Lm. Giuse Đỗ Quang Chính, S.J.
Tổng Hội 31 (1965-1966), trong Sắc lệnh 15, cho biết, để đáp lại ước nguyện của Đức Thánh Cha Phaolô VI trong Huấn dụ về “Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu” ban hành ngày 06/02/1965, đã quyết định lấy lại các sắc lệnh của các Tổng Hội trước về lòng tôn sùng Thánh Tâm, và khuyến khích mọi anh em trong Dòng “càng ngày càng phổ biến hơn lòng yêu mến đối với Thánh Tâm, và dùng lời nói cũng như gương sáng bày tỏ cho mọi người thấy Thánh Tâm là nguồn hứng và đà mạnh cho việc canh tân thiêng liêng và đời sống, tăng cường hiệu quả cho các định chế trong Giáo Hội, như Công Đồng Vaticanô II yêu cầu” (Trích trong Huấn dụ về “Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu”).
Với lòng tôn sùng Thánh Tâm, Dòng muốn coi:
- tình yêu Đức Kitô, mà biểu tượng là trái tim, là trung tâm đời sống thiêng liêng của chúng ta,
- chúng ta loan báo cho mọi người sự phong phú khôn lường của Đức Kitô, coi đó là Tin Mừng,
- chúng ta giúp các tín hữu biết đặt đức mến lên địa vị số một trong đời sống.
Dòng Tên có một truyền thống bền và mạnh về lòng tôn sùng Thánh Tâm. Có người đã nói: lòng tôn sùng Thánh Tâm đồng nghĩa với Dòng Tên. Điều đó hơi quá đáng, nhưng cũng phản ánh thực tế lịch sử là Dòng đã góp phần quan trọng hàng đầu trong việc cổ võ lòng tôn sùng Thánh Tâm.
Chúng ta có thể chia làm 3 thời kỳ:
- từ khởi thủy cho đến thánh Colombière.
- từ thánh Colombière đến khi Dòng bị giải thể.
- từ khi Dòng được tái lập đến nay.
I. TỪ KHỞI THỦY DÒNG CHO ĐẾN THÁNH COLOMBIÈRE
- Lòng sùng kính Thánh Tâm nằm trong logic của Linh Thao:
- nền linh đạo lấy Đức Kitô làm trung tâm.
- muốn noi gương bắt chước Chúa Giêsu vì yêu mến Người.
- gắn bó với Chúa Giêsu trong mọi tình huống.
- khát khao được nên giống Chúa Giêsu trong nghèo khó và khiêm nhường, đau khổ và sỉ nhục.
Thánh Inhã:
- thích kinh Lạy Hồn Chúa Kitô.
- thích bức ảnh “Đức Bà với trái tim”.
Như vậy, dù thánh Inhã và Linh Thao không nói gì đến Thánh Tâm, nhưng cơ sở lòng tôn sùng Thánh Tâm đã có, chỉ chưa có tên.
- Thế hệ thứ nhất
Ba người nổi tiếng thuộc thế hệ thứ nhất của Dòng là thánh Phêrô Favre (1506-1546), thánh Phanxicô Borja (1510-1572) và cha Giêrônimô Nadal (1507-1580) cùng nói nhiều đến lòng tôn sùng Thánh Tâm, nhưng vẫn chưa có từ ấy. Riêng thánh Borja đã sử dụng một thứ “kinh thần vụ nhỏ” về Thánh Tâm, bản kinh do một người bạn của ngài soạn vào năm 1545. Chắc chắn đây là bản kinh thần vụ đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội về Thánh Tâm.
- Chứng từ minh bạch đầu tiên
Thánh Phêrô Kanis (1521-1597) là Giêsu hữu đầu tiên dùng từ “Trái Tim Chúa Giêsu”. Vào ngày khấn trọng (04/09/1549), trước khi tuyên khấn trước mặt thánh Inhã trong nhà thờ Đức Mẹ Trên Đường, ngài đi cầu nguyện tại mộ thánh Phêrô và Phaolô. Cảm thấy mình bất xứng và yếu đuối, ngài được Chúa Giêsu cho thấy trái tim của Chúa, và nước từ nguồn mạch thánh thiện ấy thanh tẩy tâm hồn ngài. Ngài cầu nguyện:
“Hồn con nằm dưới đất, méo mó, dơ bẩn vì bạc nhược… Chúa đã như hé mở cho con thấy trái tim trong thân thể rất thánh của Chúa, và con hình như thấy được trái tim ấy ngay trước mắt. Chúa bảo con uống ở nguồn ấy, Chúa mời con múc lấy ơn cứu độ ở nguồn ấy. Và con khát khao ước mong những dòng suối Tin, Cậy, Mến từ trái tim Chúa chảy qua con. Con xin Chúa thanh tẩy trọn vẹn con người con, xin Chúa bận đồ cho con và trang điểm con. Cuối cùng, sau khi con đã đến với trái tim Chúa, đã dám giải khát ở đó, Chúa hứa mặc cho con ba nhân đức có sức mạnh nhất để bảo vệ hồn con và thích hợp nhất với lời khấn dòng: đó là bình an, yêu mến và bền đỗ. Được bộ áo ấy ban sức mạnh, con tin tưởng rằng mình không thiếu gì nữa, và mọi sự đều góp phần tôn vinh Chúa.”
Ngoài ra, thánh Phêrô Kanis cũng khuyên “kết hiệp ý muốn với trái tim Chúa Giêsu”, “xả thân cứu vớt các linh hồn, không đắn đo, vì Chúa Cứu Thế đã cho họ uống máu của Tim Chúa”, “làm tổ trong hốc đá, ẩn núp trong trái tim Chúa Giêsu đáng mến mỗi khi gặp cám dỗ”.
Do đâu thánh Phêrô Kanis có được linh đạo ấy? Có thể là do các bậc linh sư dòng Chartreux ở Kohl (Đức) mà ngài thường lui tới lúc còn đi học: họ đặc biệt có lòng tôn sùng Thánh Tâm. Nhưng chúng ta có thể chắc lý do chính yếu là vì ngài đã được tiếp xúc với thánh Phêrô Favre và thánh Inhã, đặc biệt qua Linh Thao.
- Cùng với thánh Phêrô Kanis, nhiều Giêsu hữu nổi tiếng khác trong thế hệ thứ hai như Ribadeneira, Alvarez, thánh Anphong Rodriguez, cũng đề cập đến lòng tôn sùng Thánh Tâm, nhưng không nhiều và rõ như thánh Phêrô Kanis.
- Đến thế kỷ XVII, lòng tôn sùng Thánh Tâm được phổ biến nhiều trong Dòng.
Alvarez de Paz, trong một tác phẩm vĩ đại, đã đề nghị tập cầu nguyện cảm ái, dành cho những người đã tiến bộ trên đường thiêng liêng, để tim mình nên giống tim Chúa Giêsu. Brudier (1562-1622) trong các tác phẩm về sự hoàn thiện trong đời sống thiêng liêng, và các tác phẩm của Luy du Pont (1554-1624) cũng theo cùng một đường hướng, dành cho lòng tôn sùng Thánh Tâm một phần quan trọng trong việc theo đuổi sự hoàn thiện. Cha Luy du Pont là linh hướng của Karina d’Escobar, một trong những tâm hồn ưu tuyển của Thánh Tâm trước thánh Margarita Maria.
Luy Lallemant (1578-1635) cùng với các đệ tử đã ảnh hưởng sâu xa đến lòng tôn sùng Thánh Tâm. Tuy nhiên trường phái Lallemant nhấn mạnh hơn về trái tim thiêng liêng, các tình trạng của linh hồn, nội tâm Chúa Giêsu, dù không quên trái tim bằng thịt của Người, nơi toàn thể thiên tính của Thiên Chúa ngự trị.
Guilloré (1615-1684) có khuynh hướng thần bí hơn nữa: ra khỏi truyền thống, chỉ rao giảng về trái tim thiêng liêng của Chúa Giêsu.
- Trái với khuynh hướng này, đối với nhiều Giêsu hữu đương thời, lòng tôn sùng Thánh Tâm vừa thể lý vừa thiêng liêng được trình bày như kết cuộc và chóp đỉnh của lòng tôn sùng Năm Dấu Thánh đã có từ thời Trung Cổ. Trường phái này có những tác giả tên tuổi như Pierre Farie (1589-1645), Tổng Quản Vinh Sơn Caraffa (1585-1671), Pierre d’Outreman, và Jean Paul-Janus (1604-1671). Với những tác giả này, thập giá được nhấn mạnh, biểu tượng trái tim bị thương được nhấn mạnh, và nối kết trái tim Chúa Giêsu với trái tim Mẹ Maria.
- Vào đầu và giữa thế kỷ XVII ở Hungari và Ba Lan xuất hiện 2 tác phẩm được nhắc đến nhiều trong lịch sử lòng tôn sùng Thánh Tâm.
Cuốn Sách của những người yêu mến trái tim rất thánh Chúa Giêsu của Matthia Hainal (1644) bằng tiếng Hungari:
- giải thích nhiều hình ảnh,
- đề cập đến tâm hồn trung tín hiến dâng cho Chúa Giêsu,
- nói minh bạch về những trái tim say mê trái tim Chúa Giêsu.
Cuốn Meta cordium Cor Jesu của Gaspard Druzbicki (1662) gồm 9 bài suy niệm và một kinh thần vụ nhỏ về Thánh Tâm. Trong phần mở đầu, tác giả viết: “Những bài tập này để tôn vinh Thánh Tâm nhằm trước hết đến trái tim thể lý, trái tim bằng thịt của Chúa Giêsu.”
Ngoài ra, Jean Wachalski, một nhà hùng biện Ba Lan thời đó, đã dịch ra tiếng Ba Lan nhiều tác phẩm của Luis de Grenade, một người rất tôn sùng Thánh Tâm.
Các Giám mục Ba Lan chẳng bao lâu sau đã đề xướng việc xin lập một lễ Thánh Tâm.
- Không thể kể hết những Giêsu hữu người Pháp cổ võ lòng tôn sùng Thánh Tâm. Tuy nhiên, không thể quên ba nhân vật nổi tiếng: Saint-Jure, Nouet và Huby.
Đến giữa thế kỷ XVII, những người tôn sùng Thánh Tâm vẫn tôn sùng riêng rẽ và không biết nhau. Saint-Jure (1585-1651) đã liên kết họ lại. Ngài được nhiều người trong nước biết đến và dự phần thân thiết vào đời sống của nhiều linh hồn trong cũng như ngoài Dòng. Thông thạo về lòng tôn sùng Thánh Tâm, ngài trình bày trong nhiều tác phẩm, nhất là trong cuốn Le livre des élus và L’homme spirituel. Tuy nhiên, ngài chưa nghĩ đến một hình thức đặc biệt để bày tỏ lòng tôn sùng Thánh Tâm.
Nouet (1608-1660) là một trong những người trước thánh Margarita Maria đã nói và viết hay nhất về Thánh Tâm. Trong cuốn L’Homme d’Oraison, có một đoạn dài trình bày rõ ràng về lòng tôn sùng Thánh Tâm. Tác giả nêu lên 4 nguyên động: (1) sự cao cả của Thánh Tâm, (2) sự phong phú của Thánh Tâm, (3) những đau khổ của Thánh Tâm, (4) lòng tôn sùng của các thánh. Ở đây, lòng tôn sùng Thánh Tâm tách hẳn với lòng tôn sùng Năm Dấu Thánh. Chính vì suy niệm Linh Thao mà Nouet đã khám phá ra Thánh Tâm. Việc dâng hiến với lòng quảng đại chẳng có gì khác hơn là lời dâng hiến trong bài Tiếng gọi vua trần gian giúp chiêm ngắm cuộc đời Vua Hằng Sống và trong bài Chiêm niệm để được Tình yêu. Dù không chỉ dẫn một thực hành đặc biệt nào, nhưng Nouet hướng tất cả đời sống thiêng liêng về Thánh Tâm.
Vincent Huby (1600-1693) không viết sách, nhưng lại giảng rất nhiều cho đại chúng và trong các kỳ tĩnh tâm về Thánh Tâm. Lòng tôn sùng Thánh Tâm nằm trong logic của Tin Mừng, nhất là khi chiêm ngắm thập giá. Từ đó dẫn đến việc bắt chước Chúa Giêsu vì yêu mến, làm cho con tim nhân loại được điều chỉnh theo con tim của Chúa Giêsu, và mặc lấy Đức Kitô. Huby tạo ra những bức tranh tượng trưng, phổ biến một tràng hạt Thánh Tâm, phân phát khắp nơi những bức ảnh trái tim Chúa Giêsu và Mẹ Maria, soạn những lời khấn nguyện và kêu cầu cảm động với Thánh Tâm.
- Ghi nhận: tất cả những việc tông đồ bằng lời giảng, bằng giấy bút, bằng linh hướng trên đây xảy ra đồng thời với những mặc khải lớn ở Paray với thánh Margarita Maria. Cuốn L’Homme d’Oraison của Nouet phát hành năm 1675. Tuy nhiên, không có gì cho phép kết luận rằng có ai trong số các Giêsu hữu trên đây đã biết những sự kiện ngoại thường ở Paray.
- Ngay từ cuối thế kỷ XVII, lòng tôn sùng Thánh Tâm đã vượt khỏi Châu Âu. Được dòng Tên và dòng Ursuliens truyền đạo, Brazil với thánh Giuse de Anchieta (1574-1597), Trung Hoa và Ba Tư đã được biết đến lòng tôn sùng Thánh Tâm.
- Tuy nhiên, không thể nói Dòng Tên là tác giả “lòng tôn sùng trái tim bằng thịt của Chúa Giêsu, như tâm điểm đời sống, tình yêu và hoạt động của Người”. Thực ra, Dòng Tên chỉ là người thợ giờ thứ 11. Trước đó, nhiều tu hội khác đã phải chịu vất vả và nóng nực cả ngày rồi. Ngay cả trong vòng một thế kỷ rưỡi, từ khi lập Dòng đến thánh Colombière, lòng tôn sùng Thánh Tâm phần lớn là công trình của dòng Biển Đức, Chartreux, Carmel, Đaminh, Phanxicô. Đồng thời với Saint-Jure, Nouet và Huby, những người phải được gọi là tông đồ nổi tiếng về lòng tôn sùng Thánh Tâm là Giuse du Tremblay dòng Capuchino và thánh Gioan Eudes. Ngoài ra, cũng phải kể đến tu hội Thăm Viếng đã thực hành lòng tôn sùng Thánh Tâm theo sự hướng dẫn và gương mẫu của thánh Phanxicô de Sales.
(Còn tiếp)