Lời cuối cùng của thánh Inhaxiô Loyola trước khi qua đời

Giống như bao con người khác, sau một khoảng thời gian sống tại thế và phục vụ Chúa và các linh hồn, Inhaxiô cũng đến lúc sức cùng lực kiệt. Đi đến chặng cuối của cuộc đời, ngài chỉ còn thiếu một chút nữa là nhắm mắt xuôi tay, trút hơi thở cuối cùng, chuyển từ đời này sang sự sống vĩnh cửu mà ngài đã được Chúa cho nếm trải cách nào đó khi còn sống. Những phút giây cuối cùng của Inhaxiô đã được cha Polanco, thư ký của ngài, thuật lại trong lá thư gửi cho cha Ribadeneira và cho toàn Dòng, thông báo cho họ biết về sự ra đi của Thánh Nhân, được viết vào ngày 6.8.1556, ít ngày sau khi Inhaxiô qua đời và được mai táng.

 

Hình: Mutualart.com

 

Trong nhà Roma lúc đó có nhiều bệnh nhân, và trong số đó có cha Laínez. Inhaxiô thì lúc này lúc kia, bốn hoặc năm ngày cha đã bị sốt nhẹ; nhưng không biết là đã đến lúc ra đi hay chưa, mặc dù cha cảm thấy rất yếu, giống như những lần khác. Vào thứ Tư, ngày 29 tháng 7, cha vẫn còn khoẻ. Ngày thứ Năm, 30 tháng 7, sau 8 giờ tối, Inhaxio đã gọi cha Polanco và xin cha đến nhà thờ Thánh Phêrô, thông báo cho Đức Thánh Cha biết là ngài sắp về với Chúa, rồi khiêm tốn cầu xin Đức Thánh Cha ban phước lành cho ngài, cho cha Laínez, người cũng đang có nguy cơ sẽ qua đời, cùng các bệnh nhân, nhắn với Đức Thánh Cha là nếu Chúa ban cho họ ơn được về thiên đàng, ở đó họ sẽ cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, như họ vẫn làm mỗi ngày trên trần thế này.

 

Vì các bác sĩ không cho là có nguy hiểm gì trong căn bệnh này của Inhaxio, nên Polanco đã nói với ngài rằng: “Con hy vọng Thiên Chúa sẽ cho cha ở bên cạnh chúng con vài năm nữa để phục vụ Ngài. Cha có cảm thấy như thế là tệ lắm không?”. Nhưng Inhaxiô nói tiếp: “Tôi sắp hết thời gian rồi”. Nghĩ là Inhaxiô chưa thể qua đời lúc này, Polanco hỏi lại Inhaxiô là liệu có thể đợi đến tuần sau tức là ngày 7.8 mới gặp Đức Thánh Cha không vì ngài đang bận viết gấp một lá thư để gửi đi Tây Ban Nha. Inhaxiô trả lời là cha ấy muốn ngay bây giờ nhưng tuỳ cha Polanco quyết định.

 

Sau đó, cha Polanco đã đi gặp bác sĩ trưởng để hỏi về tình hình sức khoẻ của Inhaxiô. Vị bác sĩ trả lời là “hôm nay ông không thấy có nguy hiểm gì”. Vì bác sĩ đã nói như thế, và vì Inhaxiô đã nói là trao phó mọi sự cho mình quyết định nên cha Polanco cho rằng có thể đợi đến thứ sáu tuần sau. Phần khác cũng là vì trong đêm thứ Năm đó [30 tháng Bảy], cha Madrid và cha Polanco đã ăn tối với Inhaxio và thấy ngài vẫn khoẻ, ăn rất ngon lành như thường lệ và nói chuyện rôm rả, làm cho cha Polanco không có chút nghi ngờ gì về tình trạng sức khoẻ của ngài.

 

Buổi sáng lúc mặt trời mọc, mọi người thấy Inhaxio trong hấp hối. Vì thế, Polanco vội vàng chạy đến đền thờ Thánh Phêrô. Đức Giáo Hoàng, sau khi nghe những điều cha Polanco trình bày, đã tỏ ra đau đớn tột cùng, rồi ưu ái ban phép lành như ước nguyện của Inhaxiô. Khoảng 6h sáng, tại giường bệnh của Inhaxiô lúc đó có cha Madrid và Andreas de Frusis, Inhaxiô trao linh hồn cho Đấng Tạo Hóa và Chúa của mình. Một vị tu huynh đã chạy đi tìm cha Pedro Riera, là vị giải tội của Inhaxiô, để xin cha ban các phép bí tích cuối cùng cho ngài, nhưng không tìm được. Khi vị tu huynh trở về thì Inhaxiô đã tạ thế. Khi làm khám nghiệm tử thi, các bác sĩ không tìm thấy trong dạ dày và tất cả các đoạn ruột của Inhaxiô bất cứ thứ gì, chúng teo lại; từ đó các chuyên gia cho rằng cha đã kiêng khem ăn uống trong một thời gian khá dài, nhưng vẫn luôn khoẻ mạnh; mặc dù yếu sức nhưng Inhaxiô đã làm việc rất nhiều, với một thái độ vui vẻ và bình thản. Các bác sĩ tìm thấy trong gan của ngài ba viên sỏi làm cho gan bị cứng lại. Họ ngạc nhiên và nói với nhau rằng Inhaxiô đích thực đã sống bằng phép lạ trong một thời gian dài.

 

Cha Polanco rất cảm động trước sự khiêm nhường của Inhaxiô. Ngài nói rằng dù Inhaxiô đã biết trước là mình sẽ qua đời, nhưng đã không gọi mọi người tới để chúc lành, cũng không bổ nhiệm người kế nhiệm, hay vị đại diện, nhưng bỏ ngỏ đó cho việc bầu cử của Dòng sau này. Cha Polanco giải thích: “Vì cha ấy cảm thấy mình quá thấp hèn, và muốn Dòng không đặt niềm tin tưởng vào ai khác ngoại trừ Thiên Chúa, Chúa chúng ta, cha đã rời thế giới này theo cách thức như bình thường và hưởng nếm ân huệ của Chúa, Đấng mà cha đã luôn khao khát làm vinh danh, ngay cả với cái chết của mình. Cũng như trong cuộc sống, cha cũng đã giấu kín rất nhiều ân sủng bí mật của Chúa, chỉ tỏ ra khi nào giúp cảm hoá người khác”.

 

Khi hay biết Inhaxiô đã qua đời, dòng người ùn ùn kéo đến để viếng thăm. Người thì cố gắng chạm vào thi thể ngài, người thì cố gắng lấy vật dụng gì đó của ngài. Rồi người ta cũng bắt đầu làm chân dung khuôn mặt của ngài, điều mà khi còn sống ngài không bao giờ cho phép ai làm dù nhiều người đã xin. Sau đó, thi thể ngài được đặt trong cái hòm nhỏ, đơn sơ và mai táng trong một nhà nguyện nhỏ của nhà thờ Gêsù, có phiến đá che lại. Đức Giáo Hoàng, các hồng y cùng nhiều chức sắc khác khi biết tin cũng bày tỏ sự thương tiếc đối với Dòng. Từ khi Dòng được Toà Thánh chuẩn nhận vào năm 1540 cho đến khi Inhaxiô qua đời, đã có 12 Tỉnh Dòng và nếu tính luôn tỉnh Ethiopia thì là 13, với số trường học và cộng đoàn đã lên đến hơn 100.

 

Trong lá thư của cha Polanco, không hề đề cập đến chi tiết Inhaxiô đã nói những lời nào trước khi qua đời. Nhưng nhờ một vị y tá tên là Canizaro, người đã chăm sóc cho Inhaxiô, chúng ta biết chuyện gì đã xảy ra vào đêm trước khi Inhaxiô về với Chúa. Vị này kể lại rằng: “Sau nửa đêm hôm đó, tôi thấy mọi sự rất yên tĩnh, ngài không hề gọi tôi như thường lệ”. Thấy không có động tĩnh gì, Canizaro không nói chuyện với Inhaxiô nhưng để ngài nghỉ ngơi, rồi bỗng dưng, ông nghe Inhaxiô liên hồi gọi Thiên Chúa: “¡Ay, Dios!” [Ơi, Chúa ơi]. Đây chính là những lời cuối cùng mà Inhaxiô thốt lên “liên hồi” vào tối hôm ấy. Cụm từ này muốn diễn tả điều gì?

 

Chính xác mà nói, chúng ta không hề biết chuyện gì đã xảy ra với Inhaxiô ngay lúc đó. Có người cho rằng đó chỉ đơn thuần là lời kêu cầu Thiên Chúa như một kiểu thói quen của những ai bị cơn đau hành hạ. Nhưng cũng có không ít các học giả phỏng đoán rằng đó có thể là tiếng kêu của một người đang chìm ngập trong ân sủng dồi dào của Thiên Chúa, điều mà vẫn thường trải qua với các nhà thần bí. Đã nhiều lần Inhaxiô trải qua kinh nghiệm này. Khi còn ở Manresa, Inhaxiô đã từng được ơn ngất trí suốt 1 tuần. Người ta tưởng ngài đã chết và đã chuẩn bị mai táng ngài. Bỗng dưng, ngài ngồi dậy và chỉ thốt một từ: “¡Ay, Jesús!” [Ơi, Giêsu ơi]. Thánh Phanxicô Xaviê trong một lần nhận được ơn thần bí đã thốt lên: “Đủ rồi, lạy Chúa, đủ rồi”. Ân sủng của Thiên Chúa tràn trề đến nỗi linh hồn nhỏ bé không thể đón nhận hết. Inhaxiô đã nhiều lần cảm nhận điều này khi ngài xin Chúa đừng ban ơn an ủi dồi dào cho ngài nữa như chúng ta có thể thấy trong Nhật Ký Thiêng Liêng. Có thể đây là điều mà Inhaxiô đã cảm nhận trong đêm cuối của mình.

 

Inhaxiô có lẽ đã rất toại nguyện về cuộc sống của mình. Cả một cuộc đời đi tìm Chúa và cuối cùng đã tìm gặp được Người. Lời cuối mà ngài thốt lên chính là tiếng nói của một thụ tạo nhỏ bé đối diện với Đấng Tạo Hoá cao cả. Hàm chứa trong tiếng “Ơi, Chúa ơi” ấy là cả một kinh nghiệm thiêng liêng quý báu, là niềm an ủi thiêng liêng đích thực khi được Chúa cho đắm chìm trong tình yêu dạt dào và huyền nhiệm của Ngài. Sự ra đi của Inhaxiô vừa nhẹ nhàng, vừa thanh thản nhưng cũng hàm chứa trọn vẹn lối sống thuộc về Chúa và về Giáo Hội, trong sự khiêm nhường và tuân phục, ngay cả với bề dưới của mình. Thốt lên một cách hạnh phúc “Ơi, Chúa ơi” vào lúc cuối đời, có gì làm cho chúng ta được toại nguyện hơn thế?

 

Lm. Phêrô Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Thay Đổi Nhãn Quan Về Kinh Doanh – Một gợi hứng từ Thông Điệp Laudato Si’

  Quan điểm phổ biến cho rằng doanh nghiệp chủ yếu được thúc đẩy bởi …

Lễ Sinh Nhật Đức Maria

Cũng giống như nhiều người trong chúng ta rất xem trọng ngày sinh nhật của …