Lòng nhiệt thành của Bổn đạo Việt Nam

Linh mục Giuse Đỗ Quang Chính, S.J.

Nói đến lòng nhiệt thành của bổn đạo Việt Nam suốt từ khi truyền giảng Tin Mừng “chính thức” kể từ 1615 đến nay, là công việc lớn lao. Vì vậy, trong bài này chúng tôi chỉ xin nói một số sự việc giới hạn trong mấy chục năm đầu cuộc truyền giáo, tức vào khoảng 1615-1660; tuy thế cũng sẽ giúp ta thấy được, dù đạo Chúa còn mới mẻ đối với người Việt, nhưng ai đã tin rồi, thì sống đạo rất nhiệt thành, hy sinh, can đảm. Phải nói rằng đây là thời gian đặt nền móng vững chắc cho Giáo hội Việt Nam.

Ngày xưa Giáo hội Việt Nam quen dùng danh xưng bổn đạo hơn các danh xưng khác, như: con chiên, con chiên bổn đạo, giáo đồ, tín hữu, giáo hữu, đạo hữu, Kirisităng, Kirisităng bổn đạo, giáo dân, Kitô hữu… Thực ra muốn chỉ rõ lớp người không phải là linh mục, giáo sĩ, tu sĩ, có lẽ nên dùng từ giáo dân như ngày nay. Nhưng chúng tôi xin dùng danh từ bổn đạo là cách dùng phổ biến trong Giáo hội Việt Nam xưa, phổ biến hơn cả danh từ giáo hữu. Còn danh từ giáo dân, Kitô hữu xem ra mới được dùng từ trên nửa thế kỷ nay. Ở đây chúng tôi chỉ nói tới bổn đao (nay gọi là giáo dân), không nói tới linh mục, thầy giảng, nữ tu Việt Nam xưa.

1. Không ít người theo đao Đức Chúa Blời đất

Nói được chăng, dân tộc Việt Nam là một dân tộc có tín ngưỡng, thậm chí là một dân tộc đậm tính tôn giáo. Nhờ đó, các hình thức, nghi lễ thuộc loại tín ngưỡng, tôn giáo, như Thành Hoàng, Bàn thờ Thiên, tế đàn Nam giao, Trang thờ và Tam giáo, đã từ bao nhiêu thế kỷ cắm rễ sâu vào xã hội Việt. Đến thể kỷ XVI và nhất là từ đầu thế kỷ XVII, khi một tôn giáo, thực tế là từ phương Tây, vào xã hội Con Rồng Cháu Tiên, cũng được một số người tận tình, nhiệt tâm, thành tín tiếp nhận. Tôn giáo này, gọi chung là đạo Thiên Chúa, hay nói đúng ra là đạo Công giáo, dù về giáo lý, hình thức tế tự, hàng giáo sĩ, khác hẳn với các tín ngưỡng, tôn giáo thời đó trên đất Việt, nhưng số người mộ đạo mới này cũng chẳng phải là hiếm hoi. Lạ đấy!

Đạo Công giáo “chính thức ” có mặt ở Đàng Trong kể từ ngày 18-1-1615, đến năm 1640 có khoảng 15.000 bổn đạo, theo tờ biểu của ba vị đại diện giáo đoàn Đàng Trong đệ lên Đức Thánh Cha Urbanô VIII[1]; đến năm 1665 con số bổn đạo được gần 50.000 sau một nửa thế kỷ truyền đạo. Còn ở Đàng Ngoài, đạo Công giáo “chính thức” có mặt kể từ ngày 19-3-1627, khi hai nhà truyền giáo Pedro Marques[2], người Bồ Đào Nha và Alexandre de Rhodes[3] (ngày nay quen gọi là Đắc Lộ từ năm 1941) người Avignon, đặt chân lên cửa Bạng, Thinh Hoa (Thanh Hoá). Tạm dừng chân ở cửa Bạng hai tuần lễ, nhưng hai giáo sĩ đã rửa tội được 32 người. Tháng 5-1630 hai giáo sĩ rời bỏ Đàng Ngoài, thì đã có 6.700 người tòng giáo (chỗ khác Đắc Lộ tổng cộng được 5.602 người) thuộc nhiều tầng lớp xã hội[4]. Trong thập niên 1631-1640, trung bình mỗi năm có trên 8.000 người được rửa tội theo sổ sách của Cardim[5] và Amaral[6] là những người truyền giáo thời đó tại kinh đô Thăng Long đã ghi nhận[7]; ví dụ: năm 1631: 5727 người, năm 1633: 9.797, năm 1635: 8.176, năm 1637: 9.707, năm 1640: 10.507.

Năm 1659 Đàng Ngoài có 340 nhà thờ, nhiều nhất là ở Sơn Nam xứ. Về tân giáo đoàn Đàng Ngoài năm 1663, cha Tissanier[8] ghi nhận như sau:

“Thường thường mỗi năm từ 7.000 đến 8.000 người được rửa tội, và người ta thấy qua sổ rửa tội của các nhà thờ, thì từ năm 1627, năm khai sinh cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài, cho đến năm 1663, đã có trên 350.000 lương dân được tái sinh trong nước thanh tẩy; các Giêsu hữu có sáu cư sở (residences), chẳng có Xứ nào trong vương quốc lại không dựng đền thờ Thiên Chúa chân thật, số đền thờ này lên tới 386[9].

Qua những sự kiện trên đây, người ta thấy được người Đàng Ngoài tin theo đạo Chúa nhiều hơn người Đàng Trong. Số bổn đạo Đàng Ngoài gia tăng mau chóng, vì xem ra đạo “mới” này thích hợp với người Việt Đàng Ngoài hơn. Nếu so sánh với các nước Trung Quôc, Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào, Indonesia cùng trong thế kỷ XVII, cũng thấy được người Đàng Ngoài thời ấy theo đạo Công giáo nhiều hơn. Trong bản báo cáo với Bề trên cả Dòng mình ngày 2-11-1647, cha João Cabral[10] viết: “Con nhận xét trong cõi phương Đông, chẳng có dân tộc nào có điều kiện thích hợp với Kitô giáo hơn dân tộc Đàng Ngoài. Đó là một dân tộc đơn sơ, ngoan hiền, không vương mắc những thói tật xấu xa, thường làm cho người ta khó thực hành các nhân đức.Kitô giáo”[11].

Không kể các lý do siêu nhiên, thì nguyên nhân tự nhiên do văn hoá, như khung cảnh, nếp sống, tín ngưỡng, phong tục xã hội…xem ra thuận lợi cho đạo Công giáo, một Công giáo thế kỷ XVII với những “cơ cấu đạo” dễ được dân Đàng Ngoài chấp nhận hơn Đàng Trong và các dân tộc láng giềng.

Chính cha João Cabral sau khi đi kinh lý giáo đoàn Đàng Ngoài, ngày 12-10-1647 đã báo cáo về Roma như sau[12]:

–   Người dân Đàng Ngoài tòng giáo chỉ vì phần rỗi linh hồn; họ từ bỏ nếp sống cũ, đến nỗi như trước đây họ chưa theo tôn giáo nào;

–    Đàng Ngoài không có giai cấp (castes) và không phải kiêng khem một số đồ ăn như tại Ấn Độ; họ không có những thói xấu như nhiều dân khác;

–     Bổn đạo Đàng Ngoài kính trọng các cha khác thường; chẳng gì làm cho họ buồn tủi bằng khi các cha từ chối đồ lỡi (lễ) của họ;

–   Bổn đạo Đàng Ngoài yêu thương nhau như anh em.

Trong bản báo cáo của cha Cardim được ấn hành năm 1646 tại Paris, còn ghi nhận thêm mấy lý do khác, làm cho dân Đàng Ngoài dễ theo đạo Công giáo[13]:

–   Một người vừa “chịu đạo”, liền tỏ ra rất nhiệt thành, đi khắp các làng mạc, truyền bá đạo mới cho đồng bào, nhất là cho bà con thân thích;

–    Các quan thường đối xử với dân cách kiêu căng, hống hách; nhưng sau khi theo đạo mới, lại tỏ ra nhân từ, đại lượng với dân;

–    Khi dân tới cửa quan, phải phục lạy quan sát đất; còn đối với các cha, bổn đạo muốn lạy các cha cũng không cho;

–   Đồng bào lương thấy anh chị em bổn đạo tổ chức an táng, giỗ chạp long trọng, thì cho là đạo mới này dạy con người phải rất hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

 2. Sống đạo hết mình

Khoảng trung tuần tháng 4-1627, vì đang phải chỉ huy đại quân gồm 120.000 người đi đánh chúa Nguyễn Phước Nguyên[14] ở Đàng Trong, nên sau khi tiếp đoàn thương gia Bồ Đào Nha cùng hai giáo sĩ Marques và Đắc Lộ (có lẽ trên một khúc sông Đáy), chúa Trịnh Tráng[15] cho hai giáo sĩ tạm trú ở trong một nhà tại An Vực, Thanh Hoá. Nhờ biết tiếng Việt và có nhiều sáng kiến, nên cha Đắc Lộ tiếp xúc thoải mái với dân chúng ở An Vực cùng các làng chung quanh, đặc biệt Vân No, hữu ngạn sông Mã, đối diện với An Vực. Đắc Lộ chỉ tạm ở đây trong hai tháng, vậy mà đã có 200 người được lãnh nhận bí tích rữa tội[16].

Đặc biệt một ông cụ 85 tuổi, Đắc Lộ gọi là Sãi (Sãi), thông thạo chữ Hán, được dân chúng trong vùng rất kính trọng, xin gia nhập đạo Chúa, mang tên thánh là Gioakim. Nhiều người nam cũng như nữ thấy thế cùng theo gương cụ xin theo đạo. Tuy đã cao tuổi, Cụ rất thích học giáo lý; hằng ngày Cụ có mặt trong nhà hai giáo sĩ ở An Vực để trau giồi kiến thức về đạo. Vào một buổi trưa nọ, Đắc Lộ nghĩ rằng cần phải để Cụ nghỉ ngơi, nên cha đã nhờ một thiếu niên chép lại một số kinh trong đạo dành cho người tân tòng đọc, mà không nhờ Cụ. Cụ liền tỏ ra phiền trách Đắc Lộ đã không nhờ mình là người thông thạo chữ Hán và viết đẹp hơn những người khác. Từ đó Đắc Lộ thường xuyên nhờ Cụ trong thời gian cha còn ở An Vực và Vân No[17]. Cụ Gioakim thấy Đắc Lộ phải giảng giải, dâng Thánh lễ, làm bí tích thánh tẩy trong một ngôi nhà quá chật hẹp, nên Cụ dâng cúng ngay một miếng đất gần đó để làm một nhà thờ bằng gỗ theo kiểu địa phương. Dân chúng đóng góp vật liệu như tre, gỗ, còn các thương gia Bồ Đào Nha góp công sức trang trí nhà thờ. Đây là ngôi nhà thờ đầu tiên ở Đàng Ngoài được khánh thành ngày 3-5-1627 mang tước hiệu “Tìm thấy Thánh giá ”[18].

Cũng tại An Vực vào khoảng cuối tháng 5-1627, gần ngôi nhà thờ nói trên đây, có một nhóm người phong cùi tụ hợp sông chung với nhau, được Đắc Lộ đến thăm dạy giáo lý làm cho nhiều bệnh nhân tin đạo dễ dàng. Trong số bệnh nhân này, một người tên thánh là Simon, khá thành thạo chữ Hán, nên ông tình nguyện chăm chỉ chép lại các kinh, kể cả Mười điều răn, do Đắc Lộ trực tiếp đọc cho Simon chép để học, rồi ông dạy lại cho các bệnh nhân trong nhóm. Chính nhóm người không được may mắn này bị cách ly với đồng bào, chẳng mấy ai dám đến gần, cũng chẳng dám vào Nhà Thờ mới dựng gần đó, nên họ tự động dựng một nhà nguyện ngay trong hàng rào trại của họ, cứ ngày Chúa nhật họ đều họp nhau trong nhà nguyện đọc kinh chung trước bức ảnh đạo do Đắc Lộ tặng cho họ[19].

Khoảng 1650, cha João Barbosa ca tụng lòng nhiệt thành đạo đức của bổn đạo Đàng Ngoài, giống như các tập sinh trong một Dòng tu. Barbosa nhận định cũng tương tự như João Cabral, được Đắc Lộ tóm lược như sau[20]:

“Bổn đạo siêng năng đọc kinh chung sáng tối trong gia đình; không bao giờ bỏ việc đọc kinh như thế, trừ khi quá bận rộn và vì những công việc đã hứa hẹn. Vì thế, gia đình nào cũng có bàn độc (bàn thờ) được trang trí bằng những thứ quý nhất tuỳ theo khả năng của họ. Bổn đạo sẵn sàng bớt một vài món cần thiết cho cái ăn, cái mặc, hơn là chịu thiếu bàn thờ. Trên bàn thờ ngoài Thánh giá và các ảnh tượng được làm bằng những chất liệu quý hoá, nghệ thuật, chạm khắc trên ngà, mu rùa, họ còn treo một chiếc bình đẹp đẽ có nước thánh, cùng với tràng hạt Mân côi, roi đánh tội và một vài thứ khác họ dùng thường xuyên vào việc hãm mình. Một việc đáng ngạc nhiên hơn nữa, đó là bổn đạo có những “bàn thờ nhỏ di động” (oratoires portatifs) mang theo mình khi phải xa nhà; tới nơi nào là họ mở “bàn thờ” ra đọc kinh cầu nguyện sốt sáng.

Nhiều bổn đạo Đàng Ngoài tỏ ra rất tin vào Chúa, nên họ đeo hai Thánh giá, một trên ngực, một trên cánh tay; Thánh giá trên ngực đối với họ như là thuẫn đỡ, còn trên cánh tay như là gươm giáo để chống lại ma quỷ. ở Đàng Trong, cụ thể tại Thành Chiêm, Hội An, bổn đạo rất thích đeo tràng hạt Mân côi trên cổ, mà đeo ngoài cổ áo, chẳng những vì sùng mộ, mà xem ra như muốn chứng tỏ cho những người khác biết là mình đã theo đạo Đức Chúa Blời đất. Vào năm 1625, các quan chức Quảng Nam dinh tỏ ra không ưa đạo Hoa Lang, vì cho rằng đó là đạo mọi rợ, ngoại lai, làm cho con người mất lòng yêu kính, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Trước tình trạng này, các thừa sai phải yêu cầu bổn đạo đừng đeo ảnh Thánh giá và tràng hạt ngoài cổ áo. Nhưng bổn đạo cho rằng làm như thế là hèn nhát, không xứng đáng với “con nhà có đạo”. Các cha phải giải thích là đạo không ngăn cản người ta can đảm, mà chỉ ngăn cản kẻ càn dỡ. Bổn đạo nghe ra, chịu theo lời các cha.

Cha Đắc Lộ phải thốt lên khi thấy tâm hồn trong trắng và đạo đức của bổn đạo Đàng Ngoài trong việc xưng tội rước lễ: “Tôi phải thành thực nói là chẳng gì làm tôi cảm động khi thấy trong vương quốc này có bao nhiêu bổn đạo là dường như có bấy nhiêu Thiên thần. Trước ngày rước lễ, họ ăn chay đánh tội; nếu tôi không ngăn cản thì họ rước lễ hơn một lần trong tuần[21]. Mỗi khi dọn mình xưng tội họ khóc lóc như là mình đã phạm nhiều tội lớn lao; tuy nhiên tôi có thể nói rằng, khi giải tội cho họ, tôi thường thấy không có đủ chất liệu (matière) để giải tội, chẳng những là đối với một số ít người mà có khi đối với cả một xóm đạo”[22].

Đầu tháng 3-1640 Đắc Lộ ra Huế, sau hơn 14 năm trời vắng mặt ở xứ “yến sào trầm hương” Đàng Trong, bái yết chúa Nguyễn Phước Lan với nhiều lễ phẩm quý giá, làm Ngài rất hài lòng. Được tin cha Đắc Lộ tới, bà Minh Đức Vương thái phi liền cho mời cha vào dinh bà. Tại đây Đắc Lộ làm việc bất kể ngày đêm, gặp gỡ bổn đạo, dâng Thánh lễ mỗi ngày trong dinh bà Minh Đức. Bổn đạo ùn ùn kéo đến, không sợ hãi nhờ uy tín cùng vai vế của Bà. Các ngày lễ, cha phải dâng nhiều Thánh lễ mới đáp ứng dược nhu cầu số đông bổn đạo. Tuần thánh năm 1640 được cử hành long trọng, sốt sáng trong chính nhà nguyện của bà Minh Đức. Bổn đạo tham dự Tuần thánh cảm động đến nỗi sau này Đắc Lộ phải ghi nhận: “Tôi xin thành thật thú nhận rằng, tại đây chứ không phải ở châu Âu, người ta cảm nghiệm được cuộc thương khó của Chúa chúng ta”[23]. Trong 35 ngày ở kinh thành, Đắc Lộ làm phép Thanh tẩy cho 94 người, trong đó có 3 bà tôn nhất, họ hàng gần với chúa Thượng, được rửa tội trong chính ngày lễ Phục sinh 8-4-1640.

Đến năm 1644, Đắc Lộ lại có mặt ở Kim Long, Huế, được vào tiến lễ chúa Nguyễn Phước Lan. Vừa xuất hiện tại đây, người ta đã phóng tin nhanh chóng, nên anh em kéo đến hàng đoàn lũ, làm cho cha phải ái ngại về phía chính quyền, yêu cầu họ giải tán ngay, sau này sẽ tới gặp cha. Đêm đến bổn đạo chèo thuyền đón cha (vì chúa Nguyễn lệnh cho cha phải ở trên thuyền của cha, chiếc thuyền đã chở cha từ Hội An đến Huế) về nhà một quan võ là Gioakim Huidue (Huy Duệ?) để rửa tội cho 200 người, liền đó cha cử hành Thánh lễ. Số người tham gia đông đúc, nhà quan không thể chứa hết, người ta phải tràn cả ra sân, ra vườn. Không được phép ở Kim Long lâu hơn, nên sau khi lén lút cử hành Lễ Lá vào đêm 20-3-1644 trong nhà nguyện bà Minh Đức, Đắc Lộ về Hội An, Thành Chiêm ngày thứ tư Tam nhật thánh để cử hành nghi lễ Tuần thánh. Cả xứ Đàng Trong mấy năm đó chỉ có một linh mục là Đắc Lộ, nên bổn đạo từ xa xôi tuốn về dự lễ. Tấm lòng của bổn đạo Thành Chiêm làm Đắc Lộ hết sức xúc động, nên cha đã ghi lại như sau: “Tất cả những gì tôi thấy ở châu Âu, không cho tôi được một tình cảm đạo đức như khi tôi ở đây; quả thật đáng phải ca tụng”[24].

Ngày thường, bổn đạo cũng sốt sáng tham dự Thánh lễ. Đặc biệt ngày Chúa nhật, họ đến Nhà Thờ từ sáng sớm nếu ở xa Nhà Thờ 3, 4 dặm (lieus). Những người ở xa hơn thì phải đi lễ từ chiều thứ bảy. Khi không có Thánh lễ, như hồi hai giáo sĩ Marques và Đắc Lộ bị quản thúc tại gia bắt đầu ngày 28-5-1628, bổn đạo Thăng Long có sáng kiến phân chia thành sáu khu, để ngày Chúa nhật và cả ngày thường họ tập hợp chung trong một nhà tư nhân cùng nhau đọc kinh bù lại Thánh lễ.

Từ ngày hai giáo sĩ trên đây bị ngăn cách với giáo đoàn theo lệnh chúa Trịnh Tráng, trong hai tuần lễ đầu tiên đôi bên không thể liên lạc với nhau. Bổn đạo không được bước vào ngôi Nhà Thờ rất quen thuộc, dù Nhà Thờ đầu tiên này ở kinh đô mới được dựng lên vào cuối năm 1627, do chính chúa Trịnh chẳng những cho phép, mà còn cấp vật liệu và cho thợ đến làm theo mẫu hai giáo sĩ phác họa[25].

Nhưng “vỏ quýt dày móng tay nhọn”, bổn đạo đã liều lĩnh liên lạc với hai cha bằng mấy cách sau đây: thứ nhất là một số người cải trang thành kẻ ăn xin, mặc quần áo rách rưới xin lính gác cho vào kiếm cơm hai giáo sĩ; thứ hai vì nhà ở của hai giáo sĩ làm liền với mấy nhà bên cạnh lại là nhà của bổn đạo, nên họ bí mật khoét một chỗ (vì nhà vách đất) để họ đến gặp hai cha, hơn nữa ban đêm Đắc Lộ đánh liều qua lỗ đó sang nhà bên cạnh giảng dạy cho một ít người. Chính nhờ những cách trên, Đắc Lộ viết thư an ủi bổn đạo và gửi các bài giảng dạy cho họ. Nhận được người ta chép thành nhiều bản để đọc cho bổn đạo tập hợp âm thầm trong 6 khu[26].

Việc quản thúc xem ra không nghiêm ngặt lắm, vì có lần chúa Trịnh cho phép Đắc Lộ đi làm lễ an táng long trọng cho một viên quan là bổn đạo chết do bất cẩn khi bắn súng đại bác trong một dịp lễ tổ chức tại kinh đô. Nhận thấy tình hình bớt căng thẳng, nên sau 4 tháng trời gặp gỡ bổn đạo bằng những cách nguy hiểm cho bản thân họ như trên, bây giờ chính Đắc Lộ ban đêm lẻn ra ngoài gặp bổn đạo, để giảng dạy, rửa tội, giải tội và dâng Thánh lễ, theo lời yêu cầu và sắp xếp của bổn đạo.

Tất cả những việc trên chứng tỏ lòng nhiệt thành sốt sáng của bổn đạo thời kỳ đầu tiên, bất chấp mọi nguy hiểm. Thực tế trong hoàn cảnh ấy, với phong cách tín ngưỡng được biểu lộ như vậy xem ra làm cho “Đạo ta” cũng có cái gì khác với “Đạo Tây”! Đọc kinh, xem lễ, xưng tội, rước Mình Thánh Chúa là những thứ họ khao khát, dù về mặt thông hiểu “lẽ đạo” thì còn kém là cái chắc! Phải công nhận rằng, bổn đạo thời xa xưa đã sống Lời chúa trọn vẹn trong việc kính Chúa yêu người. Phải nói là các vị ấy đã sống đạo chứ không phải chỉ giữ đạo, bằng cớ là nhiều nhà truyền giáo đầu thế kỷ XVII ở Đàng Ngoài đã khen “đứt lưỡi” về lòng thương yêu nhau của anh chị em bổn đạo. Chính trong bản báo cáo dài 98 trang khổ lớn của cha Gaspar d’Amaral viết bàng tiếng Bồ Đào Nha từ kinh đô Thăng Long ngày 31-12-1632 gửi cha André Palmeiro[27] ở Macao, chẳng những thuật lại những kết quả truyền giáo lớn lao, mà còn ghi nhận rằng “người lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạu yêu nhău”[28]. Tuyệt vời! Mặc dầu đây là bản văn tiếng Bồ Đào Nha, nhưng tác giả có chêm một số chữ Quốc ngữ như đạu, yêu nhău (ley de amar), đàng ngoày, đàng tlão, đàng tiên…, là thứ chữ Palmeiro chẳng hiểu gì, cả đến người Việt cũng chưa biết.

3. Bổn đao truvền giáo

Không phải bổn đạo xưa chỉ theo đạo, giữ đạo cho riêng mình, mà nhiều người còn đem Tin Mừng đến cho những người chung quanh, là họ hàng thân thuộc, hàng xóm láng giềng. Họ là những người trong vương tộc, là quan quyền, là thường dân… đã đại lượng, can đảm vượt nhiều thử thách đem Chúa đến cho đồng bào mình. Họ là những người thuộc dòng giống dân tộc Việt Nam anh hùng, thừa hưởng bao nhiêu tính tốt của giống nồi, trong đó có tính can đảm, hy sinh vì đại nghĩa để bảo vệ và phát triển những gì là cao quý. Cho nên, khi theo “đạo mới” rồi, thì đa số vẫn kiên trì với niềm tin và mạnh dạn giới thiệu cho những người khác.

Bà Minh Đức Vướng thái phi[29] đã được cha Francisco de Pina[30] rửa tội vào một đêm năm 1625 tại kinh đô Đàng

Trong (lúc đó là Phước Yên chăng?) Bà là phi của chúa Nguyễn Hoàng (1525-1613) và có lẽ thuộc cấp phi cao nhất là Vương quý phi. Ngay khi chịu phép Thánh tẩy, bà đã phải giấu người con độc nhất của Bà là ông Hoàng Nguyễn Phước Khê. Vì lý do chính trị, tôn giáo, mà nhất là chính trị, nên ngày 20-2-1645 ông Khê ra lệnh phá bình địa nhà nguyện của bà Minh Đức, dù ông là người rất có hiếu với mẹ. Bởi ông muốn đánh tan việc chúa Nguyễn Phước Lan[31] nghi ngờ mẹ con ông âm mưu lật đổ ngài, do việc Đắc Lộ đến nhà nguyện của Bà ban đêm cử hành lễ Lá ngày 20-3-1644. Nhà chúa cho rằng Đắc Lộ là thầy địa lý biệt tài với cái nghề “khán phong thuỷ âm dương” tìm đất tốt chôn bà sau này hầu có được thứ “mả phát quan”, nên Hoàng Khê[32] phải làm công việc “thất đức” trên đây, sẵn sàng chịu mang tiếng “bất hiếu” với mẹ, nhưng giữ được lòng trung quân với chúa, coi trọng việc nước hơn việc nhà.

Bà Minh Đức là người rất sùng đạo. Từ khi theo đạo Đức Chúa Blời đất, bà dùng uy tín của mình mà nâng đỡ bổn đạo, che chở các nhà truyền giáo khi gập khó khăn. Chính Đắc Lộ đã viết về bà Minh Đức (tên thánh là Maria Madalena) như sau: “Bà Maria Madalena là chỗ nương tựa của tân giáo đoàn này; gương sáng và uy tín của bà đã làm cho nhiều người lương dân cải đạo cách lạ lùng, và sau khi chịu phép rửa, nhờ bà họ giữ vững lòng đạo đức… Bà dành một nhà trong dinh của mình làm nhà nguyện đẹp đẽ, được bảo trì hết sức hoàn hảo, là nơi sáng tối bà cầu nguyện. Bà còn để cho bổn đạo chung quanh tập hợp trong đó đọc kinh xem lễ, mà không ai dám phản đối gì. Ngoài ra bà còn thuyết phục nhiều người nổi tiếng khắp nước theo đạo Chúa, trong số này có cả những người thuộc vương tộc”[33]. Có lẽ Ngọc Liên công chúa sau này theo đạo Đức Chúa Blời đất là do Minh Đức dạy dỗ, hay ít ra cũng được ảnh hưởng của Minh Đức là người xét theo vai vế họ hàng, thì Ngọc Liên phải gọi bằng Bà[34]. Vào năm 1646, khi cha Saccano[35] đang có mặt tại Kim Long, lúc đó là Vương phủ của chúa Nguyễn, thì chính bà Minh Đức mời cha đến nhà nguyện trong dinh của bà để ban phép Thánh tẩy cho hai cháu của bà sau khi bà đã dạy giáo lý cho các cháu.

Ngọc Liên[36], công chúa của Sãi vương Nguyễn Phước Nguyên như chúng tôi vừa nhắc ở trên, công chúa được ảnh hưởng rất nhiều của bà Minh Đức vương thái phi về mặt tôn giáo. Ngọc Liên theo chồng là Tướng Nguyễn Phước Vinh về ở tại Phú Yên năm 1629, vì từ năm đó chúa Nguyễn đã mở rộng biên thuỳ tới đây lập ra Trấn biên dinh, trao quyền cai trị cho Nguyễn Phước Vinh. Ngọc Liên được chịu phép Thánh tẩy năm 1636, thánh hiệu Maria Madalena, sau khi chứng kiến một cuộc tranh luận công khai do tướng Nguyễn Phước Vinh chủ toạ về bói toán và ba hồn bảy vía giữa ông Giêrônimô (Tập?) và một người khác tin vào những điều trên. Ngay sau khi theo đạo Chúa, Ngọc Liên cho làm một nhà nguyện trong dinh của bà ở Phú Yên và bổn đạo có thể vào đó đọc kinh cầu nguyện. Năm 1641, cha Đắc Lộ ở trong dinh của Tướng Vinh 4 ngày để giảng đạo và làm phép Thánh tẩy cho 90 người trong số này có cậu Anrê Phú Yên. Thời gian ở Phú Yên, Ngọc Liên công chúa dạy đạo cho nhiều người, nên năm 1641, khi Đắc Lộ đến đây đã làm phép Thánh tẩy cho 1.355 người. Từ năm 1643, Tướng Vinh về hưu tại Thành Chiêm, Ngọc Liên công chúa cũng theo về. Khi ông qua đời 1645, công chúa đến ở Hội An. Tại đây, chẳng những Ngọc Liên lo truyền giáo trực tiếp mà còn lập nhà thương xót (gọi tắt là nhà thương) nơi nương náu cho những người nghèo khổ, neo đơn; đằng khác công chúa còn cung cấp lương thực cho 12 thầy giảng lúc đó.

Bà Catarina, theo cha Đắc Lộ ghi nhận là người nổi bật nhất và là người thứ nhất trong nhóm người ở Thăng Long năm 1627-1628 nhận lãnh bí tích rửa tội với một đức Tin mạnh mẽ. Không rõ tên tuổi của bà, chỉ biết bà là người chị em (soeur) với chúa Trịnh Tráng. Bà mang tên thánh Catarina để trở nên giống thánh Catarina về lòng đạo đức và nhiệt thành. Bà thông thạo chữ Hán, lại có tài văn thơ. Bà cũng nói cho mẹ bà biết việc bà theo đạo Đức Chúa Blời đất và xin mẹ mình cũng theo đạo này. Bà mẹ khá thông thạo chữ Hán và rất sùng đạo cũ; chính các vị Sư sãi cũng gọi bà là Thầy, tức là vị Tôn Sư, vì bà có tài dạy đạo cho người khác. Nghe lời con, tức là bà Catarina, bà mẹ theo đạo mới, lại còn sùng đạo hơn trước. Chính bà đã giảng dạy và thuyết phục được nhiều bà quý phái khác sống theo đạo Đức Chúa Blời đất.

Riêng bà Catarina, chẳng những mộ mến đạo Chúa hết lòng, giảng đạo cho người chung quanh và đưa 17 người trong vương tộc vào đạo, mà còn trở thành “nhà văn Công giáo” đầu tiên ở Thăng Long, vì bà đã sáng tác 2 loại bằng văn thơ: một loại là Giáo lý, thuật lại từ việc Thiên Chúa tạo thành vạn vật đến khi Chúa Giêsu sinh ra, truyền giảng Tin Mừng, cuộc Thương khó, Phục sinh và Thăng thiên của Ngài. Ở phần cuối, Catarina thêm một loại khác, đó là kể lại việc hai giáo sĩ Marques và Đắc Lộ bắt đầu truyền giáo ở Đàng Ngoài. Theo chúng tôi hiểu, loại trước có lẽ được diễn tả bằng thơ lục bát, loại sau dưới hình thức vè. Nhờ các bài thơ, vè này mà anh chị tân tòng học thuộc giáo lý nhanh chóng, qua việc ngâm nga trong nhà, khi đi đường, lúc lao động nhẹ như hái dâu, làm cỏ, giã gạo. Cả đến một số đồng bào chưa theo đạo Chúa cũng sử dụng những bài thơ, vè trên vì loại văn thơ này rất thích họp với họ[37]. Tiếc rằng ngày nay chúng ta không có một bản thơ, vè nào trên đây, để nhận định rõ ràng hơn nội dung giáo lý và thi văn.

Nói về vấn đề có tính cách “văn bản” này, người ta không thể quên được một việc quan trọng do bổn đạo (không phải do các nhà truyền giáo người nước ngoài) đã thực hiện ngay từ khoảng năm 1629 tại Thăng Long. Đó là vào thời kỳ hai giáo sĩ bị quản thúc, một nhóm bổn đạo ở kinh đô có sáng kiến in lịch Công giáo, ghi lại các ngày lễ Chúa nhật, lễ trọng, ngày ăn chay trong năm, để chẳng những bổn đạo kinh đô dùng mà còn gửi đi khắp cả nước. Chắc rằng Lịch trên đây chẳng nhiều trang giấy như ngày nay, nhưng một điều quan trọng là thời ấv đã in Lich Công giáo[38]. Thực ra khoảng năm 1620 Đàng Trong đã có sách giáo lý (có lẽ bàng chữ Nôm), nhưng không tài liệu nào nói đến việc in ấn. Còn tập Lịch này, dù nhỏ bé đi nữa nhưng đã đươc in ấn. Sự thường theo phương thức mộc bản.

Nhiều người sau khi biết Chúa rồi, mạnh dạn nói cho người khác nghe: Bà Anna (không biết tên Việt) đã làm cho chồng mình là viên quan cai trị Xứ Đông (vùng Hải Dương) theo Chúa, chẳng những thế mỗi lần về kinh đô thay cho chồng lo một số việc, bà cũng dẫn về một số người sẵn sàng chịu phép Thánh tẩy; Cậu Lino (không biết tên Việt) 17 tuổi, sau khi theo Chúa cũng làm cho chính cha nuôi cậu là một võ quan cùng mọi người trong nhà quan được rửa tội. Đặc biệt, một ông Từ ồ Vu Xa (Vũ Xá, Ngũ Xá?) cách Thăng Long chừng hơn một ngày đàng, được một bà phi của chúa Trịnh Tráng giao trách nhiệm bảo vệ từ đường rất đẹp của bà (sau khi chết bà sẽ được thờ cúng tại đó). Khi nghe Đắc Lộ giảng, ông Từ quyết bỏ việc trên đây, vì tham dự vào hành vi mê tín. Theo Chúa, ông mang tên thánh là Antôn và vợ là Paula. Bà phi kia tức giận, lệnh cho quan địa phương của Antôn trói ông vào cột nơi công cộng, đánh đòn. Bỏ từ đường, cả hai ông bà càng hăng say truyền đạo, ông thì dạy cho nam giới, bà dạy cho nữ giới. Mỗi lần về kinh đô là ông dẫn theo lúc thì 20 người, lúc 30, có lần tới 80 người để chịu phép Thánh tẩy, trong số này khá đông người biết chữ Hán hơn ông.

Tin Chúa, sùng đạo, nhiệt thành với sinh hoạt tôn giáo đã vậy, bổn đạo Việt Nam xưa còn đứng ra lãnh trách nhiệm liên lạc trực tiếp với Đức Thánh Cha qua thư từ, không thụ động, không “khoán trắng” cho các thừa sai người nước ngoài những gì họ có thể làm được.

Bằng chứng là, ngày 15-7-1640 bổn đạo Đàng Trong đã dâng một tờ biểu lên Đức Thánh Cha Urbanô VIII[39], nội dung như sau: Từ khi các thầy Dòng Đức Chúa Giêsu đến truyền giáo trong xứ này đã 26 năm số bổn đạo hiện nay là 15.000, nhưng chưa ai lãnh nhận bí tích Thêm sức. Vậy, cúi xin Đức Thánh Cha ban phép cho thầy nào trong số các thầy ở đây được làm phép Thêm sức cho bổn đạo, để họ trở thành chiến sĩ Chúa Kitô trọn vẹn hơn, hầu trung thành chiến đấu trong cuộc chiến Đức tin. Những dòng đầu tiên tờ biểu ghi rõ ràng: “Petrus, Andreas, Joannes et reliqui Cocincinenses Christiani ad Sanctitatis Vestrae pedes prostramur venerabundi” (Phêrô, Anrê, Giuong và các bổn đạo Đàng Trong kính cẩn sấp mình dưới chân Đức Thánh Cha …) Cuối thư đề rõ là: “E Cocincinae regno et civitate Caciam Idibus Julli anni 1640” (tại Thành Chiêm – Kẻ Chàm – vương quốc Đàng Trong, ngày 15-7-1640). Ba vị đại diện bổn đạo trên đây chỉ được ghi bằng tên thánh, nhưng có thể đó là ông Phêrô Ki, đậu “sinh đồ”, đã làm quan dưới quyền ông Hoàng Nguyễn Phước Khê, đứng đầu giáo đoàn ở kinh đô, tử đạo 27-1-1665 tại Huế; Anrê Sơn, người đã bị tống giam trong ngục vì đức tin tại Thành Chiêm cùng với thầy Anrê tháng 7-1644, nhưng được tha vì đã 73 tuổi; Giuong Cây Trâm, tức Giuong Ketlam hoặc Giuong Vưang, là thầy dạy học, viết sách về Chúa và các thánh, đặc biệt cuốn Sách ngắm sự Đức Chúa Giêsu ăn chay 40 đêm ngày ở trên rừng, tử đạo tại Thành Chiêm ngày 11-5-1663, lúc 73 tuổi[40]. Theo chúng tôi nghĩ sáng kiến làm tờ biểu này là do cha Đắc Lộ, nhưng cha không đứng ra thay mặt giáo đoàn Đàng Trong viết, mà muốn anh em bổn đạo trực tiếp bày tỏ bằng giấy trắng mực đen. Sự thường tài liệu này được viết bằng chữ Hán, không phải chữ Nôm, càng không phải chữ Quốíc ngữ, rồi được Đắc Lộ phiên dịch sang La ngữ như chúng ta còn nhận ra nét chữ của cha trong tài liệu trên. Sau đó cả hai bản đều được gửi về Roma, nhưng chúng tôi không có bản chữ Hán, chỉ có bản La ngữ, nên đã dựa theo đó mà trình bày[41].

Một tài liệu khác chứng tỏ vào mấy năm đầu truyền giáo, bổn đạo Đàng Ngoài cũng liên lạc thư từ trực tiếp với Đức Thánh Cha Urbanô VIII và cha Bề trên Cả Dòng Tên Mutio Vitelleschi[42], nội dung chính là xin các Ngài giúp đỡ cách nào để nhiều người trong nước được nhận biết thờ phượng Thiên Chúa. Ở đây chúng tôi xin ghi lại theo tờ biểu bằng chữ Hán gồm 205 chữ trong 14 cột, viết trên giấy bản phổ thông, đệ lên Đức Thánh Cha Urbanô VIII năm 1630 (viết khoảng tháng 4 đầu tháng 5-1630)[43], do dịch giả Lê Kim Ngọc Tuyết phiên dịch sang tiếng Việt như sau:

“Thần và các bổn đạo nước An Nam, bái tạ Thiên địa Thân Chủ, mà viết thư này kính cẩn tấu lên đấng thay Chúa Giêsu chí thánh phụng sự.

“Thiên Chúa đã phái các Tôn sư giáo hoá muôn nước, duy nước An Nam hẻo lánh, từ xưa đến nay chưa được nghe chính đạo, nay may mắn thấy hai vị thầy Hoa Lang từ phương Tây không ngại sóng gió, nguy hiểm mà đến thẳng nước tôi, thừa lệnh Thiên Chúa giảng đạo, khuyên người, nên nước tôi hân hoan mộ mến chịu theo đạo được hơn năm ngàn, số còn lại muốn học càng nhiều. Nhưng vua thần nước tôi còn chưa thông hiểu, nên hết lời phỉ báng mà nói rằng, lúc đầu chưa có, nay từ đâu mà được. Duy độc nhất một mình lòng bổn đạo không nghi ngờ và hai ý, một mực thành kính, nên viết thư này tấu lên Chí Thánh.

“Xin lòng chân tình đại từ bi của Ngài cứu nước nhỏ bé chúng tôi, dùng kế gì khiến người giàu sang phú quý cũng như kẻ nghèo hèn bần tiện được đạo thánh, bỏ hết các nẻo khác để thoát cảnh trầm luân mà được hưởng phúc đức, thì sự ban cho có dư vậy.

“Thần và các bổn đạo cúi đầu, dập đầu kính cẩn tấu lên.

“Thư này, từ Thiên Chúa giáng sinh đến nay một ngàn sáu trăm ba mươi năm”.

Tài liệu không ghi rõ tên người đứng ra làm tờ biểu, nhưng chúng tôi chắc chắn là của bổn đạo Đàng Ngoài soạn thảo gửi lên Đức Thánh Cha vào năm 1630 nhờ cha Đắc Lộ khi về Macao chuyển đi. Chính cha Đắc Lộ đã phiên dịch sang La ngữ chuyển về Roma, rồi cho in năm 1652, còn cha Albi dịch sang Pháp ngữ in năm 1651[44]. Tờ biểu được soạn thảo vắn tắt, nhưng rất tha thiết thành khẩn theo cách diễn tả của bổn đạo đang lâm cảnh bơ vơ, vì vào đầu tháng 5-1630, tất cả 4 nhà truyền giáo đều phải ra khỏi Đàng Ngoài về Macao; đó là các linh mục: Pedro Marques, A. de Rhodes, Gaspar d’Amaral và Paulo Saito.

Lòng nhiệt thành của bổn đạo Việt Nam mấy chục năm đầu truyền giáo, không phải chỉ ở chỗ mộ mến đạo, tin đạo, theo đạo, giữ đạo, sùng đạo, truyền đạo, nhưng còn dám can đảm “từ bỏ thế gian” và những quyến rũ thường tình của danh vọng, chức quyền, giàu sang, để hiến dâng cả cuộc đời phụng sự Chúa và phục vụ con người trong Tu hội Thầy giảng và Dòng Mến Thánh Giá. Tu hội được thành lập tại Đàng Ngoài ngày 17-4-1630 với ba con người tân tòng là Phanxicô Đức, Anrê Tri, Inhã Nhuận và tại Hội An, Đàng Trong ngày 31-7-1643 với 10 thầy giảng, trong số này có thầy Inhã, Anrê Phú Yên và Vinh Sơn. Về phía nữ, ngay vào khoảng 1640-1646 cũng có ba cô Monica, Nympha và Vitta sống chung với nhau một nhà khấn hứa trọn đời khiết trinh[45]; có thể nói được đó là “tiền thân” của Dòng Mến Thánh Giá, mà sau này khi Đức Cha Lambert đến Đàng Ngoài đã chính thức sáng lập vào ngày 19-2- 1670 với hai nữ tu đầu tiên là Phaola và Inê, rồi khi Ngài tới An Chỉ, Đàng Trong cuối năm 1671 cũng đã sáng lập Dòng Mến Thánh Giá tại nhà bà Luxia Kỳ, cùng một luật Dòng như Mến Thánh Giá Đàng Ngoài. Đến cỡ đó mà không được coi là nhiệt thành hay sao?

Chẳng những thế, ngay từ đầu đã có những bổn đạo như ông Phanxicô dù mới theo đạo được hai năm, nhưng can đảm thi hành đức ái triệt để “chôn xác kẻ chết”, vác xác đi chôn những người chết không nhà cửa, mà ông lại là người khiêng kiệu cho một quan lớn. Viên quan cho rằng nếu Phanxicô cứ vác xác người chết mà còn khiêng kiệu, thì làm nhơ bẩn cho quan, nên ra lệnh cấm ông chôn xác chết. Không tuân lệnh, nên Phanxicô bị quan đánh đòn, tống giam trong ngục, sau cùng quan tìm cách chém đầu Phanxicô. Đó là vào thời điểm 1630!

Sau khi thầy giảng Anrê Phú Yên chết vì đức tin tại Thành Chiêm ngày 26-7-1644 (được tôn vinh Chân phước ngày 3-5-2000), Trấn thủ Quảng Nam dinh phái viên quan xuống Phủ Quy Nhơn, truyền lệnh cho các bổn đạo phải ra thú nhận đã theo đạo Hoa Lang và phải từ bỏ đạo này, không tuân lệnh sẽ bị phạt. Thế mà không đầy một ngày, 700 bổn đạo kéo đến khai tên tuổi, tuyên xưng đức tin. Quá nhiều, viên quan chỉ chọn có 36 người trói lại giải về Thành Chiêm nộp cho Trấn thủ. Vì những lời đe doạ của quan, làm cho một ông già sợ chết, sợ mất của nên đã chối đạo; còn lại 35 người kia kiên trì trong Đức tin nên bị tống ngục. Được tin, cha Đắc Lộ ban đêm lẻn vào tù thăm họ, sau khi bổn đạo đã khéo léo liên lạc được với lính canh giữ tù. Gặp nhau cha con thật mừng rỡ, “ở trong tù mà như trên Thiên đàng ”, mọi người đều quỳ gối tạ ơn Chúa, rồi tất cả đều xưng tội với cha, dự Thánh lễ, rước Mình Chúa. Trước khi trời sáng, Đắc Lộ thoát ra ngoài. Sau cùng, quan tha cho 29 người về nhà, chỉ giữ lại 6 người, đóng gông, đánh đòn nơi công cộng trong Thành Chiêm (Cacham, KeCham), rồi cũng tha về46. Như thế mà không gọi là nhiệt thành, là anh hùng đức tin sao được?

Lướt qua mấy bằng chứng trên đây, đủ cho thấy bổn đạo Việt Nam ngay từ thời kỳ đầu truyền giáo, đã rất vững vàng trong Đức tin.

Rõ ràng là nhờ các nhà truyền giáo nước ngoài đã hy sinh, bỏ quê cha đất tổ, vượt bao khó khăn, nguy hiểm, dám từ bỏ cả mạng sống, để nhắm một mục đích cao cả, vô vị lợi, là giới thiệu Tin Mừng với xã hội và con người Việt Nam. Nhưng Tin Mừng được lan rộng nhanh chóng và dần dần ăn rễ sâu trên mảnh đất này còn tuỳ thuộc vào những đóng góp lớn lao hoặc âm thầm của ngàn vạn bổn đạo. Thử hỏi, nếu bổn đạo không nhiệt tình truyền bá Tin Mừng, nếu không có các thầy giảng lăn xả vào việc bảo vệ và phát triển Tin Mừng đã được các nhà thừa sai gieo trồng, không có các nữ tu Mến Thánh Giá lặng lẽ qua các thôn xóm làm việc từ thiện phước đức, thì liệu có được một Giáo hội Việt Nam như ngày nay không?

Huế, tháng 4-2004


 


[1] Bản dịch tờ biểu sang La ngữ do chính chữ cha Alexandre de Rhodes, hiện lưu trữ tại Archivum Romanum Societatis Jesu, Jap – Sin. 68, tờ 47. Bạn đọc có thể coi bản dịch ra La ngữ của A.de Rhodes : Alexandre de RHODES, S.I., Cathechismus pro iis qui volunt suscipere Baptismum in octo dies divisus, Reédition de 1’ouvrage publié à Rome en 1651, Tinh – Việt, Sài Gòn, 1961, giữa trang XVI- XVII; tuy nhiên lần tái bản này, nhà xuất bản đã ghi nhận không đúng, khi viết là : Thư của giáo hữu xứ Nam gởi lên Đức Giáo Hoàng La mã xin cử Giám muc sane Viêt Nam.

[2]   Pedro MARQUES (1577- 1657) sinh năm 1557 tại Mourão, Evora, Bồ Đào Nha (khác với cha Pedro Marques người Nhật (1613 – 1670?) cũng truyền giáo ở Đàng Trong); đi Đông Á 4-4-1600 khi đó chưa làm linh mục; ở Nhật từ 1609 tới 1614 bị chính quyền trục xuất về Macao; 1615-1616 ở Vịnh Lung (Udong), Campuchia; đầu năm 1618 đến cửa Hàn; 1626 về Áo Môn; 1627 tới cửa Bạng; 1630 bỏ Đàng Ngoài; 1631- 1635 ở đảo Hải Nam; qua đời tại Nhật 12-6-1657.

[3]   Alexandre de RHODES (1593-1660), sinh quán tại Avignon là đất của Toà Thánh từ 1348-1791, nên Rhodes có quốc tịch Toà Thánh, dù là sống trong văn hoá Pháp; ông là nhà truyền giáo nổi tiếng ở Việt Nam thời đó.

[4]   A.de RHODES, Divers voyages et missions, Paris, 1653, tr. 95.

[5]   António – Francisco CARDIM (1596-1659) sinh khoảng 1596 tại Bồ Đào Nha; học thần học tại Goa, rồi được thụ phong linh mục tại đây; năm 1631 đến Đàng Ngoài cùng chuyến tàu với Gaspar d’Amaral; hơn năm sau về Macao làm viện trưởng Học Viện Macao từ 1632-1636; qua đời tại Macao 30-4-1659; cha mẹ A.F. Cardim có 10 người con thì hết 9 người đi tu Dòng.

[6]   Gaspar d’AMARAL (1592-1646) sinh tại Curvaceira, Bồ Đào Nha; ruyền giáo ở Đàng Ngoài lần 1 : 1629-1630, lần 2 : 1631-1638; bị chết đắm tàu ở vịnh Bắc Bộ 26-2-1646 khi từ Macao đi Đàng Ngoài; vào năm 1632, Amaral có trình độ tiếng Việt và phương pháp ký âm tiếng Việt sang mẫu tự abc hơn A. de Rhodes những năm đó.

[7]   A.-F.CARDIM et F.BARRETO, Relation de ce qui s’est passé depuis quelpues années.., Paris, 1646, tr. 76. – Gaspar d’ AMARAL, Annua do reino de Annam do anno 1632, trong Archivum Romanum Societatis Jesu, Jap,- Sin.85, tờ 125 mặt trước.

[8]    Joseph TISSANIER (1618-1688) sinh 1616 tại Port-Sainte-Marie, Pháp; thụ phong linh mục trước 1650; 1654 rời Pháp đi Đông Á truyền giáo; đến Đàng Ngoài 13-4-1658; bị trục xuất khỏi xứ này 12-11-1663; qua đời tại Macao 24-12-1688.

[9]       Joseph TISSANIER, Relation du voyage du p. Joseph Tissanier…depuis la France au royaume de Tunquin, Paris, 1663, trong F.de MONTEZON et É.ESTÈVE, Voyages et travaux des missonnaires de la Compagnie de Jesus, Paris, 1858, tr. 197-198.

[10] João CABRAL (1598 -1669) sinh tại Celorico da Beira, Bồ Đào Nha; đi truyền giáo từ 1624; đến Nepal, Sri Lanka, Goa, Malacca; 1647 kinh lý xứ truyền giáo Đàng Ngoài; qua đời 4-7-1669 tại Goa.

[11]   F.de MONTEZON, Voyages et travaux des missionnaires de la Compagnie de Jesus, Paris, 1858, tr. 57.

[12]  S.DE LACROIX, Histoire unverselle des missions catholiques, T.II, Paris, 1957, tr. 67-68.

[13] A.-F. CARDIM, Relation, sđd., tr. 76-77.

[14]  NGUYỄN PHƯỚC NGUYÊN tức Sãi vương (1563-1635) sinh 1563, nối quyền cha là chúa Nguyễn Hoàng, cai trị Đàng Trong từ 1613 đến khi qua đời là năm 1635.

[15]  TRỊNH TRÁNG tức Thanh đô vương (1575-1657) sinh 1575, nốì vị cha là Trịnh Tùng, cai trị Đàng Ngoài từ 1623 cho đến khi qua đời lúc 8 giờ tối 26-5-1657 tại Thăng Long.

[16]  A. de RHODES, Histoire du royaume de Tunquin, Lyon, 1651, tr. 150.

[17]  Có lẽ đây là sách kinh bằng chữ Nôm do cha F. de Pina soạn ở Hội An khoảng 1620-1625?

[18] A. de RHODES, Histoire du royaume de Tunquin, sđd, tr. 138-140.

[19] A. de RHODES, như trên, tr. 145-146.

[20] A. de RHODES, như trên, tr. 323-324.

[21] Thời đó Giáo hội chưa ban phép rước lễ hàng ngày.

[22] A. de RHODES, Divers voyages et missions, Paris, 1653, tr. 100-101.

[23] A. de RHODES, như trên, tr. 122.

[24] A. de RHODES, như trên, tr. 172.

[25]  Có lẽ ngôi nhà thờ này cùng nhà hai giáo sĩ Marques và Đắc Lộ toạ lạc gần đến Bà Kiệu và cầu Thê Húc đền Ngọc Sơn bên bờ Hồ Hoàn Kiếm. Ngày 29-5-1941 hồi 5 giờ chiều, Hà Nội long trọng khánh thành bi đình Đắc Lộ do kiến trúc sư Joseph Lagisquet phác hoạ (người đã vẽ nhiều kiểu biệt thự ở Đà Lạt), xoay mặt về hướng Nam, để ghi nhận công trình hoàn thành chữ quốc ngữ và cho xuất bản 3 cuốn sách quốc ngữ đầu tiên (ấn hành tại Roma năm 1651). Khoảng năm 1957, chính bia đá A lịch sơn Đắc Lộ được cất vào viện bảo tàng Hà Nội, chỉ còn cái “đình” bốn mặt trống rỗng;’cuốí cùng, khoảng năm 1982, ngôi “đình” bị phá bỏ hoàn toàn, thay vào đó là đài chiến sĩ vô danh.

[26]  A. de RHODES, Histoire du royaume de Tunquin, sđd, tr. 217. Cha Đắc Lộ ghi lại như thế, nhưng không rõ cha viết bằng thứ chữ nào? Theo chúng tôi nghĩ, cha chưa thể viết bằng chữ Quốc ngữ được, vì lúc ấy chữ Quốc ngữ abc chưa định hình. Vậy, viết bằng chữ Nôm thì đúng hơn, lý do bổn đạo nghe đọc thì hiểu ngay. Từ ghi nhận này, cho hay Đắc Lộ đã viết được chữ Nôm chăng?

[27] André PALMEIRO (1569-1635), người Bồ Đào Nha, đã giảng đạo ở Malabar- Goa từ 1618-1626; ở Macao từ 1626-1635; ở Đàng Ngoài mấy tháng năm 1631; qua đời tại Macao 4-4-1635.

[28]  Gaspar d’Amaral, Annua do reino de Annam do anno de 1632, pera o Pe André Palmeiro da Compa de Jesu, Visitador das Provincias de Japam, e China, trong Archivum Romanum Societatis Jesu, Jap-Sin. 85, tờ 132 mặt sau : “de modo q m gentios lhe chamão, ley de yêu nhău, ley de se amar”.

[29]  Bà Minh Đức Vương thái phi (1568-1649) được cha Fontes ghi nhận năm 1626 bằng tên Maria Orancaya (António de FONTES, Annua de Missão de Atiam, viết tại Hội An ngày 1-1-1626, trong Archivum Romanum Societatis Jesu, Jap-Sin.l2, tờ 74 mặt sau : “Trong số những người đã chịu phép Thánh tẩy có một nhân vật quan trọng nhất là bà Orancaya, hay là vợ bé (molher pequena) của Tiên Vương đã từ trần. Khi chịu phép rửa, bà mang tên thánh Maria”. Thực ra chúng tôi không biết đích danh của bà. Minh Đức Vương thái phi chỉ là tước vị được vua Gia Long sau này truy phong cho bà.

[30]  Francisco de PINA (1585-1625) (theo báo Tri Tân, số 1, năm 1941, tr.3, Pina có tên Việt Nam là Trực), sinh 1585 tại Guarda, Bồ Đào Nha; đến Đàng Trong truyền giáo từ năm 1617 đến ngày 15-12-1625 chết đuối tại hải phận Hội An. Pina là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên thông thạo tiếng Việt, soạn giáo lý bằng tiếng Việt (có lẽ là chữ Nôm) và cuốn ngữ pháp tiếng Việt. Pina là thầy dạy tiếng Việt cho cha Đắc Lộ tại Thành Chiêm năm 1625-1626.

[31]  NGUYỄN PHƯỚC LAN (Thượng vương) (1601-1648) sinh 1601; cầm quyền năm 1635; qua đời 19-3-1648.

[32]  NGUYỄN PHƯỚC KHÊ (Hoàng Khê) (1589-1646) sinh ngày 19-2- 1589, là con trai thứ hai của chúa Nguyễn Hoàng, nhưng là con độc nhất của bà Minh Đức với chúa Nguyễn Hoàng. Ngay khi Nguyễn Hoàng còn sống, ông đã được thăng chức Chưởng cơ; năm 1626 giữ chức Tổng trấn đời Nguyễn Phước Nguyên; đời chúa Nguyễn Phước Lan, ông là nhân vật số 2 ở Đàng Trong, chỉ sau chúa Nguyễn; qua đời 22-8-1646 (TÔN- THAT-HÂN, Généalogie des Nguyễn avant Gia- Long, bản dịch sang tiếng Pháp do Bùi Thanh Vân và Trần Đình Nghi, trong Bulletin des Amis du vieux Hué, n°3, Juill.-Sept. 1920, tr. 316).

[33]  A.de RHODES, Divers voyages et missions, sđd, tr. 75-76, 122, 170- 172.

[34] về bà Minh Đức Vương thái phi:

–   A.de RHODES, Divers voyages et missions, sđd, tr. 75-76, 122, 170- 172.

–  Tập san Bulletin des Amis du vieux Hué, 1939, tr. 13, 62, 77.

–  PHẠM ĐÌNH KHIÊM, Minh Đức Vương thái phi, Sài Gòn, 1957.

–   Đỗ QUANG CHÍNH, S.J. sống trong xã hội Con Rồng Cháu Tiên, Lưu hành nội bộ, Tp. Hồ Chí Minh, 1998, tr. 73-75, 84, 103-104, 107, 112.

[35]  Metello SACCANO (1612-1662) người Ý, cùng với cha Baltasar Caldeira đến Đàng Trong tháng 2-1646 thay thế cha Đắc Lộ bị trục xuất từ 3-7-1645; Saccano đã học tiếng Việt với cha Đắc Lộ có mật tại Macao; Saccano phải rời bỏ Đàng Trong tháng 7-1648; tháng 2-1652 Saccano lại vào Đàng Trong; hơn hai năm sau về Macao, rồi lại đến Đàng Trong; qua đời ở Đàng Trong ngày 17-8-1662.

[36]  Không rõ Ngọc Liên công chúa sinh và chết năm nào, chỉ biết là sinh cuối thế kỷ XVI (khoảng 1595?), qua đời sau năm 1674; công chúa là chị của ba công chúa khác : Ngọc Vạn kết hôn với vua Campuchia Chey Chettâ II, Ngọc Hoa (Khoa) vợ của một Nhật kiều tại Hội An tên là Sataro cũng gọi là Nguyễn Taro, Ngọc Đỉnh kết hôn với Tướng Nguyễn Cửu Kiều, về Ngọc Liên công chúa :

–  A. de RHODES, Divers voyages et missions, sđd., Phần II, tr. 140, 187-189,241-242, 249.

–   L.CADIÈRE, Au sụịet de l’ épouse de Sãi vương, trong Bulletin des Amis du vieux Hué, 1922, tr. 221-232.

–   L. CADIÈRE, Une prinsesse chrétienne, cũng trong Bulletin des Amis du vieux Hué, 1939, tr. 49.

[37] A. de RHODES, Histoire du royaume de Tunquin, sđd, tr.164-165.

[38]  A. de RHODES, như trên, ư. 249 : “ Et pour ne se mesprendre point aux iours des festes, & des Dimanches, ils ont trouué moyen de dresser vn Calendrier, où sont marquees toutes les festes, & les ieusnes de 1’année, que les Catechistes font imprimer en la Ville Royale, & distrbuer apres par tout le Royaume”.

[39] URBANÔ VIII, tức Maffeo Barberini, sinh quán Fiorentino, Ý, đắc cử Giáo Hoàng 6-8-1623, bất đầu sứ vụ 19-9-1623, qua đời 29-7-1644.

[40] Manuel FERREIRA, Noticias summarias das perseguicões da Missam da Cochinchina, Lisbõa, 1700, tr. 187-288.

–  Archivum Romanum Societatis Jesu, Jap – Sin. 73, tờ 171.

–   Philiphê BỈNH, Truyện n’c Anam Đàng Traõ, Cuyển nhị, bản viết tay, Lisboa, 1822, tr. 443,448,453.

–    A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine, T. Ill, Paris, 1925,     tr. 506, 510, 515-516, 520.

[41]  Bản phiên dịch sang La ngữ do chính chữ Đắc Lộ, hiện lưu trữ trong Archivum Romanum Societatis Jesu, Jap – Sin. 68, tờ 47. Một bản chép lại bản dịch này còn trong Kho Lưu trữ Bộ Phúc âm hoá các dân tộc : Miscellanee diverse, vol. 16, tờ 78.

[42]  M. VITELIESCHI (1563-1645), người Ý, Bề trên Cả Dòng Tên từ 15-11-1615 cho đến khi qua đời 9-2-1645.

[43]   Archivio della Congregazione per /’Evangelizzione Dei Popoli, Miscellanee diverse, vol. 16, tờ 208-210, gửi. chuyến tàu lần thứ hai. Bản phiên dịch sang Pháp ngữ và La ngữ:

–   A.de RHODES, Histoire du royaume de Tunquin, sđd., tr. 259- 261.

–   A. de RHODES, Tunchinensis Historiae libri duo, Liber secundus, Lyon, 1652, tr. 141-142.

Trong cuốn A. de RHODES, S.I., Cathechismus pro iis qui volunt suscipere Baptismum in octo dies divisus, Nhà xuất bân Tinh -Việt, Sài Gòn, 1961, giữa trang XVI và XVII, có chụp lại bức thư bằng chữ Hán của bổn đạo Đàng Ngoài gửi cha Bề trên Cả Dòng Tên năm 1630, nhưng ở cuối trang, thav vì phải ghi chú là Bức thư giâo hữu xứ Bấc nhờ cha Đắc Lô gửi cha Bề trẽn Cả Dòng Tên (1630). thì lại ghi lầm là Bức thư giáo hữu xứ Bấc nhờ cha Đắc Lô gửi lên Đức Giáo Hoàng (1630). Lettre des chrétiens du Tonkin au Pape par rintermédiaire du p. de Rhodes (1630).

[44] A. de RHODES, Tunchinensis Historiae libri duo, Liber secundus, Lyon, 1652, tr. 141-142.

A.de RHODES, Histoire du royaume de Tunquin, Lyon, 1651, tr. 259- 261.

[45] A.de RHODES, Histoire du royaume de Tunquin, sđd., ư. 306-308.

Kiểm tra tương tự

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu Chăm Sóc Con Người

Yêu thương ai đó, chúng ta sẽ biết cách chăm sóc người ấy với nhiều …

Kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” sẽ mang đến cho bạn niềm hân hoan Phục Sinh trong tích tắc

Bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6, tương truyền kể lại rằng lời kinh “Lạy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *