“Nếu Giáo Hội là được khai sinh mang tính Công Giáo, thì điều đó có nghĩa là Giáo Hội được khai sinh để ‘đi ra’. Nếu các Tông Đồ cứ ở lại nơi phòng tiệc ly, không chịu ra ngoài để mang Tin Mừng đến cho người khác, chắc là Giáo Hội chỉ là Giáo Hội của dân ấy, thành phố ấy, của phòng tiệc ly ấy. Nhưng tất cả đã đi ra để bước vào thế giới, từ khoảnh khắc Giáo Hội thành hình, từ khoảnh khắc Thánh Thần ngự xuống trên họ. Nhờ đó, Giáo Hội được khai sinh để ‘đi ra’, nghĩa là, Giáo Hội mang trong mình một sứ mạng. Đây chính là điều diễn tả tính chất tông đồ cách chất lượng nhất, vì tông đồ là những người mang Tin Mừng Phục Sinh của Đức Giêsu.” (Buổi tiếp kiến chung, 17.9.2014)
Chủ đề “Giáo Hội đi ra” chắc chắn là một trong những chủ đề mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nhắc tới. Trích dẫn trên đây chỉ là một trong số rất nhiều lời tuyên bố mà ngài đã đưa ra trong các bài giảng trong hai năm đầu triều đại giáo hoàng của mình. Lời mời gọi này của ngài dành cho mọi người đã được ngài thực thi trước hết, qua những lần ngài đã “đi ra” khỏi Vatican: những chuyến đi ở Ý, những chuyến tông du ra nước ngoài và cả những chuyến đi thăm mục vụ tại một số giáo xứ ở Roma.
Thống kê các chuyến đi
Theo thống kê, cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện 14 chuyến đi:
7 chuyến trong nước Ý:
– Lampedusa (8.7.2013)
– Cagliari (22.9.2013)
– Assisi (4.10.2013)
– Cassano all’Jonio (21.6.2014)
– Molise (Campobasso-Boiano và Isernia-Venafro) (5.7.2014)
– Caserta (26.7. 2014)
– Sacrario di Redipuglia (13.9.2014)
7 chuyến ra nước ngoài:
– Rio de Janeiro, Brazil, nhân dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XXVIII (từ 22 đến 29.7. 2013)
– Đất Thánh (từ ngày 24 đến 26.5.2014)
– Hàn Quốc, nhân dịp Ngày Giới Trẻ Á Châu (từ 13 đến 18.8.2014)
– Albania (21.9. 2014)
– Strasburgo (Pháp) (25.11.2014)
– Thổ Nhĩ Kỳ (từ 28 đến 30.11.2014)
– Sri Lanka và Philippines (từ 12 đến 19.1.2015)
Trong thời gian tới, ngài có thể sẽ đi thăm:
– Pompei và Napoli (21.3.2015)
– Sarajevo (6.6.2015)
– Torino, nhân dịp 200 năm ngày sinh của thánh Don Bosco (21.6.2015)
Trên chuyến bay từ Philippines trở về, ĐTC cho biết là trong năm 2015, ngài mong muốn thăm:
– Ecuador, Bolivia và Paraguay (Mỹ Latin)
– Cộng Hòa Trung Phi và Uganda (châu Phi)
– Mỹ. Chuyến đi này được chia làm ba chặng: New York (24.9), Washington, nhân dịp tuyên thánh cho Junipero Serra và Philadelphia (26-27.9,) nhân dịp Cuộc Gặp Gỡ Gia Đình Thế Giới lần thứ 8.
Ngoài ra, vào năm 2016, ngài sẽ đến Cracovia, Ba Lan, nhân dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới từ 26 đến 31.7
Năm từ khóa trong các chuyến đi của Đức Thánh Cha
- Rao giảng Tin Mừng
Trên hết mọi sự, Đức Thánh Cha Phanxicô ra đi là để rao giảng Tin Mừng một cách trực tiếp và cụ thể. Trong nhiều dịp, ngài đã trích dẫn lời của Thánh Phaxicô Assisi rằng “hãy rao giảng Tin Mừng và nếu cần, hãy dùng lời để rao giảng.” Theo ngài, “sự không nhất quán giữa các tín hữu và chủ chăn với những gì mà họ nói và những gì họ làm, giữa lời nói và cách sống sẽ làm giảm thiểu tính khả tín của Giáo Hội.” (Bài giảng tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành, 14.4.2013)
- Vì công ích
Những chuyến đi của ĐTC cũng nhằm mục đích tìm kiếm công ích qua việc cổ võ sự hòa bình và công bằng xã hội. Ngài luôn mong muốn mọi tổ chức hãy tìm cách bảm bảo phẩm giá con người, tạo việc làm cho người dân, giúp đỡ người tị nạn, đảm bảo tự do tôn giáo, tôn trọng sự sống từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên…
- Nền văn hóa gặp gỡ
Bên cạnh việc chú ý đến những biên cương, những chuyến đi của ĐTC cũng nhắm tới việc thúc đẩy một “nền văn hóa gặp gỡ”, có được nhờ đối loại đại kết và liên tôn. Có thể dẫn chứng nơi đây chuyến đi đến Đất Thánh và Thổ Nhĩ Kỳ , cũng như Sri Lanka và Philippines của ngài. Ở Ý, đặc tính này cũng được thể hiện trong những cuộc viếng thăm riêng mà ngài đã thực hiện vào ngày 24.7.2014 tại Caserta.
- Quan tâm đến những người bị gạt bỏ
Một đặc tính thiết yếu khác trong những chuyến đi của ĐTC là quan tâm đến những người bị xã hội ruồng bỏ. Trong hầu hết các chuyến đi, ĐTC luôn gặp gỡ những người bị “loại trừ” trong xã hội. Chẳng hạn như người nghèo ở Brasil; người bị khuyết tật ở Trung Tâm Phục Hồi tại Kkottonengnae, Hàn Quốc; các trẻ em đường phố ở Manila; các bệnh nhân ở Assisi.
- Đến vùng biên cương
Không chỉ là biên cương về mặt địa lý nhưng còn là biên cương của hiện sinh con người, như được thể hiện trong Tông Thư Evangelii Gaudium của ngài: “Mỗi tín hữu và cộng đoàn phải nhận định để tìm ra con đường mà Chúa đang muốn mình bước đi, nhưng tất cả chúng ta được mời gọi để đón nhận lời mời gọi này: ra khỏi vùng an toàn và có dũng lực để đến với tất cả những vùng biên cương đang cần ánh sáng Tin Mừng.” (số 20)
Các giáo xứ trong con tim của Giám Mục Roma
Là Giáo Hoàng nhưng Ngài cũng là Giám mục của Roma. Vì thế, nhiều dịp, ngài đã thực hiện nhiều chuyến thăm mục vụ để gặp gỡ các tín hữu. Như thế, ngài đã là người đầu tiên thực hiện lời khuyên mà nhiều lần ngài dành cho các linh mục: trở thành vị mục tử ngửi được mùi chiên. Ngài đã hiện diện bên các tín hữu, không chỉ một cách thiêng liêng, nhưng còn về thể lý nữa, để đồng hành với họ trong hành trình cuộc sống.
Khi đến thăm một giáo xứ, ngài không chỉ dâng thánh lễ, nhưng còn gặp gỡ các cộng đoàn địa phương. Cho đến nay, ngài đã thực sự đến những vùng biên cương để gặp gỡ tất cả mọi hạng người: bệnh nhân, người khuyết tật, trẻ em, thanh thiếu niên, người bị loại trừ.
Theo thống kê, cho đến nay, ngài đã thăm, gặp gỡ và dâng lễ tại 9 giáo xứ:
– 26.5.2013, Giáo xứ Santi Elisabetta và Zaccaria (Prima Porta);
– 1.12.2013, Giáo xứ thánh Cirillo Alessandrino (Tor Sapienza);
– 19.1.2014, Thánh Đường Thánh Tâm Đức Giêsu (Castro Pretorio);
– 16.2.2014, Giáo xứ thánh Toma Tông Đồ (Infernetto);
– 16.3.2014, Giáo xứ Santa Maria dell’Orazione (Setteville di Guidonia);
– 6.4.2014, Giáo xứ San Gregorio Magno (Quartiere Magliana);
– 14.12.2014, Giáo xứ San Giuseppe all’Aurelio
– 8.2.2015, Giáo xứ Thánh Micael tổng lãnh thiên thần ở Pietralata
– 8.3.2015, Giáo xứ Thánh Maria Mẹ Cứu Chuộc ở Tor Bella Monaca
Ngày, 6.1.2014, ĐTC đã viếng Hang Đá tại giáo xứ Thánh Anfonso Maria de’Liguori ở Giustiniana. Ngài cũng dâng thánh lễ tại một số giáo xứ ở Roma.
Một điều khác cũng thật ấn tượng là ngài thường dâng thánh lễ tại những nơi đơn giản, thể hiện sự gần gũi của mình với con người nơi đây. Chiều thứ năm tuần thánh, ngài đã thăm nhà tù, cử thành thánh lễ và thực hiện nghi thức rửa chân cho các bệnh nhân. Ngài thực sự là một con người đã đến tận nơi biên cương để rao giảng Tin Mừng và tìm kiếm chiên lạc về cho Chúa.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
(Theo Radio Vaticana)