Linh Mục – Con người của mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ truyền giáo

Ơn gọi là một huyền nhiệm, một huyền nhiệm được bạn tặng nhưng không, bất chấp người được chọn gọi là ai và họ thế nào. Huyền nhiệm cao cả ấy được được liên kết với sứ mạng cao cả nhưng không kém phần khó khăn mà chỉ có thể hoàn tất được nhờ ơn thánh Chúa và sự nỗ lực hết mình của người được tuyển chọn. Linh Mục, người được chọn, cuối cùng cần xác tín rằng Chúa kêu gọi là để họ trở nên bạn hữu của Chúa, được chung phần vào vận mệnh, sứ mạng, và vinh quang. Vì thế, đã có nhận định cho rằng: “Linh Mục con người của mầu nhiệm, con người của hiệp thông, con người của sứ vụ truyền giáo”. Vậy, chúng ta nên hiểu nhận định này như thế nào cho phải nghĩa?

Linh Mục, Người là ai? Đây là câu hỏi gói ghém nhiều ý nghĩa và gồm nhiều câu trả lời khác nhau. Song, chúng ta có thể tiếp cận theo một vài cách hiểu ngắn gọn. Trong  thư gửi tín hữu Do Thái, Thánh Phaolô đã định nghĩa Linh mục là “Người được chọn giữa loài người, được đặt lên lo việc Thiên Chúa thay cho loài người”(Dt 5,1). Hoặc theo một lối diễn đạt khác: Linh Mục là “thừa tác viên” của Giáo Hội, là người được đào tạo để trở nên như vị thầy, như nhà giáo dục đức tin. Linh mục là thầy dạy, không phải dạy văn hóa, hay dạy thể thao, không phải dạy làm nghề kinh doanh, nhưng dạy điều quan trọng nhất là “sống đức tin”, dạy cách bước theo Chúa Kitô, dạy cách làm môn đệ Chúa Kitô để được cứu rỗi (trích các bài giảng tĩnh tâm linh mục trong năm giáo dục Kitô giáo năm 2008- GM Phaolô Bùi Văn Đọc).

Còn mầu nhiệm được hiểu là điều cao siêu, khó hiểu. Và, nếu không được soi sáng bởi Chúa Thánh Thần và sự cắt nghĩa của giáo huấn Giáo Hội ta thực sự không thể hiểu được. Nghĩa của từ hiệp thông, theo sách giáo lý Hội Thánh Công Giáo (SGLHTCG) bản hỏi thưa là tham dự, chia sẻ, trao ban và lãnh nhận. Sự hiệp thông nơi Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch và mẫu mực sự hiệp thông của loài người. Vì thế, Linh Mục sống trong mầu nhiệm hiệp thông với Chúa Ba Ngôi, phải gắn liền với sứ vụ truyền giáo và vận mạng của mình. Vậy sứ vụ được hiểu là việc cơ bản của đời sống Giáo Hội nói chung, của mọi Kitô hữu, và cách riêng của Linh Mục, người được xức dầu và sai đi.

Như vậy, nhận định trên đây muốn nói lên Thánh Chức Linh Mục khởi đi từ sự mời gọi và lời đáp trả đầy tự do và mạnh mẽ của hai đối tượng gọi và được gọi. Ơn gọi Linh Mục là huyền nhiệm đến từ Thiên Chúa. Với Thánh Chức, người Linh Mục mang trên mình những mối hiệp thông trọn vẹn mật thiết với Chúa và Giáo Hội. Người Linh Mục luôn mang trên mình những trách nhiệm cao cả như tự bản chất của Giáo Hội và của Ante Christus-Kitô thứ hai, một Linh Mục đời đời theo phẩm hàm Menkixêđê.

Trước hết, như ơn gọi là huyền nhiệm, thì tự bản chất “Linh Mục, con người của mầu nhiệm”. Khởi đi từ lời đáp trả của người được mời gọi thông phần vào sứ mạng Linh Mục đời đời, qua diễn tiến từng giai đoạn của ơn gọi và sự tinh luyện nhân bản, tri thức, tu đức và mục vụ giúp ta thấy được lời đáp trả dấn thân theo Chúa thực sự mạnh mẽ. Hôm nay, với sự hướng dẫn của người đồng hành, bản thân muốn một lần suy tư sâu xa, và cảm nghiệm phần nào về ơn gọi Linh Mục theo Giáo Huấn của Giáo Hội dạy, dưới ánh sáng của Tin Mừng.

Thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi tín hữu Côrintô nói rằng: “chúng tôi chứa đựng kho tàng Đức Kitô trong những bình sành dễ vỡ” (2Cr 4,7). Quả thực đúng như vậy, linh mục là những người mỏng dòn, yếu đuối, ‘dễ vỡ’,… nhưng Thiên Chúa đã yêu thương chọn-gọi-huấn luyện và trao ban cho một sứ vụ đặc biệt, để con người mỏng dòn ấy tỏa ngát hương thơm của Đức Kitô cho mọi người và toàn thế giới. Vì vậy, tự bản chất, Linh Mục là người của Chúa, thuộc về Chúa, nên không thể chỉ sống cho bản thân mình mà là cho dân Chúa. Sứ mạng cao đẹp của Linh Mục là cứu giúp các linh hồn và là ‘khí cụ’ ban phát ơn giao hòa và sức sống của Thiên Chúa cho dân Chúa. Cụ thể, nơi bí tích giao hòa, Linh Mục không thể tự ban  phát bí tích này cho mình, nhưng phải nhờ tới một Linh Mục khác. Nơi bí tích hòa giải, Thiên Chúa đã dùng Linh Mục để trao ban ơn tha thứ cho anh chị em, khơi gợi lên tận thẳm sâu cõi lòng người tín hữu ơn đức tin, niềm hi vọng và mở cựa lòng họ sống đức tin, đức ái giữa lòng Hội Thánh. Nơi Bí Tích Thánh Thể, nhờ lời khẩn nài của Linh Mục, ngài trần tục hóa thiêng liêng, làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô, là nguồn Thần Lương nuôi dưỡng muôn người.

Còn nơi các cộng đoàn, Linh Mục là dấu chỉ hữu hình cho sự hiệp nhất dân thánh Chúa. Là ‘cầu nối yêu thương’ giữa mọi thành phần dân Chúa và là tấm gương phản chiếu hình ảnh Đức kitô một cách rõ nét nhất…. Vì vậy, có thể nói “ơn gọi Linh Mục là một điều cao cả” là vậy. Nhưng, người Linh Mục ẩn chứa nhiều điều mới mẻ nơi bản thân yếu đuối lời đáp trả đơn sơ. Người Linh Mục tự nguyện sống vì Nước Trời. Linh Mục cũng như bao người khác, cũng bị chi phối bởi ‘ tâm, sinh, lí’. Nhưng, điều cao cả nhất nơi người Linh Mục là “tự nguyện sống độc thân vì nước Trời”. Dù còn mang thân phận mỏng dòn, nhưng tự bản chất đã được Thiên Chúa Thánh Hiến qua Bí Tích Truyền Chức Thánh, để trở thành người của Chúa, sẽ tiếp nối công việc của Đức Kitô là “thánh hóa dân Thiên Chúa” bằng chính đời sống và thừa tác vụ của mình.

Hơn nữa, Linh Mục còn được mời gọi để trở nên Alter Christus, đóng vai trò của Đức Kitô Mục Tử giữa đoàn dân Thiên Chúa, nên ‘người Linh Mục được mời gọi phát huy ý thức để nhận ra mình là thành phần của Giáo Hội. Vì vậy, có thể nói đời sống Linh Mục là hành trình “vác thập giá của Đức Giêsu chịu đóng đinh”, một hành trình đến để thi hành thánh ý Chúa Cha; một hành trình yêu cho đến cùng (Ga 13,1); một hành trình trở nên “tấm bánh bị nghiền nát, phân phát cho nhiều người… miễn sao Đức Kitô được rao giảng và “cánh cửa Nước Trời được mở ra cho muôn người được vào.

Đời sống linh mục họa ảnh Đức Kitô. Như đã trình bày ở trên, Linh Mục là điều gì đó thật cao cả, Linh Mục, người tự nguyện dâng hiến. Tới đây, ta có thể nói mạnh mẽ hơn rằng, Linh Mục sẽ là gì nếu không phải là Kitô thứ hai. Kitô thứ hai nghĩa là Linh Mục trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong hai góc độ: một là thuộc trọn về Thiên Chúa, vì được thánh hiến cho Thiên Chúa và được Chúa dành riêng để phó thác cho một sứ vụ; hai là thuộc trọn về dân Thiên Chúa, vì Linh Mục được kêu gọi đi lên từ đoàn dân Thiên Chúa. Được tách ra khỏi dân, nhưng để được Thiên Chúa trả về lại cho dân với danh nghĩa là người của Chúa, và với sứ vụ đặc thù “nhân danh và trong vai Đức Kitô thứ hai” phục vụ dân theo ba chức năng: ngôn sứ, tư tế và vương đế.

Như vậy, để là một Đức Kitô thứ hai, thì tất yếu Linh Mục phải chia sẻ cùng một sứ mạng, như sứ mạng của Thầy Chí Thánh, tức là phải đi vào một quy trình như một hạt lúa, chết đi để Trở nên tấm bánh và chết đi để sinh những hạt lúa mới. Thiên chức Linh Mục quả mãi mãi là một Mầu Nhiệm.

Thứ đến, trong lòng Giáo Hội, Linh Mục là con người hiệp thông. Đức Gioan Phaolô 2 viết như sau: “chính trong lòng Giáo Hội xét như là mầu nhiệm hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi, trong nỗi day dứt thi hành sứ vụ mà mọi căn tính Kitô hữu được mặc khải và đồng thời căn tính loại biệt của Linh Mục và vai trò của thừa tác vụ Linh Mục cũng được mạc khải. Quả vậy, Linh Mục, nhờ vào sự thánh hiến đã lãnh nhận qua Bí Tích Truyền Chức Thánh, được sai đi bởi Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô, và một cách đặc biệt, được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, Đấng là Đầu và là Mục Tử của dân Ngài, để sống và hoạt động trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nhằm phục vụ Giáo Hội và cứu độ thế giới. Nhờ đó, người ta hiểu được tính chất thiết yếu, “tương giao” của căn tính Linh Mục: do bởi chức Linh Mục phát xuất từ nơi thẳm sâu mầu nhiệm khôn tả của Thiên Chúa, nghĩa là từ tình yêu của Chúa Cha, từ ân sủng của Chúa Kitô và từ ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, người Linh Mục qua Bí Tích được hội nhập vào sự hiệp thông với Giám Mục và với các Linh Mục khác, để phục vụ dân Thiên Chúa là Giáo Hội và để dẫn dắt mọi người đến với Chúa Kitô.

     Bởi thế, chức Linh Mục thừa tác bắt nguồn từ sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, Ba Ngôi hiệp thông với nhau trong đời sống nội tại, trong công trình tạo dựng và cứu độ thế giới, và trong sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

     Nếu tự bản Chất Linh Mục là con người của hiệp thông, thì trong sứ vụ, Linh Mục là con người của tương giao. Tương giao với Thiên Chúa, Giáo Hội, Giám Mục, anh em Linh Mục, các ơn gọi khác nhau trong lòng Giáo Hội, con người và thế giới, lịch sử, văn hóa, môi trường. Chức Linh Mục không phải là một ân ban trừu tượng, nhưng ân ban này được thể hiện trong một sứ vụ có tính cách lịch sử và nhân loại. Nếu Giáo Hội phổ quát trong các Giáo Hội địa phương, thì Linh Mục cũng vậy: linh mục nhận sứ vụ trong một hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội đặc thù của địa phương mình. Chức linh mục là một thực tế sống động. Vì thế, sự hiệp thông linh mục phải được đáp trả trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Và suốt trọn đời sống linh mục luôn rập theo khuôn mẫu Chúa Kitô Linh Mục. Một nhà truyền giáo vĩ đại. Vậy người linh mục mang sứ vụ truyền giáo như thế nào?

Vì được tham dự vào chức vụ của các tông đồ theo phận vụ mình, nên linh mục được Thiên Chúa ban ân sủng để làm thừa tác viên của Chúa Kitô giữa muôn dân, và thi hành sứ vụ thánh – rao giảng Phúc Âm, hầu việc dâng hiến muôn dân làm của lễ được chấp nhận và thánh hóa trong Chúa Thánh Thần. Thật vậy, việc loan truyền Phúc Âm của các tông đồ đã triệu tập và đoàn tụ dân Chúa, để tất cả những ai thuộc về dân này một khi đã được Chúa Thánh Thần thánh hóa, sẽ tự hiến làm “lễ vật sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Nhưng nhờ thừa tác vụ của các linh mục, lễ tế thiêng liêng của các tín hữu được hoàn tất, vì được kết hiệp với hy tế của Chúa Kitô, Đấng trung gian duy nhất; hy tế này nhờ tay linh mục, nhân danh Giáo Hội, hiến dâng mọt cách Bí Tích và không đổ máu trong phép Thánh Thể, cho tới khi Chúa lại đến, chính việc lễ tế là điểm nhắm tới và hoàn tất của chức vụ Linh Mục. Người linh mục trong năng quyền của Đức Kitô trần tục hóa thiêng liêng; trong Bí Tích Thánh Thể nuôi sống, trong Bí Tích Giao Hòa đất trời; tội lỗi và sự thánh thiện,…

Thực vậy, việc thi hành chức vụ của các ngài bắt đầu bằng việc rao giảng Phúc Âm, múc lấy sức mạnh và năng lực từ hy tế Chúa Kitô, và quy hướng về việc “hiến dâng lên Thiên Chúa toàn thể, đó là cộng đoàn các thánh, như một lễ vật của toàn dân, nhờ vị linh mục thượng phẩm, cũng là đáng tự hiến trong cuộc tử nạn vì chúng ta, để chúng ta trở nên thân thể của Người, là “Đấng vô cùng cao cả”. Vì thế, khi cầu nguyện, tôn thờ, cũng như khi giảng thuyết, khi dâng hy tế Thánh Thể và cử hành các Bí Tích cũng như thi hành các thừa tác vụ khác giúp người ta, các linh mục đều quy hướng về việc làm vinh danh Chúa hơn, đồng thời giúp con người tiến tới hơn trong đời sống thiêng liêng. Tất cả những điều đó bắt nguồn từ Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô và sẽ được hoàn tất khi chính người lại đến trong vinh quang, vì khi đó Người sẽ trả vương quyền lại cho Chúa Cha. Vậy, người Linh Mục còn làm chứng tá trong sứ vụ truyền giáo cách nào nữa?

Thưa, trong cuộc sống, nhờ sự đón nhận ân ban của Thánh Chức, người Linh Mục sống như một Kitô thứ hai trong môi trường sống của mình.

Cuộc đời cứu thế của Chúa Kitô là một chặng đường liên lỉ trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cho dân Do Thái. Ngài luôn đặt sứ vụ đó lên hàng đầu trong mọi hoàn cảnh. Trước khi về trời, Ngài đã trao phó trọng trách cao cả đó cho các môn đệ: “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Đó chính là sứ mệnh quan trọng nhất của người Linh Mục. Dù là linh mục triều hay linh mục dòng, tu sĩ, dù ở bất cứ nơi đâu, trong tù (ĐHY Thuận) hay hoàn cảnh nào, thời điểm nào, thì Linh Mục luôn phải là vị chứng tá sống động và điển hình nhất cho Đức Kitô. Là người biết đem Lời Chúa đến với muôn dân. Như thánh Phaolô đã khẳng định: “Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng”(1Cr 9,16). Bởi vậy, tất cả các Linh Mục luôn có một con tim và tinh thần truyền giáo, phải mở rộng lòng đáp ứng những nhu cầu của Giáo Hội và của thế giới, không chỉ dừng lại ở việc loan báo Tin Mừng cho các tín hữu, mà còn lưu tâm đến những người chưa nhận biết Chúa. Như vậy, dù trong hoàn cảnh nào, thời đại nào, thời gian nào, thì căn tính của người Linh Mục cũng sẽ luôn bao hàm những giá trị đã được Đức Kitô trao ban, được Chúa Thánh Thần thánh hóa. Chính điều đó mà dân đến các sứ mệnh mà các Linh Mục được trao phó cách đặc biệt.

Như lời Giáo Huấn của Công Đồng Vaticano 2 cũng đã nêu rõ người Linh Mục phải thi hành ba trách vụ: giảng huấn, cử hành Bí Tích và phục vụ đức ái. Họ không được phép lẫn lộn với bất cứ một thứ cao vọng nào, đến độ cho phép  đặt việc phục vụ Tin Mừng và Hội Thánh dưới lợi ích và lợi nhuận phát sinh từ sự phục vụ trên. Bởi vì, phục vụ vì yêu, chính là ý nghĩa nền tảng của mọi ơn gọi Linh Mục. Vì linh mục là người được mời gọi sống triệt để đức ái mục tử của Đức Kitô, Vị Mục Tử tốt đã hiến mạng sống mình cho đoàn chiên. Sự phục vụ cách vô vị lợi, lấy tình yêu làm phương châm là kim chỉ nam cho mọi hành động, là tôn chỉ để người linh mục khắc ghi và thự hiện cách thiết thực trong mọi trách vụ của mình.

Hơn nữa, sứ mệnh linh mục còn liên quan đến việc thích nghi với từng thời đại và với môi trường sống, ngõ hầu đáp ứng cách thỏa đáng những mong đợi của con người. Hiện nay, với một xã hội phát triển đa chiều kích, một thế giới đang vượt trội về công nghệ, một nhân loại đang dần vắng bóng đi dấu chỉ của tình thương, những con người chỉ biết đến những lao công vật chất, danh vọng, quyền lực, mà quên đi công lí và tình liên đới, thì linh mục cũng mang trong mình những sứ mệnh mới trong cuộc loan báo Tin Mừng, để rồi trở thành những sứ giả của bình an, hâm nóng thế giới ngày một thêm ấm áp, mang dấu ấn của sự sẻ chia và tình huynh đệ. Đó là những thành quả của một sự dẫn thân liên lỉ của đời sống linh mục. Tuy nhiên, với phận người, sứ vụ của Linh Mục cũng gặp không ít những trở ngại và thách đố.

Như tư tưởng của thánh Phaolô về linh mục, họ là những con người mỏng giòn yếu đuối…., được Thiên Chúa cất nhắc lên hàng “khanh tướng”. Thì người linh mục cũng mang trong mình những bất toàn, yếu đuối của kiếp người. Vì thế, suốt hành trình nên thánh, Linh Mục phải chiến đấu, khước từ, trải qua bao thử thách và cam chịu khổ hình, bị chi phối bởi nhiều sự cuốn hút (quyền và tiền )….. Vì thế, hơn bao giời hết linh mục cần đến sự tinh luyện, sự giúp đỡ từ ý thức sống của cộng đoàn Kitô hữu và Giáo Hội theo những nhu cầu khác nhau.

Nhìn vào lịch sử Giáo Hội Công Giáo cũng như qua Thánh Kinh, chúng ta đã được chứng kiến biết bao những mẫu gương điển hình cho việc sứ giả Tin Mừng, biết bao những mục tử đã phục vụ không biết mệt mỏi giữa lòng Giáo Hội và xã hội. Cho dù chỉ được mời gọi mà chưa thánh hiến, các tổ phụ thời cựu ước, các ngôn sứ,…. vẫn một lòng dấn thân cho Thiên Chúa mà quên đi cuộc sống đời của mình. Các tông đồ đầu tiên được thánh hiến cho tới những anh hùng tử đạo, họ là “những bông lúa trổ sinh người Kitô hữu” (Testuliano). Họ cũng bao gồm những người mà mỗi người chúng ta nhận làm bổn mạng như; thánh Phanxico Xavie, thánh Anton-Padua, thánh Phanxico-Assisi, thánh Phaolô, thánh Phêrô, thánh Gioan-Vianey,… là những mẫu gương tuyệt hảo về dời sống linh mục. Nhưng hơn hết, đặc biệt hơn cả, khuôn mẫu hơn cả là Anh Cả Linh Mục Kitô Giêsu Thành Nazaret là Linh Mục ngàn đời để cho các Linh Mục noi theo. Nhờ ơn Chúa số lượng đông các Linh Mục vẫn ngày đêm miệt mài rảo bước trên cánh đồng truyền giáo. Đặc biệt, các bạn trẻ là nam sinh ngày nay vẫn đáp lại lời mời gọi dẫn thân trong sứ vụ linh mục dâng hiến. Để làm cho cánh đồng truyền giáo ngày một rộng lớn.

Các bạn trẻ là ứng sinh linh mục, hãy  khao khát được dẫn thân cho lí tưởng ơn gọi Linh Mục dâng hiến cho Chúa Kitô. Để được thuộc về Thiên Chúa mà phục vụ Chúa và Giáo Hội để mưu ích phẫn rỗi cho các linh hồn. Với lí tưởng là linh mục của Chúa, bản thân mỗi người hãy muốn là một Linh Mục năng động trong việc mời gọi các bạn trẻ trở về với Chúa trong hiện trạng một xã hội của nền văn hóa loại trừ, một nền văn minh sự chết đang đến với giới trẻ với nhiều trào lưu hưởng thụ và thực dụng, với vấn nạn sống thử, nạn phá thai… Và rất nhiều, nhiều những trẻ em lang thang, trẻ em nghèo, những mảnh đời bất hạnh đang ngày đêm cần có một động lực, một điểm tựa để thay đổi chính họ. Bản thân muốn là động lực, là điểm tựa đó trong hình ảnh một Kitô Linh Mục. Để họa lại nơi trần gian hình ảnh Đức Kitô của người nghèo và của trẻ em…. hãy bị ám ảnh với Lời rằng: “Mỗi khi các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”, vì  “khi Ta đói, các ngươi đã cho ăn, khi Ta khát các ngươi đã cho Ta uống”. … và nhiều, nhiều nữa.

Qua những hiểu biết ở trên, chúng ta đã thấy được những căn tính và sứ mệnh cao cả của người linh mục đúng như nhận định của tác giả. Linh mục và sự huyền nhiệm của ơn gọi kèm theo những sứ vụ; hiệp thông, và sứ vụ truyền giáo. Đó là bản chất của đời sống độc thân dâng hiến. Người linh mục là Kitô Thứ hai và là khuôn mẫu cho đời sống thánh hiến. Như Công Đồng Vaticano 2 đã nhận định: “Đứng hàng đầu là ân huệ quý giá Chúa ban cho một số người được thánh hiến cho Chúa một cách dễ dàng hơn với một con tim chia sẻ trong sự trinh khiết hay độc thân”. Qua đó, ta cảm nhận được huyền nhiệm của ơn gọi Linh Mục được Chúa ban cho cách nhưng không thì cũng hãy trao ban cách nhưng không. Và điều quan trọng hơn chính là việc chu tất sứ mệnh loan báo tin mừng cho muôn dân mà Chúa đã trao phó cho các linh mục cách riêng, và chung cho toàn nhân loại.

Antôn Đình Duyệt

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Một bình luận

  1. Đình Duyệt Anthony

    Lạy Chúa, xin thánh hóa các linh mục của Chúa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *