Khôn thì Tha

Lm. GB. Nguyn Ngc Thế SJ.

 

Nhớ lại một trải nghiệm thời chập chững vào đời tu. Nhà Dòng cho phép “thầy bé” tập tành học hỏi và chia sẻ công việc tông đồ với một đàn anh. Ngày qua ngày tháng trôi tháng, trong cổ từ từ xuất hiện một “cục nghẹn” mỗi ngày làm cho khó thở. Cuối cùng là một mối hận thù ôm ấp, vì “thầy bé” bị vị tu sĩ đàn anh kia chơi khăm, khinh thường và đôi khi bêu xấu giữa đám đông. Công việc tông đồ kết thúc, “cục nghẹn” hận thù đi theo. Đến một lúc khi trời xấu và xám xịt, lòng người nặng trĩu nỗi đau, cục nghẹn vẫn tiếp tục “đình công”, không để yên cho học hành, “thầy bé” qua cầu nguyện liền viết một lá thư cho vị tu sĩ đàn anh kia. Trong thư mọi nỗi niềm được bộc bạch, từ bực bội nhẹ nhàng cho đến đau đớn trong tâm, từ tức giận chốc lát cho đến hận thù theo đuôi. Cuối thư là hàng chữ: “Em tha thứ cho Anh tất cả”.

Từ đó, “thầy bé” nhận ra rằng, cuộc đời khôn ngoan là cuộc đời tha thứ.

Khôn thì tha, chính là motto để sống cho đời.

 

Thật vậy, không có tương quan nào lại không phảng phất “mùi vị” của phiêu lưu, của căng thẳng, của đổ vỡ. Ra khỏi mình để bước vào tương quan với người khác, và mở rộng cánh cửa đời mình cho người khác bước vào căn nhà của mình, là sẵn sàng đi vào một cuộc phiêu lưu, là ý thức và chấp nhận mình có thể bị tổn thương, bị đau đớn. Nhưng nếu chỉ ý thức và chấp nhận những hậu quả tiêu cực xảy ra, thì chưa đủ. Thêm vào đó, cũng cần ý thức để tìm cách chữa lành những vết thương, xoa dịu những khổ đau, và xây dựng lại mối tương quan trong hòa bình và tình yêu. Cụ thể hơn, bước đầu tiên cần có là cần phải cảm thông và tha thứ.

Tuy nhiên, tại sao lại phải tha thứ và tha thứ thì được gì?

 

Tha thứ là yêu thương chính mình và quý trọng cuộc sống của mình.

 

Văn hào Nga Leon Tonstoi có kể câu chuyện ngắn ngủi như sau : một người hành khất đến trước cửa nhà một người giàu có để xin bố thí. Nhưng mặc cho người khốn khổ van nài, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Đến một lúc không chịu được những lời van xin đó, thay vì bố thí, người giàu có đã lấy viên đá nằm ven đường ném vào người hành khất. Con người khốn khổ ấy lặng lẽ nhặt hòn đá cho vào bị, rồi thì thầm trong miệng: “Ta mang viên đá này cho đến ngày nhà ngươi sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi.”

 

Năm tháng trôi qua, lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì lừa dối, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó người hành khất cũng chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu có vào ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng. Ông đi theo đoàn người áp tải tay không rời hòn đá mà người giàu có đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng bên ông.

 

Nhưng cuối cùng nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người ăn xin nhẹ nhàng cất hòn đá vào trong túi của mình rồi tự nhủ: “Tại sao tôi lại mang hòn đá bên mình trong bao nhiêu năm qua. Con người này giờ đây cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta”. Sau đó thì anh ta tha thứ cho kẻ thù. Đúng thật, ai khôn thì luôn tha, ai khôn thì mau chóng quên đi lỗi lầm của người khác.

 

Hòn đá của hận thù cần được để xuống, nỗi đau cuộc sống cần được giải thoát khỏi cái vòng quỷ quyệt gây ra đau khổ. Hơn nữa, những người gây ra đau khổ cũng đáng thương lắm chứ, và một cách nào đó họ cần được cảm thông, được tha thứ, vì thế hòn đá họ ném vào người khác, giờ đây cần trở nên viên đá của lòng nhân từ và của sự thứ tha. Ngoài ra, nếu chúng ta cứ “cứng đầu” ôm ấp nỗi đau và nỗi hận trong lòng thì chúng ta sẽ làm cho cuộc sống của chính mình càng ra nặng nề hơn. Vì vậy, nếu còn yêu thương mình và quý trọng cuộc sống của mình, thì chúng ta cần phải thoát ra nỗi khổ đau của hận thù, và cách thức tốt nhất để thoát ra là khôn ngoan tha thứ thật sự.

 

Nhìn tinh thần tha thứ cho kẻ thù qua tấm gương của thánh Stêphanô, một người dù bị ném đá như mưa, nhưng ngài vẫn cầu nguyện cho những kẻ đang giết mình, thánh Augustino đã nói như sau: “Họ thì ném đá mà chẳng hề xin ngài thứ tha, còn ngài thì cầu nguyện cho họ. Đó chính là thái độ mà tôi muốn anh em nhìn xem. Hãy cố gắng vươn tới mức đó. Đừng để lòng mình cứ sà sà mặt đất hoài. Hãy nâng tâm hồn lên! Vâng, hãy leo cao tới mức đó. Hãy yêu thương thù địch. Vì nếu anh em không tha, thì tôi xin nói, chẳng những anh em đã xoá sạch khỏi lòng mình bài Kinh Lạy Cha Chúa dạy, mà chính anh em cũng sẽ bị xoá tên khỏi sách sự sống”.

Chứng từ của thánh Stêphanô làm sống động chính hình ảnh của Chúa Giê-su tha thứ cho những người bắt bớ, kết án và đóng đinh Chúa. Thật đẹp thay hình ảnh của đồ đệ mặc lấy chính tinh thần sống yêu thương và khôn ngoan của Thầy mình!

 

Ở đây, chúng ta thử đặt mình trong vị trí của Stêphanô và tự hỏi xem: Sau khi tôi tha thứ cho kẻ thù, lòng tôi thế nào, thảnh thơi, nhẹ nhàng và an bình? Tha thứ cho kẻ thù thật sự là một hành động khôn ngoan.

 

Như thế, qua gương và tinh thần của Chúa Giê-su chúng ta thấy rằng, tinh thần tha thứ giúp con người có thể phá đổ vòng tròn quỷ quyệt kia, tháo cởi một vài mắc xích của vòng tròn đó, để rồi một làn không khí trong lành của lòng nhân hậu sẽ tràn vào. Có như thế, thì sự nặng nề trong lòng sẽ nhường chỗ cho sự thảnh thơi và thanh bình, chán nản phải rút lui trước niềm vui đang đến, và chân trời mới được mở ra cho cuộc sống mới đem lại nhiều ý nghĩa cho đời người. Như vậy, tha thứ là một sức mạnh có sức thay đổi cuộc sống, đặc biệt là thay đổi chính cuộc sống của người bị tổn thương. Nói khác đi, cần phải tha thứ cho người khác để cứu thoát chính bản thân mình và tìm lại những “nét đẹp” cho cuộc sống của mình. Đúng thật, ai khôn thì luôn tha.

 

Một ý tưởng khác về sự tha thứ trong sự khôn ngoan còn được diễn tả trong sách Huấn Ca:

“Hãy nhớ đến ngày tận số
mà chấm dứt hận thù,
nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết
mà trung thành giữ các điều răn.
Hãy nhớ đến các điều răn
mà đừng oán hờn kẻ khác,
nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao
mà không chấp nhất điều lầm lỗi”
(Hc 28,6-7).

 

Lời của sách Huấn Ca thật đúng biết bao nhiêu. Có những lần đồng hành với những người đau yếu nặng trên giường bệnh, tôi nhận ra một điều rất đẹp, đặc biệt và khôn ngoan. Người bệnh nặng, trước khi vào cơn hấp hối, luôn khôn ngoan mở lời xin lỗi mọi người trong gia đình, xin lỗi vợ, xin lỗi chồng, xin lỗi con cái, xin lỗi tất cả và xin mọi người trong gia đình và họ hàng cùng bạn bè thân quen tha thứ cho mình. Những người có mặt đáp lời: “Cháu cũng xin lỗi và cháu cũng xin Chú tha thứ cho cháu về những lời nói, cử chỉ, hành động làm mất lòng Chú”. Ôi, hận thù gì nữa, khi chuẩn bị bước vào cõi chết. Bước vào cõi chết, cần bước vào như là từ từ nhắm mắt trong an bình và nhẹ nhàng say ngủ trong cõi ngàn thu, để được như vậy thì nên yêu mình, bằng cách đón nhận lời Chúa dạy và sống gì Chúa dạy dỗ, bằng cách khôn ngoan và tha thứ tất cả.

 

Tha thứ không chỉ là hành động khôn ngoan, mà còn là một hành động yêu thương bản thân và cuộc sống cách thanh cao. Hơn nữa, qua chính sự tha thứ, con người cũng yêu thương người khác với một tấm lòng bao la, và tha thứ sẽ ban tặng cơ hội cho người mắc lỗi, để họ có thể sửa đổi lại những gì không hay trong quá khứ mà chính họ đã gây ra, để nhờ đó tương lai đời họ được đẹp hơn.

 

Yêu thương tha thứ cho người khác là cho họ một tương lai.

 

“Tha thứ cho người có lỗi với chúng ta, nghĩa là hoàn toàn bỏ qua những chuyện quá khứ. Chấp nhận rằng tương lai vẫn còn trong sáng và chưa bị vẫn đục” (Simon Weil). Ý tưởng của Simon Weil thật mạnh mẽ và rõ ràng. Còn trong thực tế, thì những lỗi lầm thường để lại những ảnh hưởng xấu cho tương lai. Nói khác đi, tương lai thường bị những lỗi lầm “ám ảnh”, đến nỗi khó có thể xây dựng một tương lai cho đẹp. Vì vậy, con người sẽ trao tặng cho nhau “món quà tương lai”, khi con người yêu thương và tha thứ cho nhau.

 

Qua tha thứ, người ta không để cho sức mạnh tiêu cực của quá khứ ảnh hưởng trên hiện tại và trên tương lai nữa, cả tương lai của người tha thứ lẫn tương lai của người được thứ tha. Ở đây, nếu nhắc đến người được tha, chúng ta lại trở về với dụ ngôn người cha nhân hậu trong Luca. Người con đi hoang được Cha yêu thương, tha thứ và đón nhận trở về cách rộng lương vô cùng. Cách hành xử của Cha vượt trên tất cả những thành kiến và khổ đau, để vẫn giữ được một cái nhìn thật thanh cao của tình yêu tràn đầy sự cảm thông và tha thứ. Cái nhìn thanh cao này không chỉ trao lại cho người con hoang chiếc nhẫn diễn tả vị thế làm con, mà cái nhìn này còn mở ra cho người con, đã mất nay tìm thấy, đã chết nay sống lại, một chân trời mới, một tương lai với những viễn tượng mới đầy tràn tình yêu thương.

 

Một tình yêu giàu lòng tha thứ đã dệt nên chiếc áo đẹp nhất. Một tình yêu không bao giờ để con đánh mất đi phẩm giá làm con, vì thế trong nhà cha, người con dù đi hoang và đã mất tất cả, giờ đây cần được xỏ nhẫn mới, đôi chân lấm bụi trần cần được rửa sạch và được xỏ dép mới. Với dáng vẻ bề ngoài đàng hoàng như thế, người con hoang được trao lại vị trí “Cậu”, và được ngồi vào bàn tiệc, bàn tiệc được chuẩn bị với con bê đã vỗ béo chứ không phải là bất cứ con bê nào, để ăn mừng ngày trọng đại này, ngày “phục sinh” của một phận người tưởng như đã mất và đã chết. Chính tại bàn tiệc này, chính từ giây phút “phục sinh” này, tương lai mới của Cậu được bắt đầu, và tương lai đó giờ đây được đâm rễ “nhân từ và thứ tha”. Ôi đẹp thay hình ảnh người Cha tốt lành khôn ngoan và luôn tha thứ, tha thứ lỗi lầm quá khứ của con mình, để ban tặng cho con một tương lai trải rộng trước mắt, và qua đó cả bầu khí của gia đình và cộng đoàn cũng tìm lại sức sống mới.

 

Tha thứ đem lại sức sống mới cho gia đình và cho cộng đoàn.

 

Tại bàn tiệc của lòng nhân hậu và tha thứ, người con hoang tìm lại vị trí “Cậu” trong gia đình. Niềm vui của “Cậu” chắc là lớn lắm. Niềm vui đó được hòa chung với niềm vui của nhiều người trong nhà. Niềm vui đó cũng chính là sức sống mới mà gia đình và cộng đoàn “Cậu” nhận được qua sự tha thứ, để mọi người bắt đầu xây dựng lại bầu khí yêu thương trong gia đình và trong cộng đoàn.

 

Trở về với Đức Kitô chúng ta thấy, sau khi tỏ lòng nhân từ và tha thứ cho Gia-kêu, cho Lê-vi, Ngài đã đến gia đình của họ để chia sẻ bàn tiệc với họ, nghĩa là qua sự tha thứ cho một thành viên, Đức Kitô cũng muốn đem lại một làn gió mát cho gia đình và cộng đoàn của họ. Nói cách khác, sự tha thứ không chỉ quan trọng đối với đời sống cá nhân, mà cộng đoàn cũng nhận được những ảnh hưởng rất tích cực từ sự tha thứ cho mỗi thành viên trong gia đình và trong cộng đoàn. Nếu tội lỗi làm đổ vỡ cộng đoàn, thì sự tha thứ nối kết và xây dựng lại cộng đoàn. Nói cách khác, “nếu cộng đoàn là nơi tội lỗi hiện diện, thì chúng ta phải mạnh dạn xin mọi người tha thứ cho chúng ta, và chúng ta cũng cần tha thứ cho mọi người”.

 

Trong bài giảng trên núi, Chúa Giê-su đã dạy rằng: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5, 23-24). Sự chia cách và khuynh hướng tạo nên những căng thẳng không được phép “có mặt” trong đời sống cộng đoàn và giữa anh chị em với nhau. Nếu không, thì mọi người trong cộng đoàn sẽ không xứng đáng dâng lễ để thờ lạy Thiên Chúa. Nói khác đi, sự bất hòa của anh chị em với nhau làm rách mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa. Lễ tế dâng lên Thiên Chúa của cộng đoàn cần được phát xuất từ những con tim hiệp nhất, yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho nhau. Lễ tế dâng lên Thiên Chúa và tình huynh đệ nối kết chặt chẽ với nhau.  Ở đây, thánh Cyprianô nhắn nhủ rằng: “Thiên Chúa không nhận tế phẩm của những kẻ gây bất hoà, và Ngài truyền cho họ hãy rời bỏ bàn thờ, và đi làm hoà với anh em trước đã, ngõ hầu có thể giao hoà với Thiên Chúa bằng những lời nài xin an bình. Hy lễ đẹp lòng Chúa hơn cả là sự bình an của chúng ta, sự hoà thuận, tình đoàn kết của đoàn dân trong sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

 

Hơn nữa, tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa sẽ trọn vẹn hơn xuyên qua tinh thần hòa giải với người bên cạnh. Thật vậy, “Nếu ai nói: ´Tôi yêu mến Thiên Chúa´ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4, 20).

 

Trong giáo huấn về đức tin và cầu nguyện, Đức Kitô cũng nói: “Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em” (Mc 11, 25). Lời cầu nguyện cùng với của lễ không bao giờ tương phản với hành động, ngược lại cả hai được nối kết bởi một nhịp cầu. Cũng thế, tương quan của chúng ta đối với Thiên Chúa luôn gắn liền với tương quan của chúng ta với tha nhân.

 

Sách Huấn Ca nhắc nhớ chúng ta:

“Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác,
thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha”
(Hc 28,1).

 

Thật vật, chúng ta không thể đi vào cộng đoàn để cầu nguyện, để dâng của lễ lên Chúa, cũng như để sống tinh thần hiệp thông yêu thương, nếu lòng chúng ta nặng trĩu những nỗi đau, những nỗi hận đang trì kéo chúng ta xuống những hố sâu đen đủi. Hơn nữa, lời cầu nguyện và của lễ của mỗi chúng ta trong cộng đoàn sẽ chẳng sinh ích gì, nếu chúng ta đang có những chuyện xích mích với anh chị em trong gia đình, với người hàng xóm, với bạn bè xung quanh, và lại ôm ấp vết thương làm bực tức, ôm ấp nỗi hận thù ngăn cản không cho tấm lòng nhân từ mở ra để tha thứ, để hòa giải và xây dựng lại đời sống của cộng đoàn. Đối với Jacques Guillet, cộng đoàn của Tin Mừng được thành lập trên tinh thần tha thứ. Cộng đoàn đó chỉ hiện hiện ở nơi mà tất cả các anh chị em, nghĩa là từng cá nhân một trong cộng đoàn có được một chỗ để hiện diện, được góp mặt vào trong một tập thể chung, vượt trên sự khác biệt về tính tình, và bất chấp mặt ưu và mặt khuyết của họ. Trong cộng đoàn đó, anh chị em chấp nhận mỗi người như họ là, chấp nhận tất cả những lỗi lầm và tội lỗi họ gây ra.

 

Ngoài ra, cộng đoàn của Tin Mừng, của những người con sống theo gương Đức Kitô cần “lột xác”, cần cởi bỏ đi con người cũ với chua cay gắt gỏng, với nóng nảy giận hờn, với la lối thóa mạ, để mặc lấy chính Đức Kitô, để thấm nhuần tinh thần của Thần Khí Thiên Chúa, để trở nên con người mới thuộc về Đức Kitô. Con người mới đó đứng vững trên mặt đất của tình yêu thương. Nơi đó anh chị em trong cộng đoàn học cách hành xử thật tốt với nhau. Một trong những cách hành xử tốt là luôn ý thức tha thứ cho nhau. Thật vậy, đối với thánh Phao-lô tinh thần tha thứ đóng một vai trò quan trọng trong đời sống cộng đoàn. Sự tha thứ mang lại  tinh thần “phục sinh” cho cộng đoàn. Sự tha thứ này trước hết đến từ Thiên Chúa và qua Đức Kitô giành cho mỗi người trong cộng đoàn. Nếu thành thật với nhau, thì sẽ nhận ra rằng, cộng đoàn và mỗi người trong cộng đoàn mỗi ngày luôn cần đến sự tha thứ của Chúa. Vì thế, cộng đoàn cần chú ý cầu xin sự tha thứ của Chúa, và cũng cầu xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn có thiện chí và có khả năng để biết sống tha thứ cho nhau mỗi ngày.

 

Tha thứ thuộc về cuộc sống thường ngày của người Kitô hữu.

 

Đón nhận nhau, tha thứ cho nhau thật đẹp. Nhưng trong tha thứ có giới hạn về thời gian và không gian không ? Trong phúc âm của Mát-thêu, chúng ta đọc lại một cuộc đối thoại ngắn ngủi của Phê-rô với Chúa Giêsu: “Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? ” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 21-22). Thật thú vị câu trả lời của Đức Kitô! Martini đã làm một con tính, lấy 1440 phút của mỗi ngày để chia với 490 lần là kết quả của 70 lần 7, thì trong một ngày, cứ gần 3 phút cần phải tha thứ một lần. Như thế tha thứ cho nhau là thái độ thường xuyên và cần thiết cho cuộc sống thường ngày.  Còn đối với Bonhoeffer, một thần học gia và mục sư bị phát xít Đức giết vào thế chiến thứ hai, thì tha thứ không cần con số. Đừng đếm bao nhiêu lần cần phải tha thứ. Tha thứ không “quen” số lượng và không biết đến “chấm hết”. Tha thứ là thái độ sống hằng ngày và không ngừng nghỉ.

 

Thật vậy, trong cuộc sống thường ngày, con người cần phải tha thứ liên lỉ và tha thứ về rất nhiều chuyện. Tha thứ cho một ai đó làm ta thất vọng, tha thứ cho những người đã làm cho ta phải chờ đợi, tha thứ cho những người thân bỏ rơi ta khi ta lâm vào hoàn cảnh cảnh khó khăn, tha thứ cho những lời nói ác ý, những hành động bội phản và lừa dối làm cho ta bị tổn thương. Làm sao kể siết những điều chúng ta cần phải tha thứ. Như thế, cần phải sống bài tập tha thứ cả cuộc đời và không ngừng nghỉ, phải liên lỉ sống tinh thần hòa giải, nếu chúng ta muốn có một tâm hồn thanh bình, nếu chúng ta ý thức yêu thương chính mình và cuộc sống của mình.

 

Tha thứ, bài tập cho cả cuộc đời.

 

Là những người có niềm tin, chúng ta từ thuở nhỏ ai cũng thuộc làu làu Kinh Lạy Cha.  Trong đó có một lời cầu nguyện: xin tha thứ cho chúng con, như chúng con tha thứ cho những người có lỗi với chúng con. Lời cầu nguyện này thật đặc biệt, vì nó đưa chúng ta đi vào thực tế đời sống hằng ngày, với biết bao đụng chạm, với biết bao bực dọc, cũng như không thiếu tức tối, ghen ghét và hận thù. Có những người đã chia sẻ rằng, càng đọc lời kinh này, thì càng nhức nhối, vì thật là khó để tha thứ, đặc biệt tha thứ cho những người đã gây ra biết bao đau khổ cho cuộc đời mình. Đó là một thực tế không ai chối cãi được.

 

Tuy nhiên, dù thế nào Chúa vẫn mong chờ chúng ta cố gắng sống sao, để lời cầu nguyện này có thể nở hoa sinh trái trong đời sống thực tế. Vì vậy, tha thứ thật sự là một bài tập cho cả cuộc đời. Đúng vậy, khó thì mới tập, mà càng khó thì càng phải nỗ lực tập mỗi ngày. Một tâm tình có thể giúp chúng ta tập sống tinh thần tha thứ, là chúng ta nên nhớ lại sự tha thứ của Chúa giành cho chúng ta như thế nào. Biết bao lần lầm lỡ, biết bao tội lỗi chúng ta gây ra, làm thương tổn người khác, làm thương tổn đến chính bản thân mình, và làm xúc phạm đến Chúa, nhưng Chúa đều tha thứ tất cả. Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi, Ngài đã nói lời xin vâng của tình yêu đối với mỗi người chúng ta, thì lời xin vâng đó có giá trị đời đời. Sự tha thứ của Chúa luôn có chỗ trong cuộc đời của chúng ta.

 

Lời kết

 

Khôn thì tha. Cuộc đời khôn ngoan là cuộc đời tha thứ. Tinh thần tha thứ đóng một vai trò quan trọng trong đời sống làm người. Đó là một trong những thái độ căn bản trong đời sống bình thường cho mọi người và đặc biệt cho đời sống của người Kitô hữu, những người tin vào Đức Kitô, Đấng đã sống tinh thần tha thứ cách triệt để, và đã dạy dỗ con cái theo gương Ngài sống tinh thần tha thứ cho nhau.

 

Lạy Chúa, Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,

Chúa đã nhân hậu với con biết bao lần rồi.
Người chậm giận và giàu tình thương,

Chúa đã thương con và bỏ qua cho con quá nhiều lầm lỡ.

Xin cho con biết sống thứ tha luôn mãi,

xin cho con luôn ôm ấp sự khôn ngoan của Chúa,

là không bao giờ quên yêu thương và tha thứ.

Vâng Chúa ơi,

Yêu thì phúc và khôn thì tha như Chúa vậy.

 

Nürnberg, ngày 10.09.2020

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Một bình luận

  1. Kính cha! được nhiều người bất kể về mức văn hóa,dân tộc nào,đất nước nào,chế độ nào,tôn giáo nào…luôn sẵn có tự ý thức về tha thứ lỗi sai của người khác với mình thì xã hội thêm phần tốt đẹp phải không cha!
    Nhưng con nghĩ:nếu toàn là lỗi nhỏ nhỏ nhẹ nhẹ như cha nêu lên thì con khỏi phải bàn! đằng này,ở đời,như kéo dài bất tận:có muôn vàn thứ tội…nặng thể này,gớm mức kia…mà nếu theo ý cha mà tha thì chính mình lại tự đóng tội trở lại cho mình mà còn vạ lụy cho người (thân)….
    Chẳng hạn: vợ chồng con rất nghèo,nuôi 4 đứa con còn nhỏ.gia tài chỉ mới mua được 4 sào rầy,phải vay tiền để lo trồng cà-fe vào năm tới.
    Rẫy nhà bên cạnh(cùng làng) đã trồng cà-fe 20 năm rồi,nhà này giàu lắm! cũng như nhà con là đều mua đất của đồng bào Thượng,nên cái cận không thẳng. Tuần trước,vợ chồng con đi vắng 5 ngày;trở về,vào rẫy; 4 cha con nhà này đã rào lại dể lấy thẳng thì nhà con đã mất 4 tấc đất.hai bên chửi nhau thì chồng con bị một thằng chặt sứt hẳn 2 ngón tay!lại là tay phải,lại bị ngón cái nữa chứ!
    Nay chẳng lẽ con bắt chồng con phải tha hẳn cho gia đình họ?không kiện ra xã?không báo cha xứ?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *