[Linh Thao Inhã với Phật Giáo] Nhận Định Mở Đường

Ngoài biển rộng, lấy gì so cùng biển rộng; ngoài trời cao, lấy gì sánh với trời cao: tục ngữ tiếng Phạn thuở xưa nói như thế . Phật giáo với Kytô giáo là những thực thể hết sức độc đáo: mỗi bên đều biểu thị rõ bản sắc độc nhất vô nhị của mình đến độ muốn so sánh chúng có nghiã là chịu đương đầu với một thách đố lớn. Tuy nhiên, giống như trời với biển, Phật giáo và Kytô giáo không những tương hợp với nhau trong bản tính dị biệt khôn tả của chúng, mà còn có thể bổ túc cho nhau nữa. Hai tôn giáo bổ túc cho nhau như thế nào, thì đã được đề cập tới một cách khúc chiết ở chỗ khác rồi [1], còn ở đây, tôi không thể làm thêm được gì hơn là ghi lại một ít điểm nổi bật rút ra từ bài khảo luận ấy, xét vì chúng cần để làm hậu cảnh cho bài viết này.

Hai tôn giáo bổ túc cho nhau trong những gì chúng đáp ứng cho hai bản năng dị biệt nhưng lại tùy thuộc và bổ túc cho lẫn nhau của tâm thần con người. Phật giáo thỏa mãn khát vọng thâm sâu của chúng ta: khát vọng tìm biết chân lý giải thoát cho đến tột mức siêu bản vị của nó. Kytô giáo thì đáp ứng sung mãn nhu cầu yêu thương nguồn mạch cứu độ của mọi sinh linh cho đến tột mức tương giao mật thiết liên bản vị. điểm nòng cốt của Phật giáo là trực quang (gnostic/giác ngộ/duy tri/hiểu biết để được cứu độ), tuy nhiên tự bản chất, không phải chỉ một chiều có thế. Bởi vì ngay từ buổi sơ khai, Phật giáo cũng đã có một lối tu đức đầy sắc thái “cảm tính” (affective) ứng đối nhịp nhàng với giáo thuyết cứu độ “minh triết” (sapiential). Và ngược lại, Kytô giáo không phải thuần túy một mực là sủng ái (love): trong lịch sử, đã từng thấy có một trào lưu tu đức thần bí (mysticism) theo khuynh hướng duy tri chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn minh văn hóa Hy lạp và phù hợp với lề lối chính thống Kytô; còn hơn nữa, nếu không có trào lưu ấy, thì Kytô giáo hẳn đã thiếu mất đi một phần đóng góp không phải là nhỏ.

Nhận định tổng quát trên đây tiềm ngụ hai sự thật hiển nhiên. Sự thật đầu tiên là gnosis (trực tri) và agape (đức ái) đều là hai loại ngôn ngữ dùng để diễn tả việc giải thoát mà thần trí nói lên trong mỗi một người chúng ta và vì thế không một tôn giáo nào có thể khích lệ chúng ta nổ lực tiến tới mức sung mãn của con người được nếu không chịu dạy cho chúng ta biết nói thông thạo cả hai thứ tiếng đó. Điều cần nói cho rõ là những gì người Phật giáo nói trong mỗi một người chúng ta bằng ngôn ngữ “minh triết”, thì người Kytô trong chúng ta cần phải hiểu và đáp lại bằng ngôn ngữ của tình yêu; và ngược lại. Sự thật thứ hai là: chỉ những người quen đem thái độ hướng nội mà thu nhận lối đối thoại bên trong như thế thì mới có đủ điều kiện để tham dự thực sự vào cuộc gặp gỡ hữu ích giữa hai hình thái văn hóa hoàn toàn dị biệt do Phật giáo và Kytô giáo gầy dựng nên trong những xã hội rút sinh khí từ hai chính tôn giáo ấy.

Nguyên tắc song ứng ấy cũng tỏ ra rất công hiệu ngay cả trong trường hợp một lãnh vực riêng biệt của Kytô giáo – và ở đây là trường hợp của đường hướng tu đức (Linh đạo) Inhã, muốn tìm cách để sống thoải mái như là ở nhà mình, trong một môi trường văn hóa riêng biệt được nhồi nặn lên bởi một nhánh Phật giáo, tức là truyền thống Theravada (Tiểu Thừa) mà chúng tôi gặp thấy tại Tích Lan đây. Người Kytô muốn làm việc tại một bối cảnh văn hóa như thế thì phải là “người đã hội nhập” vào trong văn hóa đó, thành thạo trong cả hai đường hướng tu đức, giống như là đã đâm rễ sâu vào trong cả hai thứ đất. Dĩ nhiên, điều này chắc chắn không phải là chuyện dễ. Hăng say không được hướng dẫn trong nổ lực hội nhập có thể đưa tới hai cám dỗ sau đây: cố trộn lẫn hai thứ ngôn ngữ nói trên để làm ra một loại tu đức lai căng, một thứ “tả-pín-lù” chẳng có mùi vị gì đặc sắc cả; chúng ta thường gọi kiểu biến chế này là thuyết hổ lốn (syncretism); đó là cám dỗ thứ nhất; cám dỗ thứ hai có vẻ tinh vi hơn, tức là cố tạo nên một thứ tertium quid (đệ tam vật/cái thứ ba), trong đó không bên nào trong hai bên còn giữ được bản sắc riêng của mình, cho dù là trong một cách thức trộn lẫn; người ta gọi tác phẩm của loại sáng tạo này là hình thức “tổng hợp”. Không một phương thức nào trong hai đường lối trên đây có thể mang lại được một chút lợi ích gì cho những nỗ lực đại kết hay là cho đời sống thiêng liêng.

Đường hướng chúng tôi chọn: chúng tôi gọi là “symbiosis”, tức là “đồng sinh”, cùng sống với nhau; đó là một hình thức sống tương trợ lẫn nhau, qua đó ngôn ngữ của mỗi bên càng ngày càng có khả năng làm cho bản sắc của mình trở thành bén nhạy hơn đối với bên kia. Bởi vì, qua sự kiện hai bên biểu hiện chính mình cho nhau, bản chất đích thực của mỗi bên sẽ tỏ rõ đến độ có thể nhận ra được những gì không phải là chân chính trong bất cứ bên nào. Và kết quả có ý nghiã nhất của cách thức đồng sinh này là đạt đến chỗ phát hiện và loại bỏ được những gì là giả tạo trong truyền thống của mỗi bên.

Trong các lần cấm phòng hoặc tĩnh tâm tổ chức chung cho những nhóm gồm cả tín đồ Phật giáo lẫn tín hữu Kytô, tôi đã có dịp phát hiện ra từ trong cả hai truyền thống, nhiều điều không chân chính nói trên. Còn đối với linh đạo Inhã là tiêu điểm của bài viết này thì tôi có thể dẫn ra một danh sách dài kể lại các điều giả tạo nói trên; nhưng ở đây, tôi chỉ xin nêu lên những điểm liên quan tới các vấn đề như sau thôi:

-Khuôn mẫu thần học của Linh Thao Inhã,

-Ý niệm về “chiêm niệm”,

-Quan niệm về “cái tôi” trong nhân sinh quan Inhã.

(còn tiếp)

Tác giả: Lm. Aloysius Pieris, S.J.
Chuyển ngữ: Lm. Nguyễn Thế Minh, S.J.

 

Kiểm tra tương tự

5 vị thánh có thể giúp chị em vượt qua những khó khăn

Dù bạn đang đối diện với những thử thách nào, những người “chị gái” khôn …

Suy Tư Tin Mừng CN 5PS: Anh em hãy sinh nhiều hoa trái

Bạn thân mến! Bạn có bất ngờ không, nếu Thiên Chúa ngỏ lời với bạn: …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *