Linh Đạo I-Nhã – Chương 1: Khởi đầu

Truyền thông Dòng Tên Việt Nam hân hạnh giới thiệu đến quý bạn đọc những bài viết của linh mục Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J. về linh đạo I-Nhã. Cha Lộc đã dựa vào tài liệu của cha Jean-Claude Dhotel, S.J, có tựa đề La Spiritualité Ignatienne. Points de repère, Paris, Vie Chrétienne (Xuất bản lần đầu năm 1990, tái bản năm 2010) để viết nên tác phẩm này. Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu từng chương của tác phẩm này đến quý bạn đọc

———————

LINH ĐẠO I-NHÃ

Chương 1. Khởi đầu

  • Lòng ước ao
  • Rời bỏ «Quê Hương»
  • Đón nhận chính mình từ Thiên Chúa

Chương 2. Mọi sự đều mới mẻ

  • Thiên Chúa của bạn là ai?
  • Thế giới sáng tạo và con người
  • Giữa lòng thế giới
  • Bạn đồng hành
  • Con người mới

Chương 3. Tìm kiếm ý Chúa

  • Ngang qua các bài Linh Thao
  • Cuộc chiến thiêng liêng
  • Cảm và nếm
  • Tôi muốn và tôi chọn
  • Thiên Chúa xác chuẩn lựa chọn

Chương 4. Phục vụ trong Giáo Hội

  • «Ad Majorem Dei Gloriam»
  • Giúp đỡ các linh hồn
  • Cùng với các bạn đồng hành
  • Trong Giáo Hội
  • Với tư cách là người tôi tớ

Chương 5. Cung cách hành xử

  • Ý hướng ngay thẳng
  • Lợi ích phổ quát hơn
  • Mọi ơn huệ là để phục vụ
  • «Đức Chúa ở với bạn»
  • Đất của con người, đất của Thiên Chúa

Kết luận

(Lời nguyện kết thúc bài “Cung cách ứng xử của chúng ta” của cha Pedro Arrupe, S.J.)

 

Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.
(Viết theo Jean-Claude Dhôtel, S.J, La spiritualité ignatienne. Points de repère, Paris, Vie Chrétienne.
Xuất bản lần đầu năm 1990, tái bản năm 2010)


Linh Đạo I-Nhã

Chương 1 – Khởi đầu

1. Lòng ước ao

Chúng ta phải hiểu như thế nào câu đầu tiên của sách Linh Thao (LT): “Con người được tạo dựng để ca tụng, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn của mình” (LT 23)?

Phải chăng đó là một điều luật? Nếu đó là một điều luật, thì luật này sẽ lên án tôi. Bởi vì, toàn bộ đời sống của tôi buộc phải hướng về việc ca tụng, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa. Thế nhưng, đời sống của tôi không luôn luôn hướng về cứu cánh như thế; và hệ quả là tôi sẽ mất linh hồn! Hiểu như thế, bản văn mở đầu sách Linh Thao sẽ mở ra trước mặt chúng ta cả một vực thẳm mặc cảm tội lỗi!

Nhưng, đó không phải là một điều luật; hoặc, nếu đó là điều luật, thì đây là một điều luật đặc biệt, như thánh I-Nhã viết trong phần dẫn nhập của Hiến Pháp Dòng Tên (HP): “Luật nội tâm của bác ái và tình yêu mà Thánh Linh viết và in trong tim … “ (HP 135). Nhưng, chúng ta đừng vội nói tới tình yêu và Chúa Thánh Linh; bởi vì, trong Linh Thao, đó là “Nguyên lý và nền tảng” của sự sống con người, nói cách khác đó là lòng ước ao Thiên Chúa.

ignatiussoldier
Chàng hiệp sĩ I-Nhã

Đó cũng là chữ đầu tiên của sách Tự Thuật (TT), mà thánh I-Nhã kể lại để cho thấy cách thức Chúa đã dẫn dắt ngài: Người ấy có “một ước ao lớn lao và phù vân kiếm tìm danh tiếng” (TT 1). Lòng ước ao này không phải là, và còn cách xa lắm, lòng ước ao “ca tụng, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta”. Nhưng khởi đi từ lòng ước ao ban đầu này, Thiên Chúa đã nắm bắt thánh nhân.

Thánh I-Nhã là một con người ước ao. Nhưng đâu phải chỉ có thánh I-Nhã mới có lòng ước ao, nhưng là “con người” (chữ đầu tiên của Nguyên Lý và Nền Tảng), nghĩa là mọi người, đầu có lòng ước ao. Bao lâu con người chưa đạt tới đích, con người luôn ở trong một chuyển động, và điều làm cho con người chuyển động, đó chính là lòng ước ao. Ước ao sống, ước ao sống còn, ước ao vượt qua chính mình. Con người tự ấn định cho mình những mục tiêu, nhưng một khi những mục tiêu này đạt được, con người vẫn không thể lưu lại trong nghỉ ngơi, no thỏa và an vui.

Điều đó là gì, nếu không phải là, ở bên kia sự đa phức của các ước ao, con người bị “dày vò” bởi một ước ao duy nhất, đó là ước ao Đấng Duy Nhất? Con người là ước ao, bởi vì con người được tạo dựng bởi một Đấng Khác, và vì con người được lôi kéo, được thu hút bởi Đấng Khác, ngay cả khi con người không biết đến.

Con người chia sẻ sự khắc khoải này với toàn thể tạo vật: vật chất đổi dời, thảo mộc lớn lên, sinh vật được thúc đẩy bởi bản năng. Nhưng con người, con người có khả năng ý thức về năng động ước ao làm chuyển động mọi sự:

Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở.
(Rm 8, 19-22)

Không có gì là Thiên Chúa, nhưng tất cả mọi sự đến từ Thiên Chúa và mọi sự khát khao Thiên Chúa. Vì thế: Những điều khác trên mặt đất được tạo dựng cho con người để giúp con người trong việc theo đuổi cùng đích vì đó con người được tạo dựng. (LT 23).

Kinh nghiệm thiêng liêng đầu tiên của thánh I-Nhã chính là hành trình đưa ra ánh sáng ước ao nền tảng này. Thật vậy, trong thời gian dưỡng thương, thánh nhân mơ ước làm những điều lớn lao để phục vụ một công nương thuộc hàng quí tộc. Đồng thời, thánh nhân cũng đọc những sách kể về cuộc đời Đức Ki-tô và cuộc đời của các thánh. Dần dần, những câu chuyện mà ngài đọc đến gặp gỡ lòng ước ao muốn trổi vượt của ngài: “Giả như tôi làm những điều thánh Phanxicô và thánh Đa-minh đã làm thì sao?” (TT 7). Ngang qua dấu chỉ niềm vui diễn ra trong tâm hồn, khi ngài dự tính muốn bắt chước các thánh, ngài đã nhận ra điều gì đó thuộc về ước ao nền tảng; và sau khi bình phục, ngài rời bỏ gia đình, của cải, y phục để bước đi trên con đường của người hành hương.

Đời sống của Đức Ki-tô và gương lành của các thánh là những điểm qui chiếu đầy ý nghĩa: Đức Ki-tô, bởi vì Người hội tụ ở bản thân mình mọi ước ao của toàn thể tạo vật; các thánh, bởi vì các ngài là những ngọn đèn soi đường: các ngài đã tìm kiếm để tìm thấy, các ngài đã tìm thấy để lại mặc lấy một sức mạnh vươn tới mới trong hành trình tìm kiếm Thiên Chúa.

Như thế, linh đạo I-Nhã mở ra cho ai có lòng ước ao. Khi được cuốn hút bởi viễn tượng thực hiện một công trình lớn lao hay trổi vượt trong việc phục vụ một giá trị cao quí, người này sẽ được mời gọi “chăm chú nhìn ngắm Đức Ki-tô, Vua Hằng Sống, và trước mặt Người, cả thế giới; Người kêu gọi hết thảy và từng người một…” (LT 95). Và một cách cụ thể, người này chấp nhận dừng lại, tách mình, trong một thời gian, khỏi những tương quan và những bận tâm đời thường, “để chăm chú tìm kiếm điều họ hằng mong ước” (LT 20).

 

Nên đọc:

  • Tv 42-43 (41-42); 63 (62); 84 (83): Ước ao Thiên Chúa.
  • Rm 8, 18-30: Ước ao của tạo vật.

 

2. Rời bỏ “Quê Hương”

Tạm thời cách ly với những người thân, công việc và những mối bận rộn để đi làm Linh Thao (LT 20) dường như là một quyết định tầm thường, nếu đem so sánh với sự thay đổi tận căn về đời sống của thánh I-Nhã. Tuy nhiên, có một điểm chung giữa hai quyết định: ai đã nhận ra rằng Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất và rằng mọi tế bào trong thân thể của mình đều hướng về Ngài, thì không thể cất công tìm kiếm Ngài mà không thực hiện một hành vi đoạn tuyệt với thế giới, ít nhất là ở bình diện tâm cảm.

san-ignacio-de-loyola-11enero2011
Khách hành hương I-nhã

Hơn nữa, không phải là một Giê-su hữu (tu sĩ Dòng Tên) dày dạn, hay một người đã thực hiện kinh nghiệm tháng Linh Thao, nhưng là một người trẻ đến xin vào Dòng Tên, mà thánh I-Nhã trình bày điều cốt lõi nhất trong linh đạo của ngài:

Nhờ chê ghét hoàn toàn chứ không phải chỉ vì một phần, tất cả những gì thế gian yêu mến và tha thiết, lại nhận lấy và hết sức ước ao tất cả những gì Chúa chúng ta là Đức Ki-tô yêu mến và tha thiết. Vì như người đời theo đuổi những gì phàm tục, yêu thích và mải mê tìm kiếm vinh dự, danh thơm tiếng tốt trên đời, như thế gian dạy bảo họ, thì những ai bước đi, trong Thánh Thần và sự thật, theo Chúa chúng ta là Đức Ki-tô, cũng phải mãnh liệt yêu mến và ước ao ngược lại, nghĩa là mặc lấy cùng thứ quần áo và trang phục hạng tôi tớ mà Người đã mặc, vì kính trọng và yêu mến Người… vì Người là đường dẫn đưa con người đến sự sống. (HP 101)

Đọc những hàng chữ này một cách hời hợt, người ta có thể bỏ qua, vì nghĩ rằng: “Lối sống này dành cho các tu sĩ, chứ không phải dành cho tôi”. Tuy nhiên, chúng ta hãy đọc lại thật kỹ đoạn văn này của thánh I-Nhã và kết nối với Tin Mừng, nhất là với lời mời gọi này của Đức Giê-su, ngõ với các môn đệ và đám đông:

Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.V ì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? (Mc 8, 34-36)

Chúng ta hãy cân nhắc thật cẩn thận những từ ngữ “ước ao”, “yêu mến” và “tha thiết” (dịch sát chữ, là “ôm ấp”). Đó những từ ngữ của tình yêu. Tiếp đến, chúng ta được mời gọi nhìn vào thế giới.

Từ ngữ “thế giới” được nói tới ở đây, không được hiểu theo nghĩa công trình sáng tạo mà chính Thiên Chúa phải thốt lên là “rất tốt đẹp” (St 1, 31) và nơi đó, thánh I-Nhã nhìn thấy điều được dựng nên “để giúp con người đạt tới cùng đích của mình” (LT 23). “Thế giới” ở đây được hiểu là thế gian.

Thế giới, hiểu theo nghĩa thế gian, là đền thờ của những ảo tưởng và lừa dối, của một cuộc sống theo vẻ bề ngoài, là nơi người ta được đánh giá bởi điều họ thể hiện ra bên ngoài và là nơi con người không ngừng bị buộc phải sống bằng những thể hiện bên ngoài. Đó là những gì? Đó là tiền bạc, xe cộ, trang sức, tiệc tùng, tự do luyến ái, sự nghiệp… Con người bị kẹt vào trong bánh răng cưa của sự tranh đua: ai không nghiền nát, sẽ bị nghiền nát. Người ta tìm cách tôn vinh mình, không phải từ điều mình là, nhưng từ điều mình có hay muốn có. Rõ ràng là giả dối!

Ở đằng sau tất cả những sự điên cuồng này, Đức Giê-su mặc khải cho chúng ta biết đó là “thủ lãnh thế gian”: “Nó đã là tên sát nhân”. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (Ga 8, 44). Sự giả dối sẽ dẫn đến sự chết; và đó chính là những gì đang diễn ra trước mắt chúng ta. Bởi vì, cuộc chạy đua lao vào chốn hư vô diễn ra rất nhanh, đến độ nó đã làm ra những sản phảm của sự chết: thuốc kích thích (thuốc lắc), rượu mạnh, thuốc phiện, trầm cảm… Và khi thế giới của những vẻ bề ngoài bị sụp đổ, nhiều người đã không có lối thoát nào khác ngoài việc tự tìm đến cái chết.

Thế giới, hiểu như thế đó, một đàng làm cho chúng ta kinh sợ, đàng khác lại bao quanh và xâm lấn chúng ta tứ phía. Chúng ta không muốn nó, nhưng nó muốn cầm giữ chúng ta. Thế mà, không phải thánh I-Nhã đã phát hiện ra “hai con đường”: “sự sống và hạnh phúc, sự chết và sự dữ” (Đnl 30, 15), và cũng không phải thánh I-nhã đã nói: “Không ai có thể phục vụ cho hai chủ cùng lúc, Thiên Chúa và tiền tài (Mt 6, 14). Phải chọn lựa. Khi chọn lựa “con đường dẫn đến sự sống”, các thánh đã xem trọng lời mời gọi của Chúa. Còn chúng ta, chúng ta không thể đùa giỡn với điều này, bằng cách nhảy qua nhảy lại từ đường này sang đường kia, như thể chúng ta chơi ca-rô, bởi vì chúng là những con đường khác nhau, không giao nhau hay đồng qui.

Khi chọn lựa bắt chước các thánh, thánh I-Nhã muốn trở thành môn đệ của Đức Ki-tô. Khi đề nghị chúng ta lui lại để đi vào Linh Thao, ngài đặt chúng ta trên “con đường dẫn đến sự sống”.

Rời bỏ “Quê Hương”! Đó không phải là một lựa chọn nhiệm ý. Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện đầu tiên.

*  *  *

Nên đọc:

  • Linh thao, số 20
  • Kinh Thánh: Kn 12, 1-9 ; Đnl 30, 15-20; Lc 9, 23-27

 

3. Đón nhận chính mình từ Thiên Chúa

Ở hai bước trên, chúng ta đã làm cuộc lựa chọn ban đầu và thực hiện sự đoạn tuyệt mà lựa chọn này đòi hỏi. Bây giờ thì phải lên đường. Giai đoạn này tương ứng với hành trình của thánh I-Nhã rời bỏ “quê hương” Loyola thân yêu của mình, với ý định đi hành hương Giê-ru-sa-lem và với quyết tâm “làm những việc khổ chế như các thánh đã làm” (TT 8). Ở giai đoạn này, thánh nhân luôn có niềm vui trong tâm hồn. Nhưng chỉ ít tháng sau, mọi sự đều sụp đổ. Cuộc khủng khoảng khởi đi từ sự xuất hiện luân phiên các cảm xúc mà ngài không kiểm soát được: đôi khi ngài thấy khô khan nguội lạnh, vô vị; những lúc khác, ngài lại “đột ngột có cảm tưởng tất cả buồn chán và sầu khổ được cất đi như người ta tháo bỏ cái áo choàng ra khỏi vai (TT 21). Thánh I-Nhã vẫn chưa biết và chưa thể đặt tên cho sức mạnh lạ lùng này. Ngài cảm thấy sợ hãi và chất vấn về “cuộc sống mới” mà ngài chưa từng biết đến trước đó. Tiếp theo sự sợ hãi là cuộc khủng khoảng lớn lao do những bối rối làm thánh nhân khổ sở đến độ ngài muốn tự vẫn (TT 24). Rồi cho đến một ngày kia, “Chúa làm cho kẻ ấy thức tỉnh như thể từ một cơn mê” (TT 25). Thánh I-Nhã đã kể lại này kinh nghiệm này, không phải là vì kinh nghiệm này là một chuyện lạ lùng, nhưng là vì ích lợi thiêng liêng của chúng ta.

Thực vậy, có cái gì đó thật thông thường và liên quan đến tất cả chúng ta: mỗi người khác với hình ảnh mà mình tạo ra hay muốn tạo ra về bản thân. Trong mức độ, con người nỗ lực sống theo hình ảnh này, thì con người không còn là chính mình nữa trong sự thật. Tự do của con người bị giam hãm.

st-ignatius-sm

I-Nhã dâng kiếm cho Đức Mẹ để từ bỏ phục vụ vua trần thế để phục vụ Vua Giêsu

Thánh I-Nhã lao mình vào trong dự định bắt chước các thánh mà ngài coi là những khuôn mẫu. Đó là hình ảnh mà ngài để ở ngay trước mặt và ngài muốn sống theo hình ảnh này bằng những việc khổ chế lớn lao. Quả là, hình ảnh này được phát sinh bởi lòng ước ao; tuy nhiên, hình ảnh này lại phát xuất từ ngài, trong khi lòng ước ao của ngài phát xuất từ Thiên Chúa. Khi nỗ lực sống theo những khuôn mẫu, ngài không còn là chính mình nữa trong sự thật. Khủng khoảng mà ngài trải qua, và qua đó Chúa huấn luyện I-Nhã, sẽ dẫn tới sự sụp đổ của hình ảnh. Đó là điều cần thiết để cho một con người mới được sinh ra.

Tuần I của tháng Linh Thao tương ứng với kinh nghiệm này của thánh I-Nhã. Khi thoáng nhìn, chúng ta thấy tuần I nói về tội lỗi, nhưng điều tuần I nhắm tới là nhận ra rằng, Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng và là Đấng Cứu Độ duy nhất của tôi, và rằng, mỗi ngày, từ nơi Ngài, tôi đón nhận sự sống của tôi.

Tội là gì nơi nguồn gốc của nó? Dường như không có sự khác biệt giữa lời dụ dỗ của con rắn: “Ông bà sẽ trở nên như các thần linh” (St 3, 5) và lời nguyện của Đức Giê-su: “Để họ được nên một như chúng ta là một: con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một” (Ga 17, 22-23). Nhưng, khi mà Kẻ Dối Trá xúi dục chúng ta tìm cách trở nên Thiên Chúa bằng cách chống lại Thiên Chúa, bởi sự bất tuân phục, thì Đức Giê-su mời gọi chúng ta trở nên giống như Thiên Chúa cùng với Thiên Chúa, điều mà các Giáo Phụ không ngần ngại gọi là hành trình “thần hóa” của chúng ta.

Tội luôn luôn là một hành vi tự coi mình là đủ và đến từ ý muốn, được nhận ra hay không, xây dựng bản thân một mình, mà không cần đến Thiên Chúa và thậm chí chống lại Thiên Chúa. Để để phá vỡ những giới hạn của tôi trong thân phận thụ tạo, tôi phóng chiếu ra trước mặt một hình ảnh về chính tôi: tôi giàu có, tôi mạnh mẽ, tôi hấp dẫn, tôi hơn người khác và tôi thực hiện những hành động phù hợp với hình ảnh này. Tương tự như thế, đối với những điều được coi là “ý hướng tốt lành”: chẳng hạn, tôi muốn trở thành vị thánh, hay tôi muốn được nhìn nhận là người tốt lành: ý hướng này sẽ trở nên lệch lạc vào lúc mà tôi thực hiện điều này bởi sức mạnh của “con dao găm”. Ý hướng này cũng trở nên lệch lạc, khi đến từ sự sợ hãi, sợ hãi Thiên Chúa, sợ hãi người khác, sợ hãi chính mình; tôi sợ hãi đến độ dựng nên những rào cản để bảo vệ sự trọn hảo thiêng liêng và luân lí của tôi. Gốc rễ của những điều này là sự từ chối đón nhận sự sống của mình từ một Đấng Khác, là Đấng Tạo Dựng và là Đấng Cứu Độ.

Để cho Thiên Chúa được nhận biết, tôi phải bỏ đi hình ảnh về chính mình. Bất tuân, vốn là bản chất của tội, chính yếu không phải là một tội thuộc về cung cách ứng xử của trẻ con, nhưng đó là hành động tai hại của con người có ý thức về năng lực tự do của mình, và từ chối nhận biết Đấng đã tạo dựng nên mình. Đó là tội của thế giới, của lịch sử và của con người. Tội này chỉ có thể được gọi đúng tên của nó khi đối diện với Đức Ki-tô vâng phục cho đến chết và chết trên Thập Giá (Phil 2, 8).

Trước mắt Đức Ki-tô chịu đóng đinh, tội nhân được mời gọi nhận ra rằng, đến mức độ nào tội dẫn đến sự chết. Vì, khi muốn xây dựng mình bởi chính mình, con người tự cắt lìa đời mình khỏi nguồn sự sống: khỏi Thiên Chúa, Đấng đã trao ban sự sống cho con người. Khi đó, “tôi, một mình, tôi có thể là gì?” (LT 48). Chẳng là gì hết. Và sự nhìn nhận sáng suốt này có thể dẫn đến tuyệt vọng, nếu ngay từ đầu, Đức Ki-tô chịu đóng đinh không hiện diện, để cứu tôi khỏi sự tuyệt vọng. Như thế, tôi không có một mình, vì tôi có thể thưa chuyện với “Ai Đó”.

Trước hết, bằng những lời nhút nhát và dò dẫm, đến từ những câu hỏi và sự kinh ngạc: “Làm sao, từ thân phận là Đấng Tạo Hóa mà Người đã đến để trở thành con người, để đi từ sự sống vĩnh cửu đến sự chết của thân phận con người, và như thế, là để chết cho tội lỗi của tôi” (LT 53); và “mọi tạo vật, làm sao mà chúng đã để tôi sống và gìn giữ tôi cho sống, các thiên thần là lưỡi gươm của phép công thẳng Chúa làm sao mà các Đấng ấy đã chịu đựng được tôi, che chở và cầu xin cho tôi, rồi các vị thánh, làm sao mà các ngài đã bầu cử và cầu xin cho tôi; lại các tầng trời, hai vầng nhật nguyệt, các vì tinh tú cùng các nguyên tố và mọi loài trong vũ trụ, hoa trái, chim chóc, tôm cá và các giống thú vật, làm sao chúng còn để tôi sống đến lúc này; trái đất sao không nứt ra để chôn vùi tôi, tạo nên những địa ngục mới để tôi chịu khổ đời đời trong đó” (LT 60)

Đó chính là lời giải thoát, được thốt lên trong một bài ca tạ ơn: “Thân thưa với Chúa và tạ ơn Chúa vì Ngài đã cho tôi sống đến bây giờ” (LT 61); “Cũng tạ ơn Chúa vì cho đến nay, Chúa luôn tỏ ra hiền từ và nhân lành với tôi dường ấy.” (LT 71)

Đó cũng là lời tạo dựng, vì mở ra một tương lai, mà ở nơi đó, tôi dấn thân làm việc với Chúa: “Tôi phải làm gì cho Chúa Kitô” (LT 53); “dốc lòng nhờ ơn Chúa chừa cải từ này về sau” (LT 61); “sửa mình cùng tự chỉnh đốn lại” (LT 63). Như thế, khi ra khỏi thử thách, con người được đặt trên con đường của những tương quan đúng: tương quan với Thiên Chúa, với thế giới và với chính mình.

  • (a) Với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tác Giả sự sống của con người: mỗi một giây phút, từ Người, con người đón nhận sự sống, từ Người, con người đón nhận chính mình. Con người được định vị trong một tương quan phụ thuộc, chứ không phải tương quan nô lệ. Bởi lẽ, khoảng cách giữa “Đấng Tối Cao” và con người mở ra không gian cho lời nói. Những đòi hỏi của Thiên Chúa sẽ không còn đáng sợ nữa, như là áp đặt từ bên ngoài; những đòi hỏi này xuất hiện như hoa trái của lời nói được trao đổi, nơi đó hai ước ao cùng đến gặp gỡ nhau.
  • (b) Với thế giới. Từ nay, thế giới sẽ được hiểu như là công trình sáng tạo, nơi đó con người chiêm ngắm những dấu vết của Thiên Chúa và khám phá ra sự đỡ nâng mà Thiên Chúa đã trao ban cho con người, để cho con người không đơn độc. Cái nhìn như thế sẽ làm cho con người trở nên sáng suốt để nhận định sự dữ, vốn là công trình của hư vô, và là chính hư vô. Thế giới sáng tạo trở nên đối với con người địa bàn duy nhất cho việc con người tìm kiếm Thiên Chúa và gặp gỡ Người, Đấng dẫn dắt con người trong hành trình hành hương của mình.
  • (c) Với chính mình. Cuối cùng, con người có thể đi vào và lớn lên trong tương quan đúng với chính mình. Là tội nhân nhưng được cứu độ, con người đảm nhận quá khứ của mình, dù nặng nề như thế nào, để dấn thân vào tương lai. Con người biết rằng, tự bản chất mình phải tạo ra các hình ảnh, phải xây dựng các dự án, nhưng con người sẽ học để tạo ra khoảng cách giữa lòng ước ao Thiên Chúa và những dự án con người, sao cho, nếu những dự án này sụp đỗ, con người trở lại với lòng ước ao của mình và sao cho, nếu những dự án này thành công, con người không biến chúng thành ngẫu tượng. Khi được sinh ra bởi Thánh Thần, con người sẽ được giải thoát sức quyến rũ của những hình ảnh.

Và từ đây, con người sẽ có một Hình Ảnh khác để chiêm ngắm và phải để cho mình được dạy dỗ.

*  *  *

Nên đọc:

  • St 2 và 3: Sáng tạo, lề luật và sự dối trá
  • Ga 3: Đức Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô

Kiểm tra tương tự

Thánh Danh Chúa Giêsu: Trái Tim và Sứ Mạng của Dòng Tên

  Ngày 3 tháng 1, Dòng Tên hân hoan mừng lễ kính Thánh Danh Chúa …

Dòng Tên Việt Nam có thêm 4 Tu Sĩ Tuyên Khấn Trọng Thể

  Vào ngày 05 tháng 12 năm 2024, tại Nhà nguyện Học viện thánh Giuse, …

Một bình luận

  1. Con ước ao cha có thể cho con đọc hết những chương sau của cuốn sách này ạ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *