triều đình thiên quốc, ấy là con mong muốn và ước ao, và đây là quyết tâm con đã cân nhắc, noi gương Chúa chịu mọi sỉ nhục, mọi khinh chê và mọi nghèo khó thực sự cũng như trong lòng, miễn là điều ấy ngợi khen và phụng sự Chúa hơn, nếu Chúa Chí Tôn muốn tuyển chọn và chấp nhận con vào đời sống và bậc ấy” (LT 98).

 

Vậy đi theo làm môn đệ của Chúa trong ơn thần hóa trước hết phải là ơn huệ của Chúa dành cho những người trổi vượt hơn và quảng đại hơn để sống thứ tình yêu mà thế gian khinh chê và Hất hủi. Cũng chính vì ý hướng đó mà các bài chiêm niệm trong thời thơ ấu cũng làm nổi bật thiên tính của Hài Nhi Giêsu: Ba Ngôi Thiên Chúa thực hiện cuộc nhập thể cực thánh (LT 108); sau bao nhiêu lao khổ, đói khát…của những sỉ nhục, chống đối, Chúa sẽ chịu chết trên thập giá (LT 116)… Và đặc biệt về ơn xin: “xin được hiểu biết thâm sâu về Chúa, Đấng đã làm người vì tôi để được yêu mến Ngài hơn và theo Ngài hơn” (LT 104).

 

Sau khi thao viên chiêm niệm 8 mầu nhiệm về đời sống công khai của Chúa, thánh I-nhã cho thao viên suy xét bài “Ba Bậc Khiêm Nhường” trước khi kết thúc tuần hai. Nội dung bài này cho thấy có ba cách yêu Chúa từ mức độ thấp đến cao: bậc thứ nhất, yêu Chúa bằng cách không phạm tội trọng, bởi lẽ khi phạm tội trọng, con người đánh mất tương quan với Thiên Chúa và phải chết (LT 165) – Bậc thứ hai, yêu Chúa không chỉ ở chỗ không phạm tội nhẹ mà còn đạt đến sự bình tâm để thi hành ý Chúa (LT 166) – Bậc thứ ba, yêu Chúa bằng cách tự nguyện ôm lấy lối sống của Chúa Giêsu, nghĩa là nên ngu dại và điên rồ vì Ngài, bởi lẽ Ngài đã sống hiến tế cách ngu dại và điên rồ vì ta trước (LT 167). Tới đây, thao viên đạt tới sự trưởng thành cao nhất, có tính cá vị trong Linh Thao mà mẫu người thứ ba chỉ tương ứng được với bậc khiêm nhường thứ hai mà thôi. Cũng vì thế mà khi chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu, đời sống thao viên được hội nhất lại trên ý thức.

 

4/ Tầm quan trọng của ngày thứ tư, “ngày trung chuyển”

 

Sau khi tìm hiểu sự vận hành và liên kết các yếu tố trên, chúng ta suy ra tầm quan trọng của ngày thao luyện “trung chuyển”, tức là ngày thao luyện thứ tư của tuần hai ở hai điểm như sau:

 

-Thứ nhất, ngày trung chuyển xác định sự trưởng thành của thao viên ở hai mức độ đi theo Chúa Giêsu ở hai sự kiện: Trước hết, Nguyên Lý và Nền Tảng siêu nhiên cho thao viên theo Chúa Giêsu ở cả hai mức độ: làm người và làm con Thiên Chúa, và những bài chiêm niệm về thời thơ ấu đã giúp thao viên hiểu được Ngài là Thiên Chúa làm người như thế nào trong hành trình lao nhọc của Ngài. Vì thế với tư cách là người có lý trí, họ quyết định đi theo Chúa về phẩm giá làm người. Điều này được xác định ở mẫu người thứ ba vào cuối ngày thứ tư của Linh Thao (LT 155) – Thứ đến, sự tráo đổi hai mầu nhiệm của ngày thứ ba cho thấy rằng, từ nay thao viên sẽ được tập trung vào việc đào luyện đi theo Chúa ở mức độ làm con Thiên Chúa để họ thuộc về những người quảng đại hơn và muốn trở nên ngu dại và điên rồ vì Đức Kitô.

 

-Thứ hai, chính sự vận hành liên quan đến sự trưởng thành này gián tiếp xác định về những thì lựa chọn bậc sống: chúng ta có thể xác định như vậy vì bài chiêm niệm Chúa ở lại Đền thờ (LT 234b) khởi sự tập trung cho việc đào luyện theo Chúa ở cấp độ siêu nhiên để thao viên đạt tới sự trưởng thành của đời sống soi sáng ở  bậc khiêm nhường thứ ba (LT 165-167) và bài suy gẫm cá nhân về Ba Mẫu Người mà mẫu người thứ ba mới là người đạt tới sự bình tâm (LT 149-156) bao quanh lấy bài suy gẫm về Hai Cờ Hiệu nhằm nói về việc nhận định thần loại liên quan đến an ủi (LT 136-148/328-336). Chính cách bài trí này phân biệt ba thì chọn lựa theo mức độ trưởng thành khác nhau của thao viên: chọn lựa của thì thứ nhất khi thao viên đạt tới sự trưởng thành của đời sống soi sáng ở đó Chúa đánh động sự chọn lựa ở lòng muốn cách chắc chắn (LT 175) – thì thứ hai, khi thao viên thành thạo về việc nhận định thần loại (LT 176) – và thì thứ ba khi thao viên đạt tới sự trưởng thành nhân bản của sự bình tâm trong việc đi theo Chúa (LT 177-188).

 

Kết luận: Thao luyện Tuần hai thuộc đời sống soi sáng như thánh I-nhã giới thiệu (LT 102), nhưng thực chất, chỉ khi thao viên đạt tới sự trưởng thành của bậc khiêm nhường thứ ba, họ mới thực sự được chuẩn nhận vào đời sống này để thực hiện việc lựa chọn ở thì thứ nhất nếu Chúa muốn và để lớn lên trong việc nhận định thần loại của bộ II liên quan đến sự an ủi (LT 328-336).

 

Ad Majorem Dei Gloriam

 

Lm.Giuse Lê Quang Chủng,S.J.

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Thánh lễ khấn lần đầu của thầy Gioan Vũ Đức Ba

Hôm nay ngày 18 tháng 01 năm 2025, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Dòng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *