Hướng đến 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032)

Tác giả: Lm. Trăng Thập Tự-Mic. Bùi Công Thuấn

THƯ ĐỨC GIÁM MỤC QUI NHƠN
GỬI CÁC TÁC GIẢ BỘ SƯU TẬP
HƯỚNG ĐẾN 400 NĂM
VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM

 

Kính thưa quý tác giả,
Hầu hết các tôn giáo lớn tại Việt Nam đều du nhập từ nước ngoài, nhưng qua thời gian đã từng bước hội nhập vào nền văn hóa Việt Nam và làm cho nó trở nên ngày càng thêm phong phú. Kitô giáo nói chung và Công giáo nói riêng là tôn giáo lớn đã được du nhập vào Việt Nam chậm hơn so với các tôn giáo khác, nhưng ít ra cũng đã hơn 400 năm nếu tính mốc từ ngày các thừa sai dòng Tên cập bến Cửa Hàn năm 1615 và bắt đầu một công cuộc truyền giáo chính thức và có tổ chức.

 

Gần một nửa của thiên niên kỷ thứ II trôi qua kéo theo biết bao biến cố chính trị xã hội trên đất nước chúng ta, đã làm cho nền văn hóa Việt Nam có một bộ mặt như chúng ta thấy ngày hôm nay, trong đó có sự đóng góp không thể phủ nhận của đạo Công giáo. Mặc dù cụm từ “hội nhập văn hóa” là một thuật ngữ tương đối mới, nhưng ý nghĩa của nó luôn gắn liền với công cuộc truyền giáo qua mọi thời, nhằm mục đích làm cho Tin mừng thấm nhập vào nền văn hóa của mỗi dân tộc, đến độ đức tin Kitô giáo trở thành một phần không thể tách rời của nền văn hóa ấy. Công cuộc này được thực hiện qua việc những người loan báo Tin mừng chủ động tiếp cận, tìm hiểu, đón nhận, thanh lọc và hoàn thiện các hình thái văn hóa khác nhau theo tiêu chuẩn Tin mừng, để rồi sau đó sử dụng chúng như những phương tiện hữu hiệu làm cho Tin mừng dễ đi sâu vào lòng người, vào cuộc sống con người và xã hội.

 

Văn hóa là một thực thể bao trùm và chi phối toàn bộ cuộc sống của con người và xã hội. Theo định nghĩa về văn hóa của UNESCO được thông qua trong bản tuyên bố về những chính sách văn hóa tại Hội nghị quốc tế do UNESCO chủ trì từ ngày 26 tháng 7 đến ngày 06 tháng 8 năm 1982 tại Mêhicô, thì văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội. Như vậy, văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục, tín ngưỡng và tôn giáo.

 

Với tính bao trùm như thế, văn hóa không tồn tại cách cụ thể như một thực thể độc lập, nhưng chỉ có thể hiện diện và được nhận diện qua những thực thể mà nó bao gồm trên đây, trong đó có các tác phẩm văn học. Giữa văn hóa và văn học có sự gắn bó mật thiết và tương quan biện chứng: có thể nói văn học vừa là tấm gương phản ánh văn hóa, vừa làm cho văn hóa trở nên phong phú qua những tác phẩm của nó. Văn học là một thành tố của văn hóa, nhưng là một thành tố cơ bản, bởi lẽ các tác phẩm văn học phản ánh nền văn hóa trên nhiều bình diện, từ phong tục tập quán, lối sống, đến các lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo,…

 

Đặc biệt, giữa văn học và tôn giáo có mối tương quan gần gũi, không những vì cả hai đều là những thành tố của văn hóa, mà còn vì giữa hai thực thể này có mối quan hệ hỗ tương. Một trong những diễn ngôn kinh điển nhất phát xuất từ tư tưởng Nho học là «văn dĩ tải đạo», nhấn mạnh đến chức năng giáo dục của văn học. Văn học được ví như một «xa khoa», tức một cỗ xe tinh thần có nhiệm vụ chuyên chở và chuyển tải các giá trị đạo đức đến cho con người, trong số đó phải kể đến các giá trị tâm linh của các tôn giáo. Về phần mình, các tôn giáo cũng cung cấp cho văn học không những các giá trị tâm linh, siêu việt, để làm chất liệu sáng tác và tạo nên những tác phẩm, mà còn cung cấp cho văn học những nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn. Trong ý nghĩa ấy, bộ Thánh Kinh của Kitô giáo vừa là một tác phẩm văn học, vừa là một tác phẩm tôn giáo, trong đó các tác giả vừa là những nhà văn và nhà thơ, vừa là những sứ giả của Thiên Chúa với một sứ mệnh rõ ràng mang tính tôn giáo.

 

Cũng như Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo, sau khi du nhập vào Việt Nam đã để lại những dấu vết trong nền văn học nước nhà, Công giáo mặc dù đến sau nhưng qua hàng mấy trăm năm chắc chắn cũng đã để lại những dấu vết riêng của mình. Phải chăng đã đến lúc cần phải suy tư, tìm kiếm và tổng hợp những dấu vết ấy để vẽ nên một bức tranh về một nền văn học Công giáo Việt Nam? Và phải bắt đầu từ đâu? Thao thức trước vấn đề này, linh mục Võ Tá Khánh, bút danh Trăng Thập Tự, trưởng ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn, đã có sáng kiến mời gọi quý tác giả cùng tham gia nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, từ đó hình thành quyển sách có tựa đề HƯỚNG ĐẾN 400 NĂM VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM (1632-2032).

 

Qua các bài nghiên cứu và chứng từ được thu tập trong quyển sách này, chúng tôi nhận thấy quý tác giả là những người có nhiều thao thức về văn học nước nhà, cách riêng về văn học Công giáo Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Làm thế nào để khám phá và đánh giá đúng mức về những tác phẩm Công giáo trong quá khứ, từ đó có thể khẳng định rằng nền văn học Công giáo đã thực sự tồn tại và đang phát triển đúng hướng, trong bối cảnh rộng lớn của nền văn học dân tộc vốn đã có một truyền thống lâu đời và phong phú?

 

Những bài viết của quý tác giả được sưu tập trong quyển sách này mặc dù đã ra đời trong những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều chất chứa một tâm trạng chung, là làm sao để ghi lại những suy nghĩ và những cảm nghiệm về một cái gì đó rất quan trọng đang hình thành, bằng những nét tuy còn chấm phá nhưng rất thật và rất đáng quan tâm, đó là một nền văn học Công giáo đang từng bước hình thành và phát triển, mà hơn ai hết quý tác giả là những người thợ thu hình vừa “có tâm” vừa “có tầm”, bởi lẽ không phải ai cũng có thể làm được điều đó, hoặc có nhiều người muốn làm nhưng không làm được.

 

Đọc xong các bài viết của quý tác giả, người ta có cảm nghiệm như một làn sương mờ buổi sớm đang dần tan biến để lộ ra một buổi sáng tinh khôi le lói ánh bình mình. Những tia sáng mà quý vị cống hiến trong tác phẩm này cho dù rất riêng tư vì chúng thuộc miền cảm nghiệm, nhưng lại có khả năng cống hiến cho mọi người một cảm giác nao nao về một cái gì đó rất tuyệt vời đang đến. Đó có thể là sự xuất hiện của những công trình biên soạn công phu mang tính tổng hợp và có giá trị trong một tương lai gần về văn học Công giáo Việt Nam với một chỗ đứng vững chắc trên nền văn học nước nhà. Mong thay!

 

Chúng tôi rất trân trọng những đóng góp của quý tác giả trong quyển sách này và muốn bày tỏ tâm tình biết ơn đối với quý vị. Kính chúc quý vị dồi dào sức khỏe và ngày càng có thêm những đóng góp mới cho tiền đồ của văn học Công giáo Việt Nam.

 

Qui Nhơn, ngày 04 tháng 11 năm 2021
+Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Giám mục Giáo phận Qui Nhơn

 

Sách được tác giả gửi đến dongten.net

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

2 Bình luận

  1. Xin cho con biết giá quyển sách HƯỚNG ĐẾN 400 NĂM VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM (1632-2032).
    Và cách thức mua online, cám ơn.

  2. Sách này chưa in ra giấy bạn nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *