[Linh đạo Inhaxiô-Những điểm quy chiếu] Chương 2: Mọi sự đều mới mẻ (1)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.

 

  1. Thiên Chúa của bạn là ai?

Thiên Chúa của thánh Inhaxiô là Thiên Chúa của các Ki-tô hữu: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; một Thiên Chúa trong ba ngôi vị. Người Ki-tô hữu chúng ta làm dấu Thánh Giá trên người của mình “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Nhưng chúng ta có sống điều chúng ta tin không? Và điều chúng ta tin có gắn liền với cuộc sống và có là vấn đề sống còn không?

Thánh Inhaxiô đã nói rằng: “Ngài có một lòng sùng kính lớn lao dành cho Ba Ngôi Chí Thánh”. Sùng kính theo nghĩa mạnh; ngài gắn bó hết lòng với Ba Ngôi: « Ông có một lòng sùng kính đối với Ba Ngôi Chí Thánh rất nhiều; và như thế, hằng ngày ông cầu nguyện với từng Ngôi Vị. Và vì ông cũng cầu nguyện với cả Ba Ngôi, nên một ý tưởng đến với ông: Làm thế nào mà ông lại cầu nguyện bốn lần với Ba Ngôi? » (TT 28). Về bản chất của lòng sùng kính này, đó là điều bí ẩn giữa thánh nhân và Thiên Chúa, và ngài đã chỉ kể lại trên những trang giấy chất chứa những tâm tình bừng cháy của cuốn Nhật Ký Thiêng Liêng, mà không muốn áp đặt lòng sùng kính này cho anh em của ngài. Tuy nhiên, lòng sùng kính này lại là chính yếu đối với linh đạo Inhaxiô.

Cùng với thánh Gio-an, chúng ta tin rằng : « Tình yêu đến từ Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu » (1Ga 4, 7-8). Thế mà đối với thánh Inhaxiô, tình yêu không phải là một tình cảm mông lung: « Tình yêu phải được biểu lộ ra nơi các hành vi, và tình yêu dựa vào sự thông truyền hỗ tương » (LT 230-231). Thánh nhân nói điều đó, bởi vì tình yêu đã được ban cho ngài, bởi ân sủng thật lớn lao, để tiếp cận mầu nhiệm đời sống thâm sâu của Thiên Chúa. Ngài đã cố gắng diễn đạt kinh nghiệm của mình bằng một hình ảnh hơi khác thường, nhưng rất gợi hứng : « ba phím đàn » của một bàn phím nhạc cụ (TT 28) ; như trong một bản nhạc, hợp âm ba nốt nhạc được đón nghe cùng nhau, và đồng thời mỗi nốt nhạc được đón nghe cách phân biệt và được làm cho phong phú từ những hòa âm của hai nốt kia. Trao đổi, truyền thông. tương quan.

Chúng ta không đi tìm bằng chứng của mầu nhiệm. Chúng ta chỉ có thể đón nhận mầu nhiệm như một em bé, khi mầu nhiệm được tỏ bày cho chúng ta. Và nếu chúng ta đón nhận mầu nhiệm, tất cả sẽ thay đổi.

Người ta có thể quan niệm được không, một Thiên Chúa-Tình Yêu, Đấng ở trong sự cô độc như Hữu Thể Tối Cao, nhìn xem với sự dửng dưng thế giới lúc nhúc loài người từ trên đỉnh cao ngọn núi Olympic ? Người có thể quan niệm được không, một Thiên Chúa sống trong sự cô độc giá băng này ?

Khi chiêm ngắm Đức Giê-su nói chuyện với Đấng mà Ngài gọi là « Cha » và khi thấy Ngài « hớn hở vui mừng » dưới tác động của Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã đón nhận mặc khải, rằng Thiên Chúa không cô độc.

Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng Thiên Chúa mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”.

(Lc 10, 21)

Thiên Chúa duy nhất, nhưng Thiên Chúa hằng sống bởi hành vi vĩnh cửu của tình yêu : trong vĩnh cửu, Chúa Cha sinh ra Chúa Con, Người thông truyền cho Chúa Con tất cả những gì Người là và tất cả những gì Người có. Trong vĩnh cửu, như chính Đức Giê-su trong Tin Mừng, Chúa Con trao lại cho Chúa Cha tất cả những gì Người nhận được từ Chúa Cha. Trong vĩnh cửu, từ tình yêu trao đổi giữa Chúa Cha và Chúa Con, xuất phát Chúa Thánh Thần, Đấng hiệp nhất Chúa Cha và Chúa Con. Sự sống không gián đoạn, bởi vì sự sống là tương quan và là sự truyền thông không gián đoạn.

Chúng ta tin kính nơi chỉ một Thiên Chúa, là Cha, Con và Thánh Thần. Chúng ta đón nhận trong đức tin điều vẫn luôn là một mầu nhiệm, không như một điểm mù lòa của lý trí, nhưng như một nguồn bừng sáng, soi chiếu và biến đổi cuộc sống. Không có cuộc sống mà lại không có tình yêu trong hành vi; không có tình yêu, mà lại không có sự truyền thông hỗ tương. Tình yêu có thể được ban cho tôi, để làm thành kinh nghiệm được không?

Khi một người mẹ tương lai cảm thấy trong lòng mình sự nhảy mừng đầu tiên của sự sống bà đang cưu mang, và khi thay vì khép kín trên niềm vui của mình, bà hướng niềm vui của mình về người nam, mà cùng với người này bà đã có em bé, bà cho anh một tên mới: “tình yêu của em, anh là cha của con chúng ta”.

Có được kinh nghiệm về Thiên Chúa của chúng ta, một chút nào đó, thì tương tự như thế. Khi xảy ra là – điều này xảy ra thường xuyên hơn là chúng ta nghĩ -, khởi đi từ một câu Kinh Thánh, người cầu nguyện cảm nghiệm được sự rung động sâu kín, được biểu lộ ra một cách tự phát, chẳng hạn trong một tiếng kêu : « Lạy Cha ! » Bạn đừng nghi ngờ về điều này : chính Chúa Thánh Thần nói trong bạn, bởi vì « để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: « Áp-ba, Cha ơi!” » (Gl 4, 6). Hay còn như khi, trong cùng sự rung động sâu kín, trào vọt ra lời ca tụng : « Đức Giê-su Ki-tô là Chúa, để tôn vinh Thiên Chúa Cha » (Phl 2, 11). Đó cũng là tác động của Chúa Thánh Thần, bởi vì « không ai có thể nói rằng: “Đức Giê-su là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thần Khí (1Cor 12, 3).

Ngoài những kinh nghiệm đặc biệt kể trên, chúng ta hãy học một cách khiêm tốn, gọi tên Ba Ngôi Thiên Chúa, khi chúng ta cầu nguyện: “Thực hiện cuộc tâm bằng cách nghĩ về điều tôi phải thưa với Ba Ngôi Thiên Chúa… bằng cách xin ơn theo điều mình có thể cảm thấy trong lòng” (LT 109). Nếu tôi cảm thấy được đánh động bởi tâm tình của người con thảo, hãy thưa chuyện với Chúa Cha; hoặc bởi lòng khát khao sự gần gũi thân tình, hãy tâm sự với Chúa Con; hoặc do lòng khát khao sự hiệp thông, hãy ngỏ lời với Chúa Thánh Thần. Gọi tên Ba Ngôi Thiên Chúa, chính là học nói chuyện với Thiên Chúa như là một ngôi vị. Đó cũng là học nói chuyện với những người khác và đối xử với họ như chúng ta muốn họ đối xử với chúng ta.

*  *  *

Khi chúng ta nhận ra tầm quan trọng của lời nói và sự thông truyền đối với thánh Inhaxiô, và sự cần thiết của nó trong thời đại của chúng ta, – vào thời của chúng ta, người nói quá nhiều, nhưng người ta lại nói với nhau qua ít -, thì chúng ta sẽ hiểu ra rằng, mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện ở cội nguồn của linh đạo Inhaxiô và rằng, mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, nếu chúng ta dám nói, mang tính thời sự nóng bỏng.

*  *  *

Có thể đọc và cầu nguyện :

  • Lc 10, 21-24 (hay Mt 11, 25-27): mặc khải cho những người bé nhỏ.
  • Gal 4, 1-6: Ba Ngôi và tự do
  • Linh Thao, số 101-109: Chiêm niệm mầu nhiệm Nhập Thể.

Kiểm tra tương tự

Các sự kiện quan trọng trong Năm Thánh 2025

  Năm Thánh diễn ra 25 năm một lần, sẽ được đánh dấu bằng một …

Năm Thánh, lịch sử và nguồn gốc từ Thánh Kinh

  Trên tờ L’Osservatore Romano, Đức hồng y Ravasi, học giả Kinh Thánh, truy tầm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *